STYLE

Luật bất thành văn trong thực hành sản xuất bền vững

Feb 01, 2023 | By Ton Binh

Việc thiếu đi các khái niệm và hướng dẫn rõ ràng trong lĩnh vực sản xuất bền vững trước đây có thể đã gây tổn hại không nhỏ cho các thương hiệu và người tiêu dùng. Nhưng hiện tại, những tiêu chuẩn phù hợp hơn đã ra đời, giúp ích không nhỏ trong việc thực hành sản xuất bền vững…

Nguồn cảm hứng để chúng tôi thực hiện bài viết này là một báo cáo khá ảm đạm về hội chợ Đồng hồ và Trang sức WWF 2018. Đã khá lâu kể từ khi các dữ liệu gây sốc được công bố lần đầu tiên, nhưng ảnh hưởng thật sự vẫn chưa qua đi. Thật vậy, mục đích của việc theo đuổi những câu chuyện trong bài viết là để kiểm chứng, với một mức độ không chắc chắn về những tuyên bố trong báo cáo và tác động của nó đối với ngành đồng hồ.

Đầu tiên xin nói về sự không chắc chắn đó và cách giải thích của chúng tôi về những dữ liệu từ báo cáo WWF. Tính minh bạch là vấn đề cốt lõi gây trở ngại cho các kết luận của báo cáo và gây ra những hiểu lầm về lĩnh vực kinh doanh đồng hồ – trang sức. Bản thân báo cáo đã đề cập rằng sự thiếu minh bạch trong chuỗi cung ứng của các công ty đồng hồ – trang sức đang làm tổn hại đến uy tín bền vững của toàn ngành. Đây là một vấn đề tồn tại từ lâu và chúng tôi đồng ý rằng ngành công nghiệp này phải vượt qua điều ấy, đồng thời chúng tôi sẽ có nhiều điều để nói trong những phần sắp tới. Thật không may, rất nhiều thứ đã xảy ra kể từ năm 2018 và bây giờ chúng ta sẽ gọi khoảng thời gian ấy là Before Times. 

Đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ sẽ định hình cuộc sống của các thế hệ tương lai, cũng như thay đổi cả những thế hệ hiện tại theo những cách không ngờ tới. Những người còn hoài nghi về điều này chỉ cần nhìn vào những gián đoạn quy mô toàn cầu trong quá khứ sẽ cảm nhận được sự thật đó một cách dễ dàng. Tính bền vững cũng không ngoại lệ, nhưng sẽ mất vài năm để xem xét tác động của một cuộc khủng hoảng vẫn chưa hoàn toàn qua đi, chúng tôi tin rằng Covid-19 vẫn sẽ là một mối nguy lớn trong tương lai gần.

Quay trở lại với báo cáo năm 2018, mối quan tâm chính của ngành đồng hồ – trang sức đến từ nguồn nguyên liệu thô. Ngành công nghiệp đồng hồ – trang sức sử dụng khoảng 50% lượng vàng và 67% số kim cương thô mới khai thác của thế giới, nhưng khi được hỏi nguyên liệu thô đến từ đâu, hầu hết đều không thể trả lời, các nhà sản xuất mù quáng tin tưởng các nhà cung cấp của mình.

WWF nói rằng việc các tổ chức như Responsible Jewellery Council – RJC xác thực các tiêu chuẩn cho các thương hiệu đồng hồ là một vấn đề, vì bản thân tổ chức đó không chịu bất kỳ cơ quan ràng buộc nào. Đây là nguyên văn từ báo cáo: “Chứng nhận (RJC) này không cho phép bên thứ ba đánh giá liệu một công ty có tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm hay không, và do đó nên có thêm sự minh bạch, chủ động hơn trong việc trao đổi thông tin”.

Và như vậy mọi người sẽ đồng ý về quyền hạn đó như thế nào?

