ART & LIFE

Trò chuyện Art Republik: Hoài Phương giữa “Tám vạn bốn nghìn cây”

Jul 29, 2023 | By Art Republik

Một cuộc trò chuyện với Hoài Phương nhân triển lãm cá nhân đầu tiên tại Việt Nam của họa sĩ sắp sửa diễn ra.

Chân dung họa sĩ Hoài Phương

Cách Florence không xa, nơi những ngọn đồi xanh mướt bao phủ miền Bắc nước Ý, Hoài Phương sinh sống cùng gia đình tại Bologna và chọn con đường theo đuổi Đông Phương họa. Hành trình trở thành họa sĩ tự học đôi lúc có nhiều tự vấn, song các sáng tác của chị tựa như một lời hồi đáp và rất chân tình.

Xin chào chị Hoài Phương. Chị Phương và hội họa đã tìm tới nhau như thế nào?

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, dù gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng từ bé mình đã yêu thích hội họa nhiều hơn bất kỳ việc gì khác. Mình đã vẽ liên tục như vậy cho đến khi lớn lên, thường là ở mặt sau những cuốn vở, giữa thời gian rảnh rỗi hiếm hoi trong lớp học. Mình còn nhớ từng bị đuổi khỏi lớp vài lần khi bị thầy cô bắt gặp. Thích vẽ là như vậy nhưng ý nghĩ trở thành một họa sĩ lại chưa từng xuất hiện cho đến khi đi du học. Nơi mình đi du học là một thị trấn rất nhỏ ở tiểu bang Oklahoma (Mỹ), nơi đó rất vắng vẻ và khá buồn, mình không có nhiều bạn, nên một ngày nọ giữa mùa đông lạnh cóng, ngày qua ngày bó gối trong nhà, để giết thời gian mình đã lấy hộp màu nước ra nghịch một tí. Chẳng ngờ là mình lại rất thích và dường như niềm vui thời bé đã sống lại một lần nữa, mình vẽ liên tục cho đến khi tốt nghiệp. Dù cho hội họa không phải là ngành mình theo học nhưng giáo sư đã đồng ý cho mình dùng những bức tranh đó làm triển lãm tốt nghiệp. Khi nhìn những bức tranh được treo trên tường trong khán phòng vắng vẻ giữa mùa hè nóng bỏng lửa, khi mà hầu hết học sinh đã về quê, lần đầu tiên mình cảm thấy trong lòng nhen nhóm ước mơ được trở thành một họa sĩ. Và mình đã cố gắng rất nhiều từ khi đó.

Mình đã luôn luôn tự hỏi không biết từ khi nào mình trở thành một họa sĩ thực sự? Đó là khi mình cầm cây cọ lên lần đầu? Khi mình nhìn những bức tranh non nớt trong triển lãm tốt nghiệp năm xưa? Khi mình có triển lãm đầu tay? Nhưng giờ đây thì điều đó với mình có lẽ cũng không thực sự quan trọng nữa, mình đang làm việc này với toàn bộ sự yêu mến và nghiêm túc theo đuổi nó.

Hoài Phương, “Dấu chân nai” (2023), mực trên giấy Fabriano Artistico 600gsm được nhuộm thủ công, 28.5 x 78 cm. “Trên tuyết trắng tinh / dấu chân nai hiện… / Vô Tự Chân Kinh!” – Pháp Hoan

Quả thực trong chị Phương có rất nhiều trăn trở nhưng suy cho cùng với một thái độ nghiêm túc, cái định nghĩa bản ngã của mỗi người trong chúng ta chính là tổng hòa của mọi thứ xung quanh. Vậy trong thế giới hội họa, việc sống và làm việc tại trời Âu có tác động thế nào tới ngôn ngữ thực hành của chị?

