Sự phù du trong nghệ thuật đương đại Việt Nam
Dù ở dạng thức nào, sự phù du vẫn hiển hiện trong nghệ thuật lẫn đời sống để khơi gợi những suy tư về thời gian và những gì còn sót lại sau tất cả.
Mở đầu cuốn hồi ký, bác sĩ kiêm nhà văn quá cố Paul Kalanithi lật giở ảnh chụp CT phổi của mình: đầy những khối u.1 Làm việc trong ngành y, anh không tránh khỏi hình ảnh của cái chết, bệnh tật hay những giọt nước mắt. Nhưng chính tại khoảnh khắc ấy, tất cả đều đổ dồn lên anh. Từ vị trí một bác sĩ, anh trở thành bệnh nhân và đối diện với cửa tử.
Y học không phải là mối quan tâm duy nhất của Paul. Anh tốt nghiệp cử nhân Anh văn và sinh học con người cũng như thạc sĩ Anh văn tại Stanford, sau đó theo học thạc sĩ triết học tại Cambridge, tốt nghiệp loại xuất sắc trường Y đại học Yale và cuối cùng trở thành bác sĩ giải phẫu thần kinh nội trú tại Stanford.2
Tuy Paul chọn theo đuổi con đường khoa học nhưng văn chương lại là chốn nương tựa, nhất là trong những giây phút cận kề cái chết, khi anh chia sẻ câu chuyện của mình trên báo. “Đối với tôi, văn chương luôn là công cụ phản tư mạnh mẽ để suy ngẫm về cuộc sống”, Paul bộc bạch trong một đoạn phỏng vấn.3 Tựa vào những áng văn chân thật, anh đi trên lằn ranh giữa sinh và tử, giữa quá khứ và thực tại, giữa y học và văn học, để rồi nghiệm ra những triết lý về vô thường, thời gian và ý nghĩa của cuộc đời.
“Nếu cuộc đời là hữu hạn, điều gì khiến nó có ý nghĩa?”
Ở tuổi 36, anh mắc căn bệnh ung thư phổi giai đoạn IV. Năm 2015, sau bảy năm làm bác sĩ nội trú và hai năm đấu tranh với bệnh nặng, anh hòa mình với hư vô.
Khi căn phòng tối dần vào đêm, chiếc đèn tường tỏa sáng ấm áp, hơi thở Paul trở nên ngập ngừng và không đều nữa. Cơ thể anh vẫn có vẻ bình an, chân tay thả lỏng. Trước 9 giờ tối, đôi môi anh tách ra và mắt nhắm lại, Paul hít vào và thở ra hơi thở cuối cùng, thật sâu.4
Nếu cuộc đời là hữu hạn, điều gì khiến nó có ý nghĩa? Đây không chỉ là tự vấn của riêng Paul trong suốt hành trình học tập, làm việc hay viết lách. Cũng chẳng phải kiểu chất vấn đặc thù của bác sĩ, nhà văn hay triết gia. Ta cũng không cần phải vật lộn với bệnh tật để có thể chiêm nghiệm điều này. Nghệ thuật đương đại Việt Nam, từ khi nhen nhóm xuất hiện đến nay, đã và đang khơi gợi những nghĩ suy tương tự về ý nghĩa của cuộc sống – một hành trình lắm phù du.
Đô thị: Nghịch tự nhiên
Cố họa sỹ Nguyễn Bạch Đàn nổi tiếng trong giới mỹ thuật nước nhà với chuỗi tranh thiên nhiên đơn sắc, mực Tàu trên giấy dó và giấy xuyến chỉ.5 Cô thường vẽ những cảnh tượng nơi thiên nhiên ngự trị, không bóng người, không đô thị, không thú hoang – chỉ cây, lá, cành, đất và nước. Lối thực hành đặc trưng của cô gợi nên một cảm thức lạ lẫm khi nghiền ngẫm đủ lâu, khác với những khung cảnh quen thuộc thường thấy ở tranh thủy mặc truyền thống.
