ART & CULTURE

KTS Trung Trần: “Tôi yêu chất mộc và tính nguyên bản của mọi thứ trong kiến trúc”

Sep 21, 2020 | By Trang Ps

Người ta thường nói một tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của người sáng tạo ra nó. Điều tương tự cũng diễn ra với kiến trúc: một công trình sẽ lộ rõ tính cách của kiến trúc sư.  Khi nghe KTS Trung Trần trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được tính nhẹ nhàng uyển chuyển và chất thiền trong không gian anh thiết kế là một phần của tâm hồn anh vậy. 

Chào anh Trung Trần! Là một KTS lâu năm, anh có thể chia sẻ về những công trình mà anh thường tập trung thiết kế?

Kiến trúc của tôi tập trung chính vào những công trình dân dụng. Thời gian trước, tiêu chí bên tôi khá rộng nhưng về sau, tệp khách hàng hạn chế lại theo định hướng phong cách của mình. Mục đích là tạo ra những công trình mang tinh thần cá nhân của nhà sáng tạo chứ không nhắm tới mở rộng mặt hàng kinh doanh.

Kiến trúc là tổng hòa của 50% kỹ thuật và 50% nghệ thuật. Việc đi tìm tiếng nói riêng trong một dự án đòi hòi bản thân phải đánh đổi số lượng để nắm chắc phần chất lượng. Công năng có thể dễ dàng thay đổi một cách linh hoạt, nhưng nghệ thuật (bao gồm ý niệm và cảm xúc đặt vào) mới khiến kiến trúc sư tự hào.

Anh có nhắc đến việc thu hẹp tệp khách hàng để thỏa mãn phong cách cá nhân, vậy đặc trưng trong phong cách kiến trúc của Trung Trần được thể hiện như thế nào?

Đa phần, những công trình mà tôi thiết kế sẽ gần với bản tính bên trong mình, mà nói đúng hơn là những điều mà tâm tính tôi hướng tới. Tôi muốn hoàn thiện bản thân hơn thông qua chính đam mê cá nhân.

Những không gian mà tôi thiết kế thường nhẹ nhàng và mang chất thiền. Tôi chịu ảnh hưởng khá nhiều từ tinh thần Zen: lối sống giản đơn, gọn gàng và ngăn nắp. Đôi khi, tôi có sử dụng một số gam màu nóng như đỏ và vàng nhưng về tổng thể, công trình vẫn toát lên năng lượng nhẹ nhàng và tĩnh tại. Cũng phải bổ sung thêm là, tôi không phải là người nghiêng về đạo hay thiền nhưng có thực hành yoga suốt nhiều năm qua.

Thứ hai là tính không gian. Dù dự án đó là một căn hộ nhỏ bé, nó vẫn mở ra không gian phóng khoáng thay vì tù túng. Tôi chú tâm độ cao thấp, rộng hẹp của ngôi nhà. Như tôi từng chia sẻ, khi đặt bút vẽ, tôi muốn nói rằng mỗi con người bước vào một không gian sẽ mang những tính cách khác nhau, và lối vào là những tính cách khác nhau ấy. Các công trình thường rất nhẹ về tính trang trí, có những mảng tường hoàn toàn trống trơn. Tôi tin rằng những đường lượn của trần đèn, tường và nền đã mang đến ấn tượng thị giác riêng biệt và độc đáo.

Thứ ba là ý niệm. Mỗi công trình là một câu chuyện kể hay nhiều hơn thế. Sau những giờ trao đổi và làm việc liên tục cùng gia chủ, tôi hiểu phần nào cá tính và mong muốn của họ, từ đó gợi tưởng đến một hình ảnh (concept) cho ngôi nhà. Chẳng hạn, có công trình, tôi chọn ý niệm là những con sóng, giọt nước, chiếc thuyền, giọt nắng hay giải lụa. Tôi nhớ, trong một lần trò chuyện cùng gia chủ, biết họ là những người đã trải qua nhiều sóng gió trong đời nên bản thân liền nghĩ tới chuỗi tràng hạt, như biểu tượng của sự bình yên. Để mỗi lần nhìn chuỗi tràng hạt đó, gia chủ và các thành viên cảm thấy an lành hay tự nhủ “mọi chuyện rồi cũng sẽ qua”.

Với kiến trúc sư, phong thủy là khái niệm quen thuộc với họ. Nhưng với cá nhân anh thì sao, anh đã áp dụng học thuyết này vào những công trình của mình như thế nào?

Không thể phủ nhận rằng phong thủy cổ xưa có nhiều ý nghĩa, dù hôm nay nó đã ít nhiều bị biến tướng. Với cá nhân tôi, phong thủy mà bản thân áp dụng trong các công trình chủ yếu là khí trời (năng lượng bên ngoài) đưa vào nhà và di chuyển ra sao cho hài hòa với năng lượng con người bên trong. Rõ ràng, một ngôi nhà tù túng và ngột ngạt là không tốt. Sự đối lưu không khí phải mềm mại, uyển chuyển và tự nhiên để nâng tâm trạng cũng như đảm bảo việc hít thở, sinh hoạt, nghỉ ngơi được lành mạnh.