Đến Ý, sau khi cảm giác là một người lữ hành đã đi qua, mình dần học cách thích ứng với cuộc sống bản địa. Mình cảm thấy đúng là như một cái cây bị bứng đi khỏi vùng đất quen thuộc đã nuôi dưỡng tinh thần mình bấy lâu. Đặt vào vùng đất mới này, rất nhiều dây rễ cũ đã bị đứt rời hoàn toàn, và trong sự loay hoay sống còn, tìm mọi cách để thích nghi và hòa nhập với môi trường mới, có lẽ một số lá cành đã héo úa không còn cách nào hồi phục được nữa, nhưng rồi từ từ cái cây đâm ra những rễ mới, những chiếc rễ non này dần bám đất, rồi thật chậm rãi, những cành lá mới tỏa ra. Tuy rằng học được nhiều điều mới nhưng mình luôn ý thức được bản thân là một người nhập cư. Giữa những người nhập cư và dân bản địa luôn tồn tại một khoảng cách. Bản thân mình không thiếu những lúc cảm thấy chông chênh như người đi trên dây giữa hai luồng văn hóa Đông – Tây, vừa giao hòa mà cũng đầy mâu thuẫn, vừa muốn hòa thành một phần mà cũng có lúc chỉ muốn làm kẻ ngoài cuộc, cái tôi của mình không ngừng tan ra rồi lại kết tủa. Cảm giác đó hiện diện trong các bức vẽ và thật khó để diễn đạt thành lời. Tranh không hoàn toàn vui và cũng chẳng bao giờ buồn bã cực đoan, như mình không thể ngả hẳn về một phía. Nửa Đông nửa Tây với mình là hai đối cực nhưng trong đó cũng có sự tương hỗ nhất định.

Hoài Phương, “Giọt sương rơi” (2020), màu nước trên giấy Fabriano Artistico 300gsm được nhuộm thủ công, 28 x 28 cm. “Kìa giọt sương rơi / ba nghìn thế giới / phút giây rạng ngời” – Pháp Hoan

Một điều tuyệt vời khi sống ở Bologna là thiên nhiên và bốn mùa rất khác biệt với nơi mình lớn lên. Tại đây mình cảm nhận được rất rõ dòng thời gian của tự nhiên và cách muôn loài thay đổi qua từng mùa, từng tháng, thậm chí từng tuần. Quan sát chúng, mình cảm thấy được nhịp đập của tự nhiên như một mạch cảm hứng dồi dào cho cả tranh vẽ lẫn đời sống nội tâm. Muôn loài đang đi qua dòng thời gian trong nhịp sống riêng của chúng. Và mình cũng không ngoại lệ, cũng đang trôi đi trong dòng chảy của riêng mình, cũng đang đi qua những hóa thân để thành một con người mới.

Hoài Phương, “Cành táo dại” (2020), màu nước, bột màu tự nhiên trên giấy Fabriano Artistico 300gsm được nhuộm thủ công, 19.5 x 27.5 cm. “Sấm đầu xuân / ép cành táo dại / bung hoa” – Pháp Hoan

Và phải chăng tranh thủy mặc là một phần Á Đông trong đời sống của chị?

Nó đúng là nơi mình bộc lộ được một nửa Á Đông rõ ràng nhất, bởi trong đời sống mình phải nhập gia tùy tục. Tuy nhiên mình nghĩ thủy mặc chỉ là một phần trong thực hành hội họa của mình, cái mà mình theo đuổi thì rộng hơn như thế và có lẽ được gọi là Đông Phương họa. Mình tìm thấy hứng thú với con đường này khi bắt đầu vẽ bộ tranh Haiku. Một số tranh mình sử dụng bột màu gốc đất và đá bán quý – là cách vẽ truyền thống trong Trung Quốc họa và sau này là Nihonga của Nhật Bản, thủy mặc là một phần trong lối vẽ đó. Tại Việt Nam, khi nhắc đến thủy mặc, ta sẽ thường nghĩ đến dòng tranh sơn thủy và tranh tả ý, bản thân mình nghiệm thấy tinh thần trong tranh mình không hoàn toàn tương đồng nên không thể nhận bản thân là một họa sĩ thủy mặc. Dù không hoàn toàn theo con đường thủy mặc, mình học hỏi rất nhiều từ dòng tranh với bề dày lịch sử sâu rộng này và đôi khi cũng thử sức một chút. Hội họa là một khu rừng rộng lớn nên đôi khi mình không kiềm được lòng mà muốn dạo chơi ở những vùng đất mới.

