ART & CULTURE

Trần Nữ Yên Khê và tác phẩm “Ranh giới”: Sự giao thoa hoàn hảo giữa thiết kế và nghệ thuật

Jul 14, 2019 | By admin

Tư duy thiết kế là nghệ thuật một lần nữa được minh chứng qua việc tác phẩm “Ranh Giới” của Trần Nữ Yên Khê được Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật châu Á Guimet tại Pháp sưu tầm. 

Cách đây hai năm, nhà đấu giá Christie’s tại Luân Đôn lần đầu tiên trưng bày 16 tuyệt tác do các nhà thiết kế đương đại đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, và Việt Nam sáng tạo. Sự kiện nằm trong khuôn khổ phiên đấu giá lớn Design, quy tụ các vật thể tiêu biểu của nền thiết kế thế giới nửa sau thế kỷ 20. 

Đại diện của Việt Nam chính là diễn viên, nghệ sĩ, và nhà thiết kế Trần Nữ Yên Khê, với Ranh giới – thành quả hợp tác cùng thương hiệu sơn mài cao cấp Hanoia. Mới đây, tác phẩm đã được Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật châu Á Guimet, Pháp sưu tầm. Đây cũng là lần đầu tiên một tác phẩm đương đại của vùng Đông Nam Á được tiếp nhận vào bộ sưu tập dài hạn của bảo tàng.  

Trần Nữ Yên Khê

Một cuộc đối thoại giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai, kết hợp niềm say mê và tôn trọng văn hóa truyền thống với tinh thần đương đại và cách tiếp cận mới mẻ – đó là nhận định của Christie’s cho buổi trưng bày trên. Ở Ranh giới, kỹ thuật sơn mài được các nghệ nhân Hanoia “uốn nắn” điêu luyện nhằm hiện thực hóa ý tưởng của nữ nghệ sĩ, đem đến một thiết kế hình nón ngược mượt mà, hoàn mỹ. Trên nền đen óng ả, các hoạt tiết đỏ cam tinh xảo nở rộ, thể hiện những bụi hoa rực rỡ khi thoạt nhìn, nhưng lại ẩn chứa chuỗi kẽm gai sắc cạnh, dữ dội khi nhìn gần. 

“Ranh giới” – tuyệt tác sơn mài giữa Yên Khê và Hanoia

Ý niệm của Yên Khê với tác phẩm nằm trong chính tên gọi – sự chiêm nghiệm về thực trạng di dân tại những vùng giao tranh chính trị và tranh chấp biên giới, những rào cản vô hình ngăn cách người với người, và ảo ảnh mỏng manh về một “thế đứng” cân bằng trong cuộc sống. Trên chất liệu truyền thống – nón lá, sắc màu cam đỏ của đền chùa cổ, và sơn mài, nghệ sĩ đã chuyển hóa chúng thành một vật thể độc đáo về hình thái, đương đại trong tư duy nhạy cảm với thời cuộc. 

Xét về tính ứng dụng, Ranh giới là một chiếc khay mà ta có thể để trà, hay bày biện những món đồ nhỏ yêu thích. Thế nhưng, sự chu toàn tỉ mẩn về ý niệm, chất lượng, và phương thức truyền đạt lại khiến giá trị của sản phẩm vượt ra khỏi ranh giới của một món đồ vật thông thường. Hay nói cách khác, đây là sự giao thoa hài hòa giữa thiết kế và nghệ thuật, mà trong đó, thiết kế được nâng tầm thành một tác phẩm để trân quý, đáng sưu tầm bởi vẻ đẹp thị giác lẫn kỹ thuật chế tác đỉnh cao, cũng như cô đọng về ý hướng để mở ra những góc nhìn cho người ngắm suy tưởng.

Việc các bảo tàng nghệ thuật và nhà sưu tầm tư nhân “tậu” về cho mình những vật dụng do các nhà thiết kế đại tài sáng tạo không còn là điều quá xa lạ trên thế giới, tuy mức giá của chúng hiếm khi so bì được với những kỷ lục “khủng” mà các tác phẩm hội họa có thể mang lại. 

Xét riêng về thế giới của những chiếc ghế – một hình mẫu cơ bản trong ngành mà các nhà thiết kế luôn thích thử thách bản thân trong sự nghiệp. Chiếc ghế bành Dragon do Eileen Gray thiết kế vào năm 1917, từng thuộc sở hữu của Yves Saint Laurent, hiện là món đồ nội thất từ thế kỷ 20 đắt giá nhất trong lịch sử, được bán với giá gần 28 triệu USD tại phiên đấu giá của Christie’s vào năm 2009. Riêng chiếc ghế Lockheed huyền thoại của Marc Newson lại đang giữ kỷ lục món đồ thiết kế đắt giá nhất đến từ một nhà thiết kế còn sống – 3.7 triệu USD.   

Lý do sưu tầm vật thể thiết kế tựu chung cũng không quá khác biệt so với tác phẩm hội họa: Câu chuyện đằng sau quá trình hình thành, giá trị đóng góp trong dòng chảy lịch sử của ngành, tên tuổi người sáng tạo, sự đặc sắc trong ý niệm – chất liệu – và hình dáng, độ khan hiếm nhất định, cũng như mối liên kết với cảm xúc và tinh thần của người đam mê sở hữu.

Với các nhà giảm tuyển và bảo tàng nghệ thuật, việc săn lùng và tiếp nhận những thiết kế kinh điển, biểu tượng của từng thời đại phản ánh cái nhìn nhân văn và đa chiều về văn hóa, quá trình nghiên cứu về hành vi tương tác và tư duy sáng tạo của loài người, cũng như thái độ xem trọng vai trò của thiết kế giúp kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Còn với người sưu tầm cá nhân, nó có thể là niềm hâm mộ một nhà thiết kế, ham muốn “bảo bọc” món đồ cổ, hay đơn giản, tình yêu với cái đẹp.  

Tác phẩm Ranh giới của Trần Nữ Yên Khê được sưu tầm bởi Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật châu Á Guimet có thể xem là một tín hiệu đáng mừng cho ngành thiết kế và chế tác thủ công cao cấp trong nước, mở ra cơ hội để thế giới đón nhận và có cái nhìn mới về khả năng sáng tạo của Việt Nam. Kỹ thuật điêu luyện và bề dày văn hóa là điều Việt Nam không thiếu, quan trọng là làm sao để tư duy đổi mới và đưa chúng đến gần hơn với “ngôn ngữ” đương đại ngày nay, điều mà Yên Khê và Hanoia đã làm được.


 
Back to top