ART & LIFE

Tôi học được gì? Hành trình theo đuổi thế giới chấm bi của Yayoi Kusama

Feb 01, 2023 | By Ton Binh

Bậc thầy trong thế giới chấm bi, biểu tượng của nghệ thuật đại chúng hay biểu tượng cho sự sáng tạo bất tận – người ta có nhiều danh xưng dành cho Yayoi Kusama khi chiêm ngưỡng gia tài nghệ thuật khổng lồ của bà trong suốt 9 thập kỷ. Như Yayoi từng chia sẻ trong bộ phim tài liệu “Kusama: Infinity” năm 2018: “Những tác phẩm của tôi không chạy theo trào lưu, nó phản ánh sự phát triển các vấn đề tâm lý của tôi thành nghệ thuật”. 

Trước khi trở thành nghệ sĩ nổi tiếng như hiện tại, bà đã trải qua nhiều mất mát, tổn thương về tâm lý khi bị chính những người đồng nghiệp ăn cắp ý tưởng – những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm cảm và những lần tự sát hụt của bà, theo bộ phim tài liệu “Kusama: Infinity”.

Tuổi thơ nhiều biến động

Yayoi Kusama sinh năm 1929 và là con út trong gia đình có 4 người con tại vùng núi Matsumoto, thuộc miền trung Nhật Bản. Được hưởng nền giáo dục truyền thống, Kusama không được phép theo đuổi nghệ thuật khi bà bị gia đình ngăn cấm. Thậm chí, khi bị mẹ xé đi những bức tranh trên tay bà, Kusama vẫn kiên trì theo đuổi niềm đam mê nhỏ bé ấy. Bà tận dụng tất cả những gì có thể để sáng tạo vì bản thân không có tiền mua hoạ cụ.

Gia đình của Yayoi Kusama

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Kusama phải lao động tại nhà máy sản xuất 12 tiếng/ ngày. Bất chấp hoàn cảnh lao động nặng nhọc, bà vẫn cố gắng dành thời gian để vẽ. Năm 1948, bà bắt đầu trưng bày công khai những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của mình tại các cuộc triển lãm dành cho thiếu niên. Sau khi chiến tranh qua đi, Kusama thuyết phục gia đình cho phép tới Tokyo để theo học hội hoạ phong cách Nihonga hiện đại của Nhật Bản. Tuy nhiên, bà cảm thấy chán ghét cách tiếp cận của các giáo viên và dần nung nấu tham vọng tại các triển lãm cá nhân tại quê nhà vào đầu những năm 1950.

Chân dung của Yayoi Kusama trong phòng tại nhà của cha mẹ cô ấy ở Matsumoto năm 1957. Nguồn: Courtesy Yayoi Kusama Studio, Inc

Triển lãm cá nhân thứ ba của Kusama và cũng là triển lãm đầu tiên của cô ấy ở Tokyo – tại cửa hàng bách hóa Shirakiya ở Tokyo, 1954. Nguồn: Courtesy Yayoi Kusama Studio, Inc

Kusama đứng trước tác phẩm Lingering Dream, được chọn cho Triển lãm Nghệ thuật Sáng tạo lần thứ hai ở Nagano, 1951. Nguồn: Courtesy Yayoi Kusama Studio, Inc

Các tác phẩm của bà thời gian này chủ yếu được vẽ bằng màu nước, dầu và bột màu trên giấy, đặc biệt với “In The World of Insect” (1953), Kusama đã tạo ra một thế giới kỳ lạ đầy màu sắc nơi côn trùng lang thang – thể hiện sự quan tâm đối với sự bao la rộng lớn của vũ trụ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tatehata tại series “Nghệ sĩ đương đại của Phaidon”, Kusama đã mô tả: “Tuổi thơ ảnh hưởng từ bạo lực của mẹ và những lần ngoại tình của bố đã khiến bà định hình nỗi sợ về tình dục. Đồng thời, bà cũng thường tâm sự với những bông hoa được trồng quanh nhà như cách để giải toả tâm hồn. Do đó những tác phẩm về hoa của bà thường thể hiện bằng những màu sắc tươi sáng, ngộ nghĩnh”.