Hoài Phương, “Con đường Kinh Bắc” (2020), màu nước trên giấy Fabriano Artistico 300gsm được nhuộm thủ công, 19.5 x 27.5 cm. “Tiếng vạc kêu sương / đâu rồi con đường / về miền Kinh Bắc” – Pháp Hoan

Chị có thể chia sẻ thêm về hành trình gắn bó với Đông Phương họa?

Từ khi bắt đầu những bức tranh đầu tiên cho bộ Haiku, mình tự học những kỹ thuật vẽ của Đông Phương họa qua internet. Sau nhiều thử nghiệm thất bại, một vài quả ngọt đã thành hình. Mình vẫn đang tiếp tục học hỏi những tinh hoa của quá khứ và thử nghiệm, tinh chỉnh để tìm ra những khả năng mới. Trong Đông Phương họa thì lại chia ra hai dòng tranh là công bút và tả ý, mình thiên về công bút nhiều hơn. Cá nhân mình rất ngưỡng mộ cung cách làm việc của những họa gia tả ý, họ quan sát thật lâu để thấm nhuần bản chất của đối tượng được vẽ, đến mức họ có thể phóng bút không cần đường nét phác thảo mà vẫn bắt được cái thần hồn sống động của vạn vật. Tranh tả ý thường rất nhiều khoảng trống, đường nét giản tiện, nên nó đòi hỏi người xem phải suy tư đặng lấp đầy khoảng trống. Tuy nhiên, cách vẽ thoạt trông đơn giản nhưng lại đòi hỏi một trình độ cao trong việc kiểm soát lượng nước, lượng mực, hiểu biết về cây cọ được sử dụng, chất giấy, v.v.. Mình thì ngược lại, phải hình dung, phác thảo kỹ càng cho một bức tranh và điều này phản ánh khía cạnh chịu ảnh hưởng từ phương Tây của mình – sự tiếp cận có phần lý trí và khoa học, xây dựng bức tranh theo từng giai đoạn, lớp lang, đi vào tiểu tiết, v.v.. Mình nghĩ là cách tiếp cận dẫu có khác biệt nhưng bản chất nó thì như nhau. Một bên là quan sát thật lâu để thấm nhuần, một bên là nghiên cứu và đào sâu để hiểu rõ, nhưng tình cảm ta đặt vào trong quá trình đó là như nhau. Cái thần sẽ hiển lộ, khi bức tranh có tình cảm trong đó.

Hoài Phương, “Đại tuyết” (2022), mực trên giấy Fabriano Artistico 300gsm được nhuộm thủ công, 38 x 57 cm. “Tuyết đã xuống rồi / mau mang tượng Phật / chẻ làm củi thôi” – Pháp Hoan

Vậy tiến trình của chị khi vẽ một bức tranh mới sẽ như thế nào?

Quá trình xây dựng bức tranh là tốn thời gian nhất và phần lớn nó chỉ diễn ra trong đầu, có khi mình dành nhiều tuần chỉ để nghĩ xem muốn vẽ cái gì. Cảm hứng đến từ khắp nơi, đôi mắt quan sát vô số thứ mỗi ngày, đôi tai lắng nghe vô số câu chuyện hằng ngày, nhưng cái khoảnh khắc mà một bức tranh xuất hiện, những yếu tố rời rạc bỗng dưng kết nối thì khá đột ngột và chẳng có một công thức nhất định nào cả. Khi mình đã chắc chắn muốn vẽ cái gì, bố cục ra sao thì mình sẽ đi tìm tư liệu để vẽ. Bởi phần lớn cảm hứng đến từ đời sống xung quanh nên mình khá dồi dào tài nguyên, nhưng đôi khi không có thì sẽ phải nghiên cứu trên internet. Tuy vậy để tìm được tư liệu y hệt những gì mình tưởng tượng là bất khả, nên mình sẽ kết hợp rất nhiều nguồn khác nhau để ra được bức tranh mà mình mong muốn. Giai đoạn xây dựng bức tranh cũng mất thời gian, vì mình thường nhuộm giấy và phải tinh chỉnh nhiều chi tiết trước khi bắt đầu xuống bút, quá trình chuẩn bị này ít chỗ cho sáng tạo và đôi khi khá nhàm chán, nhưng bù lại, nó sẽ giúp các giai đoạn sau đó trở nên nhẹ nhàng, suôn sẻ hơn rất nhiều.

