Ăn sáng nhanh hay ăn sáng chậm?
Ăn uống không chỉ đơn thuần là để duy trì sự sống mà còn là nét văn hóa. Từ cách ăn uống, có thể phần nào thấy được về văn hóa, nhận thức thẩm mỹ của một cá nhân, gia đình, vùng miền và cả dân tộc. Vì thế, khi một người Việt Nam di cư đến sống ở các nước Tây phương, bên cạnh ngôn ngữ, họ còn phải thích nghi với một cú sốc lớn trong sinh hoạt hàng ngày – chuyện ăn uống, điển hình là bữa ăn sáng.
Ở phương Tây, người dân sẽ đề cao sự thuận tiện, dù là bữa ăn nào cũng đảm bảo lượng dinh dưỡng, calories, vitamin nạp vào lên hàng đầu, nên đôi khi hương vị không quá thơm ngon và đa dạng. Trong khi đó, ẩm thực Việt hay phương Đông nói chung thường có thói quen thưởng thức các món ăn với đa dạng màu sắc, hương vị, hình thức, ưu tiên tính ngon miệng, bắt mắt. Đây chính là sự khác biệt chính giữa hai nền văn hóa dẫn đến thói quen, tập quán ăn uống khác nhau. Nếu như người Việt chuộng kiểu ăn sáng đầy đặn, chắc bụng, thì đối với người Mỹ, ăn sáng phải nhanh, gọn, nhẹ khởi động các hoạt động ngày mới sau một đêm dài.
Người dân xứ cờ hoa thường thưởng thức bữa sáng ở nhà với một gói ngũ cốc gồm các loại hạt, trái cây sấy khô bán sẵn, vừa rẻ vừa tiện lại nhiều dinh dưỡng nên nhà nào cũng có ít nhất hai, ba hộp. Sữa tươi lạnh hoặc nóng được đổ vào tô ngũ cốc, quậy đều cùng các loại hạt và thế là xong một bữa sáng vỏn vẹn trong chưa đầy hai phút, và không cần phải đụng đến bếp lò. Những cửa hàng bán đồ ăn nhanh như McDonald’s, Sonic, Taco Bell, Burger King cũng là một lựa chọn thuận tiện được người Mỹ yêu thích, và vì thế, chúng luôn được mở cửa sáng đêm.
Một bữa sáng nhanh và no thường là với một chiếc bánh sandwich kẹp thịt nguội cùng một tách cà phê hay ly nước ép. Các nước phương Tây thường áp dụng mô hình “drive-thru”, nơi người lái xe xếp hàng thành hình chữ U quanh các quán ăn tiện lợi. Họ chỉ cần ngồi trong xe, chạy đến bảng menu để gọi món rồi đến cửa sổ trả tiền và nhận hàng trong chưa đầy năm phút. Cả quy trình diễn ra trật tự, không ai hối ai dù ai cũng bận rộn. Ngoài các thương hiệu thức ăn nhanh, người Anh và Mỹ cùng thường chuẩn bị các phần ăn sáng đặc trưng với trứng (ốp lết, trứng bác…) ăn kèm với bánh mì nướng, thịt muối chiên giòn, xúc xích… Nếu muốn đổi vị sang bữa ăn sáng kiểu ngọt thì có thể chọn bánh sandwich mềm, bánh kẹp (pancake) hoặc bánh tổ ong (waffle) phết bơ, các loại mứt, mật ong hoặc syrup.
So với người Mỹ, ăn sáng kiểu Việt Nam được đánh giá là đa dạng và phong phú hơn nhiều. Người Việt từ xa xưa đã quan niệm “Có thực mới vực được đạo” thế nên các hàng quán sẽ bán từ sáng đến chiều tối với cùng các món như phở, hủ tíu, bánh canh, bánh mì, cơm tấm… Thói quen của người Việt trong cách ăn uống cũng có phần chậm rãi, thiên về nhâm nhi nhiều hơn. Buổi sáng có thể vào quán gọi một tô phở, từ tốn ngắt rau, thêm ớt miếng, nêm chút tương đen và tương ớt, rồi mới từ từ gắp miếng bánh, nhấp miếng nước dùng. Sau khi no bụng, người ăn có thể gọi thêm ly cà phê sữa đá, nói dăm ba câu chuyện với người chủ quán rồi mới thong thả đi đến chỗ làm. Một bữa ăn như vậy có khi tốn chừng hơn ba mươi phút.
Tuy vậy, người Việt Nam cũng có rất nhiều món ăn sáng nhanh như bánh mì, bánh bao, xôi, bánh giò, bánh dày… có thể mua sẵn, ăn vẫn no mà lại tiện lợi. Mặc dù người Mỹ duy trì cách ăn sáng nhanh như một thói quen do thời gian bận rộn, thức ăn cũng không phong phú như văn hóa ẩm thực Việt Nam, nhưng chính sự khác biệt đó mới tạo nên sự đa dạng, và giúp chúng ta có cơ hội thưởng thức những món ăn mới, trải nghiệm nền văn hóa mới.
Bài: Tô Thư