ART & LIFE

Phù sinh nhược mộng trong tranh Utagawa Hiroshige, bậc thầy cuối cùng của nghệ thuật Ukiyo-e 

May 22, 2021 | By Xu

Ngay trước khi Singapore quay trở lại trạng thái giãn cách nghiêm ngặt, Ace Lê đã có dịp đi thăm triển lãm “Russel Wong in Kyoto | Life in Edo”. Bên cạnh nhiều trải nghiệm và cảm xúc mà anh thu nhặt được, bài viết này cũng là kết quả của chuyến tham quan, nhằm chia sẻ với độc giả những hiểu biết của Ace Lê về nghệ thuật Ukiyo-e và các tác phẩm quan trọng của danh hoạ Utagawa Hiroshige. 

Triển lãm “Russel Wong in Kyoto | Life in Edo”, giám tuyển bởi Clement Onn, diễn ra tại Asian Civilisations Museum (ACM), trưng bày ảnh chụp về cuộc sống geisha tại Kyoto của nhiếp ảnh gia Russel Wong (người cộng tác với đoàn làm phim “Memoirs of a Geisha” năm 2005), và những bản in khắc gỗ minh hoạ đời sống Edo thế kỷ 17-19, đặc biệt với những tác phẩm của danh hoạ Utagawa Hiroshige, người đã có ảnh hưởng rất lớn tới Edouard Manet, Claude Manet và Vincent Van Gogh.

Nhiếp ảnh gia Russel Wong mang đến 40 bức ảnh đen trắng minh hoạ các phong tục và truyền thống của geishas (được gọi là “geiko” ở Kyoto), bộ ảnh là một phần của dự án cá nhân kéo dài 13 năm liên tục của ông. Photo by Ace Le

Nghệ thuật tranh khắc gỗ Nhật Bản được gọi là Ukiyo-e (“phù thế hội”), ghép từ “ukiyo” (“thế giới phù hoa, kỳ ảo”) và “e” (“hình”), là một trào lưu hội hoạ cực thịnh tại nước này xuyên suốt thế kỷ 17-19.

Trước đó, thiên hoàng ngự trị ở kinh đô Kyoto, nhưng từ khi chính quyền mạc phủ Tokugawa chuyển hành dinh sang Edo (nay là Tokyo), nơi này bỗng trở thành trung tâm quyền lực, chuyển mình từ một làng chài nhỏ bé lên thành một đô thị sầm uất.

Nền kinh tế tăng trưởng rực rỡ tạo ra một tầng lớp trung lưu có nhu cầu văn hoá – giải trí thường nhật với những dịch vụ như nhà hát, kỹ nữ, ẩm thực, du lịch… và nhu cầu mua tranh trang trí nhà cửa. Ukiyo-e do đó trở thành một sản phẩm được sản xuất hàng loạt, lưu giữ lại những nét sống phù hoa, như một dạng “Instagram” của thời bấy giờ.

Mỗi loạt tranh Ukiyo-e thường được thầu bởi một nhà xuất bản (“hanmoto”), đóng vai trò bên đầu tư, trả tiền sản xuất và hưởng lợi từ doanh thu, và những bản in được phân phối qua hệ thống nhà sách (“ezoshiya”).

 

Quá trình sản xuất bắt đầu bằng tranh vẽ từ hoạ sỹ (“eshi” – như Utagawa Hiroshige), sau đó chuyển qua cho một nghệ nhân khắc gỗ (“horishi”) để khắc nhiều bản gỗ tương ứng với mỗi lớp màu, và cuối cùng là một nghệ nhân in (“surishi”) sẽ khéo léo in khối màu lên tranh.

Quá trình này cũng giống với các bước sản xuất tranh Đông Hồ, chỉ khác là vai trò cốt cán nhất là của hoạ sỹ sáng tác, với phong cách và bút pháp riêng của họ – nên tên tuổi hoạ sỹ còn được lưu lại như là tác giả của bản tranh in.

