STYLE

Vì sao không phải cứ hoàn toàn tự nhiên là bền vững cho môi trường?

Jun 06, 2020 | By Hai Yen

Trở thành một người tiêu dùng thông minh chưa bao giờ là một công việc đơn giản. Nhất là trong thời đại nhiễu nhương tin tức, con người ta dễ lâm vào cảnh lừa mình dối người trước các cuộc bán mua. Như với khái niệm “hoàn toàn thiên nhiên” đang hết mực ăn khách trong lòng giới mộ điệu ngày nay, có mấy ai thật sự ngờ được rằng đó chưa phải là bảo chứng cho tính bền vững mà chúng ta tìm kiếm.

1. Khi “hoàn toàn tự nhiên” nằm ở vạch xuất phát

Nếu cần đặt tên, tôi xin gọi đây là một trào lưu làm đẹp được ra đời dưới nỗi trăn trở mà người dùng thế hệ mới dành cho môi trường. Công nghiệp mỹ phẩm – ngành được sinh ra để tôn vinh cái đẹp – lại góp phần khiến hành tinh này trở nên xấu xí đi bởi lượng rác thải khổng lồ từ các chai lọ nhựa hay quá trình sản xuất lạm dụng chất hóa học. Vì thế, sau vài thập niên sống trong mộng mị của làn phấn son phù phiếm, người dùng thế hệ G và thế hệ Z thực hiện cú lội ngược dòng ngoạn mục tìm về với thiên nhiên, phù thịnh những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên để làm chậm đi những ảnh hưởng tiêu cực của thời đại công nghiệp hóa.

Không những vậy, việc quay về với thiên nhiên cũng là chuyển động thuận chiều dòng chảy khi con người dần nhận ra giá trị thật trong đời sống nhân sinh. Nỗi ám ảnh về khái niệm “hoàn toàn thiên nhiên” là cách mà con người hiện đại tìm lời giải cho việc loại bỏ những “độc tố” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) ra khỏi cuộc sống, cũng như trực tiếp thừa nhận mối quan hệ sống còn giữa con người và thiên nhiên.

2. Điều gì khiến cụm từ “hoàn toàn tự nhiên” trở nên thiếu tính bền vững?

Không ai có thể phủ định tính hiệu quả cũng như độ an toàn của những sản phẩm được làm từ thành phần thiên nhiên. Thế nhưng, nếu chỉ nhìn nhãn dán mà bắt nội dung thì con đường trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm hãy còn xa lắm. Bởi vì, dù có quay về với thiên nhiên hay tiến lên kỹ thuật mới, bản chất của ngành công nghiệp mỹ phẩm vẫn luôn là xa xỉ và phù phiếm. Mọi điều bạn thấy, mọi thứ bạn dùng, đều đã được “đẹp hóa” một cách khéo léo để câu chuyện kể ra luôn truyền cảm nhất có thể.

Do đó, để không vui quá sớm trước một thực tại hãy còn chưa vững vàng, tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện hậu trường đằng sau thông điệp làm đẹp đầy ý nghĩa của các sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên. Làm đẹp bằng các nguyên liệu thiên nhiên không hề xấu, chỉ là việc khai thác những nguyên liệu ấy hãy còn nhiều bất cập, thậm chí gây phương hại cho mục đích cao cả ban đầu.

Đầu tiên, tài nguyên Trái Đất luôn hữu hạn, và việc khai thác ồ ạt không đi kèm các biện pháp bảo tồn, phát triển chỉ càng làm trầm trọng hóa sự kiệt quệ hiện có. Không những vậy, việc tiến hành gieo trồng và thu hái loại thực vật quý hiếm có thể làm tăng nguy cơ phá vỡ một hệ sinh thái mỏng manh, chưa kể đến việc tạo ra rủi ro an toàn cho những người thu hoạch. Đây chính là trường hợp của lê gai ở Arizona hoặc Moroccan, vani ở Madagascar và nhũ hương ở Somalia. Những thực vật này tuy có giá trị thương mại lẫn làm đẹp cao nhưng lại luôn tiềm ẩn những mối đe dọa cho môi trường và người thu hoạch nếu không được đầu tư kỹ càng và bền vững.

