LIFE

James Bond 007 và 5 điều khiến thế giới điện ảnh thay đổi mãi mãi

Jan 19, 2022 | By Ton Binh

Vào thời điểm bộ phim điệp viên 007 – James Bond ra mắt, nó đã trở thành hiện tượng văn hóa, mang đến cho khán giả cảm giác thoát ly thực tại, được đo như một liều Adrenaline, với những pha nguy hiểm táo bạo, những chiếc xe tốc độ cao, những tiện ích của tương lai, những bộ vest chỉnh tề, những phụ nữ xinh đẹp, những ly Martini lắc đều và những địa điểm kỳ lạ!

Là một trong những phim nhượng quyền thành công nhất, loạt phim James Bond tính từ 1962 đến nay, đã thu về 6,89 tỷ USD (theo báo cáo của CNBC), hình tượng điệp viên 007 đã làm thay đổi thế giới điện ảnh, cả cách tiếp cận của khán giả đối với phim “người hùng thực tế”.

Từ vai trò của một cựu sĩ quan tình báo hải quân, nhà văn người Anh Ian Fleming đã quan sát đủ những người đàn ông chốn quân trường, trước khi vẽ ra phác họa ban đầu về chân dung chàng điệp viên người trần mắt thịt nhưng thần trí hơn người, võ nghệ cao cường. Năm 1953, tức là cách Dr.No gần một thập kỉ, James Bond 007 đã ra đời trên bàn giấy. Khó ai ngờ nó lại trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng, nhắc đến là nhớ, sau này!

James Bond “thật” thực chất là tên tác giả cuốn sách nghiên cứu… chim – Birds of the West Indies xuất bản năm 1936. Là một người mê chơi chim, Ian Fleming chọn luôn cái tên James Bond vì với ông, nó rất đỗi nguyên bản, thật sự không có gì đặc biệt và nổi bật.

Càng “ẩn thân”, Ian Fleming lại càng biến hóa James Bond qua những chặng sự kiện trong cuộc đời buồn tẻ nhưng chung quanh đầy náo nhiệt của anh ta. 12 tiểu thuyết và 2 truyện ngắn từ chính Ian Fleming cho đến khi ông qua đời, nhiều thế hệ viết lách nối tiếp, đã tạo ra những thay đổi lớn cho ngành công nghiệp làm phim, đặc biệt ở Anh và Mĩ.

Người hùng “người trần mắt thịt”

Nếu tính luôn loạt phim siêu anh hùng làm cho trẻ em từ năm 1939 (từ truyện tranh), thì lần đầu tiên một siêu anh hùng xuất hiện trước công chúng là qua Adventures of Captain Marvel (1941), rồi đến Batman (1943) và Superman (1948). Tất cả vai chính đều do diễn viên đảm nhiệm, nhưng với siêu năng lực phi thường, đề cao triết lý người hùng giải cứu Thế giới. Các phim này tuy không được quảng bá rầm rộ như những bom tấn, nhưng phần nào đã ăn sâu vào tư tưởng của công chúng số đông.

Chỉ đến khi James Bond xuất hiện lần đầu tiên, một cách độc lập, trong Dr.No năm 1962, mọi hướng đi mới dần mở rộng. Vì chưa dự đoán được sự bùng nổ, khi mà các phim siêu anh hùng “ảo ma” lấn chiếm màn ảnh, nên kinh phí thực hiện Dr.No chỉ 1 triệu USD. Mặc dù vậy, với nội dung khá hấp dẫn cộng với vẻ ngoài cuốn hút của tài tử Sean Connery (được lấy quy chuẩn cho hình tượng 007), Dr.No đã thành công vang dội.

Người hâm mộ bị chinh phục bởi phong cách đạo mạo, lạnh lùng cuốn hút của Connery cũng như lần đầu tiên họ được thưởng thức một phim mà ở đó, người trần mắt thịt vẫn có thể trở thành người hùng, làm chuyện phi thường và to tát!

