ART & CULTURE

Suy tư sáng tác (P7): Trò chuyện cùng nghệ sĩ Nguyễn Việt Cường

Dec 23, 2021 | By Trang Ps

Với quan điểm để tự do sáng tác, người thực hành nghệ thuật phải tự do khỏi tất cả mọi nỗi sợ hãi do chính anh ta tự thêu dệt nên, nghệ sĩ Nguyễn Việt Cường vẫn đang không ngừng đào sâu nguồn gốc sâu thẳm của nỗi sợ này, để từ đó, những dự án mà anh đang và sẽ thực hiện dần được sinh ra từ một tâm thức tự tại và thanh thản.  

Gần đây, nghệ sĩ Việt Cường thực hiện sáng tác series Sài Gòn Hộp như một sự bén nhạy và đồng cảm sâu sắc với tình hình đại dịch lúc bây giờ. Anh có thể chia sẻ về mối nhân duyên đến với dự án thú vị này? Bản thân anh đã tiếp cận ra sao để chuỗi tác phẩm vừa mang tính thời sự vừa mang ý nghĩa nghệ thuật lâu bền

Trong khoảng thời gian Sài Gòn bị giãn cách, khi ngồi trong nhà quan sát cậu con trai dùng chiếc thùng carton để làm môt căn nhà, tôi chợt nghĩ, đối với mọi người, chiếc thùng chỉ dùng để đựng hàng hoá, con tôi thì biến nó thành căn nhà, và thế, tôi bát chợt nảy sinh quyết định dùng giấy thùng này làm nền để vẽ những câu chuyện chống trọi với dịch bệnh của người dân Sài Gòn. Dự án lấy tên Sài Gòn Hộp.

Để tác phẩm mang ý nghĩa nghệ thuật, tôi đặt thêm ý niệm cho chất liệu. Những chiếc thùng carton xuất hiện rất nhiều thể hiện sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hàng hoá vận chuyển. Tác phẩm đầu tiên tôi vẽ là cửa sổ nhà mình. Đó là những khoảng trống cho phép ánh sáng và không khí đi vào một không gian khép kín, đồng thời cho phép người bên trong không gian quan sát được cảnh quan bên ngoài. Ô cửa mở ra chiều không gian thứ tư, tức chiều không gian thực khác nằm bên ngoài sự diễn tả thông thường. Hiện tại, cửa sổ dưới hình thức màn hình máy vi tính hay điện thoại đã trở thành cánh cổng điện tử toàn cầu đang tác động đến tất cả chúng ta.

Đúng như anh nói, việc lựa chọn chất liệu thực hiện tác phẩm như bìa carton, sợi chỉ đỏ,… đóng vai trò ý niệm quan trọng cho series Sài Gòn Hộp. Anh có thể chia sẻ rõ hơn một chút về cách tiếp cận ý niệm trong từng chất liệu xuyên suốt dự án này?

Tôi đặt sự quan tâm rất lớn đến chủ nghĩa tiêu dùng và văn hoá dùng một lần đã và đang tác động nghiêm trọng đến xã hội chúng ta hiện nay. Chủ nghĩa tiêu dùng là hình ảnh phản chiếu của sự bất công trong việc phân phối của cải giữa người giàu và người nghèo, giữa những nước giàu và những nước nghèo, tất cả chỉ làm hoang phí tài nguyên thiên nhiên mà không đem lại lợi ích thực thụ cho con người.

Theo quan điểm của tôi, thùng carton là biểu tượng chính xác nhất cho chủ nghĩa tiêu dùng vì nó được sử dụng để đóng gói, lưu trữ, vận chuyển toàn cầu. Được in từ ngữ, hình ảnh quảng cáo và tiếp thị, tất cả đều phù hợp với câu chuyện tiêu dùng.

Trong dự án Sài Gòn Hộp ở giai đoạn đầu, tôi thực hành bằng cách vẽ những câu chuyện và sự kiện đã diễn ra trong đợt đại dịch của Sài Gòn lên những chiếc thùng carton đựng hàng hoá mà tôi đã mua online, còn nguyên nhãn mác, logo thương hiệu. Tận dụng và biến đổi ý nghĩa của vật liệu để trở thành tác phẩm mang tính thời sự, đồng thời thể hiện cái nhìn của tôi về sự phụ thuôc của người dân đối với hàng hoá vận chuyển khi cuộc sống bị cách ly.

