Trò chuyện Art Republik: “Sự sống” trong “Gia đình nhập cư” của Nguyễn Quốc Dũng
Chuỗi tác phẩm theo chủ đề “Gia đình nhập cư” của nghệ sỹ Nguyễn Quốc Dũng đang được trưng bày trong triển lãm nhóm “Những gia đình. Ngoài luồng” (“The families. Out of law”), diễn ra tại Hatch Art Project (Singapore), do Sue Oh giám tuyển và Bradley Foisset tổ chức. Bên cạnh Nguyễn Quốc Dũng, triển lãm còn có sự tham gia của ba nghệ sỹ: Eduardo Enrique, Iqi Qoror và Leonard Suryajaya.
Lại nói về các giới hạn bị phá vỡ hoặc đẩy đến tận cùng trong khủng hoảng, có lẽ không có nhiều trường hợp căng thẳng về cả không gian và tâm lý hơn những gia đình nhập cư, trọ ghép. Chuỗi tranh sơn dầu “Gia đình nhập cư” của hoạ sỹ Nguyễn Quốc Dũng mượn đề tài này để nói về sự sống và sự sống còn rất “người”, và vĩ mô hơn là những luồng ảnh hưởng kinh tế – xã hội sau nền, với một quá trình sáng tác và thể hiện công phu hơn sự tả kể rất nhiều.
Và nếu bạn nhận ra, loạt tranh này có thể coi như phần tiếp theo cho loạt tác phẩm về cuộc sống của người chuyển giới, cũng đã từng triển lãm tại Hatch Art Project, và Sàn Art (Sài Gòn).
Art Republik Việt Nam đã có cơ hội kết nối với nghệ sỹ Nguyễn Quốc Dũng. Qua cuộc trò chuyện này, mong rằng quý độc giả có thể hiểu hơn về sự suy niệm và nỗi trăn trở day dứt khôn nguôi của một người nghệ sỹ đối với những mảnh đời nhập cư, những “sự sống ngoài luồng”, những “khái niệm gia đình” phi truyền thống…vốn không xa lạ với bất cứ ai trong chúng ta giữa cuộc sống thị thành.
Anh có thể trao đổi qua về chủ đề của triển lãm nhóm “The Families. Out of Law.” mà anh đang có chuỗi tác phẩm tham gia tại Hatch Art Project, Singapore cùng với ba nghệ sỹ Eduardo Enrique, Iqi Qoror, Leonard Suryajaya?
“The Families. Out of Law.” là triển lãm nhóm của 4 nghệ sỹ quốc tế với hình thức thể hiện bằng tranh vẽ, sắp đặt và nhiếp ảnh. Tên gọi này xuất phát từ tính đa dạng của khái niệm “gia đình” trong xã hội hiện nay, vượt ra khỏi giới hạn của khuôn khổ hôn nhân và huyết thống.
Triển lãm lần này thúc đẩy một sự khám phá đối với chủ đề gia đình trong một lĩnh vực mở rộng, thách thức bởi các khái niệm của gia đình truyền thống. Như vậy, người xem được dẫn đến việc đặt câu hỏi rằng ngày nay “gia đình” có nghĩa là gì? Và khả năng tái định vị của các nghệ sỹ bên cạnh các khái niệm thay thế.
Đây là lần thứ hai anh triển lãm tại Hatch Art Project. Tôi còn nhớ, loạt tác phẩm tại đây năm 2018 của anh cũng mượn chủ đề cuộc sống phòng trọ, nhưng tập trung vào đối tượng người chuyển giới. Các tác phẩm lần này có phải là một sự mở rộng từ đó?
Tôi có mối quan tâm tới những tầng lớp yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội, như người chuyển giới và lao động nhập cư…trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và hội nhập toàn cầu.