Trong tranh của cô, không gian dương chiếm ưu thế, được bồi đắp bởi bút pháp đen tuyền đa hình dạng, sắc độ và chiều kích – thưa, bén, mảnh, đậm, loãng, đặc, xiên, thẳng, cong – hội tụ dày đặc, đầy khắp nhưng có trật tự. Khi người xem càng tiến gần tác phẩm, những tiểu tiết càng hiện lên sống động một cách độc lập lẫn trong tổng thể lớn: lá bắt đầu xào xạc, cành thoảng đung đưa, mặt nước từ tĩnh thành động, tưởng chừng như có con gió sang ngang. Trong phút chốc, mặt tranh chuyển động theo thời gian, còn thời gian thì vẫn mãi cuốn trôi như vốn có.
Rồi ta tự hỏi, lần cuối mình nhìn một khung cảnh tự nhiên không vướng bận như thế là khi nào? Dẫu có thật, những cảnh tượng nơi tranh Bạch Đàn ắt hẳn cũng đổi thay theo từng phút, từng giây của cuộc đời, chẳng mãi xanh rờn, um tùm hay vắng bóng con người và muông thú. Nhất là trong thời đại hiện nay, ta không khỏi tự ngẫm về những điều tưởng chừng thân quen nhưng đang âm thầm trôi vào quên lãng. Không màu, sắc trắng và đen càng tô đậm suy tư ấy.
Trong cùng mạch nghĩ suy, đô thị trong tranh của Lê Thánh Thư hiện lên như một hình ảnh phản-tự nhiên.6 Tù túng, choáng ngợp, chen chúc là những ấn tượng về chuỗi tranh “Không gian sống” của họa sỹ này.
Khác với Bạch Đàn, anh sử dụng hình thức bộ đôi (diptych) và bộ ba (triptych) để nhân rộng sự ngột ngạt chốn thành thị và trải dài nó trong một tổng thể tự sự xô bồ, không lối thoát, không bóng mát cây xanh – người người, nhà nhà, cột điện, phương tiện giao thông, rác thải và những sản phẩm (phụ) khác của nền kinh tế thị trường. Các chủ thể nhỏ bé, dính lấy nhau, xếp ngay hàng thẳng lối, tầng tầng lớp lớp theo phương ngang và dọc, và chỉ được diễn nét, đi viền nên rỗng về chất, như một bình luận về đời sống vật chất lẫn tinh thần của xã hội hiện đại.
“Ở một khía cạnh nào đó, nghệ thuật là vỏ bọc thời gian, còn nghệ sỹ là nhà bảo tồn di sản”.
Với sắc đen chủ đạo, đỏ và vàng điểm xuyết những chấm nhưng đôi khi chảy tràn dọc phông nền, tựa như “sức nóng” của biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt, chuỗi tác phẩm của Thánh Thư là một lát cắt của hiện thực đầy rẫy nghịch lý, nơi con người “mẫn cảm” với ngột ngạt nhưng không thể trốn chạy cuộc sống đô thị.
Khi thời gian qua đi, có thể mường tượng sự đổi thay của cái phản-tự nhiên này sẽ để lại những tàn dư và nhường chỗ cho cái phản-tự nhiên khác, dày đặc, náo nhiệt và phát triển nhanh hơn. Trong tình hình đại dịch toàn cầu, việc đặt tranh của hai họa sỹ cạnh nhau tạo nên những mối tương thông “liên văn bản” và khoác lên chúng những lớp nghĩa cùng bối cảnh mới: khi con người xa nhau nhất là lúc họ cần nhau nhất và khát khao những kết nối da thịt, còn tự nhiên thì ngày một lụi tàn và bị chiếm lấy không gian sống từng thuộc về chúng, bị con người khai thác để chống chọi với những thảm họa do chính họ gây ra.
