Kinh doanh xa xỉ trực tuyến (Kì 3): Các nhà đấu giá nghệ thuật Việt Nam và quốc tế đầu tư vào trải nghiệm trực tuyến
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến các nhà đấu giá lớn và nhỏ. Thế nhưng, bất cứ doanh nghiệp nào tận dụng tốt công nghệ đều có thể làm hài lòng các nhà đầu tư.
Đại dịch Covid-19 đã kéo theo hàng loạt hệ lụy đáng buồn cho cho thị trường nghệ thuật thế giới năm 2020: triển lãm Art Basel bị hủy bỏ, Hong Kong Arts Festival ngừng tổ chức, hàng loạt nhà đấu giá lớn như Sotheby’s, Christie’s và Bonham, Phillips phải tạm đóng cửa và hoãn các phiên đấu giá, đối mặt với việc cắt giảm nhân sự. Không dừng lại ở đó, hàng loạt bảo tàng, gallery cũng phải tạm đóng cửa, các sự kiện lớn liên quan đến nghệ thuật khác cũng liên tiếp bị hủy như Jing Art Bắc Kinh, Masterpiece London, Miart Milan, Art Paris, Art Berlin, Art Brussels, Art Dubai,…
Thị trường nghệ thuật Hồng Kông đã và đang đón nhận cú nổ lớn, ảnh hưởng đến cả thị trường nghệ thuật châu Á và thế giới. Bởi đến nay, Hồng Kông vẫn là trung tâm nghệ thuật đương đại, hiện đại của Trung Quốc, đồng thời nắm giữ vị trí cửa ngõ cho thị trường nghệ thuật châu Á đang phát triển. Lượng người mua và người bán cao đã biến Hồng Kông thành trung tâm nghệ thuật lớn ngang ngửa New York (Mỹ) và London (Anh). Tính theo giá trị, tổng cộng Trung Quốc, Mỹ và Anh đang chiếm hơn 80% tổng doanh số nghệ thuật toàn cầu.
Ảnh hưởng của Covid-19 lên các nhà đấu giá quốc tế và Việt Nam
Nhà đấu giá Sotheby’s đã đóng cửa văn phòng tại London, Hong Kong, Dubai, Geneva, Milan, Paris và New York, khiến các cuộc đấu giá phải tạm hoãn. Trong khi đó, đối thủ chính là Christie’s chia sẻ rằng họ đang nhanh chóng xúc tiến việc tái tổ chức các sự kiện đấu giá bị hoãn.
“Đây là mối đe dọa lớn đối với chúng tôi, nhưng tôi nghĩ Bonhams sẽ vượt qua được!”, Giles Peppiatt, Giám đốc nghệ thuật đương đại châu Phi của nhà đấu giá Bonhams tại trụ sở London, chia sẻ với AFP.
Đúng thế, mặc dù không còn có khả năng tổ chức các buổi đấu giá trực tiếp, nhưng đại dịch đã tạo ra cơ hội bán hàng trực tuyến cho những đơn vị này. Và chính Bonhams đã thành công trong ý tưởng ấy.
Khi đấu giá online được tổ chức, chính các nhà đấu giá lo sợ rằng hình thức này sẽ khiến chất lượng giảm sút nặng nề so với mong đợi. Nhưng thật kinh ngạc, điều khiến họ lo sợ nhất vào chính thời diểm đó lại là vị cứu tinh của chính họ.
Jen Zatorski, Chủ tịch Christie’s America, chia sẻ trong một hội nghị truyền thông rằng công ty đang đẩy nhanh việc lập trình nền tảng bán hàng trực tuyến bằng cách sử dụng công nghệ mà họ đã phát triển trong suốt thập kỷ qua. Thị trường nghệ thuật và khách hàng đã sẵn sàng và mong muốn loại giao dịch kỹ thuật số này.
Clare McAndrew, CEO của Arts Economis, chia sẻ với AFP: “Tôi nghĩ các nhà đấu giá nhỏ sẽ phải đấu tranh dữ dội trong cuộc khủng hoảng này vì họ yếu thế về khả năng thanh khoản.” Thế nhưng, Pierce Noonan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành nhà đấu giá Dix Noonan Webb có trụ sở tại London thì cho rằng chính những doanh nghiệp nhỏ lại có thể phát triển mạnh.
“Đầu tiên, đó chính là công nghệ. Đây là một thời điểm xác định” – Noonan chia sẻ. Nhà đấu giá của vị doanh nhân này chuyên về sưu tầm nhỏ như đồng hồ, đồ trang sức, và đang lên kế hoạch bán hàng trực tuyến trong tuần thứ 4 của tháng 4. Một phần tiền thu được sẽ chuyển đến Dịch vụ y tế quốc tế của Anh.