Những nỗ lực đang được thực hiện

Theo RJC vào năm 2019, họ thực sự đã được bên thứ ba kiểm toán và điều này được ghi chú trên trang web của tổ chức. Có lẽ, điều gây tranh cãi là loại trách nhiệm giải trình nào của bên thứ ba là cần thiết. Một cuộc kiểm toán đòi hỏi sự tin tưởng và ai đó đảm bảo rằng mọi thứ đều diễn ra đúng như quy định. Ví dụ như Kosher hay Halal là một hệ thống mô tả rõ thẩm quyền cần thiết để thiết lập tiêu chuẩn. Mặt khác, nếu báo cáo của WWF đòi hỏi việc truy cập theo thời gian thực vào dữ liệu thô, để có thể có thể biết điều gì đang xảy ra ở bất kỳ công ty cụ thể nào, thì đó là một dấu hỏi lớn. Vậy thì tất cả những điều này có nghĩa là gì?

Đầu tiên, nó phụ thuộc vào người bạn hỏi và thời điểm bạn hỏi, và như thế có nghĩa rằng các tiêu chuẩn hiện tại vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà hoạt động vì sự bền vững. Và có nhiều thứ hơn thế. ESG vẫn đang được tiến hành và các tiêu chuẩn hiện chưa được thống nhất rộng rãi. Nhiều người trong số các bạn, những độc giả thân mến của chúng tôi, có lẽ khá quen thuộc với những thách thức từ ESG trong lĩnh vực của chính mình. 

Cũng nên nhớ rằng quy chế Swiss Made – quy định ngưỡng giá trị của bất kỳ chiếc đồng hồ cụ thể nào phải đạt được tỷ lệ % trước khi được gọi là Swiss Made, hầu hết mọi người không hiểu rõ. Nhưng khi bạn mua một chiếc đồng hồ có dòng chữ Swiss Made trên mặt số, bạn sẽ không cần thắc mắc liệu nó có thực sự được sản xuất tại Thụy Sĩ hay không. Chúng tôi kết luận rằng cụm từ Swiss Made có ảnh hưởng lớn đối với người tiêu dùng hơn bất kỳ quy ước bền vững hiện hành nào. Và chúng tôi sẽ trở lại chủ đề này ở phần cuối bài viết.

Một số lý do khác đó là việc cung cấp thông tin, thiếu sự liên kết trong các tiêu chuẩn nhất định về việc chế tạo đồng hồ, và sự dè dặt vì những lý do không được tiết lộ, để thảo luận về thực tế của chuỗi cung ứng. Ví dụ, thép điển hình có một số tỷ lệ sắt tái chế, trong một số trường hợp tỷ lệ này lên tới 97%. Đây là một thực tế có thể được xác minh dễ dàng. Mặc dù vậy, không ai có thể chắc chắn cho bạn biết tỷ lệ % trong ngành chế tạo đồng hồ Thụy Sĩ là bao nhiêu. Thật vậy, một số nhà sưu tập có thể ngạc nhiên khi biết rằng có những vật liệu tái chế được sử dụng trong thế giới chế tạo đồng hồ cao cấp.

Sự phức tạp từ…bên trong

Điều này đưa chúng ta đến lý do tại sao chủ đề này lại phức tạp, bởi vì khi nói đến vàng, có một thứ gọi là vàng tái chế, nhưng đó là một chủ đề khác. Điều này chủ yếu là do các chuyên gia trong ngành không đồng ý, rằng liệu vàng tái chế có thể được coi là có đạo đức hay không. Một lần nữa, liên quan đến các tiêu chuẩn hoặc việc thiếu các tiêu chuẩn đó, RJC chắc chắn có các tiêu chuẩn, nhưng những tiêu chuẩn này đôi khi mâu thuẫn với những người ủng hộ vàng Fairmined và Fairtrade, cũng như những người vận động cho những người khai thác thủ công. Điều này có phần nằm ngoài phạm vi của bài viết, nhưng chúng tôi khuyến khích bạn nên tìm hiểu về điều này.

