LIFE

Smart Luxury: Kim cương có thực sự quý hiếm và đắt đỏ như chúng ta nghĩ?

May 21, 2021 | By Hai Yen

Liệu kim cương có hiếm đến vậy không? Tại sao giá thành lại cao như thế? Có phải nhu cầu bị đẩy lên nhờ các chiến dịch quảng cáo xa xỉ? Thực sự giá trị nằm ở đâu? Smart Luxury sẽ giải thích cho các độc giả của LUXUO. 

Hãy cùng tìm hiểu sau đây câu trả lời và nhiều thông tin khác về kim cương.

  • Nếu kim cương chính từ carbon, tại sao chúng quý hiếm?
  • Tại sao kim cương có giá cao như vậy?
  • Mức độ hiếm có của kim cương màu là như thế nào?
  • Có phải quảng cáo đã tạo ra nhu cầu về kim cương?
  • Vì sao chúng ta lại coi trọng kim cương?

Nếu kim cương được làm từ carbon, tại sao chúng lại hiếm?

Kim cương là loại đá quý duy nhất được làm từ chỉ một nguyên tố: chúng thường có khoảng 99,95% carbon. 0,05 phần trăm khác có thể bao gồm một hoặc nhiều nguyên tố vi lượng, không phải là thành phần của hóa học thiết yếu của kim cương. Một số nguyên tố vi lượng có thể ảnh hưởng đến màu sắc kim cương hoặc hình dạng tinh thể.

Carbon là loại khoáng chất khá phổ biến trong tự nhiên. Nhưng để kết tinh thành kim cương, carbon phải chịu các điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao tồn tại sâu bên dưới bề mặt trái đất, trong các lớp trầm tích. Trong những điều kiện này, mỗi nguyên tử carbon hình thành các liên kết ngắn, mạnh với bốn nguyên tử carbon liền kề. Than chì, một dạng khác của carbon, kết tinh ở nhiệt độ và áp suất thấp hơn trong lớp vỏ trái đất, do đó cấu trúc tinh thể của chúng rất khác nhau. Kết quả là than chì, được sử dụng trong bút chì, mềm đến mức bạn có thể dùng để viết, trong khi kim cương cứng đến mức bạn chỉ có thể cắt nó bằng viên kim cương khác.

Sau khi những viên kim cương hình thành cách đây khoảng 3,5 tỷ năm, một số đã được đưa lên bề mặt cách đây hàng triệu năm thông qua các vụ phun trào núi lửa. Vẫn còn có rất nhiều kim cương bị chìm sâu trong các loại đá lửa kiên cố, điển hình là kimberlite, trong khi số khác được phân tán theo thời gian, hàng trăm và thậm chí hàng ngàn dặm đường sông và đường thủy khác khi các tảng đá chủ bị xói mòn. Không rõ bao nhiều trong số đó đã không thể tồn tại sau cuộc hành trình, bị phá vỡ vì sự phân tách của kim cương (xu hướng vỡ hoặc tách vì cấu trúc nguyên tử) hoặc bị trộn lẫn tận sâu ở đâu đó.

Những viên kim cương lớn, chất lượng cao rất hiếm – như viên kim cương hình quả lê 8,25 carat (ct), màu D, VVS 2 trong chiếc nhẫn đính hôn này. Một viên kim cương 1,25 cara khác trang trí cho vòng nhẫn

Tại sao kim cương có giá cao như vậy?

Hầu hết việc khai thác kim cương đều tốn kém vì khối lượng quặng khổng lồ phải được loại bỏ và sau đó xử lý (nghiền và rửa) để thu hồi. Thêm một điều phức tạp khác là các mỏ kim cương thường ở các vùng sâu vùng xa. Việc khai thác ở những nơi như địa hình đóng băng của Siberia và Canada, hoặc các vùng xa xôi ở Châu Phi và Úc phải đối mặt với những thách thức đặc biệt – và chi phí cao là đương nhiên.