Hoài Phương, “Trăng thu” (2023), mực trên giấy Fabriano Artistico 600gsm được nhuộm thủ công, 28.5 x 78 cm. “Tượng Phật không đầu / trăng thu tìm thấy / trong lòng suối sâu” – Pháp Hoan

Được biết chị Hoài Phương đã bén duyên nghiên cứu và thực hành minh họa thơ Haiku của tu sĩ Pháp Hoan. Đâu là duyên cớ khơi nguồn cảm hứng của chị? Có điều gì đặc biệt ở bộ tranh này mà chị muốn chia sẻ cùng mọi người?

Mình tìm thấy thơ của Pháp Hoan khi nước Ý đang đóng cửa toàn quốc gần 3 tháng vì dịch Covid-19. Thời gian này mình chỉ loanh quanh trong nhà, mỗi ngày chờ đợi tin tức cuối ngày xem có bao nhiêu ca nhiễm, bao nhiêu người chết… Và trong bầu không khí đặc quánh sự lo âu và hoang mang này, mình đã tình cờ đọc thấy những bài Haiku của Pháp Hoan. Pháp Hoan là một tu sĩ, nên những dòng thơ Haiku của bạn đẫm tính thiền, chất chứa hơi thở tự nhiên trong đó. Chỉ ba dòng ngắn gọn nhưng nó lại mở ra cả một chân trời rộng lớn, đưa tâm trí mình đi ra khỏi bốn bức tường trong thời gian đầy ngột ngạt đó. Bài thơ đầu tiên mà mình họa là bài “Tám vạn bốn nghìn cây”.

“Dưới chân núi phía tây
tôi đi vào chốn ấy
tám vạn bốn nghìn cây.”

Bạn ấy viết về tâm tư của người tu sĩ khi đứng trước khu rừng có tám vạn bốn nghìn giáo lý nhà Phật, nhưng đồng thời mình cũng cảm nhận được tâm trạng của mình khi đó là một họa sĩ chập chững bước vào nghề, hoang mang trước vô vàn ngã rẽ trước mặt, không biết nên đi về đâu, nên theo đuổi trường phái gì, nên theo học cái gì, nghệ thuật quá rộng lớn mà mình không có đến một chiếc la bàn hay một người dẫn đường. Vì đồng cảm với những tâm tư này mà mình đã vẽ nên bức tranh đầu tiên, và Pháp Hoan cũng rất thích nên tụi mình đã phát triển thêm nhiều tác phẩm khác. Có lẽ nó chính là cái gọi là “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”.

Hoài Phương, “Tám vạn bốn nghìn cây” (2020), mực trên giấy, 21 x 30 cm. “Dưới chân núi phía tây / tôi đi vào chốn ấy / tám vạn bốn nghìn cây” – Pháp Hoan

Cá nhân mình thì cho rằng đây là một dự án khá thú vị, bởi mình sinh sống tại Ý, Pháp Hoan thì ở Canada, chúng mình cùng trao đổi với nhau bằng tiếng Việt và tác phẩm được tạo ra dựa vào thức thơ của Nhật. Không chỉ là sự giao thoa giữa thi ca và hội họa, mình thấy nó vượt qua khoảng cách địa lý, và cái cảm thức cổ kính trong thơ của Pháp Hoan thì lại gợi nhớ đến sự u huyền cô quạnh vượt thời gian. Từ khi mình bắt đầu bộ tranh này mình cũng đã có thêm nhiều tình bạn mới. Đây là cái mà mình gọi là phép màu của nghệ thuật: khả năng kết nối những tâm hồn đồng điệu vượt qua các chiều không-thời gian.

Hoài Phương, “Bốn núi” (2020), màu nước, mực Tàu trên giấy Fabriano Artistico 300 gsm được nhuộm thủ công, 19.5 x 27.5 cm. “Bốn núi bủa vây / sáng nay thức dậy / thấy mình là cây” – Pháp Hoan

Trong series ấy, bức vẽ nào khiến chị trầm tư nhiều nhất và câu chuyện của nó là gì?