Trên thực tế, những tài sản hữu hình trong tình huống này lại trở nên hấp dẫn hơn khi các lĩnh vực đầu tư khác đang trở nên trì trệ. Chuyên gia kinh tế Kathryn Brown từ Đại học Loughborough của Anh chia sẻ: “Điều thú vị là nghệ thuật lại sống sót trong thảm họa. Con người vẫn thường mua tác phẩm nghệ thuật trong Thế chiến thứ nhất. Bạn có thể nhìn vào cuộc giao tiếp thư tay giữa nhà thơ Guillaume Apollinaire viết từ chiến hào đến đại lý ở Paris, để nói cho ông ta biết nên mua tác phẩm nghệ thuật nào.
Vấn đề lớn hơn chính là nguồn cung. Mọi người thường nghĩ rằng đây là thời điểm khó khăn nên người ta sẽ bán tác phẩm. Vì thế, những ai tìm kiếm một bức họa Picasso giảm giá sẽ phải thất vọng.
Kinh doanh trực tuyến sẽ tạo ra các phòng trưng bày ảo, thế nhưng theo các chuyên gia, khi đại dịch lắng xuống, họ mong đợi các cuộc đấu giá trực tiếp nhiều hơn, vì lúc này, người mua có xu hướng trả giá tự do hơn một chút vì họ bị cuốn vào cuộc đấu giá đó.
Cơ hội tốt để cải thiện trải nghiệm người dùng
Tại Việt Nam, trước quan ngại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều sự kiện triển lãm, trưng bày quy mô lớn nhỏ cũng đã bị hủy bỏ hoặc tạm hoãn cho đến khi tình hình khả quan hơn.
Nhà đấu giá Chọn Auction House cho biết: “Nhiều nhận định cho rằng sự gia tăng số lượng hủy/hoãn tổ chức các hội chợ nghệ thuật, trưng bày gallery, buổi bán đấu giá sẽ ngấm ngầm giết chết thị trường nghệ thuật, song bởi tính trao đổi nghệ thuật tách biệt với chuỗi sáng tác nên nghệ thuật vẫn sẽ sống sót sau thảm họa bệnh dịch và vẫn là một loại tài sản. Tuy rằng đại dịch toàn cầu mang đến không ít thách thức với các thể chế hoạt động nghệ thuật, nhưng đi liền với đó, khi bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, nhiều cơ hội vẫn đang rộng mở.”
Đối với các doanh nghiệp và tổ chức liên quan đến nghệ thuật, đây là cơ hội tốt để cải thiện trải nghiệm người dùng xung quanh việc mua nghệ thuật trực tuyến, ra mắt các gallery trên nền tảng số ứng dụng công nghệ thực tế ảo (ví dụ: Triển lãm tranh Trịnh Công Sơn – Lời Thiên Thu Gọi) và cung cấp quyền truy cập ưu tiên cho các khách hàng tệp VIP (ví dụ: Art Basel 2020 online viewing rooms).
Đấu giá online vẫn diễn ra và thu lại được phản hồi tích cực. Dễ thấy những không gian số hóa đang thúc đẩy việc kinh doanh nghệ thuật như các mô hình không gian thực thông thường.
Ở thời kỳ sơ khai, những mô hình này mang tính chất linh hoạt nhiều hơn, chi phí vận hành thấp hơn, mang đến phạm vi tiếp cận rộng hơn so với không gian thực. Khi đó việc các doanh nghiệp nên làm là học cách khai thác công nghệ mới và nguồn lực sẵn có đúng cách. Song song với đó việc vun đắp cho mô hình thực vẫn cần được chú trọng bởi đây là không gian kết nối, gặp gỡ các nhà môi giới, nhà sưu tập và nắm giữ được tinh thần cốt lõi là tạo ra giá trị xúc cảm khi được tận mắt chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật.
“Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với thị trường nghệ thuật bao gồm tích cực và tiêu cực. Nhưng có thể nói, đây là cơ hội tốt để các cơ quan, tổ chức bắt tay vào việc nghiên cứu và đa dạng hóa trải nghiệm hội họa của các đối tượng gắn với nghệ thuật. Tận dụng thách thức để biến thành cơ hội, thị trường nghệ thuật hậu Covid-19 ắt hẳn rất đáng để mong chờ!”, Chọn Auction House khẳng định.