(Những bức ký họa về hoa) năm 1945. Bản quyền Yayoi Kusama

Tác phẩm Flower Spirit, năm 1948, tranh sơn dầu trên canvas kích thước 37,7 × 45,6 cm. Bản quyền Yayoi Kusama.

Nước Mỹ và hành trình mới 

Dù không giỏi ngoại ngữ, nhưng bà đã có quyết định táo bạo khi đặt chân đến Hoa Kỳ năm 1955, tham gia Triển lãm màu nước quốc tế lần thứ 18 tại Bảo tàng Brooklyn, New York. Chỉ sau hai năm, Kusama nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi và nhận về nhiều lời khen ngợi từ giới mộ điệu. Một số tác phẩm nổi bật trong thời gian này có thể kể đến “A Flower with Nets” với hoạ tiết lưới đặc trưng xuất phát từ ảo giác thời thơ ấu của Kusama. Các vòng và chấm màu tím được dệt bằng bột màu và phấn trên giấy gợi lên những cánh hoa.

Flower, 1954, chất liệu giấy kích cỡ 31.1 x 28.7 cm, © Brooklyn Museum, © Yayoi Kusama

Sau đó, bà phát triển hoạ tiết của mình trong các bức tranh Infinity Nets với hơn 40 – 50 giờ sáng tạo. Bối cảnh nghệ thuật tiên phong của New York đã thúc đẩy Kusama bắt đầu các buổi biểu diễn và những dự án cá nhân. Năm 1965, Kusama đã giới thiệu “Phòng gương vô cực – Phalli’s Field” – một tác phẩm sắp đặt cỡ lớn với những dấu chấm dày đặc được lặp đi lặp lại trong các bức tranh và tác phẩm trong trải nghiệm không gian ba chiều. Triển lãm đã đánh dấu sự đột phá của bà và trong suốt sự nghiệp của mình, bà đã sáng tạo hơn 20 phòng vô cực riêng biệt, khác nhau.

Infinity Mirrors

Phần lớn sự kiện diễn ra trong năm tháng hoạt động nghệ thuật của Kusama đều liên quan đến vấn đề sức khoẻ tinh thần của bà. Khi ở New York, Kusama không ngừng bị thúc đẩy  theo chủ nghĩa lý tưởng, hy vọng thay đổi thế giới quan bằng các sự kiện phản chiến và ủng hộ đồng tính luyến ái của mình.

Tác phẩm của bà vào thời điểm đó – bao gồm Vườn hoa thủy tiên, một tác phẩm sắp đặt không được cấp phép tại Venice Biennale năm 1966.  Mặc dù bà phải bán những quả bóng gương với giá rẻ mạt chỉ 2 đô la/ quả, nhưng nó cũng yêu cầu người xem tưởng tượng ra những thế giới khác, nơi nghệ thuật không theo chủ nghĩa tinh hoa và tình dục không bị cấm đoán.

Yayoi Kusama bán những quả bóng gương với giá rẻ mạt chỉ 2 đô la/ quả tại triển lãm Vườn hoa Thuỷ tiên năm 1966

Mặc dù được nhà phê bình nổi tiếng Donald Judd và hoạ sĩ Frank Stella khen ngợi nhưng thành công chưa thực đến với bà khi ý tưởng lần lượt bị sao chép và đánh cắp. Trong tác phẩm Papel de Parede de Vacas, Andy Warhol đã sao chép mô – típ lặp lại hình ảnh của Yayoi Kusama.

Năm 1965, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Con người đang chuẩn bị hạ cánh trên mặt trăng, Kusama nhận thấy sự quan tâm của công chúng với “sự vô tận” đã tạo ra căn phòng gương đầu tiên trên thế giới, tiền thân của Phòng Gương Vô cực tại Phòng trưng bày Castellane ở New York. Không lâu sau, Lucas Samaras đã sao chép ý tưởng này, đặt tác phẩm của ông tại Galeria Pace – phòng triển lãm uy tín nhất lúc bấy giờ. Chính trong giai đoạn này, Kusama lần đầu tiên cố gắng tự sát.

Tái xuất 

Sau khi trở về Nhật Bản, bà đã tìm đến một bệnh viện sử dụng liệu pháp điều trị tâm lý bằng nghệ thuật. Tác phẩm đầu tiên của bà trong giai đoạn này là một loạt ảnh ghép về các chu kỳ tự nhiên trong cuộc sống.