Di tích: Văn hóa-tập thể và mặc tưởng-cá nhân
Ở một khía cạnh nào đó, nghệ thuật là vỏ bọc thời gian, còn nghệ sỹ là nhà bảo tồn di sản. Võ Trân Châu là một nghệ sỹ làm việc với đa dạng chất liệu, thường khai thác các chủ đề lịch sử, di sản và ký ức tập thể.7
Triển lãm cá nhân gần đây của chị, “Nhặt Lá Rừng Xưa”, chắp nối những mảnh vải thừa của nền công nghiệp thời trang nhanh mà chị tìm được trong các công-ten-nơ ở cảng Sài Gòn để tái dựng hình dáng công trình kiến trúc và biểu tượng văn hóa của Việt Nam.8 Chứa đựng lịch sử cá nhân nơi những bộ quần áo cũ từng gắn bó với chúng ta, từng ô vải vuông tựa điểm ảnh (pixel) được kết dệt dựa trên ảnh tư liệu về những di sản này.
Nếu đứng gần tranh Bạch Đàn giúp người xem trân trọng giá trị hội họa của tác phẩm hơn, thì ở đây, Trân Châu sử dụng khoảng cách để nói về “độ lùi” giữa con người và lịch sử: đứng càng xa tác phẩm, người xem càng nhận thức được chu vi, và sau đó là danh tính, của các di sản đang ngày một mất đi.
Khác với tác phẩm của Võ Trân Châu, “Hồ Nước” của Hà Mạnh Thắng là những khung cảnh thiền định và có phần riêng tư, đặc tả hồ nước cùng chùa, đình làng Bắc Bộ.9 Chuỗi tranh này nằm trong quá trình phát triển ngôn ngữ hình họa mờ ảo đặc trưng của anh, bắt đầu với Phong cảnh Việt Nam, với mô-típ chung: các chủ thể bị “bóc trần” chỉ còn những bộ khung và móng nền, như bản vẽ kiến trúc, được đặt trong bầu khí quyển tù mù, huyền ảo và phi bối cảnh hóa, tách biệt khỏi không gian, thời gian và khung cảnh xã hội.
Trong những dự án trước, như “Mộng/Tàn/Phai/Sắc” hay “Phương Bắc Xa Khuất”, chủ đề văn hóa hiện lên tỏ tường, lấy các di tích và cột mốc mang tính biểu tượng làm trọng tâm. Ở “Hồ nước”, tác giả đào sâu hơn bản chất vô thường của vạn vật, bố cục trừu tượng và giản lược hơn, và vì thế bút pháp nghệ thuật cũng cô đọng hơn.10 Các lớp màu chồng chất trên bề mặt tranh, tựa trầm tích tồn đọng sau tháng ngày anh suy tư về di sản để rồi tìm về cốt lõi của sự hiện hữu:
Vậy thì trọng tâm là thứ nằm trong ta, ta đã thấy được nó như thế nào sau tất thảy mọi điều tưởng chừng là vô nghĩa…11
Vật chất và vật liệu: Trình-diễn-hiện-mất
Thoạt nhìn, thực hành trình diễn của Lại Diệu Hà giai đoạn 2005-2012 dễ gây sốc với người xem bảo thủ và xa lạ với nghệ thuật đương đại: “hành xác” và “phản cảm” là những từ khóa thường được truyền thông, một số khán giả và quản lý văn hóa địa phương gán cho tác phẩm của chị cùng những chỉ trích.12 Mang hiệu ứng cảm quan mạnh, tác phẩm “Bay lên” là sự kiện được báo chí nhắc đến nhiều vì “gây xôn xao dư luận”.
