Mỹ nhân điện ảnh thế hệ mới (Kỳ 1): Hoàng Hà của Trịnh và em
Hoàng Hà thích những thứ đơn giản, nhưng bất ngờ và bùng nổ. Trùng hợp thay, những tính từ này vừa vặn để miêu tả sự nghiệp của cô đến thời điểm hiện tại.
Nhìn vào những vai diễn trước đây của Hoàng Hà và con người thật của cô sau ống kính, thật dễ để đánh đồng tính cách của diễn viên với nhân vật. Nhưng nếu không cẩn thận, khán giả sẽ bị “thổi bay” khi một ngày Hoàng Hà thay đổi, vì ở dưới nụ cười rạng rỡ là những tầng suy nghĩ sâu sắc, những đổi khác về tư duy mà Hoàng Hà đang từng ngày tích lũy.
Vụt sáng qua vai diễn Dao Ánh trong bộ phim “Em và Trịnh,” Hoàng Hà chia sẻ: “Thật ra tôi không có cảm giác mình đã hoạt động trong nghề đến 7 năm, vì trước khi được khán giả biết đến, tôi dành phần lớn thời gian học về chuyên môn và bồi đắp tư duy”. Trong tâm tưởng của cô, hoạt động nghệ thuật đồng nghĩa với nỗ lực xuất hiện trước công chúng không ngừng nghỉ. Trong khi Hoàng Hà chỉ ở phía sau ánh sáng, tự học hỏi, tự trau dồi khả năng diễn xuất. Đến khi được nhiều người quan tâm hơn, “Hà vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Hóa ra đã đến lúc cho thế giới thấy tôi có thể làm được gì rồi sao?”
Hoàng Hà, như mọi nghệ sĩ khác, có nhu cầu thể hiện bản thân lớn, mặc dù công việc của diễn viên lại là lột tả… một con người khác.
Ví dụ như khi thủ vai Dao Ánh, Hoàng Hà phải học cách đi đứng, ăn nói của cô, học cả thần thái nhân vật bằng cách đặt hình nền điện thoại là Dao Ánh trong một khoảng thời gian dài. Khi đầu tư vào một tính cách như vậy, cá tính diễn viên sẽ được thể hiện ở đâu? Theo Hoàng Hà, đó là tư duy diễn xuất. Trong một bộ phim, mọi phân cảnh đều có mục đích, vì vậy cần một người diễn viên hiểu tâm lý và hành động của nhân vật, từ ánh nhìn đến cách vén tóc.
Khán giả ít có cơ hội chứng kiến, nhưng sự chuyên nghiệp khi làm việc cùng đội ngũ trong quá trình sản xuất và quảng bá sản phẩm cũng là một điểm tính cách làm nên thương hiệu của một diễn viên. Điều này được bồi đắp qua năm tháng, tăng tiến cho cả cá nhân lẫn tập thể. Và cuối cùng, Hoàng Hà nhắc đến năng khiếu: “Làm trong ngành sáng tạo cần có một chút năng khiếu thì sẽ thuận lợi hơn, để mọi cố gắng có thể gặt hái được thành quả.”
Từ khi “Em và Trịnh” công chiếu, màn hình điện thoại của Hoàng Hà đã không còn là Dao Ánh, mà thay vào đó là hình ảnh của chính mình. Hoàng Hà phải trở lại là bản thân, để học và hiểu về bản thân mỗi ngày: “Sau hành trình cùng vai diễn Dao Ánh, tôi nhận ra sự quan trọng của việc yêu bản thân mình, cũng ngang tầm với việc yêu một nhân vật vậy. Nếu không thể nhìn thấy và quý trọng giá trị của chính mình, tôi mãi mãi sẽ ở đấy, cứ nhớ đến nhân vật ấy, và không thể nào đi tiếp được.”
Tôi thắc mắc cô diễn viên trẻ này có ý định đi xa đến đâu khi ngành điện ảnh hiện nay chưa có nhiều dự án đủ chất lượng và thách thức để diễn viên phát huy hết năng lực. Hoàng Hà chỉ cười, rồi liệt kê những vai diễn hay và khó khiến cô ấn tượng trong những năm vừa qua: Linh Phụng và Dũng “Thiên Lôi” từ “Song Lang”, Văn và Ian từ “Thưa mẹ con đi” hay Lệ Mai từ chính “Em và Trịnh” mà không nhắc gì đến vai diễn của bản thân.
