Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Paubha Art: Linh hồn nghệ thuật của đất nước Nepal

Jul 01, 2021 | By Trang Ps

Tại Nepal, Lok Chitrakar và Mukti Singh Thapa là hai nghệ sĩ hiếm hoi đang làm việc chăm chỉ để hồi sinh Paubha Art (Nghệ thuật Newar truyền thống từ thế kỷ 13 – 16), những tác phẩm đại diện cho các triết học Ấn độ giáo, Phật giáo, được thực hành trong truyền thống Kim Cương Thừa. Trong xã hội phát triển về mọi mặt từ công nghệ, kinh tế, du lịch… Paubha art đã được thế giới sưu tầm chú ý trong những năm qua. 

Sidi Yantra Mandala, đây là một bức tranh do Mukti Singh Thapa  vẽ gồm nhiều hình tam giác, tượng trưng cho sự rung động OM của vũ trụ.

Dạo quanh thành phố Latitpur ở thung lũng Kathmandu (Nepal) giống như lạc vào một viện bảo tàng tầm cỡ, nơi cuộc sống và nghệ thuật không thể tách rời. Kiến trúc cổ kính là một trong những dấu ấn tiêu biểu và là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo. Những con phố và ngõ hẹp rải rác với những ngôi đền và bảo tháp có tuổi đời hàng thế kỷ được phủ đầy những lễ vật như thần sa và cúc vạn thọ, chen lấn không gian với các cửa hàng và studio bán các tác phẩm nghệ thuật truyền thống và hiện đại, đặc biệt là tranh thanka (hầu hết được làm theo phong cách Tây Tạng).

Thung lũng Kathmandu (Nepal).

Nghệ thuật xuất hiện ở khắp mọi nơi. Thật khó để bỏ lỡ những họa tiết và biểu tượng Phật giáo rực rỡ ở ngoại thất nhà ở, như ô cửa sổ. Người Nepal đã có ảnh hưởng đến nghệ thuật Tây Tạng rộng lớn hơn so với nghệ thuật Tây Tạng ảnh hưởng đến nghệ thuật Nepal lúc bây giờ. Và trong thập niên nay, sự hồi sinh nghệ thuật Newar nguyên bản diễn ra mạnh mẽ. Những người Newar tạo ra hầu hết nghệ thuật và kiến trúc ở Nepal. Nghệ thuật Newar về cơ bản là nghệ thuật đậm tính tôn giáo. Tranh Paubha sùng kính Newar, điêu khắc và nghề thủ công nổi tiếng khắp thế giới vì vẻ đẹp tinh tế. Tranh Paubha nhằm phục vụ những thực hành tín ngưỡng tôn giáo. Theo truyền thống, nó được tạo ra chỉ cho mục đích thực hành tôn giáo, nhưng theo thời gian, việc vẽ tranh này dần mai một vì thật khó để nghệ sĩ sinh tồn chỉ bằng việc vẽ tranh.

Tại Nepal, Lok Chitrakar và Mukti Singh Thapa là hai trong số những nghệ sĩ hiếm hoi đang làm việc chăm chỉ để hồi sinh Paubha Art (Nghệ thuật Newar truyền thống từ thế kỷ 13 – 16), những tác phẩm đại diện cho các triết học Ấn độ giáo, Phật giáo, được thực hành trong truyền thống Kim Cương Thừa. Cùng với sự phát triển du lịch của Nepal, mà Paubha art trong suốt những năm 1950 đến nay, đang dần được phục hồi. Và Paubha bây giờ không chỉ dành cho thực hành tín ngưỡng tôn giáo truyền thống.

1/ Về Lok Chitrakar (1961)

Chitrakar bên cạnh bức tranh Hevajra mandala mà ông đã vẽ suốt 23 năm.

Sinh ra ở thung lũng Kathmandu, Lok Chitrakar lớn lên trong sự bao bọc của nghệ thuật Nepal. Là một nghệ sĩ tự học, ông bắt đầu vẽ chuyên nghiệp từ năm 12 tuổi. Cha mất sớm, nhưng người đàn ông này không bỏ cuộc, ông chuyển đến Patan và bắt đầu quảng bá nghệ thuật của mình từ cửa hàng này sang cửa hàng khác. Bằng nỗ lực bền bỉ, ông đã tổ chức các cuộc triển lãm và được những thành viên hoàng gia Nepal sủng ái.

Là một người có cách làm việc rất chậm, ông giới thiệu hai bức tranh: một là bức mandala Hevajra màu hạt dẻ và màu chàm mà ông đã làm đi làm lại trong suốt 23 năm. Lok dự kiến hoàn thành tác phẩm vũ trụ Mật tông vào năm 2020. Cái còn lại, là một bản thể hiện Voi thần Ganesh (nhưng cũng được một số trường phái Phật giáo Tây Tạng tôn thờ), được ông thực hiện trong vòng 12 năm.

Lok có một trường học dạy về Pauha Art là Simrik Atelier nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật Newar truyền thống, bởi vì hệ thống giáo dục chính thống không dạy Paubha và Paubha trong một thời gian dài không còn được thảo luận trong cộng đồng. Simrik Atelier là một nền tảng để học Paubha nhưng không nhiều người, có lẽ chỉ một đến hai người là tồn tại được với nó trong suốt quãng đời, vì thế, ông cho rằng cống hiến cho Paubha art là một thành tựu. Ngày càng nhiều người tò mò về Paubha art như một loại hình nghệ thuật, và nó đang dần được công nhận ở mức độ quốc tế.