Sau khi tốt nghiệp trường mỹ thuật, chị dấn thân vào thể nghiệm với cơ thể qua những tương tác mang tính bạo lực, thân mật và riêng tư, nhằm truyền tải các thông điệp xã hội về giới, tự do biểu đạt và vật chất. Gần đây, Diệu Hà mở rộng thực hành sang các phương tiện nghệ thuật khác. Trong triển lãm cá nhân “Bảo tồn sức sống”, nổi bật là chuỗi tác phẩm “Guidelines” (tạm dịch: Những chỉ dẫn) – những mảng bì lợn giòn rụm với đường may, tép chỉ và hạt cườm đính kết trên bề mặt – thể hiện mối quan tâm kéo dài của nghệ sỹ với vật liệu hữu cơ.13
Tại đây, thức ăn dường như ám chỉ quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng loạt trong thời hiện đại, sinh ra và mất đi những vòng lặp nhằm phục vụ nhu cầu của con người – những cá thể cũng trải qua sinh-lão-bệnh-tử. Đứng trước một hình ảnh thân quen trên mâm cơm, người xem không khỏi tự vấn: Nếu không được bảo quản, tác phẩm sẽ “đi về đâu” sau khi phân rã? Có hay không giới hạn về hình thức và vòng đời của một tác phẩm nghệ thuật? Nếu ăn là trình diễn thường nhật, miếng thịt là công cụ, thì bao nhiêu vòng lặp sẽ diễn ra đến khi ta không còn nữa?
Chúng sinh ra, tự nhiên hội tụ.
Chúng đan xen, chúng xoắn xuýt, chúng bám
Chúng tan rã, chúng phân hủy, chúng chảy, chúng tan biến
Chúng như sóng, hiện và mất
Với tính vô thường, chúng thản nhiên hiện-mất: không sợ hãi, không luyến tiếc, bởi chúng nhận ra chúng là nước
Với tôi, tôi bị động, tôi lưu luyến, tôi say đắm, tôi thương xót, tôi níu kéo trước sự biến động này
Tôi vận vào tôi
Tôi lục vấn tôi:
– Tôi khác chúng?
– Tôi phù du?14
Sáng mùng 8 Tết Tân Sửu, dưới cái nắng Sài Gòn thân thuộc, một sự kiện đã diễn ra trên đường Phó Đức Chính, trước cổng một công trình văn hóa lâu đời – Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Khán giả có chủ đích và người đi đường tò mò nán lại ở một góc hàng rào phía ngoài bảo tàng để ngắm nhìn những bức tranh lạ và trò chuyện cùng một bạn trẻ mặc quần jean, áo thun trắng.
Những ký hiệu toán học được vẽ với kích thước lớn, dọc theo chiều dài của những cuộn giấy thư pháp viền đỏ và lục, gợi nhắc về tục xin chữ ông đồ ngày Tết nơi vỉa hè mà trong những năm gần đây diễn ra theo cách có tổ chức hơn, không tự phát nhiều như xưa. Phục vụ người xem đến chiều tà, bộ tác phẩm “Cộng Trừ Nhân Chia” của Nguyễn Vũ Trụ bao gồm sự kiện trình diễn sống (live) cùng các tác phẩm thư pháp cuộn do nghệ sỹ vẽ trước đó theo phong cách “người máy”.15
Chịu ảnh hưởng từ hoạt hình và khoa học viễn tưởng nơi người máy và sinh vật cơ khí hóa (cyborg) thống trị tương lai, Nguyễn Vũ Trụ mường tượng cách thức con người đang tiến đến gần viễn cảnh ấy sớm hơn ta tưởng, với tốc độ phát triển chóng mặt hiện nay của công nghệ.
Tính phù du của sự kiện này, chỉ diễn ra một lần và trong một thời gian ngắn, không hẳn mới mẻ trong thực hành nghệ thuật tại Việt Nam.
Nhắc đến Ly Hoàng Ly, trong trí nhớ của vài người được chứng kiến vẫn hiện lên hình ảnh người phụ nữ trong bộ áo dài trắng, lưng vác cánh thiên thần, đầu đội “nón” làm từ bánh mì, mang theo gối nằm, đạp xe quanh Hà Nội để “Xin chữ – Cho chữ”.