Có lẽ, đại dịch này đã có một ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và tư tưởng của anh, để rồi anh lấy đó như nguồn cảm hứng sáng tạo. Vậy đại dịch đã thay đổi anh và gia đình ra sao thúc đẩy bản năng sáng tạo bên trong anh như thế nào?

Đại dịch là một sự kiện lịch sử đặc biệt, đợt giãn cách đã cho tôi thời gian để “quay vào bên trong” để quan sát và quán chiếu lại chính bản thân. Khi trò chuyện với bản thân, tôi chợt nhận ra mình cần thay đổi tư duy để phát triển. Tâm thế sẵn sàng thì hành động sẵn sàng, tôi đã bắt tay vào vẽ dự án Sài Gòn Hộp.

Việc sáng tác đã khiến đồng hồ sinh học của tôi và gia đình thay đổi theo. Ban đầu có chút khó khăn nhưng dần dần cũng thích nghi. Khi tạo ra được tác phẩm tốt, tinh thần càng lên cao và tôi sáng tạo được tự do hơn.

Anh có suy nghĩ gì về việc kết hợp các loại hình nghệ thuật (điêu khắc, vẽ…. ) thành một loại hình nghệ thuật riêng cho mình? Và anh có hướng đến việc theo đuổi các loại hình nghệ thuật đương đại khác không?

Tôi được đào tạo chuyên ngành sơn dầu của trường Đại học Mỹ thuật Tp.HCM nhưng sau khi tốt nghiệp (2014), trong quá trình sáng tác, tôi lại thích tìm tòi vật liệu mới và bị thu hút bởi những vật liệu có sẵn vì chúng có câu chuyện lịch sử riêng biệt và bản thân có cảm giác sẽ tìm thấy và khai thác được vẽ đẹp tiềm ẩn của chúng, mà minh chứng gần đây là thùng carton.

Xã hội thường có hai thái cực. tốt – xấu, chấp nhận – từ chối, tham lam – mãn nguyện, thành công – thất bại,… Nhưng trong tâm thức tôi, mọi thứ đều trôi chảy ở trạng thái liên tục dịch chuyển và tiến hoá, biến đổi và biến đổi. Vậy nên cách thực hành nghệ thuật cùa tôi như một phản ứng chuyển đổi, bằng nhiều phương pháp khác nhau (vẽ, điêu khắc, sắp đặt) lên nhiều vật liệu để nó trở thành một tác phẩm có ý nghĩa và thành một loại hình nghệ thuật riêng của mình. Chính ý tưởng đó đã thôi thúc tôi theo đuổi ước mơ và không ngừng nghiên cứu để làm thêm nhiều loại hình nghệ thuật đương đại khác

Theo anh, điều gì sẽ kìm hãm tư duy tự do sáng tạo của người nghệ sĩ? Và điều gì sẽ khiến cho sự tự do sáng tạo này đúng đạo lý, tức không bị rơi vào sự phóng túng?

Sự sợ hãi. Tôi nghĩ vậy. Cả nỗi sợ hãi về thân xác và sự sợ hãi trong tâm hồn đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ. Tôi đang nỗ lực tìm ra tận gốc đâu là sự thật của nỗi sợ hãi đến khi không còn sợ hãi nữa mới thôi. Nhờ suy nghĩ đó, tôi đang dần tự do thoát khỏi mọi sự lệ thuộc một cách tự tại và thanh thản.

Nhưng để sự tự do không rơi vào sự phóng túng thì tôi nghĩ người thực hành cần phải hiểu hai điều này “Sự Tự Do và Hành Vi Học Tập” . Một người không thể hiểu chính bản thân anh ta trừ khi người đó tự do, tự do để anh ta có thể quan sát không theo bất kỳ khuôn mẫu, công thức hay khái niệm nào. Mà quan sát ở đây tức quan sát thực sự chính bản thân mình, đúng như những gì mình có.

Sự quan sát, sự nhận thức, sự nhận ra đó mang đến kỷ luật và việc học hỏi của chính nó. Điều này xảy ra trong điều kiện không có sự thích nghi, bắt chước, đàn áp hay mọi sự kiểm soát nào. Khi ấy tự do sẽ khiến người nghệ sĩ tạo ra những tác phẩm mang một vẻ đẹp tuyệt vời.

Nghệ sĩ có lẽ luôn có một sự tách biệt cô lập hẳn khi sáng tác? Và để cân bằng đời sống công việc và gia đình, anh đã làm gì?