Thế nhưng, nhiều người đang áp dụng phong thủy một cách mù quáng, và việc lạm dụng như vậy càng khiến ngôi nhà trở nên xấu đi, lợi bất cập hại. Việc tuân thủ “nghiêm ngặt” đôi khi lại bắt nguồn từ nỗi sợ hãi của gia chủ, kết quả là việc làm ăn lẫn sinh hoạt trong đời sống hàng ngày bị đi xuống.

Tôi quan niệm “con người nằm trong phong thủy”, tức người sử dụng là tác nhân chính đem lại phong thủy cho ngôi nhà đó chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào đặc tính của công trình.

Tôi quan niệm “con người nằm trong phong thủy”, tức người sử dụng là tác nhân chính đem lại phong thủy cho ngôi nhà đó chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào đặc tính của công trình. Nếu con người hiền hậu, điềm đạm và năng lượng ổn định thì khi hòa lẫn vào không gian, không gian đó cũng trở nên như vậy. Nhưng nếu con người luôn mang trong mình năng lượng tiêu cực thì dù có lưu trú trong nhà ở thông thoáng tiện nghi thì sự tiêu cực ấy cũng sẽ bao choáng hết công trình.

Đối lưu không khí là một phần quan trọng nhưng ánh sáng cũng là yếu tốt rất cần thiết để đảm bảo năng lượng tốt cho ngôi nhà. Anh có chia sẻ gì về điều này?

Với nhà ở, ánh sáng cần đảm bảo yếu tố cân bằng. Không gian riêng tư như phòng ngủ có thể tối hơn một xíu nhưng không gian sinh hoạt thì cần ánh sáng, và ánh sáng trong nhà phải cân bằng với ánh sáng ngoài trời.

Ở Việt Nam, ngoài trời thường nắng gắt, vì thế việc chọn sơn màu đậm cho nhà ở là không phù hợp vì gam sắc này sẽ khó cân bằng. Chúng ta nên chọn sơn màu sáng để khi ánh sáng rọi vào thì có sự khúc xạ. Nếu dùng màu đậm, ánh sáng đến điểm đó sẽ không thể đi tiếp nữa, tạo nên điểm quá tối, điểm quá sáng, thiếu cân bằng. Tuy nhiên, những nhà ở tại Bắc Âu có thể thường dùng sơn màu đậm để nâng tâm trạng vì thời tiết bên đó khá ảm đạm và thiếu ánh nắng mặt trời.

Sơn màu đậm sẽ phù hợp với các nhà hàng hay quán bar vì chúng ta không lưu trú ở đó 24/24. Chúng ta thường đến đó vào buổi tối và sơn đậm sẽ phát huy hiệu ứng ánh sáng đèn. Vì thế, tôi thường sử dụng gam màu đậm như đỏ và vàng cho một số nhà hàng hay quán cà phê để tạo ấn tượng thị giác và sự thích thú.

Sự thô ráp của trần nhà hay vẻ đẹp nguyên sơ nhưng mềm mại của xi măng, nội thất… trong ngôi nhà dường như lặp đi lặp lại trong các công trình của anh?

Tôi yêu chất mộc và tính nguyên bản của mọi thứ trong kiến trúc. Tính mộc ấy còn thể hiện trong việc lựa chọn màu sắc cho ngôi nhà. Tôi thường sử dụng màu gốc của xi măng, màu của nước và đá tự nhiên,… để con người cảm thấy họ không còn mắc kẹt trong tính công nghiệp của xã hội hiện đại khi quay về tổ ấm của mình.

Với KTS Trung Trần, 3 yếu tố quan trọng theo thứ tự trong một công trình là gì?

Nhiều người lựa chọn công năng luôn là số một nhưng với tôi, cảm xúc là số  một, công năng là số hai và kỹ thuật là số 3. Công năng có thể dễ dàng xử lý, chỉ cần theo sát ý tưởng của chủ sở hữu thì chúng ta có thể thiết kế phù hợp. Nhưng để đạt được cảm xúc thì khó hơn nhiều. Cảm xúc bao gồm cảm hứng, câu chuyện, ý niệm mà ta “tiếp xúc” với công trình. Nếu không thể tìm ra được ngôn ngữ câu chuyện riêng cho công trình ấy thì đôi lúc phải hủy bỏ cả dự án.

Cám ơn KTS vì những chia sẻ thú vị nhé!

Bài: Trang Ps | Ảnh nhân vật: Nhân Huỳnh | Ảnh nhà ở: Đỗ Sỹ


 
Back to top