Khơi mào cho phim nhượng quyền, phim nhiều phần!

James Bond không phải tác phẩm đầu tiên chuyển thể từ văn học (cả tiểu thuyết lẫn sách, truyện tranh…) song nó là phim đầu tiên có lịch sử kéo dài hàng chục năm với hàng chục tập phim, nhờ nhượng quyền!

Sau cú hích phòng vé Dr.No, đo được một phần thị hiếu người xem, dưới trướng Eon Productions, tài tử Sean Connery đóng tiếp sáu phim nữa (trong thời gian đứt quãng) trước khi thủ diễn 007 lần thứ 8 – Never Say Never Again, nhưng dưới quyền nhà sản xuất mới. Đây cũng là giai đoạn chúng ta thấy rõ sự lý thú của phim nhượng quyền, khi cả hai nhà sản xuất Eon Productions và Taliafilm có cùng lúc hai phim 007 ra mắt năm 1983!

Nếu Never Say Never Again quyết tâm mời lại Sean Connery cho lần cuối hóa thành James Bond, thì hãng Eon Productions lúc này liên tục thay vai kể từ sau phần phim thứ sáu – On Her Majesty’s Secret Service năm 1969. Roger Moore là lựa chọn đầy cẩn trọng sau khi hãng này có trải nghiệm khả căng thẳng với George Lazenby, diễn viên duy nhất chỉ đóng đúng một tập phim James Bond.

Sau Connery, Roger Moore là tài tử gắn bó bền bĩ với loạt phim điệp viên này, lí do nằm ở chỗ Octopussy của anh đã nhỉnh hơn Never Say Never Again của Connery tại trận chiến phòng vé. Từ đó trở đi, James Bond liên tục thay đổi nhà phát hành, tất nhiên cứ sau khoảng năm phần phim, một ngôi sao nam mới lại mọc lên trên bầu trời điện ảnh.

Bốn năm sau kì tích Die Another Day (2002), dù phim này bị chê bai khá nhiều, nhà sản xuất trung thành với loạt phim này quyết định… làm mới hình tượng James Bond, để anh ta “ít kinh nghiệm hơn, và dễ bị tổn thương hơn” hay nói đơn giản trông thật hơn, con người hơn. Và thế là họ quyết định reboot bằng cách đưa chàng điệp viên trở về điểm xuất phát – những ngày đầu gia nhập đặc vụ.

Động thái rõ rệt nhất của hãng là lựa chọn Daniel Craig – người mà khi họp báo, đã khiến truyền thông ngỡ ngàng và bật ngửa. Cũng trong chiến lược này, Sony Pictures Releasing tham gia phát hành, đưa Casino Royale (2006) trở thành phim Bond có điểm phê bình cao thứ 4 trong số các phim đã ra mắt.

Dòng phim điệp viên có chỗ đứng

Dr.No được nhận định đã góp công, và ảnh hưởng sâu rộng đến thể loại phim điệp viên mật vụ, cực kì hựng thịnh vào những năm 60 thế kỉ trước, tạo thành xu hướng. Nhiều nhà sản xuất đã nhìn ra tiềm năng của 007 từ lâu, song khó lòng tạo thêm bản sao 007, bởi vậy những phim siêu điệp viên về sau, hoặc là đi theo phong cách phim hành động như loạt Mission: Impossible của Paramount; có tính chất nghiệp vụ và đấu trí như loạt Bourne của Universal hay mang sự dí dỏm, phớt Ăng-lê như loạt Kingsman của TSG…

Tất cả các phim kể trên đều thành công về nhiều mặt, nhưng Kingsman đang có dấu hiệu “tan đàn xẻ nghé” vì chưa chi đã bày ra loạt phim spin-off (phim “bồi” từ một vài chi tiết hay nhân vật riêng lẻ của bản gốc); còn Bourne của tài tử Matt Damon tuy được đánh giá tốt về cấu trúc song dường thành tích của tập phim gần nhất từ 2016, chưa đủ để Universal tìm giải pháp phù hợp, hoặc giữ Matt Damon hoặc chấp nhận rủi ro “thay máu” toàn bộ.