Nói đến đây, chúng ta cũng phải nói sơ qua về các vật liệu hữu cơ. Tất nhiên, chất liệu da mà ngành công nghiệp đồng hồ sử dụng cũng được xem xét kỹ lưỡng. Bỏ qua lý do tại sao tính bền vững lại liên quan đến đồng hồ và đồ trang sức, bỏ qua các tiêu chuẩn về trách nhiệm giải trình, báo cáo của WWF lưu ý rằng khoảng một nửa thương hiệu đồng hồ xa xỉ là của Thụy Sĩ và khoảng 60% đến 70% lượng vàng khai thác trên toàn thế giới đều đi qua Thụy Sĩ để được tinh chế (2.400 tấn năm 2017). Trong số này, hơn 2.000 tấn được sử dụng trong ngành công nghiệp đồng hồ – trang sức toàn cầu, bản thân báo cáo cũng đã có hơn một lần mâu thuẫn với con số trên, do không xác định đúng nguồn hoặc quản lý và trình bày thông tin kém. 

Nói về tỷ lệ %, một trong những báo cáo mà chúng tôi đã tham khảo cho bài viết này là báo cáo của Deloitte từ các giám đốc điều hành ngành đồng hồ, cho biết gần 90% CEO nhận ra tính bền vững là một vấn đề quan trọng đối với việc kinh doanh. Tuy nhiên, hơi khó tin là chỉ một nửa cho biết họ tích cực nói về công việc của mình trong lĩnh vực này, và chưa đến một phần ba quan tâm đến việc soạn ra những báo cáo về sự bền vững.

Nhiều câu hỏi hơn lời giải

Báo cáo của WWF cố gắng nhấn mạnh rằng tính minh bạch sẽ có ích cho các thương hiệu. “Nếu một công ty không biết nguồn nguyên liệu thô của mình đến từ đâu, thì công ty đó có thể (vô tình) tiếp tay cho nạn phá rừng nhiệt đới, xung đột bạo lực, buôn bán bất hợp pháp, lạm dụng lao động trẻ em, các mối nguy nghiêm trọng đối với sức khỏe và nhiều tác động bất lợi khác”. Điều này đặc biệt có liên quan vì Impakter – một tổ chức hoạt động vì khí hậu, lưu ý rằng hơn 50% tác động đến môi trường của một thương hiệu xa xỉ sẽ đến từ chính chuỗi cung ứng của họ. Nghiên cứu độc lập đã chứng minh điều này (mặc dù những nghiên cứu này cũng sử dụng dữ liệu công khai, như báo cáo của WWF) và các báo cáo ESG của công ty từ các tập đoàn xa xỉ, đặc biệt là Richemont.

Tờ New York Times đã đưa tin vào đầu năm nay, rằng các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đặc biệt lo sợ về việc công khai nhà cung cấp vì khả năng đối thủ có thể giành được lợi thế. Trong “Make Swiss Made Great Again” – câu chuyện mạnh dạn nói rằng một số thương hiệu Thụy Sĩ lo ngại về việc tiết lộ nhà cung cấp của họ vì sau đó công chúng sẽ nhận ra rằng một số thành phần của họ được sản xuất tại Trung Quốc. Tin đồn đặc biệt này đã lan truyền trong ngành đồng hồ kể từ khi tạp chí này ra mắt cách đây 20 năm và rõ ràng nó vẫn chưa biến mất. Trên thực tế, đây là lần thứ hai thông tin này xuất hiện.

Đối với chủ đề về tính bền vững trong chế tạo đồng hồ, chúng tôi tóm tắt các điểm liên quan đến ngành đồng hồ từ các tập đoàn lớn, sau đó chuyển sang những nhà sản xuất độc lập. Để thuận tiện, các tập đoàn được liệt kê theo tỷ trọng chế tác và tiến độ phát triển các chương trình bền vững. Thông tin từ WWF được trình bày riêng nếu bạn muốn tham khảo tóm tắt về quan điểm của bên thứ ba. Có thể những dữ liệu không cập nhật nhưng là báo cáo sẵn có duy nhất. Như mọi khi, vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ hơn là lời giải đáp.