Một mỏ kim cương ở miền bắc Canada được bao quanh bởi một khu vực băng giá là những thách thức không nhỏ khi khai thác đá quý từ trái đất

Ngoài ra, như với hầu hết những thứ chúng ta mua, chất lượng và độ quý hiếm sẽ quyết định giá cả. Những viên kim cương hạng công nghiệp chất lượng thấp chiếm phần lớn các phần thô được thu hồi từ hầu hết các mỏ. Chúng không phù hợp để sử dụng trong đồ trang sức. Bất kể tỷ lệ kim cương hạng trang sức so với quặng thay đổi từ mỏ này sang mỏ khác và thậm chí trong cùng một mỏ, trung bình thì công nhân thường phải xử lý khoảng một tấn đá để thu hồi một viên đá quý thô nặng nửa cara, và tạo ra viên kim cương bằng một nửa kích thước.

Giống như hầu hết các viên kim cương được khai thác, những viên kim cương thô này không phải là hạng trang sức. Chúng phù hợp hơn cho các mục đích công nghiệp

Ngày nay, nhiều viên kim cương có bán rộng rãi và giá cả rất phải chăng. Tuy nhiên, những viên kim cương lớn, chất lượng tốt với độ trong cao và màu sắc tốt vẫn còn khá hiếm.

Tùy thuộc vào đặc điểm của mỏ, mà một thứ gì đó như 100.000 tấn kimberlite hoặc vật liệu thứ cấp có thể phải được xử lý kỹ lưỡng mới có thể tạo ra một mảnh thô để từ đó cắt ra viên kim cương Flawless 1 ct. Sự hiếm có của một viên kim cương chất lượng cao như vậy sẽ được phản ánh bởi giá tiền.

Một viên kim cương màu D hình tròn có vẻ đẹp rực rỡ. Viên kim cương trong hình có trọng lượng đáng kinh ngạc lên đến 102,34 ct. Mặc dù vậy, việc khai quật được phần thô cũng giống như tìm kim trong đống cỏ khô

Một viên kim cương hình cushion 1ct lấp lánh trong chiếc nhẫn đính hôn. Các viên kim cương nhỏ hơn 0,70 carat lấp lánh xung quanh vòng nhẫn

Sự hiếm có của kim cương màu

Với kim cương màu, câu hỏi “kim cương có hiếm không” lại nằm ở đẳng cấp khác. Hầu hết những viên kim cương đẹp ngoạn mục này hiếm hơn rất nhiều so với kim cương trong dải màu GIA D-to-Z . Một số chuyên gia ước tính rằng kim cương có màu sắc lạ mắt chỉ chiếm hai phần trăm trong tổng sản lượng kim cương thô.

Trong khi kim cương màu vàng và nâu tương đối phổ biến, tất cả các màu khác đều hiếm. Kim cương đỏ, kim cương lục và kim cương lam với tông màu trung bình đến tối và độ bão hòa vừa phải là cực kỳ hiếm. Thật khó để có sự đánh giá tương đối về độ hiếm, nhưng màu tím và cam là một trong những màu hiếm nhất, chưa kể đến màu nâu. Kim cương hồng là một trong những loại được tìm kiếm nhiều nhất.

Giá trị của những viên ngọc độc đáo này đang tăng vọt: Vào tháng 4 năm 2017, viên kim cương màu hồng hoàn hảo Pink Star CTF 59,60 ct được bán cho Chow Tai Fook với giá 71,2 triệu USD.

Chỉ có một viên Pink Star CTF, viên kim cương hồng Fancy Vivid 59,60 ct gần đây được bán với giá 71,2 triệu USD. Đó là một trong những báu vật độc nhất của Trái đất

Kim cương nâu thường được dành riêng cho mục đích công nghiệp cho đến những năm 1980, khi mỏ Argyle của Úc bắt đầu sản xuất kim cương màu nâu đẹp lung linh với số lượng dồi dào. Các nhà tiếp thị thông minh gọi chúng với màu rượu cognac, rượu sâm panh, và những cái tên hấp dẫn khác giúp tạo ra nhu cầu về kim cương nâu với khách hàng mua trang sức.