Trong khi loạt phim điệp viên rất khó cạnh tranh với James Bond, những tác phẩm độc tôn khác lại chứng tỏ sức hút của dòng phim này không hề giảm. Đơn cử Tinker Tailor Soldier Spy (2011), Atomic Blonde (2017)… đều tạo hiệu ứng khi ra mắt. Tuy vậy, vì là dòng phim đặc thù, nếu không đầu tư chất xám, những phim siêu điệp viên thường có mô-tuýp lặp lại dễ gây nhàm chán, trong khi các tiểu xảo mang tính tối mật lại không được phép phổ biến trong phim…

Bond girl – “Đả nữ” màn bạc

Dù đả nữ là danh từ cổ xưa ám chỉ những cô gái sử dụng công phu trong các tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa, ngày nay nó được dùng như một cách gọi hoa mỹ đối với những nữ diễn viên chuyên đóng phim hành động, vào các vai diễn đòi hỏi thể lực. Bond girl được cho là “bạn đồng hành” của 007 trong tất cả các phi vụ. Mặc dù việc tuyển lựa các Bond girl trong phim luôn hao tốn giấy mực báo chí, thế nhưng kết quả khán giả nhận lại vẫn là “bình hoa di động” biết đánh võ hoặc dùng súng!

Dương Tử Quỳnh (gốc Malaysia) trong Tomorrow Never Dies năm 1997 được hầu hết báo chí gọi là Bond girl tài cán nhất mọi thời đại, khi kinh nghiệm đóng phim hành động cho cô khả năng đảm nhận các cảnh quay nguy hiểm, cùng tài tử Pierce Brosnan. Nhưng trước cả Dương Tử Quỳnh là Grace Jones – nàng May Day của A View To A Kill (1985), là Xenia Onatopp trong GoldenEye (1995) hay Pussy Galore trong Goldfinger (1964)…

Mặc dù Bond girl hầu hết đều là những nữ điệp viên gai góc, họ không thường xuyên vận dụng thể lực như Dương hay Halle Berry, song sự có mặt của họ đã làm thay đổi cái nhìn của khán giả về những cô nàng quyến rũ, gợi cảm… chỉ biết dựa dẫm vào đàn ông. Hollywood không làm chúng ta thất vọng, với Eva, với Red Sparrow, với Salt, với Hanna… đều lấy cảm hứng từ Bond girl!

Từ Omega đến Audi, Heineken!

Phần đầu bài viết, chúng ta đã biết qua lối sống hưởng thụ của chàng James Bond. Trang phục bóng bẩy, phụ kiện hào nhoáng, siêu xe và những món đồ công nghiệp… là “miếng bánh” mà bất kì thương hiệu nào cũng muốn đổ bộ. Loạt phim 007 đã ảnh hưởng đến giới quảng cáo trong phim ảnh ra sao?

Trong Dr.No, tài tử Sean Connery đã dùng luôn một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ trong bộ sưu tập cá nhân, vào phim. James Bond mê thương hiệu đồng hồ đó cũng là vì… tác giả của nó Ian Fleming cũng là người ưa thích mẫu Explorer Ref. 1016. Nhưng không chỉ vậy, mà những chiếc Seiko với kĩ thuật hiện đại cũng lần lượt góp mặt trong các tập phim.

Từ năm 1995, thương hiệu Omega chính thức gia nhập “vũ trụ đồ hiệu” của chàng James Bond, qua tập phim GoldenEye. Lindy Hemming, thiết kế phục trang của loạt phim này đã đề xuất rằng 007 nên đeo OMEGA: “Tôi tin rằng Bond, một người lính hải quân, một thợ lặn và một quý ông kín đáo của thế giới sẽ đeo chiếc đồng hồ này.” Kể từ đó, Omega trở thành tài trợ chính cho James Bond.

