STYLE

Khi ta (không) được sến

Sep 23, 2024 | By LUXUO

Trước một comment về phong cách và trả lời thú vị đáng yêu của Mỹ Tâm, chúng tôi mạn đàm những câu chuyện thú vị liên quan giữa cái “sến” trong thời trang. Bài viết của cây bút Lã Hoa, viết từ năm 2017.

French designer Christian Lacroix atthe finale of his 2009/2010 Autumn-Winter Haute Couture collection show on July 7, 2009, in Paris. AFP PHOTO/ PIERRE VERDY (Photo credit should read PIERRE VERDY/AFP/Getty Images)

Học giả thời trang Karl Lagerfeld từng nói: “Thời trang không cần phải tỏ ra nghiêm túc. Nó tồn tại để chứng minh rằng sự phù phiếm thông minh luôn bao hàm tính sáng tạo và tích cực.” Điều này gợi nhớ tới câu nói nổi tiếng khác của một bậc thầy nghịch lý – văn sĩ triết gia lớn G.K. Chesterton: “Đứng đắn thì dễ, phù phiếm thì khó”

Thật vậy, ngay khái niệm Phù phiếm, trong đó Sến (một hình dung từ đặc biệt chỉ có trong tiếng Việt) là một biểu hiện cực đoan, cũng hết sức khó mô tả, chưa nói đến việc làm sao có thể biết cách Phù phiếm và Sến một cách khôn ngoan trong thời trang, biết khi nào sến hay không sến được?

1. Cũng như “Phù phiếm” nói chung, “Sến” trong đời sống và văn học nghệ thuật là một khái niệm khó lí giải, và vì thế không thể bị tùy tiện gán cho ý nghĩa tiêu cực. Vốn có nhiều xuất xứ giả định khác nhau, như “sến” trong “con sến” hay “Mari Sến” (ca sĩ Maria Schell), sến được hiểu là phẩm vị (taste) của giới bình dân nước ta thời giữa thế kỷ trước, mà tâm thế dễ dãi quê mùa của nó đã lan tỏa đến các sáng tác âm nhạc (nhạc bolero, nhạc vàng, nhạc quê hương) hay văn học (truyện ngôn tình).

Trong thời trang, Sến được định vị cho cả phong cách bình dân của người mặc lẫn của nhà thiết kế. Cũng đặc biệt trong thời trang, dù sến không hẳn xấu (bad taste), hầu như không có ai  tự nhận mình là có “gout” sến, vì điều này hay bị hiểu lầm là người đó không có “taste”. Cùng lắm Sến chỉ được gắn với tâm trạng: “Tôi đang sến lắm đây, nên mặc áo ren hồng và mang giày nhũ bạc, nhưng đừng ai bảo tôi trông sến nhé!”.

Mỹ Tâm tại một sự kiện trình diễn năm 2021

Sến trở thành một loại cảm xúc cá nhân của nhiều giới nhiều tầng lớp – kể cả học giả, trí thức và nghệ sĩ. Khi một ai đó thốt lên “sến ơi là sến”, thì cũng không rõ vì sao cảm thấy như vậy.

Cứ thế trong hơn nửa thế kỷ qua, dần dần Sến đã có chỗ đứng riêng, tương tự trào lưu Kitsch (khởi đầu từ nghệ thuật dân gian rẻ tiền Phương Tây thế kỷ 19), từ chỗ đại diện cho phông văn hóa ‘hạ đẳng”, Sến trở thành một loại cảm xúc cá nhân của nhiều giới nhiều tầng lớp – kể cả học giả, trí thức và nghệ sĩ. Khi một ai đó thốt lên “sến ơi là sến”, thì cũng không rõ vì sao cảm thấy như vậy.

Và dù muốn hay không thì Sến (ít nhiều gần với Schmaltziness, Cheesiness hay Tackiness trong tiếng Anh nhưng không hoàn toàn tương đồng) đã từ tâm trạng mặc nhiên trở thành “gout” thưởng ngoạn nghệ thuật cũng như phong cách ăn-mặc-ở bình dân khá phổ biến và tồn tại cho đến ngày nay. Người mặc sến có thể được coi là đẹp xấu sang hèn, có thể trông vừa mắt hay tức mắt, nhưng đều không khiến người ta quá ghét hay khó chịu, có chăng chỉ gây một tiếng thở dài “sến thật đấy, thôi thì cũng chẳng sao!”

2. Không thể ghét hay khó chịu cho được, vì người mặc sến thật sự không cố tình làm chướng mắt ai, họ cho mặc như vậy là đẹp, là thể hiện được sở thích hay tâm trạng cá nhân. Những trang phục ủy mị rũ rượi màu mè khoa trương kệch cỡm, thậm chí bóng bảy chóe lóe, (flashy, shabby, tacky, cocky…) một cách có chủ đích để gây sự chú ý hay tô vẽ tên tuổi, hay thể hiện những phá cách liều lĩnh đều không phải sến.