Richemont

Với sự ổn định của các thương hiệu từ Cartier đến Vacheron Constantin, Richemont đã đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số và áp dụng các phương pháp bền vững tốt nhất. Họ thực hiện và thể hiện bằng con số, vì biện pháp này giúp tiết kiệm chi phí về lâu dài. Các thông tin của Richemont cho thấy họ đã đi trước bao xa, với báo cáo phát triển bền vững được xác minh bởi công ty kế toán Ernst and Young, Richemont là tập đoàn lớn duy nhất thực hiện bước này. Báo cáo lưu ý rằng Richemont hiện bảo đảm 90% lượng vàng đều từ các nguồn theo chuẩn RJC Chain of Custody và có nguồn gốc tái chế. Họ xác định tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thô là mối quan tâm chính, cùng với biến đổi khí hậu. Các ghi chú riêng của EY về báo cáo cũng được trích dẫn như một lời đảm bảo.

Swatch Group

Tập đoàn sản xuất đồng hồ lớn nhất Thế giới cho biết họ không chỉ tuân thủ luật pháp về mọi mặt mà còn đi xa hơn thế. Ví dụ: tại các địa điểm không thuộc Thụy Sĩ và EU, Tập đoàn tuyên bố rằng họ tuân thủ cả luật lao động địa phương cũng như luật lao động của Thụy Sĩ. Có lẽ các tuyên bố phù hợp nhất ở đây là về nguồn nguyên liệu thô và tính minh bạch.

Không có cam kết cụ thể nào đối với sự minh bạch, nhưng đối với kim loại quý, Tập đoàn cho biết họ chỉ mua từ các thành viên của RJC và Hiệp hội thị trường vàng thỏi London (LBMA). Điều đó có nghĩa là các mỏ thủ công không còn được sử dụng nữa, Swatch Group mạnh mẽ lên án lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, đồng thời sẽ không chấp nhận những rủi ro không cần thiết trong lĩnh vực này. Đáng chú ý hơn, xưởng đúc của Swatch Group cũng được chứng nhận RJC.

LVMH

Tập đoàn xa xỉ lớn nhất Thế giới lại là cái tên mới mẻ có các báo cáo về phát triển bền vững, với ấn bản năm 2021 là ấn bản đầu tiên. Báo cáo này đánh dấu lần đầu tiên các nhà sưu tầm của Bvlgari, Hublot, TAG Heuer và Zenith sẽ biết về những nỗ lực ESG của tập đoàn, cũng như cam kết rộng rãi hơn về tính minh bạch và tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô. Hầu hết thông tin ở đây liên quan đến các khía cạnh khác của LVMH, mà không riêng ngành đồng hồ. Không có chi tiết cụ thể về tính minh bạch nhưng khả năng truy xuất nguồn gốc thông qua RJC lại được đề cập đến.

Kering

Tương tự, Kering đứng đầu trong các nghi vấn về tính bền vững, ví dụ như Gucci được khen ngợi rộng rãi từ ESG trong khi các đối thủ lại đưa ra nhiều chỉ trích công khai. Các thương hiệu khác của Tập đoàn, bao gồm Ulysse Nardin và Girard-Perregaux cũng chịu tình hình tương tự. Kering gây chú ý nhiều hơn vì đã không đưa ra một báo cáo ESG truyền thống, thay vào đó họ phát triển một tiêu chuẩn riêng được gọi là Environmental Profit and Loss (EPL).

Các công ty độc lập

Chúng ta không quên các công ty tư nhân, nhưng rõ ràng phân khúc này rất đa dạng nên việc khái quát hóa sẽ là gần như vô ích. Một điều chúng tôi có thể nói là về mặt minh bạch, chỉ có Code41 đạt điểm tối đa. Thương hiệu này làm cho tính minh bạch trở thành một luận điểm bán hàng nên điều này không có gì đáng ngạc nhiên.

Đối với những thương hiệu lớn hơn, những kẻ muốn giữ mọi thứ độc quyền và không theo đuổi sự tăng trưởng, câu chuyện có vẻ phức tạp hơn. Điều này bao gồm cả Patek Philippe, hay các thương hiệu như Richard Mille và Audemars Piguet. Ở cấp độ của những thương hiệu này và về cơ bản là bất kỳ tên tuổi nào có độ hoàn thiện và sản lượng như A. Lange & Söhne chẳng hạn, việc chịu trách nhiệm với khách hàng là điều khả thi và thiết thực.

