LIFE

Có nên quay lại với tình cũ?

Jun 19, 2021 | By Nguyen Huu Hon

Liệu có phải sau Jennifer Lopez, Kylie Jenner, sắp tới là Angelina Jolie cũng sắp quay lại với chồng cũ?

Trong khi tin tức về cặp đôi Jennifer Lopez và Ben Affleck quay trở lại với nhau tràn ngập trên các mặt báo, nhiều người có lẽ cũng đang được truyền cảm hứng để làm điều tương tự. Một mối tình từng bị chia cắt ròng rã 17 năm và giờ đây họ lựa chọn để quay lại với người cũ? Gương vỡ rồi lại lành, liệu mình có nên quay lại với ex?

Nếu những câu hỏi như vậy liên tục nảy ra trong đầu, kèm theo đó là cảm giác nhớ nhung người cũ xuất hiện ngày càng nhiều. Có thể bạn muốn quay lại với người mà bạn yêu dù từng bị tổn thương. Đừng vội vàng, bạn vừa trải qua một giai đoạn không hề vui vẻ, những gì bạn cần làm là chậm lại và dành thời gian để đánh giá lại bản thân trước khi đưa ra quyết định.

Ôm ấp những bài học hậu chia tay

Mỗi mối quan hệ lướt qua cuộc đời sẽ dạy cho bạn một bài học. Đừng trốn tránh sau khi trải qua những cảm xúc đau khổ của việc chia tay, khi bạn đã cảm thấy khá hơn cũng là lúc bạn cần nhìn lại mối quan hệ của mình. Điều cần làm ở đây là phản tư, hồi tưởng lại và rút ra các bài học cho riêng mình.

Hãy tự hỏi bản thân mình. Tại sao bạn lại chia tay? Bạn có đang lý tưởng hoá mối quan hệ của mình hay không? Điều gì đã xảy ra? Tại sao niềm tin bị phá vỡ? Liệu niềm tin ấy có thể được nối lại hay không? Và làm thế nào để nối lại niềm tin ấy? Cả hai có sẵn sàng đưa ra các bước hành động để có thể sửa chữa lại mối quan hệ này hay không?

Sự phản tư này cần được thực hiện một cách có cấu trúc và khách quan. Điều này có thể khó khăn với những cặp đôi chia tay không mấy êm đẹp hoặc rất drama. Nếu thật sự nghiêm túc muốn quay trở lại với nhau, bạn không nên đưa những cảm xúc cá nhân tiêu cực trong quá trình phản tư, bạn không muốn quay lại với tâm thế tiêu cực hơn.

Trong một số trường hợp, các cặp đôi khó kiểm soát cảm xúc hậu chia tay sẽ cần tới gặp một nhà trị liệu tâm lý, như vậy bạn mới có thể nhìn thẳng vào các bài học và tôn trọng những điều đã xảy ra. Điều này hoàn toàn là bình thường, miễn là bạn giải quyết được nút thắt của hai người

Nhưng trước tiên, bạn cần tìm hiểu bạn thật sự muốn gì

Liệu bạn muốn quay trở lại chỉ vì bạn sợ rằng bạn không thể yêu ai khác? Hay bạn đã quá tuổi để đi tìm một đối tượng mới?

Nếu câu trở lời là có, bạn cần cẩn thận. Một mối quan hệ mới bắt đầu bằng nỗi sợ sớm muộn cũng sẽ gặp phải khó khăn. Bạn cần thành thật với bản thân mình hơn nữa, và tìm hiểu nhu cầu thật sự mà bạn muốn là gì trong mối quan hệ này.

Có thể lần trước bạn đã hoang moang trong mối quan hệ, nhưng cũng có thể là bạn đang hoang mang với chính mình. Đối tác, người bạn đời hay người yêu chính là sự phản chiếu chính con người bạn.

Bạn hãy tự hỏi bản thân, bạn trông đợi gì trong một mối quan hệ cũng như những phẩm chất mà bạn thật sự cần từ đối tác. Có điều gì mà đối tác của bạn thiếu và có thể hoàn thiện hơn trong lần tiếp theo? Ngược lại, có những điểm mạnh gì của đối tác mà bạn đã không coi trọng? Điều này vô cùng quan trọng trước khi hai bạn thẳng thắn ngồi lại nói chuyện với nhau. Bạn càng làm rõ nhu cầu của bản thân, đối tác càng hiểu bạn và rút ra được kinh nghiệm trong quá khứ.

 

Quá trình chữa lành cần nhiều thời gian và tâm sức

Vậy là bạn quyết định sẽ sửa chữa mối quan hệ này. Nhưng đừng vội, quá trình chữa lành cần nhiều thời gian và công sức. Dưới đây là 4 bước bạn cần trả qua theo lời khuyên hữu ích của nhà trị liệu tâm lý cho các cặp đôi Jenn Mann. Nếu không có bốn bước thiết yếu này, một mối quan hệ không thể hàn gắn:

1. Giai đoạn hối hận. Lời xin lỗi chân thành đến từ việc nhận ra những tổn thương mà hai bạn đã gây ra. Lời nói “Anh/em xin lỗi” là không đủ. Đó chỉ là những lời nói. Một lời xin lỗi có ý nghĩa cần thể hiện sự nhận thức về nỗi đau mà hai bạn đã gây ra và thể hiện sự hối hận vì những hành động đã làm.

2. Trách nhiệm. Nhận trách nhiệm với hành động của bạn cũng như tác động của chúng, ngay cả khi nỗi đau gây ra là vô tình. Khi bạn nhận trách nhiệm, bạn cho đối phương biết rằng bạn hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình huống mà bạn đã gây ra và nhận ra bạn đã làm gì sai.

3. Sự công nhận. Điều quan trọng là hai bạn cần một không gian để ngồi lại nói chuyện thẳng thắn về những gì đã xảy ra, cảm xúc của hai bên và cách xử lý chúng. Khi đối phương biết rằng nỗi đau của người kia đã được lắng nghe, nó sẽ giúp họ chữa lành.

4. Biện pháp khắc phục. Hãy sửa chữa những thiệt hại đã gây ra và đưa ra những hành động để tránh lặp lại hành vi trong quá khứ. Có một kế hoạch hành động để giải quyết các vấn đề là một khởi đầu tốt. Đó có thể là từ bỏ mạng xã hội, chuyển việc, tham gia trị liệu cùng nhau hoặc đi cai nghiện.


 
Back to top