ART & CULTURE

Trí tưởng tượng: Cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất bắt đầu ngay từ chỗ bạn ngồi

Apr 22, 2021 | By Trang Ps

Cuộc phiêu lưu bất tận không cần đến tấm hộ chiếu. Thông qua trí tưởng tượng của mình, bạn không chỉ dạo chơi vòng quanh thế giới mà còn bước vào những vũ trụ bí ẩn và nhiều hơn thế nữa.

Vào ngày 12 tháng 04 năm 1888, danh họa Van Gogh viết lá thư giãi bày tâm tư với người bạn Bernard: “Thi thoảng, tôi cảm thấy tiếc nuối khi không thể quyết định làm việc ở nhà nhiều hơn và từ trí tưởng tượng của bản thân mình. Chắc chắn, trí tưởng tượng là khả năng phải được phát triển. Nó cho phép chúng ta nắm bắt những bản chất cao quý và xoa dịu hơn là một cái nhìn thoáng qua vào thực tế.” Phải chăng đó là triết lý mang tính “giác ngộ” của Vincent Van Gogh, vì ông đã từng tin rằng việc sáng tạo từ thực tế là vô cùng quan trọng?

Vào thế kỷ 20, sau thời của Van Gogh chính là thời đại của danh họa Picasso. Pablo Picasso cho rằng: “Mọi thứ bạn tưởng tượng đều là thực.” Trí tưởng tượng là một hình thái tư duy, và nếu hiện thực được xem là hình thái tư duy thì rõ ràng hai khái niệm này không hề trái ngược.

John Martin (1789-1854), The Destruction of Pharaohs Host, 1836. Pencil and watercolour with gum arabic heightened with bodycolour and with scratching out. 23 x 33¾ in (58.4 x 85.7 cm). Sold for £758,050 on 3 July 2012 at Christie’s in London

John Martin (1789-1854), The Destruction of Pharaoh’s Host, 1836

Câu nói của Picasso như khuyến khích con người nên tưởng tượng, vì nếu có thể tưởng tượng được tức bạn có thể biến nó thành hiện thực. Cũng trong thế kỷ này, thiên tài Albert Einstein cũng đã có một câu nói tuyệt hay: “Tôi có đủ chất nghệ sĩ để tự do vẽ theo trí tưởng tượng của mình. Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức thì hạn chế còn trí tưởng tượng bao quanh thế giới.”

Có lẽ, trí tưởng tượng giúp chúng ta thoát ra khỏi cái đầu của mình, và khi biết kết hợp cùng kiến thức, bạn sẽ chạm tay vào sức mạnh của cuộc sống.

Cuộc phiêu lưu vĩ đại không cần đến hộ chiếu

Tolkien's first words

“Anh chàng Hobbits” là một cuộc khám phá đầy cung bậc, thế nhưng tác giả Tolkien lại không hề là tuýp người thích xê dịch.

Nói đến “thánh kinh” về chủ nghĩa xê dịch đương đại, phải kể đến “Anh chàng Hobbits” của J.R.R Tolkien, đồng thời là tác giả của tuyệt phẩm “Chúa nhẫn”. Câu chuyện này là lời thuyết phục tuyệt vời nhất để khuyến khích mọi người bước ra khỏi quỹ đạo của họ để nhìn ngắm thế giới. Bilbo sống cuộc đời an toàn, nhàm chán, dư giả trong cái hang hobbit lợp gỗ ấm áp tiện nghi, cho đến khi bị cuốn vào cuộc phiêu lưu của đám người lùn. Câu chuyện được tái hiện trong vùng đất tưởng tượng về một người thức thời, biết thích nghi và phá vỡ quy tắc, thói quen để khám phá thế giới. Cuốn sách là một cuộc khám phá đầy cung bậc, thế nhưng kỳ lạ thay, tác giả của nó – Tolkien – lại không hề là người yêu xê dịch.

