Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Dương Tường: “Mỹ thuật cần sự bứt phá, không thoả hiệp”

Sep 16, 2022 | By Lê Thuận Uyên

Ông là nhà báo, nhà thơ, dịch giả, cây viết về mỹ thuật, văn chương, người lưu giữ ký ức một thời kỳ. Ông miệt mài lao động và đi chơi. Tới tận năm 90 tuổi, ông vẫn đau đáu với công việc. Có hôm, ông tâm sự: “Thèm viết lắm cháu ạ!”

Dương Tường (phải) cùng nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân (trái) uống rượu tại một quán nhỏ trên ngõ Tạm Thương, Hà Nội. Ảnh: Trần Lương

Thật khó để tìm một danh xưng cho Dương Tường, bởi tinh thần và thực hành của ông không khu biệt ở bất cứ lĩnh vực nào. Ông là nhà báo, nhà thơ, dịch giả, cây viết về mỹ thuật, văn chương, người lưu giữ ký ức một thời kỳ. Chân dung Dương Tường gần với một giếng nước, trong vắt, sâu hoắm nhưng không hé lộ quá nhiều thứ trên bề mặt. Ông miệt mài lao động và đi chơi. Vâng, ông đi chơi nhiều, giao thiệp rộng khắp các nhóm văn nghệ sỹ. Đến mức nhiều người phải thắc mắc không biết ông làm việc lúc nào mà vẫn cứ ra tác phẩm đều đều. Nhưng cũng chính bởi cái thú tiêu dao ấy mà Dương Tường thú vị và đa dạng. Nó giúp ông hình thành nhãn quan lập thể, một tư duy liên ngành, một tinh thần khoáng đạt, không bị đóng khung trong bất cứ một lĩnh vực nào.

Dù không qua bất cứ hệ đào tạo mỹ thuật chính quy nào, Dương Tường là một nhân vật không thể không nhắc tên của mỹ thuật giai đoạn Đổi Mới. Ông gần gũi và thấu hiểu tính cách, cá tính hội hoạ của các bạn bè cùng thế hệ, như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Trọng Kiệm, Hoàng Lập Ngôn. Với đàn em, Dương Tường là người anh lớn, là “huấn luyện viên” đầu đời cho lớp hậu bối, trong đó có nhóm Gang of Five, Hoàng Hồng Cẩm, Lê Quảng Hà… Ông đồng thời cũng nhìn thấy được cái hay của những kẻ sỹ “ngoài lề” như Vũ Dân Tân, Trần Trung Tín. Và tới giờ, tinh thần sáng tạo của ông vẫn để lại dư vị rõ nét, là nguồn cảm hứng cho thế hệ nghệ sỹ trẻ hơn như Lý Trần Quỳnh Giang, Nguyễn Trinh Thi; cho nhiều khán giả mến mộ văn học – nghệ thuật.

Dương Tường qua con mắt của Bùi Xuân Phái. Ảnh tác phẩm thuộc triển lãm “Dương Tường qua con mắt bạn bè” diễn ra tại Mai Gallery (Hà Nội, 2017).

Dương Tường là một nhân vật quan trọng không chỉ vì ông quen biết nhiều, mà hơn hết vì ánh nhìn của ông chạm được tới tâm khảm của các nghệ sỹ – đồng điệu và thấu hiểu biểu đạt thẩm mỹ của họ. Phải chăng, vì thế mà ông luôn phát hiện được các nhân tố “lạ”?! Dương Tường tìm kiếm ở các nghệ sỹ thứ mà chính ông đeo đuổi – khao khát tri thức, thái độ sáng tạo không thoả hiệp, tinh thần thử nghiệm, từ chối công thức.

Dương Tường chụp cùng nghệ sỹ Nguyễn Minh Thành. Ảnh do Veronika Radulovic cung cấp.