Những bức tranh mình chọn minh họa trong hơn 600 bài thơ của Pháp Hoan là những bài mình chọn lọc dựa theo sự đồng cảm cá nhân, nên mình thích hết, và đồng cảm với tất cả. Như bức “Tám vạn bốn nghìn cây” nói trên là về tâm tư của mình khi bước chân vào nghề. Bức “Đại tuyết” là dựa trên một công án khi thiền sư vì lạnh quá mà đem tượng Phật ra chẻ làm củi đốt, bức “Ruộng khô” thì khiến mình đồng cảm với tâm trạng người dân ở đồng bằng sông Cửu Long khi đối diện với tình trạng ngập mặn và hạn hán kéo dài… Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, bức tranh mình yêu thích nhất có lẽ là “Bốn núi”.

“Bốn núi bủa vây

một sáng thức dậy

thấy mình là cây.”

Bốn núi trong cảm nhận của mình chính là bốn nỗi khổ lớn – sinh, lão, bệnh, tử – mà một con người sinh ra đã phải gánh lấy. Mà thực ra đâu chỉ con người, phàm vạn vật trên đời này cái gì sinh ra mà không tàn lụi? Nói tóm lại, khổ là không tránh được. Càng lớn lên, càng thấy những dãy núi này sao càng cao vời vợi không cách nào trèo thoát nổi, và không thiếu những người tự cô lập bản thân, tách biệt khỏi xã hội, tự cắt rời bản thân khỏi triền miên những bi kịch trên thế giới, từ một cái nhà tù lớn họ đi vào một cái nhà tù nhỏ hơn, vì chung quy, bốn bức tường nó vẫn ở đó.

Nhưng một cái cây thì lại khác, núi rừng là nhà của nó. Nỗi khổ có thể đến từ tác động ngoại vi hay nội tại và cuộc sống thì không bao giờ bằng phẳng, ta không bao giờ có thể tránh được nỗi khổ. Nên nếu ta có thể hóa thành một cái cây – thay đổi góc nhìn, thì có lẽ nỗi khổ này sẽ trở nên êm dịu hơn, cuộc đời này sẽ dễ chịu hơn một tí chăng?

Hoài Phương, “Ruộng khô” (2020), màu nước trên giấy Fabriano Artistico 300gsm được nhuộm thủ công, 19.5 x 27.5 cm. “Giọt nước mắt rùa / nhỏ xuống ruộng khô / ngày đầy nắng” – Pháp Hoan

Chúc mừng chị với triển lãm cá nhân sắp tới mang tên “Tụng Ca Vô Thường” diễn ra tại quê hương. Qua đó chị muốn gửi gắm tới người xem thông điệp gì?

Thật sự là khi khởi đầu bộ tranh này mình không nghĩ rằng nó sẽ có thể đi xa được đến thế! Và hiển nhiên mình rất hạnh phúc khi những bức tranh này được về nhà, về vùng đất đã sinh thành và nuôi dưỡng tình cảm và mỹ cảm phương Đông trong mình. Có một câu trong cuốn “Thiền và Văn hóa Nhật Bản” mà mình yêu thích: “Thử lấy một bức thủy mặc vẽ hai thiền sư Hàn Sơn và Thập Đắc chẳng hạn, đem treo trong một phòng bán tranh ở Âu châu hay ở Mỹ để xem nó gây được ấn tượng gì hay ảnh hưởng thế nào đối với khách đến viếng. Lúc đó, ta sẽ thấy khái niệm “cô tuyệt” là một sản phẩm của phương Đông và chỉ có giá trị giới hạn trong vùng đất sinh thành ra nó.” – (Bản dịch của bác Nguyễn Nam Trân). Vậy nên, mình đã đi xa khỏi Việt Nam khá lâu, nên phần nào đó trong mình vừa mong đợi, vừa hồi hộp không biết mọi người sẽ đón nhận nó như thế nào. Nhưng điều mình có thể chắc chắn là, mình đã đặt rất nhiều tình cảm vào trong từng bức tranh, và mình mong rằng khi bạn đứng đối diện chúng, dù có thể ta chưa bao giờ gặp nhau, bạn cũng sẽ cảm nhận được tình cảm đó.

Thực hiện: Tâm Phạm


 
Back to top