ART & CULTURE

Lặng mình trước vẻ đẹp màu nhiệm trong “Mùa nước nổi” của Ca Lê Thắng

Dec 14, 2021 | By Trang Ps

Họa sĩ Ca Lê Thắng (sn. 1949, Bến Tre) đã mang đến một Mùa Nước Nổi ngoài sức tưởng tượng thông thường của chúng ta về thiên nhiên mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vẻ đẹp mầu nhiệm và huyền ảo mà ông thể hiện khiến kẻ thưởng lãm phải bất ngờ rồi lặng mình chiêm nghiệm. 

Là một họa sĩ có tiếng trên thị trường, nhưng Mùa Nước Nổi lại là triển lãm cá nhân đầu tiên của Ca Lê Thắng khi ông đã ở độ thập cổ lai hy. Có lẽ đó là một lựa chọn khá bất thường, nếu không nói là đặc biệt, khi so sánh với điểm chung trong giới họa sĩ. Ông đã sáng tác Mùa Nước Nổi trong suốt một thập kỷ, series gồm 50 bức, trong đó có nhiều bức vài mét vuông được ông vẽ một cách liên tục.

Loạt tranh này của ông đẹp và huyền ảo như một giấc mơ. Và suốt một đời người, có mấy giấc mơ mà thật long lanh và mầu nhiệm đến thế. Có lẽ, phải thật yêu, thật say, thật mộng mơ với thiên nhiên mùa lũ Đồng bằng sông Cửu Long thì mới có thể phô diễn lên tấm toan một thế giới vừa huyền bí vừa gần gũi, vừa sâu sắc vừa giản dị, vừa xa xăm vừa mộc mạc, vừa say vừa tỉnh,… Ở đó, thiên nhiên Nam bộ mới lạ làm sao, nhưng cũng thật bình dị làm sao.

Xem tranh của Ca Lê Thắng, tôi nghĩ đến sự du dương và thong dong của thiền hành, và chữ “buông” trong đạo Phật. Bởi ở đó, tôi không thấy một chút gượng ép nào của màu, của kỹ thuật, và sau tất cả là của một tâm hồn. Phải chăng cũng vì chạm đến chữ “buông” này, mà Ca Lê Thắng thấy rằng đây là thời điểm thích hợp cho một triển lãm cá nhân, một sự kiện đánh dấu con đường sáng tạo của ông đã chạm được vào được suối nguồn chân tâm.

Tôi nghĩ “cái thấy” của Ca Lê Thắng đã chạm đến một điều gì đó gọi là thả lỏng mà thấy, tự nhiên mà thấy bằng con tim và trực giác của mình. Không còn khuôn mẫu thấy, không còn quan niệm thấy, mà chỉ đơn giản là thấy ra theo cách của mình. Tranh ông vẽ cũng làm tôi liên tưởng đến “huyễn”. Có chút gì đó không thực. Và trong cái không thực ấy, ta lại thấy cái thực. Thực – ảo đan xen nhau, tạo nên sự trọn vẹn cho “cuộc đời” của bức tranh ấy. Và trong cuộc sống này, chẳng phải con người cũng đang chuyển mình giữa hư và thực đó sao?

Những bức tranh như những thước phim xoẹt ngang, quá nhanh để nắm bắt hình dạng rõ ràng, nhưng cũng vừa đủ để mường tượng ra hình hài của nó.

Mùa Nước Nổi của Ca Lê Thắng khiến tôi, và có lẽ cả bạn nữa, nhớ lại những giấc mơ mà mình đã từng mơ, chúng chẳng phải cũng mơ hồ đến thế sao? Mơ hồ nhưng đủ để cảm nhận. Đủ để biết rằng nội dung thông điệp cơ bản của nó mang đến là gì. Và đôi khi, không cần một thông điệp nào, mà chỉ đơn thuần ấy là một dấu hiệu.

Mùa Nước Nổi của Ca Lê Thắng là một dấu hiệu cho riêng ông. Và một dấu hiệu cho chúng ta về cách mà chúng ta có thể cảm nhận về thế giới xung quanh mình vốn không cần đi theo một khuôn khổ nhất định nào.

Bằng cách sử dụng chất liệu tổng hợp, tranh của ông khiến ta thấy ra tính loang lỏng tự do của màu nước, sự tối giản mà “thâm sâu” của mực, hay sự sôi nổi của sơn dầu,… Tất cả làm nên một thế giới đa sắc màu, cũng giống như một tâm thức phong phú và thú vị.

Hẳn những người con Nam Bộ phải “ồ lên” khi nghĩ về Nam Bộ của mình mầu nhiệm khác lạ thế này hay sao. Và cũng chính những người không biết nhiều về Nam Bộ, không sinh ra ở Nam Bộ, phải bất ngờ trước con mắt trữ tình và trí tưởng tượng dồi dào, mới lạ của tác giả. Có lẽ, sự tự do tâm thức mới đưa đến những sáng tạo không chỉ gây ngạc nhiên mà còn mời gọi nhiều những chiêm nghiệm.


Triển lãm cá nhân Mùa nước nổi của họa sĩ Ca Lê Thắng diễn ra từ nay đến ngày 18/12 tại Art Space, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).


 
Back to top