Cuộc đời ông trôi qua tĩnh lặng giữa lòng nước Anh. Ông lưu trú ở căn nhà ngoại ô giản dị, sống cuộc đời với vai trò một người chồng, người cha và một vị giáo sư. Một ngày của ông gồm có đạp xe tới buổi cầu nguyện mỗi sáng, vào buổi tối, ông viết lách, chấm bài,… Ông gần như không đi ra ngoài, hiếm khi du lịch. Nếu đi nghỉ mát, ông thường dẫn gia đình dọc theo bờ biển nước Anh.

Thế mà khi trả lời phỏng vấn, ông nhấn mạnh: “Tôi chính là người Hobbit, về mọi mặt, chỉ trừ vóc dáng. Tôi thích làm vườn, trồng trọt, hút tẩu, thích đồ ăn ngon và tôi không đi du lịch nhiều lắm.”

Zao Wou-Ki (1920-2013), 30.09.65, 1965. 150 x 162 cm, 59 x 63¾ in. Estimate HK$65,000,000-85,000,000. This lot is offered in Asian 20th Century & Contemporary Art (Evening Sale) on 24 November 2018 at Christie’s in Hong Kong

Zao Wou-Ki (1920-2013), 30.09.65, 1965.

Có một sự tương phản giữa công trình đầy trí tưởng tượng và đời sống thường nhật của ông. Nhiều người nghĩ rằng ông là một kẻ đạo đức giả khi không thể sống được như những gì mình viết. Nhưng câu trả lời cho nghi ngờ này là hoàn toàn không, nếu bạn thực sự hiểu những gì Tolkien muốn nói qua các câu chuyện.

Với ông, anh chàng Hobbit tượng trưng cho những người dân nước Anh mộc mạc trong hình hài nhỏ bé, phản ánh trí tưởng tượng hạn hẹp chứ không phải về lòng can đảm hay khả năng tiềm tàng. Vì trong thế chiến thứ nhất, ông đã chứng kiến sự kiên cường của người lính nhập ngũ, họ hành động vô cùng quả cảm. Tuy nhiên, điều người Anh thiếu lại là trí tưởng tượng đầy màu sắc, khát khao ấp ủ những ý tưởng và cách nhìn mới.

Hầu hết con người cũng như Baggins, đều không buồn vượt qua các ý niệm tầm thường, quen thuộc để khám phá kho tàng ẩn giấu bên trong – mà một trong số đó là trí tưởng tượng của mình.

Tolkien nhận thấy không mấy người nuôi dưỡng trí tưởng tượng để nhìn nhận điều này nghiêm túc, cũng như không đủ can đảm theo đuổi nó. Hầu hết họ đều như gã Baggins trong cuốn sách,  biết rõ sẽ trả lời như thế nào với mọi câu hỏi đến nỗi bạn không thèm hỏi gã. Hầu hết con người cũng như Baggins, đều không buồn vượt qua các ý niệm tầm thường, quen thuộc để khám phá kho tàng ẩn giấu bên trong – mà một trong số đó là trí tưởng tượng của mình.

Zao Wou-Ki (1920-2013), 05.06.63, 1963. 130 x 90 cm, 51⅛ x 35⅓ in. Estimate HK$20,000,000-28,000,000. This lot is offered in Asian 20th Century & Contemporary Art (Evening Sale) on 24 November 2018 at Christie’s in Hong Kong

Zao Wou-Ki (1920-2013), 05.06.63, 1963.

Theo sát chặng đường của Bilbo bằng trí tưởng tượng, độc giả như bước vào hành trình trở về chính bản thân. Nói cách khác, cuốn sách như “Anh chàng Hobbits” không đơn giản nằm ở ý tưởng khuyến khích mọi người du ngoạn tới miền đất xa xôi, mà hãy tìm kiếm những điều mới mẻ trong những điều quen thuộc quanh mình. Trí tưởng tượng sẽ cho phép chúng ta thoát khỏi biên giới nhàm chán đó, để nhìn nhận mọi thứ theo đúng bản chất của nó. Hạnh phúc, tiến bộ và hoàn thiện đều có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào, hoặc không ở đâu cả.