– Cũng nhiều đấy chứ! Nhưng đúng là không đủ để chia cho mọi diễn viên ngoài kia.
– Vậy Hoàng Hà không sợ kịch bản hay sẽ không vào tay mình à?
– Chúng ta không thuộc về nhau thôi (cười). Không dành cho bạn thì ngay từ đầu đã không dành cho bạn.
Hoàng Hà tiếp tục bày tỏ về niềm tin của cô về nền điện ảnh Việt Nam với ánh mắt rạng rỡ. Là một người tiếp xúc trực tiếp với nghề, cô gặp gỡ rất nhiều người thuộc mọi vị trí trong đoàn làm phim, “rất nhiều người mang nhiệt huyết và tinh thần cầu thị giống như tôi, sự thay đổi đang diễn ra rất lặng lẽ”. Từ những người quay phim, biên kịch cho đến đạo diễn, mỗi cá nhân đều đau đáu vì nghệ thuật, nên ra sức trau dồi bản thân. “Họ đang ở trong giai đoạn trước khi bùng nổ, vậy nên Hà có niềm tin rất lớn vào nền điện ảnh Việt Nam”. Hoàng Hà không xem thường điện ảnh Việt, cũng không vì nền điện ảnh chưa phát triển mà ngừng cống hiến hết mình cho một vai diễn. Bởi nếu ai cũng coi chuyện đó bình thường, chỉ làm vừa đủ sao cho xứng với tình hình hiện tại, thì làm sao có đột phá?
Việc trau dồi để đạt được kỳ vọng của chính bản thân là một quá trình không bao giờ dừng lại. Hoàng Hà luôn nhìn lên, tìm cảm hứng từ những bậc thầy, để biết tiêu chuẩn bản thân nên nằm ở đâu.
“Bạn học được gì từ chính mình của ngày xưa?”
Cô diễn viên tươi vui trầm ngâm một hồi lâu. Sự nghiệp của cô chỉ vừa bắt đầu, còn quá nhiều thứ muốn học hỏi, bản thân có gì đủ đầy để khuyên bảo chính mình?
“Có lẽ là sự đơn giản. Thời gian giúp tôi lớn lên, cũng có đôi lúc phải phức tạp hơn, nhưng may thay đã có những tác phẩm ghi lại một Hoàng Hà rất trong trẻo và hồn nhiên. Đó là tư liệu quý giá giúp tôi nhìn lại – Mình đã yêu nghệ thuật này như thế, đã diễn xuất như thế, đã bắt đầu với sự vô tư như thế. Trong tương lai, nếu có lúc nào đó tôi cảm thấy mất thăng bằng, hay có quá nhiều vướng mắc, tôi biết mình nên lùi về hướng nào – chính là sự đơn giản”.
Hoàng Hà nhận ra việc phức tạp hóa vấn đề không giúp hoàn thiện một vai diễn. Những phức cảm và áp lực chỉ nên xuất hiện trước khi bạn thực sự nhập vai – đấy là lúc nên trăn trở và dành thật nhiều thời gian chuẩn bị. Nhưng khi đứng trước ống kính, bạn không là ai khác ngoài nhân vật, và việc cần ưu tiên lúc đó lại là thả lỏng. Mọi thứ sẽ diễn ra thật tự nhiên khi ta xây đắp đủ. Áp lực có thể cho ta động lực để đi lên, nhưng nếu muốn tiếp tục với diễn xuất, cần biết cách thả lỏng bản thân.
Hoàng Hà sẽ không gồng mình để thành công, mà sẽ dành thời gian tận hưởng hành trình trưởng thành, nhìn ngắm bản thân gắn bó với diễn xuất, tiếp tục thử sức và trải nghiệm. Hoàng Hà tin vào giá trị của cái đẹp đích thực, thường rất giản đơn, và thành quả xứng đáng sẽ đến với những nỗ lực chân thành.