CITY GUIDE

Tài sản của tỷ phú toàn cầu vượt kỷ lục 10,2 nghìn tỷ USD

Oct 09, 2020 | By Stephanie Nguyen

Theo báo cáo hàng năm “Riding The Storm” do UBS thực hiện cùng PricewaterhouseCoopers, tổng tài sản của các tỷ phú năm 2019 là 10,2 nghìn tỷ USD, vượt mức cao nhất trước đó là 8,9 nghìn tỷ USD vào năm 2017.

Tổng tài sản của các tỷ phú trên thế giới tăng trong năm 2019 nhờ sự phục hồi theo mô hình chữ V của thị trường chứng khoán. Ảnh: Getty Images

Năm 2019, thế giới chứng kiến số lượng tỷ phú cũng như tài sản của họ tăng cao kỷ lục, với sự phát triển của ngành công nghệ và y tế, cùng sự phục hồi theo mô hình hình chữ V của thị trường chứng khoán, theo báo cáo tài sản công bố hôm thứ Tư, 07/10.

Năm 2019 có 2.189 tỷ phú, vượt mức kỷ lục trước đó là 2.158 vào năm 2017. Tổng tài sản của các tỷ phú là 10,2 nghìn tỷ USD, vượt mức cao nhất trước đó là 8,9 nghìn tỷ USD cũng trong năm 2017, theo báo cáo hàng năm “Riding The Storm” do UBS thực hiện cùng PricewaterhouseCoopers.

Năm 2018, số lượng tỷ phú lẫn tài sản của họ đều sụt giảm xuống lần lượt là 2.101 người và 8,5 nghìn tỷ USD.

Báo cáo này sử dụng dữ liệu từ 43 thị trường và 60 cuộc phỏng vấn với các tỷ phú. Năm nay, thời gian nghiên cứu kéo dài từ 07/04 và kéo dài hơn thông thường, đến ngày 31/07 do ảnh hưởng của Covid-19.

Jeff Bezos là tỷ phú công nghệ lên như “diều gặp gió” giữa cơn bão Covid-19.

Những điểm nổi bật từ báo cáo

  • Mỹ là nơi tập trung nhiều tài sản tỷ phú nhất, chiếm 36% tổng tài sản thế giới với 3,6 nghìn tỷ USD.
  • Trung Quốc đại lục đứng thứ hai với 1,6 nghìn tỷ USD, nhưng tổng tài sản của các tỷ phú tại Trung Quốc tăng nhanh nhất, với tỉ lệ 1,146% trong vòng 10 năm.
  • 209 tỷ phú đã công khai tổng tài sản khoảng 7,2 tỷ USD trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020.
  • Tài sản ròng của các tỷ phú trong các lĩnh vực giải trí, dịch vụ tài chính, vật liệu và bất động sản giảm so với các lĩnh vực còn lại như công nghệ, chăm sóc sức khỏe và công nghiệp, với mức tăng thấp hơn 10%.
  • Khoảng một nửa số tỷ phú không xét đến lĩnh vực của họ, đầu tư từ 21% đến 40% tài sản ròng cho bất động sản.
  • Năm 2018 có 34 tỷ phú rớt khỏi danh sách này.

Tỷ phú Bernard Arnault, ông chủ của tập đoàn LVMH gặp khá nhiều khó khăn do Covid-19.

Tỷ phú công nghệ và y tế tăng trưởng vượt bậc

Từ 07/04 đến 31/07, tài sản của các tỷ phú đã tăng từ 8 nghìn lên 10,2 nghìn tỷ USD, tương đương 27,5%. Các ngành công nghệ và y tế hưởng lợi nhiều nhất. Trong khi tài sản của tỷ phú công nghệ tăng 41,1% lên 565,7 tỷ USD thì tỷ phú trong lĩnh vực y tế cũng có tài sản tăng 36,3% lên 402,3 tỷ USD.

Thực tế, công nghệ và chăm sóc sức khỏe vẫn là động lực cho sự giàu có của các tỷ phú trong suốt thập kỷ vừa qua. Số lượng tỷ phú công nghệ đã tăng từ 68 trong năm 2009 lên 234 vào năm 2020, trong khi tỷ phú lĩnh vực y tế tăng từ 48 lên 167. Tổng tài sản của các tỷ phú công nghệ và tỷ phú lĩnh vực y tế đều đã tăng gấp 4 lần trong thời gian qua – từ 321,3 tỷ USD lên 1,3 nghìn tỷ USD cho lĩnh vực công nghệ, và từ 120,8 tỷ USD đến 482,9 tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe.

Mã Hóa Đằng. Chủ tịch tập đoàn công nghệ Tencent Holdings là tỷ phú giàu có nhất Trung Quốc.

Số lượng người siêu giàu (UHNWI) tăng 9,5% năm 2019

Những người siêu giàu (sở hữu tài sản ròng ít nhất 30 triệu USD) cũng chứng kiến tài sản của họ tăng mạnh trong năm 2019. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã xóa sổ gần như mọi khoản tăng năm đó của họ, theo “Báo cáo Siêu giàu Thế giới” của Wealth-X cũng công bố hôm thứ Tư. Theo đó, người siêu giàu (UHNWI) trên thế giới tăng 9,5% lên 290.720 người so với cùng kỳ năm ngoái, và tổng tài sản của họ tăng 9,7% lên 35,4 nghìn tỷ USD.

Do tác động của đại dịch Covid-19, dân số UHNWI và tổng tài sản của họ giảm đáng kể trong những tháng đầu năm 2020. Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của UHNWI toàn cầu đã giảm 28% so với cuối năm 2019. Cuối tháng 8, con số này phục hồi phần nào và đạt mức tăng khoảng 9% thấp hơn mức cuối năm 2019.

Bắc Mỹ là nơi có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2019, nơi dân số UHNWI tăng 14,5% lên 105.080 và tổng giá trị tài sản ròng tăng 14,4% lên 12,4 nghìn tỷ USD. Số lượng UHNWI của châu Á và tổng giá trị tài sản ròng của họ đều tăng 10% lên lần lượt là 83.310 người và 10.427 tỷ USD.

Ngân hàng và tài chính vẫn là những lĩnh vực đem lại của cải nhiều nhất nhóm này, với 14% tổng người siêu giàu làm trong lĩnh vực, bao gồm tài sản tự tạo hoặc thừa kế. Đối với các UHNWI tự lập, 27,6% tài sản tích lũy của họ nằm trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ tiêu dùng (11,7%). Bất động sản và công nghệ đứng ở vị trí thứ ba và mỗi lĩnh vực đều chiếm 6,4%.

Theo Barron’s


 
Back to top