Đây là lý do tại sao một số thương hiệu đã lựa chọn sử dụng công nghệ sinh học để tạo ra các hợp chất “bắt chước” các thành phần tự nhiên này. Vì trong một số trường hợp, chúng là giải pháp an toàn và bền vững cho cả người dùng lẫn môi trường.

3. Vì sao “hóa chất tổng hợp” không nên là từ đáng bị “kì thị” trong thế giới mỹ phẩm?

 

Đối với những tín đồ của nền công nghiệp làm đẹp xanh, mỹ phẩm hữu cơ hay có chiết xuất từ thiên nhiên mới là những gì an toàn nhất, còn những thành phần được tạo ra trong phòng thí nghiệm chính là “kẻ ngoại đạo” cần phải tránh xa. Vì đại đa số sẽ mang tâm lý rằng một thành phần càng ít bị thao túng bởi bàn tay con người thì càng giữ được hiệu quả tốt. Thế nhưng, điều đó sẽ chỉ khiến bạn trở nên cô độc trong hành trình làm đẹp đang ngày trở nên phiến diện và có phần cực đoan này. Bởi lẽ, rất nhiều sản phẩm được chế tạo trong phòng thí nghiệm được lấy cảm hứng từ thiên nhiên và sinh học.

Nói cách khác, các thành phần tự nhiên đều được tạo thành từ các phân tử và nhiệm vụ của hóa học hữu cơ là một lần nữa viết lại các phương trình phản ứng ấy và khiến chúng diễn ra thêm một lần nữa, với một xác suất chính xác gần như tuyệt đối và tại một địa điểm khác là phòng thí nghiệm (thay vì ở khu vườn hay cánh rừng nào đó). Các thiên chức mà thiên nhiên ban tặng cho thành phần này vẫn được tái sinh trọn vẹn dưới bàn tay của các nhà nghiên cứu, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường một cách hiệu quả nhất mà có lẽ đến chính bạn còn phải ngạc nhiên.

Nếu bạn biết rằng phải mất đến 113 kg hoa tươi chỉ để sản xuất ra nửa kilogram tinh dầu hoa oải hương hay thậm chí phải mất đến hơn 4000 kg cánh hoa hồng để sản xuất một lượng tinh dầu hoa tương tự, thì có lẽ bạn sẽ yêu quý những mùi hương được tổng hợp hơn. Nếu bạn biết rằng để có đất canh tác cho mùa vụ sau mà người khai thác đã chặt bỏ hay thiêu rụi hàng ngàn cây cọ sau khi thu hoạch ép lấy dầu, buộc môi trường phải cần một thời gian rất dài để khôi phục, chắc có lẽ bạn cũng sẽ phải ngẫm lại động thái quay về thiên nhiên của mình. Hãy còn rất nhiều trường hợp chưa kể tên khác nữa vẫn đang diễn ra âm thầm đằng sau cánh cửa xinh đẹp của các boutique mỹ phẩm, mà có lẽ đại đa số người tiêu dùng chưa từng một lần được nghe kể đến.

Vì thế, để đưa ra được một lựa chọn tiêu dùng đúng đắn, chỉ có tấm lòng thôi hãy còn chưa đủ.

4. Tiêu dùng có ý thức không đòi hỏi sự cầu toàn

Bạn không cần biến bản thân mình trở thành người cực đoan trong việc theo đuổi hành trình làm đẹp bền vững bằng cách chỉ sử dụng những sản phẩm organic thay cho các sản phẩm được sản xuất công nghiệp. Vì nó sẽ khiến bạn trở nên mệt mỏi và bận rộn trong việc đầu tư chăm sóc bản thân, mà chưa chắc đem lại hiệu quả làm đẹp lẫn bảo vệ môi trường bạn mong muốn.

Thay vào đó, bạn có thể làm một người tiêu dùng thông minh bằng cách đọc và hiểu những gì ghi trên nhãn mác của các sản phẩm bạn dùng, và chỉ trao khoảng lương cho những thương hiệu minh bạch trong sản xuất để đưa ra những lựa chọn có ý thức hơn thay cho cảm giác tội lỗi sau mỗi lần mua hàng.

p.oly


 
Back to top