Dọc đường Tôn Đức Thắng, quận 1, sớm tinh mơ 31/03/2016, vài chục người cùng Hoàng Ly thực hiện tác phẩm trình diễn công cộng kéo dài hai tiếng rưỡi, “Ôm cây – Ôm người ta yêu thương – Ôm chính mình”. Mỗi người dành những phút tĩnh lặng để chạm, ôm, tựa vào những gốc cây tại đây, như lời tri ân gửi đến các lá phổi xanh đang ngày một thiếu vắng nơi đô thị.16
“Nghệ thuật đương đại Việt Nam, từ khi nhen nhóm xuất hiện đến nay, đã và đang khơi gợi những nghĩ suy tương tự về ý nghĩa của cuộc sống – một hành trình lắm phù du”.
Tại một góc đường khác của Sài Gòn, tập thể nghệ thuật Te Rẹt mời gọi bạn bè tụ họp trên vỉa hè, xem phim chiếu trong một chiếc thùng màu tím đặt trên yên xe, mua bán trà đá, bánh ngọt, bói bài Tarot trong mùng, truyền tay nhau những quyển sách và hàn huyên đến trưa chiều rồi giải tán.17
Dù ở dạng thức nào, sự phù du vẫn hiển hiện trong nghệ thuật lẫn đời sống để khơi gợi những suy tư về thời gian và những gì còn sót lại sau tất cả.
Kết là (c)hết?
Quay trở lại với câu chuyện đầu bài, cái chết của Paul đau thương nhưng không mấy bất ngờ. Chính anh cũng tiên lượng được điều này. Nhưng những gì anh viết trong cuốn sách và những bài báo không dừng lại ở số phận an bài, sự đấu tranh gian khổ hay căn bệnh ung thư. Ngôn từ của Paul khơi gợi những rung động – hạnh phúc, sầu muộn, tuyệt vọng, lạc quan – mà hầu như không ai chưa từng trải qua trong đời, bằng cách này hay cách khác.
Những gì đọng lại trong bạn đọc hôm nay và mai sau có lẽ vượt lên trên hình ảnh của một bác sĩ, một nhà văn cụ thể, được sinh ra và đỗ đạt thành tài tại Mỹ rồi mất đi tại bệnh viện nơi anh công tác. Khi ra đi, Paul đã để lại một di sản nhân văn. Và chính di sản – ý nghĩa của cuộc sống hay nghệ thuật – là điều sẽ đọng lại sau hơi thở cuối cùng.
Chú thích:
[1] Paul Kalanithi, Khi hơi thở hóa thinh không, Trần Thanh Hương dịch (Hà Nội: Alpha Books, Omega+, NXB Lao Động, 2017), tr. 18.
[2] Đọc thêm về Paul Kalanithi: Wikipedia, “Paul Kalanithi”; Paul Kalanithi, “Before I go: Time warps for a young surgeon with metastatic lung cancer”, Stanford Medicine, 2015; Cathy Shufro, “When Breath Becomes Air, by Paul Kalanithi”, News, Yale Medicine, 2015; Matthew Reisz, “Paul Kalanithi, 1977-2015”, Obituaries, Times Higher Education, 02/04/ 2015;
[3] Rosanne Spector, “Paul Kalanithi, writer and neurosurgeon, dies at 37”, News Center, Stanford Medicine, 11/03/2016.
[4] Khi hơi thở hóa thinh không, tr. 220.
[5] Đọc thêm về cố họa sỹ Nguyễn Bạch Đàn: Nora Taylor, Changing Identity: Recent Works by Women Artists from Vietnam (Washington, DC: International Arts & Artists, 2007), tr. 16-21, 77; Serenella Ciclitira (chủ biên), Vietnam Eye: Contemporary Vietnamese Art (Milano, Ý: Skira Editore S.p.A., 2016), tr. 128-131, 266; Phan Cẩm Thượng, “Họa sỹ Bạch Đàn: Một thoáng đời người”, Văn hóa, Thể thao & Văn hóa, 14/03/2012.