Ví dụ: nếu bạn quan tâm đến một sản phẩm nào đó của Ochs und Junior, thương hiệu này có thể đưa bạn đến từng chi tiết mà bạn muốn biết. Vấn đề là sự tin tưởng, đó là điều mà các công ty và tổ chức như Climate Partner có thể đảm nhiệm.

Thật không may, điều này khiến các công ty độc lập lớn như Hermès, Chanel, Breitling và Audemars Piguet bị loại khỏi cuộc chơi, ngay cả khi nhiều công ty đang nỗ lực hết mình. Đơn giản là không có tài liệu công khai nào các nỗ lực phát triển bền vững mà các nhóm đang thực hiện. Tất cả những lời cam kết là không đủ cho báo cáo của WWF, vì họ đang tìm kiếm các số liệu, dù là những sự thật phũ phàng.

Nhưng việc LVMH vừa đưa ra báo cáo đầu tiên của mình, chúng ta hy vọng các công ty độc lập lớn hơn có thể sẽ làm theo. Điều quan trọng cần lưu ý là ngay cả các báo cáo hiện có từ các tập đoàn, ngoại trừ Richemont cũng có thể không đạt tiêu chuẩn của WWF. Oris đang lên kế hoạch cho một báo cáo cho năm 2022 và đây có thể là báo cáo đầu tiên đặt ra các tiêu chuẩn cho ngành.

“Making Swiss Made Truly Great”

Sau khi đã viết nên tất cả những điều trên, chúng tôi nghĩ rằng có một câu trả lời trong tầm tay ngay lúc này: các quy định về việc xác định đồng hồ Swiss Made. Nếu những quy định này lồng ghép mức độ xác thực ESG, thì tất cả chúng ta có thể chắc chắn rằng tính bền vững luôn có mặt trong bất kỳ chiếc đồng hồ nào chúng ta sở hữu.

Sẽ không có gì đáng nghi ngờ nếu một thương hiệu chỉ tuân thủ các quy định mở rộng của Swiss Made, luật pháp Thụy Sĩ sẽ đưa ra sự đảm bảo. Ngay cả khi nói đến vàng – vấn đề lớn nhất của WWF cũng có thể được giải quyết vì tất cả lượng vàng đều được tinh chế ở Thụy Sĩ. Nguồn gốc của số vàng này đôi khi không rõ ràng, nhưng chính quyền Thụy Sĩ đã nhận ra mối đe dọa trên và đã cố gắng thiết lập sự minh bạch từ năm 2017, mặc dù quốc gia xuất xứ vàng thường không rõ ràng, ngay cả các mỏ cụ thể cũng không được các nhà quản lý, nhà nhập khẩu và tất nhiên là các thương hiệu biết đến.

Chúng tôi xin kết thúc bằng một quan điểm khá thực tế: không có câu trả lời nào là dễ dàng. Khi đại dịch vẫn đang diễn biến, báo cáo của Deloitte lưu ý rằng một số thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ đã sớm gặp rắc rối khi các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc đóng cửa. Mặc dù ảnh hưởng từ việc suy giảm doanh số bán lẻ và sự vắng mặt của khách du lịch Trung Quốc là điều ai cũng biết, nhưng các báo cáo lại không khẳng định cụ thể. 

Điều này đưa chúng ta trở lại với tiêu chuẩn Swiss Made, rõ ràng đây có thể là một câu trả lời cho các nhà sưu tầm, không chỉ với những người mua đồng hồ. Cuối cùng, chúng tôi biết có rất nhiều điều đáng mong đợi ở những chứng nhận như Swiss Made, nhưng nó sẽ không bao giờ hoàn hảo vì có nhiều vấn đề cần xem xét. Tuy nhiên, chuẩn Swiss Made ít nhất có thể tạo nên một tập hợp những thương hiệu có cùng tiêu chuẩn và bảo vệ họ khỏi các thương hiệu cũng mang tiếng Thụy Sĩ nhưng chủ sở hữu thì không.

Bài Ashok Soman
Chuyển ngữ Vincent Pham


 
Back to top