Chủ nghĩa tối giản trong thực hành nghệ thuật: Chân dung 3 nghệ sĩ tiên phong
Là phong cách nghệ thuật trừu tượng nổi lên ở Mỹ vào những năm 1960 và 1970, chủ nghĩa tối giản lấy cảm hứng từ chủ nghĩa kiến tạo, De Stijl và những bức tranh vẽ của Marcel Duchamp để tạo nên một ngôn ngữ thẩm mỹ hoàn toàn mới.
Chủ nghĩa tối giản từ chối những phẩm chất tường thuật của thế hệ tiền nhiệm đồng thời loại bỏ tham chiếu từ bên ngoài để mang đến cho người xem những trải nghiệm thưởng lãm đầy thú vị và mới lạ. Loại hình này cũng đẩy tính trừu tượng hình học đến cực điểm logic, thường là hình vuông hay hình chữ nhật, để tạo bố cục mang tính toán học. Khi mới ra đời, chủ nghĩa tối giản đã đặt ra một thách thức cơ bản đối với cách hiểu truyền thống về việc nghệ thuật được đánh giá và trải nghiệm.
Dưới đây, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc ba nghệ sĩ tiên phong và quan trọng hàng đầu trong thực hành chủ nghĩa tối giản này: Donald Judd, Sol LeWitt và Dan Flavin
Donald Judd (1928 – 1994)
Donald Judd được coi là nhân vật hàng đầu của chủ nghĩa tối giản, nhà tư tưởng tiên phong và một trong những nghệ sĩ Mỹ có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.
Cam kết sáng tạo nghiêm khắc của ông được thể hiện qua những tác phẩm như Untitled (Thép không gỉ/Đỏ) từ năm 1979, thể hiện sự giao thoa đặc trưng giữa màu sắc, không gian và vật liệu, tất cả minh tường cho quá trình thực hành điêu khắc phi thường của ông.
Judd đã xác định phong trào tối giản cả về mặt trí tuệ lẫn thẩm mỹ trong tất cả các bài viết lẫn thực hành nghệ thuật của mình. Ông là nhân tố xúc tác tạo nên sự thay đổi của nghệ thuật Hoa Kỳ, giúp đất nước thoát khỏi di sản của các trường phái biểu hiện trừu tượng. Thông qua công việc của mình, Judd đã thách thức cách hiểu truyền thống về nghệ thuật. Bằng cách gắn các tác phẩm điêu khắc lên tường thay vì đặt chúng lên sàn, như trong Untitled 1969, Judd đã phá bỏ hoàn toàn những ràng buộc tồn tại từ trước đối với hội họa và điêu khắc.
Sol LeWitt (1928 – 2007)
Là một nhân vật quan trọng của Nghệ thuật Ý niệm và Chủ nghĩa tối giản, sự nghiệp của Sol LeWitt cũng được xác định khắt khe về mặt kỹ thuật và trí tuệ. Nhấn mạnh tầm quan trọng của lý thuyết và sử dụng các hệ thống thực thi tỉ mỉ cho tác phẩm của mình, nghệ thuật của LeWitt tiêu biểu cho sự ưu việt về mặt ý tưởng và tư duy, một điều tối quan trọng với chủ nghĩa tối giản. Ông trung thành với nghệ thuật theo hướng khoa học (độ chính xác tuyệt đối), chẳng hạn được thể hiện qua tác phẩm Circles, Arcs from Opposite Corners and Opposite Sides, 1971.
Là một nhà lý thuyết sắc sảo về màu sắc cũng như hình dáng, các tác phẩm của LeWitt như Bands of Color in Four Directions & All 1971 là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thẩm mỹ và trí thông minh.
Dan Flavin (1933 – 1996)
Trong khi đó, các tác phẩm mang tính biểu tượng của Dan Flavin đã phá bỏ khoảng cách giữa kiến trúc, ánh sáng và không gian, đẩy giới hạn của tối giản lên một đỉnh cao mới.
Kết hợp triệt để tầm nhìn của Judd và LeWitt, tác phẩm của Flavin biến đổi môi trường không gian, chẳng hạn được thể hiện qua Untitled (To Rainer) 2 từ năm 1987.