Master Class: Tần số dao động có ý nghĩa như thế nào đối với đồng hồ cơ?
Khi bước vào thế giới đồng hồ, chắc chắn các bạn sẽ không khỏi choáng ngợp bởi vô vàn kiến thức mới mẻ và thuật ngữ chuyên ngành để khám phá, nhưng nếu không hệ thống thì hẳn rất khó để tìm hiểu đặc biệt là đối với những ai vừa bắt đầu chơi đồng hồ.
Vì lý do đó, LUXUO Masterclass ra đời để giúp các bạn nắm rõ và chính xác hơn về những thuật ngữ và ngôn từ chuyên ngành trong lĩnh vực đồng hồ cơ cao cấp. Trong chương này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Tần số Dao động của bộ máy cơ đồng hồ.
Tần số dao động của đồng hồ là số dao động mà bánh lắc trong máy cơ thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định (thường được tính trong 1 giờ hoặc 1 giây).Bánh lắc thực hiện dao động bằng cách chuyển động qua lại gần như roto quay. Trong đó, phần bánh lắc sẽ liên tục xoay theo chiều kim đồng hồ rồi ngược lại. Mỗi lần xoay được tính là 1 dao động và mỗi 2 dao động sẽ bằng 1 chu kỳ. Những dao động này được dùng để điều tiết sao cho đúng – đủ mức năng lượng truyền đến các bộ phận khi bộ máy cơ hoạt động, hoặc đếm thời gian đối với máy pin để từ đó đạt được độ chính xác tối đa cho đồng hồ.
Tần số dao động có đơn vị đo là Hertz, vph, bph, A/h hoặc alt/h tùy theo nhà sản xuất. Ở đồng hồ cơ, cả máy lên dây cót thủ công lẫn tự động đều thường có tần số dao động ở mức 21600 vph, 28800 vph hay 18000 vph, 25200 vph cùng 36000 vph.
Mỗi tần số dao động khác nhau sẽ mang đến những ưu/nhược điểm khác nhau nên chúng là thông số kỹ thuật quan trọng với đồng hồ cơ. Tần số dao động của bộ máy cơ thể hiện khá nhiều điều, gồm: độ chính xác, độ bền, thời gian bảo dưỡng, mức độ tiêu tốn năng lượng, mức độ chuyển động mượt của kim. Có thể hiểu cơ bản như sau, tần số dao động càng cao thì đồng hồ càng chính xác, kim giây chuyển động càng mượt, nhưng độ bền sẽ không cao, cần phải bảo dưỡng nhiều, tổn hao nhiều năng lượng cót và tần số dao động càng thấp sẽ ngược lại.
Tuy nhiên, điều này sẽ không hoàn toàn đúng với đồng hồ cơ, vì những nhà chế tác đồng hồ xa xỉ đều áp dụng rất nhiều hiệu chỉnh phức tạp trên bộ máy, nhằm đạt được độ chính xác cao, cũng như khả năng dự trữ năng lượng nhiều nhất có thể cho đồng hồ, bất chấp tần số dao động cao hay thấp. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất còn ứng dụng vật liệu hiện đại để tăng độ bền và giảm thiểu tiêu hao năng lượng cho những bộ máy có tần số dao động cao.
Ngoài những yếu tố nói trên, tần số dao động của máy cơ còn phục vụ cho một mục đích khác đó là: độ chính xác – đơn vị đo nhỏ nhất của bộ đếm, vì mỗi dao động mà bánh lắc thực hiện sẽ tương đương với 1 lần dịch chuyển của kim giây. Tần số dao động càng cao thì cơ cấu bấm giờ cùng các chức năng liên quan như tachymeter, pulsometer và telemeter… càng chính xác. Từ đó suy ra, kim giây trên đồng hồ cơ có tần số dao động 5Hz (36000 vph) sẽ di chuyển 10 lần/giây, với tần số 4Hz (28800 vph) sẽ là 8 lần/giây và 6 lần/giây ở máy cơ có tần số dao động 3Hz (28800 vph). Như vậy, có thể suy ra chức năng bấm giờ chronograph sẽ có đơn vị đo tương ứng là 1/10 giây, 1/8 giây hoặc 1/6 giây phụ thuộc vào tần số dao động.