Ganesha by Lok Chitrakar. Ganesha là một vị thần đáng kính trong Ấn Độ giáo, nhân dạng của thần kỳ dị, với đầu voi mình người. Thần Ganesha là tượng trưng của tài trí, hạnh phúc và thành công. Ngài là con của thần Shiva và nữ thần Parvati.

Có một hiểu nhầm liên quan đến Paubha art ngày nay là nó chỉ đơn giản là tranh sao chép từ những gì đã được vẽ, hoặc nó được vẽ bởi những người Newar để bán quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, Paubha là một “thực hành triết học”, chẳng hạn là cách người nghệ sĩ cũng được phép sáng tạo, và thế, họ không phải là “thợ vẽ”.

Trước khi vẽ tranh Paubha, người nghệ sĩ thường tắm và thực hành thiện tịnh để làm thanh sạch những năng lượng bên trong mình. Trong khi vẽ thì mặc quần áo sạch sẽ.

LOK tại The Weltmuseum Wien ở Vienna. Tranh Paubha của ông được giới sưu tầm quốc tế quan tâm.

Paubha được vẽ trên một mảnh vải hình chữ nhật, được bôi keo trâu và đất sét trắng. Bề mặt được chà xát bằng đá mịn để đánh bóng. Bức tranh được thực hiện theo quy tắc và kích thước mà truyền thống truyền lại. Sơn tự nhiên được làm từ khoáng chất và thực vật. Thổ cẩm được khâu vào mép của Paubha để làm khung trưng bày. Vào cuối thế kỷ 20, nghệ thuật Paubha đương đại được thúc đẩy bởi Lok.

2/ Về Mukti Singh Thapa (1957)

How Mukti Singh Thapa makes paubha and thangka his own

Ông là một trong những họa sĩ truyền thống hàng đầu của Nepal và được ghi nhận là người đã làm sống lại phong cách Newar từ thế kỷ 13 – 16. Ông chỉ vẽ bằng bột màu khoáng và màu nhuộm từ thực vật. Bảng màu phong phú, đường nét chính xác, thiết kế phức tạp và khả năng sáng tạo vô song đã mang lại cho ông sự nổi tiếng ở Nepal và trên toàn thế giới.

Bức tranh này của nghệ sĩ bậc thầy Mukti Singh Thapa mô tả Linga và Yoni, năng lượng của vũ trụ. Ảnh hưởng của Ấn Độ giáo thờ Linga và Yoni (bộ phận sinh dục của nam và nữ) trong các đền tháp, tháp Chàm của người Chăm cũng có rất nhiều khối điêu khắc với hình tượng này.

Thapa sinh năm 1957 tại thị trấn Bandipur, miền trung Nepal, trên dãy Himalaya với tầm nhìn bao quát ra những ngọn núi phủ đầy tuyết. Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo và từ nhỏ Thapa đã bị mê hoặc bởi vẽ, thường phác họa những bông hoa hoặc con vật nhỏ mà ông sẽ bán cho những người phụ nữ trong làng.

Ông được dạy bởi các nhà sư của Tây Tạng, những người đến Kathmandu từ Dharamasala để sơn bảo tháp Boudhanath linh thiêng. Họ đã dạy ông phong cách Tây Tạng, thể hiện qua cảnh quan tuyệt đẹp với sông, núi và mây khiến ông trở nên rất thành thạo. Tuy nhiên, ông không bằng lòng sao chép người khác.

Tranh Mandala Paramasukha Chakrasamvara, là một hình vẽ biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ. Trong tiếng Sanskrit, mandala có nghĩa là một trung tâm (la) đã được tách riêng ra hay được trang điểm (mand). Có thể coi mandala là một hình vũ trụ thu nhỏ. Các tín đồ Ấn giáo, Phật giáo, sử dụng mandala như một pháp khí hình thiêng, còn đối với các tín đồ Đại thừa, Kim cương thừa thì Mandala là một mô hình về vũ trụ hoàn hảo, trong đó có một hay nhiều vị thần ngự trị.

Thapa đã đến những ngôi chùa, tu viện và viện bảo tàng và khám phá ra những phong cách khác nhau. Ông bị quyến rũ bởi phong cách Newar cổ điển, vốn phổ biến trên khắp dãy Himalaya từ thế kỷ 13 – 16, và đã luyện tập trong nhiều năm để hoàn thiện kỹ thuật của mình. Thapa ưa thích phong cách này vì nó có thể được sử dụng trong bất kỳ phương diện nào và đòi hỏi nhiều nỗ lực nghệ thuật.

Mặc dù có những quy tắc trong nghệ thuật Phật giáo phải tuân theo, các tác phẩm của Thapa không phải là bản sao của tác phẩm trước đó. Thay vào đó, ông sử dụng khả năng sáng tạo hình tượng và nghệ thuật bậc thầy của mình để mang dấu ấn cá nhân vào từng tác phẩm.

Tác phẩm của Thapa đã được trưng bày trong các bảo tàng trên khắp thế giới, bao gồm Bảo tàng Rubin ở thành phố New York và Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Fukuoka ở Nhật Bản. Ngoài ra, nghệ thuật của ông nằm trong các bộ sưu tập tư nhân trên toàn thế giới, bao gồm nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập của các tỷ phú.


 
Back to top