Dolce & Gabbana tăng doanh số tại thị trường Mỹ, giảm tại thị trường Trung Quốc
Tổng doanh thu của Dolce & Gabbana vào cuối tháng 3/2019 tăng 4,9%, đạt 1,54 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, thị trường châu Á-Thái Bình Dương chỉ chiếm 22% của tổng doanh thu (thay vì 25% như trước đây).
Dolce & Gabbana đã hủy một show diễn lớn ở Thượng Hải vào năm ngoái sau khi những bình luận phân biệt chủng tộc về người dân Trung Quốc từ Stefano Gabbana nổi lên trên Instagram. Hãng thời trang Ý Dolce & Gabbana dự kiến doanh số bán hàng tại Trung Quốc sẽ giảm trong năm nay, trong khi đó thương hiệu vẫn đang vật lộn để thoát khỏi cái bóng của vụ lùm xùm từ một chiến dịch quảng cáo gây tranh cãi ở nước này.
Khách hàng Trung Quốc chiếm hơn một phần ba chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ trên toàn thế giới và ngày càng mua sắm những thứ này ở thị trường quê nhà hơn là từ các chuyến đi nước ngoài.
Tổng doanh thu của Dolce & Gabbana vào tháng 3 năm 2019 đã tăng 4,9 % lên 1,38 tỷ Euro (1,54 tỷ đô la Mỹ). Hơn một nửa trong số đó đến từ các cửa hàng bán lẻ, theo hồ sơ của tập đoàn này gửi đến Phòng Thương mại của Ý, bởi Reuters.
Tuy nhiên thị trường châu Á – Thái Bình Dương đã giảm xuống còn 22% từ 25% trong tổng doanh thu và dự kiến doanh số tại Trung Quốc sẽ giảm trong nay.
Tháng 11 năm ngoái, nhà mốt này đã buộc phải hủy một buổi trình diễn ở Thượng Hải giữa lúc đang diễn ra phản ứng dữ dội chống lại một chiến dịch quảng cáo bị xem là phân biệt chủng tộc, và bị tẩy chay bởi những người nổi tiếng và trên các phương tiện truyền thông xã hội. Điều này cũng dẫn đến việc các trang thương mại điện tử ở Trung Quốc đồng loạt tẩy chay các sản phẩm của Dolce & Gabbana.
Người dùng đã phản ứng giận dữ với hình ảnh quảng cáo trong đó một người mẫu nữ Trung Quốc đang khó khăn để ăn pizza và mì spaghetti bằng đũa. Sai lầm đã được cộng hưởng thêm khi ảnh chụp màn hình được lan truyền trên mạng cũng cho thấy dường như người đồng sáng lập Stefano Gabbana đã đưa ra những nhận xét tiêu cực về Trung Quốc, mặc dù nhà thiết kế cho biết tài khoản của anh ta đã bị hack.
Gabbana và Domenico Dolce sau đó đã yêu cầu sự tha thứ trong một video được đăng trên nền tảng Weibo của Trung Quốc, tương tự như Twitter, đó là một nỗ lực để cố gắng cứu vãn một thị trường quan trọng cho thương hiệu xa xỉ này.
Hồ sơ kết quả kinh doanh của công ty không đề cập đến vụ lùm xùm trong quảng cáo mà đề cập đến căng thẳng thương mại toàn cầu và sự chậm lại trong nền kinh tế Trung Quốc đang cản trở triển vọng chung. Gần đây cuộc biểu tình ở Hồng Kông cũng đã được các thương hiệu thời trang toàn cầu trích dẫn là một tác động tiêu cực.
Sự chậm lại ở châu Á trái ngược với châu Mỹ, nơi doanh số tăng lên 16% trong giai đoạn 2018-19. Các thị trường khác vẫn ổn định, với Ý chiếm 23% doanh thu, Châu Âu 28% và Nhật Bản 5%.
Doanh thu tổng thể dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm tài chính hiện tại nhưng với chi phí gần 60% doanh thu, việc có lợi nhuận là điều khó khăn. Tuy nhiên, nhà mốt này cho biết mọi thứ có thể được cải thiện trong nửa sau của năm 2019-2020.
Báo cáo Triển vọng ngành công nghiệp mới nhất 2019, được phát hành bởi công ty tư vấn Bain vào tháng 6 – khi bắt đầu các cuộc biểu tình ở Hồng Kông – dự báo doanh số hàng hóa xa xỉ trên toàn cầu tăng 4% đến 6% nhờ nhu cầu của Trung Quốc bùng nổ. Ngành xa xỉ ở Trung Quốc đại lục dự kiến sẽ tăng 18-20% doanh thu trong thời gian tới.