Viên kim cương hình trái tim Fancy Dark có màu vàng nâu 7,01 ct được làm nổi bật bởi 16 viên kim cương tròn rực rỡ xung quanh

Màu vàng là màu ưa thích phổ biến thứ hai. Mặc dù chúng có số lượng phong phú hơn so với các viên kim cương màu khác, kim cương màu vàng chiếm một phần nhỏ trong tổng thể kim cương được sản xuất. Vẻ đẹp của chúng và độ sâu của màu sắc mà chúng sở hữu mang đến hàng loạt sự lựa chọn cho nhẫn đính hôn kim cương.

Viên kim cương vàng Fancy Intense 2.02 ct rất hiếm, và sẽ được phản ánh trong giá của chiếc nhẫn này. Hai viên kim cương khác được bổ sung bên cạnh

Có phải quảng cáo tạo ra nhu cầu về kim cương?

Quan niệm rằng quảng cáo tạo ra nhu cầu về kim cương là không đúng. Những phẩm chất độc đáo và hiếm có của kim cương đã khiến chúng trở thành loại đá quý được thèm muốn nhất trong nhiều thế kỷ. Câu chuyện về kim cương bắt đầu ở Ấn Độ, nơi kim cương được tập hợp từ các dòng sông và suối của đất nước. Được giao dịch sớm nhất vào thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, kim cương được những người giàu có thèm muốn. Các đoàn lữ hành đã mang kim cương Ấn Độ, cùng với các hàng hóa kỳ lạ khác, đến các thị trường thời trung cổ ở Venice. Vào những năm 1400, kim cương đã trở thành phụ kiện thời trang cho giới thượng lưu châu Âu, và các khám phá mới ở Brazil vào những năm 1700 tiếp tục thúc đẩy cơn khát khao về loại đá quý này.

Tuy nhiên, kim cương vẫn hiếm đến mức cho đến khi chúng được phát hiện ở Nam Phi vào những năm 1860, chỉ có giới quý tộc và những người giàu có mới có thể mua được. Các mỏ khai thác ở Nam Phi – và sau đó là những mở ở các nước châu Phi khác, Nga, Úc, Canada … – đã giúp kim cương đến được tay của tầng lớp trung lưu đang mở rộng nhanh chóng.

Nếu bạn nghĩ rằng nhẫn kim cương chính là sản phẩm của thời hiện đại, thì hãy nhìn vào chiếc nhẫn cổ có mặt từ  cuối thế kỷ 18 này.

Tại sao chúng ta lại xem trọng kim cương?

Trong khi quảng cáo không tạo ra sự khao khát của nhân loại đối với kim cương, nó vẫn là nhân tố giúp gia tăng nhu cầu, đặc biệt là từ đầu thế kỷ 20. Biên tập viên quảng cáo Mary Frances Gerety đã viết slogan nổi tiếng “Kim cương là sự vĩnh hằng” vào năm 1947, và nó đã xuất hiện trong hầu hết quảng cáo của De Beers kể từ đó. Chiến dịch quảng cáo với nhẫn đính hôn bằng kim cương nhanh chóng trở thành cách thể hiện tình yêu và sự cam kết trong hôn nhân. Trong thực tế, vào năm 1999, Advertising Age đã gọi đó là khẩu hiệu thành công số một trong thế kỷ 20.

Quảng cáo đã cực kỳ thành công trong việc quảng bá kim cương không chỉ là biểu tượng của địa vị và sự sang trọng, mà còn là biểu tượng hoàn hảo cho một cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc. Nhưng có lẽ, quảng cáo ấy sẽ không hiệu quả đến vậy nếu không có mối liên hệ vốn đã sâu sắc của con người với các phẩm chất vốn có của kim cương: độ bền, không bao giờ lỗi thời, vẻ đẹp kiêu sa và quý hiếm.

Vincent Pham | GIA.Edu


 
Back to top