Năm 1993, Kusama trở thành nghệ sĩ đầu tiên có triển lãm cá nhân đại diện Nhật Bản tại Venice Biennale – một trong những sự kiện quan trọng đánh dấu sự quay trở lại trong nghệ thuật của bà. Triển lãm trưng bày một loạt các tác phẩm trước đó của bà trong giai đoạn 1960 và tác phẩm sắp đặt “Phòng gương bí ngô” (1991).

Vào tháng 10/2017, Bảo tàng Yayoi Kusama đã được giới thiệu tại Tokyo, Nhật Bản trưng bày một số tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ sắp đặt mang tính biểu tượng của nghệ sĩ. Rất nhiều khán giả đã đến thăm minh chứng cho sự cống hiến của nghệ sĩ đại chúng được yêu mến và công nhận.

Kusama và những tác phẩm phản chiến 

Vào những năm 1960, trong Chiến tranh Việt Nam, Kusama đã tổ chức các cuộc biểu tình ở New York. Những sự kiện này đã chống lại bạo lực bằng các hoạt động dưới hình thức vẽ tranh trên cơ thể khỏa thân. Cuối năm 1968, Kusama đã viết Thư ngõ gửi Người hùng của tôi, Richard M.Nixon: “Trái đất của chúng ta giống như một chấm bi nhỏ giữa hàng triệu thiên thể khác, một quả cầu chứa đầy thù hận và xung đột giữa những quả cầu yên bình, tĩnh lặng. Hãy để bạn và tôi thay đổi tất cả những điều đó và biến thế giới này thành một Vườn Địa Đàng mới…. Bạn không thể xóa bỏ bạo lực bằng cách sử dụng nhiều bạo lực hơn”. 

Khi trở về Nhật Bản, Kusama đã thực hiện một loạt ảnh ghép phản chiến: War, Tidal Waves of War và Graves of the Unknown Soldiers với những hình ảnh chân thực từ cuộc chiến. Năm 1995, Kusama cũng hưởng ứng Uỷ ban từ Bảo tàng nghệ thuật đương đại thành phố Hiroshima để sáng tạo một tác phẩm tưởng niệm những nạn nhân trong vụ nổ bom nguyên tử từ thế chiến thứ hai.

Đa số những tác phẩm của bà thời kỳ này gợi lên cảm giác tang thương với những dải màu đen, trắng thẳng đứng gợn sóng được bao phủ bởi chấm bi đặc trưng.

Biểu tượng thời trang

Trong những năm đầu ở Hoa Kỳ, Kusama mặc những bộ kimono đại diện cho hình ảnh nghệ sĩ đến từ Nhật Bản. Năm 1966, Kusama thực hiện tác phẩm slide Walking Piece, ghi lại cảnh nghệ sĩ đi bộ qua New York trong bộ kimono in hoa màu hồng. Trong tác phẩm này, Kusama sử dụng bộ kimono để đặt mình là một người ngoài thế giới sáng tạo ở giữa một thành phố xa lạ và không mấy thân thiện. 

Đặc biệt, bà cũng mặc vest và trang phục đơn sắc đặt bên cạnh những hoạ tiết chấm bi biểu tượng của mình. Tại triển lãm Phòng gương vô cực – bà gây ấn tượng với bộ trang phục đỏ bó sát giữa chấm bi đỏ đặt quanh phòng.

Yayoi Kusama tại Infinity Mirror Room-Phalli’s Field năm 1965

Vào cuối những năm 1960, Kusama thành lập công ty thời trang của riêng mình với nhiều thiết kế táo bạo. Đối với buổi biểu diễn Đám cưới đồng giới của mình vào năm 1968, bà đã thiết kế một chiếc váy cưới dành cho hai người. 

© Yayoi Kusama/ Yayoi Kusama Studio, Inc

Trong những năm gần đây, Kusama tiếp tục thiết kế trang phục cho riêng mình, sử dụng các mẫu từ các bức tranh của mình. Bà thường xuất hiện với bộ tóc đỏ đặc trưng trong lần hợp tác mới nhất với nhà mốt Pháp Louis Vuitton. 

Tổng hợp từ Tate, Art Asia Pacific, Hangup Pictures


 
Back to top