Như triết gia Henry David Thoreau từng nói: “Lồng ngực chúng ta đủ rộng nhưng tâm hồn mới là thứ đang rỉ sét. Hãy khám phá thế giới này không mỏi mệt, và hạ trại mỗi ngày gần chân trời phía tây hơn.”

Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức

This image may contain Art and Graffiti

Pablo Picasso, La Lampe, 1931/ Ảnh: Courtesy of © 2018 Estate of Pablo Picasso

Một người cha đồng thời là một người bạn của tôi từng viết như thế này:

“Thật đáng tiếc khi mặt trời ở Việt Nam luôn luôn có màu vàng!”

Tôi tự hỏi bản thân rất nhiều lần về điều đó. Thật lòng, Việt Nam là đất nước mà tôi sinh ra và lớn lên, nơi tôi có một tuổi thơ êm đềm tươi đẹp, nơi mà lần đầu tiên tôi tìm thấy nửa kia của mình và nơi chúng tôi có đứa con đầu lòng như ý. Và vậy nên, tôi yêu Việt Nam quá nhiều.

Nhưng tôi cũng nhìn vào tương lai của những đứa con, và thế hệ tiếp theo đây nữa, tôi phải thừa nhận rằng giáo dục ở đây đã thui chột trí tưởng tượng của các bé.

Tôi tình cờ thấy một em bé độ 4 tuổi, đang học tô màu ở nhà trẻ. Cậu bé tô mặt trời màu xanh nước biển và bị giáo viên mắng. Cô bảo rằng cậu tô sai rồi, mặt trời lẽ phải màu vàng cơ. Cậu bé cứ khóc, khóc mãi và bảo với cô rằng “nhưng con muốn tô nó màu xanh nước biển cơ”, thế mà cô giáo vẫn cứ khăng khăng bắt cậu tô màu vàng bằng được.

Và tôi tin rằng cứ với cách tiếp cận giáo dục ở Việt Nam theo kiểu này thì kiểu gì nó cũng sẽ phá hoại sự sáng tạo và trí tưởng tượng của con cái chúng ta. Tôi muốn con tôi có cơ hội được học trong môi trường mà cậu có cơ hội tự do định nghĩa và sáng tạo mọi thứ xung quanh mình. 

This image may contain Human Person Furniture Art and Painting

Pablo Picasso, Paulo Drawing, 1923 © 2018 Estate of Pablo Picasso.

Trẻ em không có giới hạn của sự tồn tại, vì vậy trí tưởng tượng của chúng là bản năng và đầy hoang dã. Chúng không tự đặt ra giới hạn cho bản thân mình, trừ phi người lớn ràng buộc điều đó. Sức mạnh của trí tưởng tượng còn vượt xa sự sáng tạo. Nó mạnh đến nỗi không còn có thể phân biệt được giữa thực và ảo.

Vào năm 2000, tác giả nổi tiếng người Mỹ Ursula K. Le Guin từng được Thư viện Quốc hội (Library of Congress) mệnh danh là “Huyền thoại sống” bởi những đóng góp lớn lao mà bà dành cho khoa học viễn tưởng. Trong tác phẩm “Words Are My Matter”, bà viết: “Tại Mỹ, trí tưởng tượng được xem là điều gì đó vô cùng hữu ích khi màn hình TV tắt đi. Khả năng tưởng tượng thúc đẩy mọi sáng tạo, cho phép suy nghĩ hình thành rõ ràng và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Tôi nghĩ rằng trí tưởng tượng là công cụ hữu ích nhất mà nhân loại sở hữu.”

$65 million Chinese oil painting leads one of Asia's largest ever ...

Tác phẩm Juin-Octobre 1985 đạt giá gõ búa 65 triệu USD của Zao Wou-Ki.

