Không gian sống

Namra Coffee Đà Nẵng: Từ nhà cổ đến quán cafe mang thẩm mỹ đương đại

Jul 31, 2021 | By Trang Ps

D1 Architectural Studio đã cải tạo một ngôi nhà cổ ở Đà Nẵng thành quán Namra Coffee, biến nơi đây trở thành địa chỉ gặp gỡ quen thuộc và nổi tiếng của thành phố.

Không gian 3 tầng với thiết kế đương đại, toát lên hơi thở của một công xưởng với vật liệu gỗ, kim loại và những bức tường được xây dở còn lộ những viên gạch đỏ bên trong.

Những đường nét, chất liệu thiết kế modernist của chủ đầu tư trước vẫn được giữ lại, đồng thời có sự linh hoạt khi đan xen và bao bọc giữa kiến trúc cũ và mới, từ đó giúp Namra Coffee bảo tồn dấu ấn thời gian và tỏa ra năng lượng tươi mới.

Một số giải pháp đã được áp dụng như: các ô sàn bê tông nặng nề từ công trình cũ được thiết kế cắt bớt đi, thay vào bằng sàn gỗ khung thép và giật cấp để tạo sự phân chia không gian vô hình nhằm mang đến những trải nghiệm thú vị; và các chi tiết cổ xưa bên trong có vỏ bọc bên ngoài hiện đại thì vẫn được giữ lại như là một điểm nhấn của công trình. Bên cạnh đó, các ô cửa kính lớn cũng được đưa vào thiết kế vừa giúp lấy ánh sáng tự nhiên; vừa làm không gian bên trong thoáng, rộng hơn, và vừa có thể khoe được vẻ đẹp kiến trúc bên trong của công trình.

Tổng thể công trình được cải tạo gồm 3 tầng là một trải nghiệm di chuyển từ dưới lên trên, chuyển dần từ không gian động sang không gian tĩnh.

Tầng 1 có chút náo nhiệt với quầy bar pha chế, là nơi chia sẻ với nhau về cà phê, và về cuộc sống thường ngày.

Trái với sự náo nhiệt ở tầng 1, tầng 2 nhẹ nhàng hơn với những nhóm bàn riêng tư, để mọi người gần gũi và kết nối với nhau.

Ngoài ra, ban công được bố trí một vài bàn để người ngồi có thể tận hưởng không khí bên ngoài, nhìn xuống dòng xe qua lại.

Tầng thượng là không gian thờ, chỗ ngồi được bố trí ít hơn chỉ dành riêng cho những người anh em, hay bạn bè thân thiết. Đây là không gian đặc biệt trầm lắng với hướng nhìn ra vườn cây xanh bên ngoài, để mỗi người có được những giây phút tĩnh lặng, tách mình khỏi những ồn ào, xô bồ của cuộc sống.

Hệ mái thép cũng được các kiến trúc sư tạo hình kỳ công và được lợp ngói bên trên, những vòm sắt tấm ghép lại theo một trật tự hướng tâm, hướng về một nguồn sáng tự nhiên duy nhất, tạo nên hình ảnh một vầng hào quang tự nhiên, ấm áp, chiếu từ trên cao xuống, bao bọc cả công trình.

Nguồn sáng tự nhiên ấy được đặt ngay trên bức tượng Phật mà chủ công trình dày công tìm kiếm, mang nhiều giá trị về cuộc sống. Cách bố trí hướng nguồn sáng vào một nơi đặc biệt như vậy giúp lan tỏa một cách mạnh mẽ những giá trị tâm linh và tinh thần.

Ảnh: Hiroyuki Oki


 
Back to top