Không chỉ có chiếc đồng hồ làm phụ kiện mẫu mực của cánh mày râu, những bộ suit thời thượng của các nhà mốt Anthony Sinclair và Tom Ford, những xế hộp mang tính biểu tượng Aston Martin DB5 đến the Audi A5… Trong No Time To Die (2021), nhà mốt Tom Ford đồng loạt tài trợ cho dàn diễn viên chính trang phục, lẫn trang sức như mắt kính, áo khoác… Trước đó, trong A Quantum of Solace (2008), Daniel Craig đã bắt đầu mặc thương hiệu Tom Ford.

Không như cách làm thương hiệu của thời trang và xa xỉ phẩm, những món đồ dùng bình dân tìm đến James Bond bằng các tiếp cận gần gũi hơn. Hợp tác cùng nhau kể từ 1997, người đứng đầu thương hiệu bia lager luôn miệng tự hào về việc đồng hành cùng James Bond. Không chỉ có hẳn những scene chàng điệp viên ngồi rót bia vào cố ngon lành, năm 2012 Heineken mời luôn Craig đóng một đoạn quảng cáo bia theo phong cách rất… điệp viên!

Nếu như James Bond có hẳn loạt xế hộp tài trợ riêng, thì sau này nhiều phim bom tấn, siêu anh hùng với độ phủ sóng mạnh mẽ, cũng nắm bắt xu thế chung. Doctor Strange (2016) có Lamborghini; Black Panther (2017) có Lexus; Guardians of the Galaxy: Vol. 2 (2017) có Ford; Captain America: The Winter Soldier (2014) có Chevrolet & Harley…

Trong serie ngắn tập The Falcon and the Winter Soldier ra mắt tháng ba vừa rồi, màn uống Tiger của tài tử Sebastian Stan đã trở thành cảnh phim viral. Và chắc chắn, nhiều người hâm mộ vẫn chưa quên hình ảnh Angelina Jolie uống cạn chai Red Label của Johnnie Walker rõ mồn một trong Mr. and Mrs. Smith…

Chưa hết, loạt bom tấn như Avengers: Endgame, Godzilla: King of Monsters cũng mạnh dạn quảng cáo cho Dell; mắt kính Dita đồng loạt đổ bộ Spider-man: Far From Home, X-men: Days of Future Past; Nokia 7110 thành công vang dội với The Matrix; Apple thì tăng doanh thu hàng triệu USD với ba phút vàng ngọc trong Fast & Furious: Hobbs & Shaw cùng hàng chục phim lớn nhỏ khác. Nhìn chung, các thương hiệu dù lớn, vẫn chẳng chối từ sức hút của các phim kinh phí cao, ở đó họ dễ dàng tiếp cận thêm nhiều đối tượng tiềm năng.

Quảng cáo trong phim ảnh, đặc biệt là Hollywood đôi lúc phô trương nhưng người xem không mấy khó chịu, bởi quảng cáo chúng là những diễn viên tiếng tăm, biểu cảm cực ngầu, kiểu gì cũng tạo được dấu ấn như thương hiệu mong muốn.

Từ BMW tài trợ 20 triệu USD trong GoldenEye năm 1995 đến Bond girl Bérénice Marlohe đeo trang sức Swarovski thiết kế riêng cho Skyfall (2012). Từ chiếc Sony Xperia T trong Skyfall, đến đôi giày tây Church Philip trong Casino Royale… thương hiệu James Bond đã cùng các thương hiệu thăng hoa và phát triển. Những nhà sản xuất còn lại, rõ ràng cũng hiểu ra vấn đề…

Bài: Đức Noise


 
Back to top