Dương Tường còn là một “đại sứ văn hoá không chính danh” của Việt Nam. Căn nhà của ông ở ngõ Phan Huy Chú được biết đến như tụ điểm văn hoá một thời. Cánh cổng không bao giờ khoá, luôn chào đón lữ khách tứ xứ ghé chân tìm hiểu về nghệ thuật Việt Nam. Ông đóng vai trò không nhỏ trong việc kết nối Nora Taylor với cộng đồng nghệ sỹ ở Hà Nội, góp phần giúp bà thực hiện được nghiên cứu/cuốn sách “Hoạ sỹ Hà Nội”. Không chỉ là người kết nối những người nước ngoài tới Việt Nam, vào những năm 90, Dương Tường còn vô cùng năng nổ “mang chuông đi đánh xứ người”. Những triển lãm đầu tiên của nghệ sỹ Việt Nam ở nước ngoài sau Bao Cấp – ở Hà Lan, Hồng Kông (Plum Blossom Gallery & Galerie La Vong), Mỹ (qua Indochina Arts Partnership)… – có một phần vai trò của Dương Tường. Ông đi khắp chốn, giới thiệu các nghệ sỹ trong nước tại các cuộc trưng bày nước ngoài; kết nối quang cảnh nghệ thuật Việt Nam hậu Đổi Mới với cộng đồng nghệ thuật quốc tế.

Ảnh chụp bài báo Dương Tường viết về nhóm hoạ sỹ trẻ – Gang of Five – những năm 1990 trên tạp chí Asian Art News. Ảnh thuộc dự án khảo cứu nhóm Gang of Five.

Gần như bất khả để có thể phác họa chân dung Dương Tường trong giới hạn của bài viết. Sự hiện diện của Dương Tường trong cộng đồng mỹ thuật rải rác ở những tấm ảnh lưu trữ, ký ức của bạn bè đồng nghiệp, ở chính những quan sát sắc bén được ông lưu lại trong tuyển tập “Chỉ tại con chích choè” (NXB Nhã Nam). Rốt lại một điều sau cùng về Dương Tường, tôi cho rằng, hơn hết, ông là người yêu lao động. Cộng đồng nghệ thuật có lẽ mến mộ và cảm phục ông cũng vì nhẽ ấy. Cộng đồng là vậy, năng lượng sáng tạo được cộng hưởng khi những cá nhân trong nó dấy lửa. Tới tận năm 90 tuổi, khi mắt không còn nhìn được, bàn tay phần nhiều run rẩy, ông vẫn đau đáu với công việc. Có hôm, trong một lần tới thăm, ông tâm sự với tôi: “Thèm viết lắm cháu ạ!”. Tôi gợi ý mình chép lại cho bác, rồi đọc lên để bác sửa. Ông lắc đầu quầy quậy, nói rằng mỗi người có một cách làm việc. Cách của Dương Tường là tự lực cánh sinh, không quen có phụ tá theo sau ghi chép. Viết với ông không chỉ là một phương tiện, nó là hành vi, là ngưỡng đo suy nghĩ và tâm lý. Sự nhạy cảm đối với ngôn từ đến từ việc tương tác với ngòi bút, ở điểm này phương pháp sáng tác của ông có phần tương đồng với các hoạ sỹ.

Dương Tường chụp ảnh cùng Gang of Five tại triển lãm chung của nhóm, diễn ra ở phòng trưng bày của Hội Mỹ thuật (16 Ngô Quyền), năm 1993.

Ở tuổi này, Dương Tường đã “chịu thôi, đầu hàng số phận!”[2] nhưng ông vẫn chăm chú dõi theo những người trẻ, vẫn bàn luận sôi nổi về mỹ thuật một thời kỳ. Sự tham gia của ông – cùng Nguyễn Quân, Nguyễn Việt Hải, Thái Bá Vân và một số cá nhân khác mà phần Feature của Art Republik #4 lược khảo – đã phần nào chấn hưng quang cảnh mỹ thuật tĩnh lặng, gò bó và đầy khuôn phép.

Bài: Lê Thuận Uyên

Chú thích:

[1] Tựa ““Mỹ thuật cần sự bứt phá, không thoả hiệp”: Trích phỏng vấn Dương Tường về quang cảnh mỹ thuật những năm 90, trong khuôn khổ nghiên cứu cho triển lãm Gang of Five, ngày 28 tháng 2 năm 2017.

[2] Trích lời của Dương Tường.


 
Back to top