Triển lãm thứ hai của tôi tại Hatch Art Project là một dự án mở rộng về những cộng đồng thiệt thòi mà tôi quan tâm. Giữa năm 2020 khi đợt dịch Covid-19 thứ hai tấn công vào Việt Nam, Bằng sự nhạy cảm của nghệ sỹ, tôi hướng năng lượng của mình về những người nhập cư sống ở phòng trọ tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ các tác phẩm khởi đầu, tôi đã nhận được phản hồi tích cực từ mọi người như: giám tuyển, bạn bè, và đặc biệt là từ những người nhập cư…
Sau đó tôi phát triển dự án “Motel Room” thành một bộ lưu trữ mới bên cạnh “Người Chuyển Giới”.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang lên đến đỉnh điểm và Sài Gòn đang trải qua những ngày phong tỏa tại gia, những tác phẩm của anh càng có tính thời sự, bởi chúng gợi mở cho người xem những xung đột quan hệ của những người phải sống chung trong một không gian chật chội. Anh có thể diễn giải đôi chút về một vài tác phẩm trong loạt “gia đình nhập cư” ở bối cảnh hiện nay?
Có thể thấy người nhập cư rất khó khăn trong giai đoạn này, khi các thành viên phải chia sẻ nhau trong căn phòng trọ chật hẹp. Bức tranh “Gia đình nhập cư #13” ở đây miêu tả hình ảnh người mẹ dùng chăn che cho người bố, cho thấy không gian riêng đã được tạo ra trong sự thích ứng của họ với hoàn cảnh sống. Nó minh họa cho sự ứng biến của người nhập cư để thích nghi với cuộc sống khó khăn hiện tại. Tác phẩm thể hiện cái nhìn trực diện của tôi về những gì là “con người”, bóc tách từng hoạt động tâm lý có phần giống với học thuyết phân tâm của Sigmund Freud, đẩy lên cao trào đến mức kịch tính của hoàn cảnh.
Và tác phẩm “Gia đình nhập cư #5” diễn tả hình ảnh của người phụ nữ và cô gái trong căn phòng thuê trọ, có thể thấy tôi chỉ vẽ một sinh hoạt thường nhật. Tôi tiếp cận cuộc sống nhẹ nhàng chậm rãi từ bên trong và xây dựng tác phẩm một cách tự nhiên, kỹ lưỡng và sâu sắc, chứ không vội vàng để bắt kịp chuyển động của cuộc sống.
Vì thế tác phẩm của tôi chuyển tải câu chuyện theo cách thâm nhập sâu chứ không gào thét, tả kể.
Phòng trọ thể hiện một cuộc sống bấp bênh tạm bợ của người lao động nghèo bám trụ ở thành thị để tìm tương lai tốt đẹp hơn. Đợt tấn công thứ 4 của đại dịch Covid-19 đã khiến một số đông người nhập cư phải hồi hương. Giấc mơ về tương lai tốt đẹp tại thành thị đã bị “phá sản”. Sự kiện này cho thấy cuộc sống của gia đình người nhập cư không có gì đảm bảo, dù chỉ là nhu cầu thiết yếu như: ăn, mặc và ở. Đứng trước những biến động và chịu ảnh hưởng từ đại dịch, tương lai của họ càng chênh vênh và vô định.
Tác phẩm ưa thích với tôi trong loạt này có lẽ là “Gia đình nhập cư #3”, vì sự bí ẩn không rõ ràng của mối quan hệ giữa hai nhân vật nam. Anh có thể chia sẻ thêm về tác phẩm này?
Chúng ta thường nghĩ về gia đình với hình ảnh truyền thống, ngày nay định nghĩa gia đình đã được mở rộng cho những cộng đồng khác như LGBT hay những người ngoài thể chế hôn nhân và luật pháp. Điều này gây tranh cãi khi so sánh với khái niệm gia đình thuần tuý.
Tác phẩm được tôi vẽ trong giai đoạn đang diễn ra cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. Chính trị nước Mỹ luôn thu hút nhiều sự quan tâm của thế giới, và một lần nữa quyền lực được chuyển giao bởi hai người đàn ông. Điều này làm tôi liên tưởng đến “quyền gia trưởng” trong truyền thống gia đình, và ảnh hưởng của nó với nhiều nước trong khu vực Châu Á. Một thể chế lâu đời trao quyền lực cho người đàn ông trong gia đình. Liệu ngày nay gia đình đã thoát ra những rào cản của quan niệm thể chế truyền thống, và chế độ nam quyền bị thách thức ra sao?