[6] Đọc thêm về họa sỹ Lê Tháng Thư: Vietnam Eye, tr. 96-99, 262; Diễm Chi phỏng vấn Lê Thánh Thư, “Họa sỹ Lê Thánh Thư: ‘Hội họa đã cứu rỗi tôi’”, Báo Phụ Nữ.
[7] Đọc thêm về nghệ sỹ Võ Trân Châu: votranchau.com (ngày truy cập: 16/06/2021).
[8] Đọc thêm về triển lãm Nhặt Lá Rừng Xưa: Đồng Hà Nhuận, “An Artist’s Role in Debate at Vo Tran Chau’s Solo Exhibition on Heritage”, Arts & Culture, Saigoneer, 10/03/2020.
[9] Đọc thêm về nghệ sỹ Hà Mạnh Thắng: hamanhthang.com (ngày truy cập: 16/06/2021).
[10] Đọc tuyên ngôn nghệ sỹ của các chuỗi tranh kể trên tại trang web của nghệ sỹ.
[11] Trích tuyên ngôn nghệ sỹ của chuỗi tranh Hồ nước.
[12] Đọc thêm về nghệ sỹ Lại Diệu Hà tại trang web của CUC Gallery: cucgallery.vn/lai-dieu-ha (ngày truy cập: 17/06/2021). Về các góc nhìn từ nhà báo, khán giả và quản lý văn hóa, tham khảo: Từ Nữ Triệu Vương, “Tôi nude với đầy đủ sự tôn trọng”, Văn hóa, Tiền phong, 22/08/2010; Phạm Thu Hương, “Khi ‘cái tôi’ quá lớn”, Văn hóa – Giải trí, An ninh Thủ Đô, 30/08/2010; Thịnh Hồ, “Lại Thị Diệu Hà lại… gây ‘sốc’!”, Văn hóa – Giải trí, An ninh Thủ đô, 24/02/2011; M. Lê, “Màn diễn kinh hãi của nữ nghệ sỹ Việt”, Tin nhanh, Vietnamnet, 24/02/2011; “Sốc với trình diễn nude”, Báo Đất Việt, lưu trữ tại trang web Chút lưu lại (chutluulai.net) (ngày truy cập: 17/06/2021).
[13] Đọc thêm về triển lãm Bảo tồn sức sống tại trang web của CUC Gallery.
[14] Trích tác phẩm trình diễn Tổ hợp bám của Lại Diệu Hà, đọc thêm: Tịch Ru, “‘Tổ hợp bám’ của Lại Thị Diệu Hà: Trắng như tuyết để đợi chờ bùng nổ”, Nghệ sỹ Việt Nam, Soi, 21/12/2012.
[15] Nguyễn Vũ Trụ (sn. 2000, TP.HCM) sáng tác với đa dạng chất liệu như hội họa, điêu khắc, sắp đặt, video và trình diễn. Lấy cảm hứng từ văn hóa đại chúng, lịch sử và mỹ thuật, thực hành hiện tại của anh khám phá mối tương quan giữa ý niệm siêu hình và thực tại trong đời sống ngày nay. Anh hiện theo học bằng Cử nhân Ứng dụng Sáng tạo Đương đại tại Đại học Anh quốc Việt Nam. (Trích cuộc hội thoại giữa tác giả và nghệ sỹ cùng tài liệu anh cung cấp)
[16] Đọc thêm về nghệ sỹ Ly Hoàng Ly: lyhoangly.com (ngày truy cập: 15/07/2021).
[17] Đọc thêm về Te Rẹt: @te_ret_ (Instagram); @teretcollective (Facebook).