Trí tưởng tượng đến với trẻ em một cách tự nhiên và bản năng, nhưng đó là thói quen của tâm trí cần dạy dỗ và củng cố xuyên suốt cuộc đời. Thế nhưng, nhà nghiên cứu Wendy Ostroff, từng là một sinh viên giàu trí tưởng tượng và tò mò, tác giả của “Cultivating Curiosity in K-12 Classrooms” chia sẻ: “Nhiều trường học đang vắt kiệt trí tưởng tượng tự nhiên của trẻ. Nhiều trường tập trung vào quá nhiều khái niệm và xây dựng nhiều bức tường ngăn cách. Họ thiếu tính linh hoạt và chỉ đòi hỏi học sinh đạt kết quả học tập ưng ý. Vì thế, học sinh buộc phải trả lời theo cách làm hài lòng giáo viên, khiến chúng học trong sợ hãi, học trong sự ràng buộc, từ đó trí tưởng tượng bị thui chột.”

Liều thuốc chữa bách bệnh

Nghệ sĩ Pop-art và graffiti nổi tiếng người Mỹ Keith Haring.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1984, nghệ sĩ Pop-art và graffiti nổi tiếng người Mỹ Keith Haring được hỏi: “Anh lấy những ý tưởng này ở đâu?” Ông trả lời: “Thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau, và nguồn mới mỗi ngày. Tôi đã hấp thụ chúng, chuyển chúng thông qua trí tưởng tượng của mình và kéo chúng về với thế giới hiện thực.”

Ông trả lời tạp chí này vào năm vừa tròn 26 tuổi. Ở những năm đó, ông thường vẽ nguệch ngoạc trên các ga tàu điện ngầm, về những em bé với gương mặt rạng rỡ hay chú chó đang sủa,… Chúng là những biểu tượng tràn đầy sức sống, niềm vui và đồng thời bày tỏ thông điệp mạnh mẽ về quyền sống, quyền tự do, bình đẳng, lên án chiến tranh hạt nhân, và lên tiếng về tình yêu, công nghệ, AIDS…

Trong sự nghiệp, Haring đề cao tuyệt đối trí tưởng tượng, ông cho phép bản thân tư duy thoải mái, tiêu hóa, phối trộn những tài liệu tham khảo xung quanh thành những gì của riêng ông. Chính trí tưởng tượng đã cho ông không gian sống mênh mông không biên giới, và bằng những thông tin, nó vẫn khiến Haring không hề tách rời đời sống xã hội hiện tại. Ông chia sẻ về sự ngây thơ, ngẫu nhiên cần thiết của một đứa trẻ trong ông cùng nhận thức về thế giới hiện hữu của một người trưởng thành. Ông đã kết hợp hai yếu tố này chặt chẽ lại với nhau và từ đó sáng tạo bằng tất cả khả năng của mình.

Salvador Dal Femmes aux papillons signed and dated Dal 1953

Salvador Dalí (1904–1989) , Femmes aux Papillons.

Không chỉ nghệ sĩ mới tưởng tượng, trong một bài viết năm 1984 ở Flash Art, ông nhận xét: “Nghệ thuật sống qua trí tưởng tượng của những người đang nhìn thấy nó. Nếu không có sự liên hệ ấy, không có nghệ thuật.” Haring không chỉ tôn trọng trí tưởng tượng mà còn cho rằng đó là liều thuốc chữa bách bệnh, kể cả những căn bệnh gây ra từ công nghệ và chiến tranh. Trong một chia sẻ, ông cảm thấy xã hội đang bị tác động bởi công nghệ và phụ thuộc vào nó quá nhiều. Trí tưởng tượng của con người không thể được lập trình bởi một chiếc máy tính. Và tệ hơn, con người vin vào vai trò của máy tính để lười biếng hơn trong thế giới tưởng tượng của mình.

Lúc này, tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của huyền thoại boxing Muhammad Ali: “Một người không có trí tưởng tượng thì như không có cánh.”

Bài: Trang Ps


 
Back to top