Có một giai đoạn tôi cảm thấy khó khăn trong việc này. Nhưng sau này, tôi suy nghĩ gia đình của mình cũng là tác phẩm,việc sáng tác và chăm sóc gia đình đều quan trọng và mang đến một giá trị cao quý, đó là hạnh phúc. Bằng chứng là cách đây vài năm, tôi quyết định dừng mọi công việc bên ngoài và phân bổ thời gian ở nhà để sáng tác và chăm sóc gia đình. Khi suy nghĩ như vậy mọi thứ sẽ dần vào thế cân bằng

Anh có phải là người đặt nặng ý tưởng/concept sáng tác, hay đơn thuần là người sáng tạo theo những gì được thúc đẩy từ bên trong?

Trong thực hành của tôi, ý tưởng và cách thể hiện tác phẩm là 50/50. Tôi làm việc thiên về lý tính hơn cảm xúc. Ý tưởng để tôi làm tác phấm xuất phát từ mối băn khoăn của tôi đối với đời sống văn hoá xã hội và con người xung quanh, đặt câu hỏi về mối tương quan của tôi với chúng. Khi dần rõ câu trả lời, tôi sẽ chọn nhiều chất liệu và nhiều cách đễ thể hiện. Thế nên tác phẩm trở nên phong phú và luôn phản ánh câu chuyện của thời đại, nếu không, nó sẽ trở thành một vật phẩm trang trí.

Liệu có một thể loại triết học nào làm nên tư tưởng ấy của anh?

Tôi đã may mắn tiếp thu được tư tưởng của J. Krishnamurti và triết lý của Chủ nghĩa khắc kỷ. Đó là kim chỉ nam cho hành trình nhận thức của tôi.

J.Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay là quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại, ông quả quyết rằng những trường phái này chính là những yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột lẫn chiến tranh. Ông nói chỉ có một sự thay đổi triệt để trong tâm thức mỗi người mới có thể tạo ra một cái trí mới mẻ, một nền văn minh mới mẻ.

Chủ nghĩa khắc kỷ dạy cho chúng ta về sự phát triển của việc tự kiểm soát bản thân và sự cương nghị như một phẩm chất để vượt qua những cảm xúc mang tính phá hủy. Chủ nghĩa này tin rằng việc rèn luyện để suy nghĩ một cách rõ ràng, mạch lạc và bất thiên vị sẽ giúp cho con người hiểu ra bản chất của vũ trụ. Một khía cạnh chính của chủ nghĩa khắc kỷ cũng lưu tâm đến việc cải thiện những điều tốt đẹp về đạo đức và luân lý của mỗi cá nhân: “Đức hạnh được bao hàm trong một ý chí hòa hợp với Tự nhiên.”

Nguyên lý này cũng được áp dụng trong các mối quan hệ giữa các cá nhân, “để được tự do trước những nỗi tức giận, sự đố kị và ghen tị” và phải chấp nhận rằng kể cả những người nô lệ cũng “bình đẳng như những con người khác, bởi tất cả mọi người đều là sản phẩm của tự nhiên.”

Một dự án/bước ngoặt đánh dấu hành trình sáng tạo cá nhân anh?

Sài Gòn Hộp có lẽ là dự án mang tính bước ngoặc trong hành trình sáng tạo nghệ thuật cúa tôi. Khi làm dự án này, tâm lý của tôi không đặt nặng vào tính mỹ cảm mà chỉ tập chung vào ý tưởng tính thời cuộc của tác phẩm. Tất cả mang đến cho tôi cảm giác tự do không bị gò bó khi sáng tác. Tôi như vững tin và dũng cảm hơn trên con đường thực hành nghệ thuật đương đại của mình.

Anh có thể chia sẻ về dự án tới đây?

Sắp tới, tôi vẫn tiếp tục với dự án Sài Gòn Hộp này. Nếu như giai đoạn đầu, tôi vẽ những câu chuyện về dịch bệnh thì tiếp theo sẽ là những tác phẩm có tính tự sự nhiều hơn. Vẫn là bìa carton nhưng thể hiện đa dạng cắt ghép, sắp đặt, video,… để đến khi hoàn thành, tôi sẽ tổ chức một triển lãm cá nhân cho dự án như một cách đánh dấu sự thay đổi lớn trong tư tưởng và cách thực hành nghệ thuật của tôi.


 
Back to top