Sự bí ẩn trong mối quan hệ giữa hai nhân vật, rốt cuộc vẫn là để người xem suy nghĩ theo cách của mình.
Vâng, tôi để ý thấy tờ báo đăng hình bầu cử của Donald Trump, và cũng rất thích cách anh đưa bức chép tranh Tàu cổ Mã Đáo Thành Công vào không gian. Quay lại quá trình sáng tác, một câu hỏi thường gặp từ khán giả triển lãm khi xem tranh anh đó là mối quan hệ giữa nghệ sỹ và nhân vật trong tranh. Để có được sự tin tưởng của họ, để được họ chấp nhận chia sẻ những giây phút riêng tư nhất hẳn là một quá trình cần thời gian. Xin anh chia sẻ thêm về các bước đi thực tế và sáng tác?
Mọi người thường tò mò làm thế nào mà tôi có thể thuyết phục họ chia sẻ sự riêng tư. Đúng là cần một quá trình, nhưng đó là chưa đủ cho thực hành nghệ thuật của tôi. Tôi đã trải qua giai đoạn đi làm công nhân và sống trong những căn phòng trọ, trở thành bạn của những con người sinh sống trong môi trường đó, làm việc tại đó, và chúng tôi chia sẻ với nhau về những khó khăn trong cuộc sống.
Nhiều lúc nỗi lo của họ cũng là nỗi lo của tôi, lúc đó tôi gạt bỏ suy nghĩ mình là nghệ sỹ. Đối với tôi công việc sáng tạo có thể ví như người nông dân cày trên mảnh ruộng, đó là quá trình gian khổ để người nghệ sỹ nâng cao chất lượng tác phẩm, cũng như tác động của nó tới xã hội đương đại.
Tuy nhiên, tranh hiện thực không phải sinh ra để tả kể như một hình thức báo chí. Xét về kỹ thuật biểu đạt thị giác, anh thấy mình đã trưởng thành thế nào kể từ khi bắt đầu theo đuổi loạt đề tài này từ 2015?
Tôi bắt đầu vẽ rất nhiều về phòng trọ từ năm 2012. Lúc đó tôi chưa kết nối các ý tưởng lại với nhau, mọi thứ rời rạc, tôi vẽ và cất lại đó. Phòng trọ cũng là đồ án tốt nghiệp trường Đại học Mỹ Thuật của tôi năm 2014, mọi thứ lúc đó thật sơ khai.
Năm 2015 tôi tham gia chương trình nghệ sỹ lưu trú tại Sàn Art, với bức tranh lớn “Chấp nhận chính mình” vẽ cuộc sống của người chuyển giới, và tiếp tục dự án đến năm 2020. Giữa năm 2020 tôi vẽ lại “phòng trọ” với cái nhìn khác. Lúc này “phòng trọ” trở nên khó hiểu hơn, câu chuyện trở nên hiện thực hơn, cũng phi lý hơn, và gần gũi hơn.
Tôi thường sử dụng nhiếp ảnh như phương tiện cho công việc của mình, tuy nhiên bức ảnh chỉ diễn tả rất mỏng về cuộc sống. Công việc của tôi miêu tả một cảm nhận sâu hơn về cuộc sống, một cái nhìn mang tính phân tích sâu. Điều này khiến cho tác phẩm tự phản biện, bên cạnh những nhát cọ gian khổ, kiên nhẫn trong quá trình thực hành biểu đạt thị giác.
Tôi đã đón nhận được sự trao đổi tích cực từ phía giám tuyển Nguyễn Như Huy cho tác phẩm của tôi. Triển lãm lần này chỉ là giai đoạn đầu trong hành trình lao động bền bỉ và đầy thách thức của một dự án nghệ thuật.
Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện cởi mở này! Xin chúc anh nhiều sức khoẻ và luôn giàu năng lượng sáng tạo!
Thực hiện: Ace Lê
Về tác giả:
Ace Lê là Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University. Anh là đồng sáng lập của nhóm giám tuyển độc lập Of Limits, đơn vị được trao giải 2020 Platform Projects Curatorial Award bởi NTU CCA Singapore.