CAR & YATCH

Đề án quản lý du thuyền được duyệt, “sân chơi” tiềm năng sẽ bùng nổ

Dec 20, 2024 | By Nguyễn Trí Đức

Đề án quản lý du thuyền vừa chính thức được phê duyệt không chỉ mở ra cánh cửa cho một ngành công nghiệp đầy tiềm năng, mà còn hứa hẹn sẽ mang lại một diện mạo mới cho du lịch xa xỉ tại Việt Nam.

Du thuyền từ lâu đã là biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp, và giờ đây, Việt Nam đang bước vào một bước ngoặt hành trình mới khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa chính thức phê duyệt Đề án quản lý du thuyền qua Quyết định số 1521/QĐ-BGTVT.

Tầm nhìn chiến lược với tham vọng lớn

Đề án này được xây dựng với lộ trình phát tiển phù hợp, mang tham vọng hình thành một nền tảng công nghiệp và dịch vụ du thuyền chuyên nghiệp, hiện đại và chất lượng cao, để từng bước biến du thuyền trở thành sản phẩm đặc trưng với thương hiệu Việt Nam. Điều này không chỉ giúp định vị đất nước trên bản đồ du lịch cao cấp mà còn tạo đà để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng dịch vụ du thuyền khu vực và quốc tế.

Không dừng lại ở việc phát triển nội lực, Đề án còn hướng tới mở rộng hợp tác với các nhà đầu tư và thương hiệu du thuyền danh tiếng trên thế giới. Từ đó mang về công nghệ tiên tiến và hội nhập vào chuỗi sản xuất, cung ứng và dịch vụ du thuyền của khu vực cũng như thế giới.

Du thuyền hạng sang sản xuất tại TP.HCM, xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Úc. Ảnh: P.ĐIỀN

Thí điểm giải pháp ngắn hạn (2025 – 2026)

Trong giai đoạn đầu, Đề án sẽ tập trung nghiên cứu và triển khai thí điểm quản lý du thuyền tại các khu vực trọng điểm có tiềm năng phát triển du lịch biển mạnh mẽ và hạ tầng phù hợp. Trong đó ưu tiên phát triển du thuyền cao cấp, dịch vụ chất lượng cao, hướng đến khách du lịch quốc tế tại khu vực có tiềm năng lớn, cảnh quan đẹp và đã có một số kết cấu hạ tầng sẵn có. Các khu vực được chọn thí điểm sẽ được rút gọn thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình đăng ký, đăng kiểm du thuyền, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả.

Bến du thuyền quốc tế Ana Marina, Nha Trang.

Các hoạt động du lịch biển như lặn ngắm san hô, câu cá, tham quan đảo hay kết hợp với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cũng sẽ được tích hợp để đa dạng hóa trải nghiệm. Đây là cách hướng đến việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thu hút nhiều phân khúc khách hàng.

Tầm nhìn dài hạn (2025 – 2030)

Hướng đến mục tiêu lâu dài, Đề án sẽ bổ sung khái niệm du thuyền vào Bộ luật Hàng hải và Luật Giao thông đường thủy nội địa, đồng thời xây dựng các chính sách quản lý và hoạt động riêng biệt cho loại hình này. Quy hoạch bến du thuyền, khu neo đậu, các vùng biển và các tuyến đường thủy sẽ được rà soát để đảm bảo du thuyền có thể hoạt động thuận tiện, an toàn và hiệu quả.

Bên cạnh đó, hướng đi lâu dài còn bao gồm việc xem xét miễn giảm thủ tục ra vào cảng biển và hoạt động đối với du thuyền cá nhân và du thuyền kinh doanh thương mại hoạt động thường xuyên trong vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải và nghiên cứu, cho phép các du thuyền cá nhân không có số hiệu IMO được thực hiện thủ tục điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của du thuyền.

Đặc biệt, giáo dục và đào tạo cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch. Phương hướng sẽ bao gồm: Xây dựng các chương trình đào tạo chính quy về điều khiển du thuyền, hàng hải, du lịch và quản lý du thuyền tại các trường hàng hải và du lịch; bổ sung các khóa đào tạo về kỹ năng giao tiếp, dịch vụ khách hàng và kỹ năng quản lý tình huống, giúp thuyền viên đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách; cung cấp học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên theo học ngành điều khiển du thuyền.

Bến du thuyền tại Vạn Phúc City.

Thị trường tiềm năng đang bùng nổ

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, ngành công nghiệp tàu thuyền giải trí toàn cầu ước tính đạt doanh thu hơn 230 tỷ USD trong năm 2024, và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mặc dù còn khá non trẻ, nhưng cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự giàu có ngày càng tăng tại các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ.

Và Việt Nam, với cảnh quan biển đa dạng và tiềm năng du lịch lớn, không nằm ngoài xu hướng này. Sau một thời gian chỉ có sự xuất hiện của các loại du thuyền du lịch biển quốc tế, các du thuyền tư nhân của các tỷ phú, triệu phú trên thế giới ghé thăm Việt Nam, một số cá nhân, đơn vị Việt Nam cũng đã thực hiện kinh doanh, phân phối, mua sắm, khai thác, sử dụng các du thuyền với mục đích cá nhân, vui chơi, giải trí, thể thao…Hiện tại, hơn 200 du thuyền đã được nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam, phần lớn phục vụ mục đích cá nhân, giải trí và thể thao. Tuy nhiên, do chưa có quy định riêng biệt dành cho nhóm du thuyền cá nhân, việc quản lý vẫn dựa trên các quy định chung cho tàu biển hoặc phương tiện thủy nội địa, do đó chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu về quản lý, khai thác và sử dụng du thuyền cá nhân, trong khi đây là nhóm đối tượng đang phát triển nhanh chóng. Đề án lần này sẽ là bước đệm để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, bắt kịp xu thế toàn cầu.

Với sự ra đời của Đề án quản lý du thuyền, có thể kỳ vọng vào một tương lai, nơi Việt Nam không chỉ là điểm dừng chân của những siêu du thuyền quốc tế mà còn trở thành một điểm đến mới cho giới thượng lưu toàn cầu và góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên bản đồ du lịch xa xỉ thế giới.

Nguồn: Báo Đầu Tư


 
Back to top