Utagawa Hiroshige (1797-1858) được coi là bậc thầy cuối cùng của môn nghệ thuật này, với loạt tác phẩm nổi tiếng nhất là “Năm mươi ba trạm nghỉ của Tokaido” (1833), tả chuyến du ngoạn của hoạ sỹ dọc theo tuyến đường huyết mạch Tokaido nối từ Edo tới Kyoto, gồm 55 bức kể cả hai bức khởi đầu và kết thúc.

Ngoài ra các loạt tranh khác của ông khắc hoạ đời sống Edo rất sinh động, mang một nét tinh nghịch đặc trưng. Ở đây tôi xin giới thiệu một vài tác phẩm nổi bật trong triển lãm.

Tác phẩm “Nihonbashi buổi sớm”

“Nihonbashi buổi sớm” là bức khởi đầu cho loạt “Năm mươi ba trạm nghỉ của Tokaido” (1833), với bầu trời hừng đông đa sắc gây ấn tượng mạnh mẽ, báo hiệu cho chặng đường nhiều sự kiện sắp tới.

“Nihonbashi buổi sớm”, bức khởi đầu cho loạt “Năm mươi ba trạm nghỉ đường Tokaido” (1833)

Nihonbashi là một trong những khu vực sầm uất nhất Edo, ở đây ta thấy những người bán cá đã bắt đầu mang cá tươi đánh từ bờ sông phía bắc vào trong trung tâm bày bán. Trên cầu là đoàn tùy tùng hộ tống một lãnh chúa bắt đầu hành trình của riêng mình, có thể song song với hành trình của chính tác giả.

Tác phẩm “Quán trà Mariko nổi tiếng”

“Quán trà Mariko nổi tiếng” là trạm nghỉ chân thứ 20, không chỉ bán trà. Biển quán đề đặc sản (“meibutsu”) là món canh khoai mỡ (“tororo-jiru”) bên cạnh cơm trà xanh (“ochazuke”) và cá nhắm với rượu sake (“sake-sakana”).

“Quán trà Mariko nổi tiếng”, trạm thứ 20 trong “Năm mươi ba trạm nghỉ đường Tokaido” (1833)

Bố cục từ xa nêu bật được vị trí khiêm tốn của tiệm trà bé nhỏ, nhưng vẫn khắc hoạ được sự thoải mái của hai thực khách đương hàn huyên (một vị còn co chân lên ghế), được phục vụ bởi cô chủ địu đứa bé còn ngủ say.

Tác phẩm “Cầu Toyokawa bắc qua sông Yoshida” 

“Cầu Toyokawa bắc qua sông Yoshida” là trạm nghỉ chân thứ 37. Bên phải là toà lâu đài Yoshida, lúc ấy còn đang trong quá trình xây dựng, có một anh thợ nghịch ngợm phóng tầm mắt ra xa ngắm cảnh. Bên trái là chiếc cầu Toyokawa dài 218m, là một trong ba chiếc cầu lớn dọc theo tuyến đường Tokaido.

“Cầu Toyokawa bắc qua sông Yoshida”, trạm thứ 37 trong “Năm mươi ba trạm nghỉ đường Tokaido” (1833)

Tác phẩm “Cảnh sông Oi” 

“Cảnh sông Oi” (1851) là một bức in ghép từ ba bản nhỏ, với bố cục điển hình cho loại tranh ghép này: khi đứng riêng mỗi tranh đều có bố cục và nhân vật trọng tâm riêng, khi ghép lại tạo thành một trường cảnh toàn diện.

“Cảnh sông Oi” (1851)

Bức tranh minh hoạ các loại phương tiện vận chuyển qua sông Oi: hoành tráng nhất là kiệu lãnh chúa với 40 phu khuân kiệu, rồi tới kiệu nhỏ có lọng cho một người ngồi với 08 người khiêng, các kiệu đơn và kép, không lọng, từ 04 – 06 người khiêng chở người hoặc chở hàng, cuối cùng là dịch vụ cõng đơn do một người khiêng. Các quý cô quý bà đều vận áo choàng ra ngoài kimino để chống ướt.

Loạt tranh “Cảnh chợ Balladtown náo nhiệt”

“Diễn viên vở Chim chích và vở Danshichi” và “Món lươn nướng trong sân khấu rối và kịch” là hai bản tranh thuộc loạt “Cảnh chợ Balladtown náo nhiệt” (1852). Ở đây tác giả miêu tả đời sống các hoạt động tiểu thương được diễn lại trên các sân khấu múa rối và kịch múa kabuki tại Edo, với ít nhất bốn vở kịch được trích dẫn trong hai tranh này.

“Diễn viên vở Chim chích và vở Danshichi” và “Món lươn nướng trong sân khấu rối và kịch” là hai bản tranh thuộc loạt “Cảnh chợ Balladtown náo nhiệt” (1852).

Ở đây tác giả miêu tả đời sống các hoạt động tiểu thương được diễn lại trên các sân khấu múa rối và kịch múa kabuki tại Edo, với ít nhất bốn vở kịch được trích dẫn trong hai tranh này.

Bố cục treo dọc hướng mắt người xem theo dõi các hoạt cảnh từ trên xuống dưới, được miêu tả rất tỉ mỉ và sống động, với những biểu cảm khuôn mặt kịch tính đặc trưng của các diễn viên múa kabuki như hút hồn khán giả ngồi xa, ngồi gần.

Loạt tranh “Bản in tiếu lâm của Hiroshige” 

Cuối cùng là bức tranh đôi “Nhòm trộm nhà tắm / Đánh nhau giữa phố” trong loạt “Bản in tiếu lâm của Hiroshige” (1940s), một dạng thức giáo dục với minh hoạ hoạt kê và những bài học răn dạy được rút ra từ đó.

Bức tranh đôi “Nhòm trộm nhà tắm / Đánh nhau giữa phố” trong loạt “Bản in tiếu lâm của Hiroshige” (1940s)

Tác giả khuyên người xem phải biết giữ mình, đừng quá mê mải vào những lạc thú nhất thời hay sự yêng hùng mù quáng, để rồi mất nhiều hơn được: bình sake đổ tràn xuống đất, con chó cắp mất một vòi bạch tuộc, giỏ cá ngừ và hộp đậu phụ chiên rơi tung toé, khiến lũ chó chim đứng ngoài hưởng lợi.

Sự sắc sảo trong ý niệm và tinh tế trong bố cục, tạo hình và màu sắc đã giúp Hiroshige vượt qua những hạn chế kỹ thuật của tranh khắc gỗ Ukiyo-e, đưa nó lên một tầm cao mới. Sức ảnh hưởng sâu rộng của ông tới trào lưu Ấn tượng và hậu Ấn tượng tại châu Âu những thập kỷ sau đó là minh chứng cho cảm hứng vượt biên giới của mỹ thuật bậc thầy.

Sau khi Hiroshige mất, cơn sóng dài ba thế kỷ của Ukiyo-e đã thoái trào trước những phong trào Tây phương hóa trong công cuộc duy tân của Minh Trị từ nửa sau thế kỷ 19.

Mặt tiền bảo tàng Asian Civilisations, tại Singapore. Photo by Ace Lê

* Triển lãm “Russel Wong in Kyoto | Life in Edo” tại Asian Civilisations Museum – ACM (Singapore) kéo dài từ 16.04 đến 19.09.2021

Thực hiện: Ace Lê

Về tác giả:

Ace Lê là Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University. Anh là đồng sáng lập của nhóm giám tuyển độc lập Of Limits, đơn vị được trao giải 2020 Platform Projects Curatorial Award bởi NTU CCA Singapore.


 
Back to top