Các biên tập thời trang Việt Nam thường lầm tưởng bất cứ bộ cánh phản cảm nào cũng là sến, nên khi tìm từ khóa Sến trên mạng sẽ thấy hầu hết các hình ảnh trang phục cố tình gây sốc hay thảm họa thời trang, nhưng chúng không sến. Sến trước hết mang vẻ điệu đà hồn nhiên, yêu thời trang nhưng không chịu hiểu biết và học hỏi vể văn hóa mặc, muốn đẹp nhưng không đạt, muốn sang lại hóa hèn.

Valentino Spring 2015

Valentino Sprint 2025

Nói cách khác người mặc sến phạm những sai lầm dễ tha thứ dù rất khó sửa chữa, vì mặc sến là không tinh tế  và kém văn minh, mà học văn minh hay thay đổi “gout” thẩm mỹ không hề đơn giản. Cũng lại ngài Chesterton uyên bác đã phán: ”Thế giới hiện đại (văn minh) chia rẽ thành hai nhóm những người bảo thủ và những người tiến bộ. Công việc của những người tiến bộ là tiếp tục tạo ra các sai lầm. Công việc của những người bảo thủ là ngăn chặn không cho những sai lầm đó được sửa chữa.” Có thể nói những người mặc sến là những người muốn tiến bộ nhưng lại lạc hậu, có óc hướng thượng mong làm đẹp cho mình và cho đời nhưng làm không tới; còn những ánh mắt khắt khe phê phán họ thuộc về giới bảo thủ trong xã hội, trong đó có cả các biên tập thời trang.

3. Dĩ nhiên ranh giới giữa Sến và Không sến, giữa xấu hồn nhiên và cố tình phá cách thường không rõ ràng. Tuy vậy vẫn có cách phân biệt đâu là Sến đâu là Phá cách. Khác với lối phục sức thảm họa cố tình khác thường, trang phục sến luôn cố ý đẹp bình thường nhưng không thể đẹp vì sự dư thừa“ngu ngốc”, do thiếu tự tin và hiểu biết mà chất lên người quá nhiều chi tiết được coi là đẹp, hay từng đẹp trong quá khứ nhưng nay đã lỗi thời.

Một bộ trang phục sến nếu tách bạch từng món ra có thể đều đẹp, nhưng gộp chung lại thì sến súa thô thiển hoặc lỗi mốt một cách đáng thương. Cho rằng ngọc trai sang và đang mốt, thế là diện ngọc trai kèm với áo váy riềm bèo rối rắm, đeo vòng cổ thì phải đeo kèm cả bộ vòng tay, bông tai và nhẫn. Mặc dù Sến ban đầu xuất phát từ cảm xúc cá nhân và vì thế đề cao cái tôi trong thời trang, người có “gout” sến rất dễ lâm vào cảnh “sến bày đàn” mất dần bản sắc khi nhập hội khăn áo hàng hiệu đồng loạt diễu phố hay tham dự sự kiện- đồng loạt đeo ngọc trai Chanel, kính Dior, túi Hermès, giày Valentino – vì cho rằng mặc đẹp phải được bảo đảm bằng tất cả những món cao cấp thời thượng ấy hợp lại.

Mặc dù Sến ban đầu xuất phát từ cảm xúc cá nhân và vì thế đề cao cái tôi trong thời trang, người có “gout” sến rất dễ lâm vào cảnh “sến bày đàn” mất dần bản sắc khi nhập hội khăn áo hàng hiệu đồng loạt diễu phố hay tham dự sự kiện- đồng loạt đeo ngọc trai Chanel, kính Dior, túi Hermès, giày Valentino – vì cho rằng mặc đẹp phải được bảo đảm bằng tất cả những món cao cấp thời thượng ấy hợp lại.

Fashion designer Sheguang Hu highlights story of Chinese women - Chinadaily.com.cn

Những thiết kế của Sheguang Hu

Cũng do hướng thượng nên người mặc sến thích thể hiện chất quí tộc vua chúa trong trang phục. Song họ thường không phân biệt được hoài cổ sáng tạo và lạc hậu, nếu đeo vành khăn gấm chưa chắc tạo được vẻ quyền quí của Nam Phương hoàng hậu, mà chỉ thêm cổ lỗ và lạc lõng.

Không sai khi muốn hoài cổ như nhiều năm trước Alexander McQueen, John Galliano hay Christian Lacroix đã từng làm. Các vương miện diêm dúa của nhà Dolce&Gabbana đang rất ăn khách – lộng lẫy mà sang trọng, cầu kỳ mà tinh tế. Bạn có thể hỏi vì sao vành khăn kia thì sến mà vương miện này lại sang. Rất đơn giản, vành khăn là bản copy văn hóa thô thiển thiếu hẳn tính sáng tạo, khiến toàn bộ trang phục trở nên tầm thường, trong khi vẻ mỹ miều của vương miện lại gợi cho ta giấc mơ công chúa của hàng triệu phụ nữ, giúp trang phục thăng hoa.

4. Tới đây có thể bạn lại không đồng tình khi tôi cho rằng vương miện Dolce&Gabbana không sến, rằng chúng “Sến mà Sang” như nhiều món khác của nhà Versace, Valentino, Roberto Cavalli và cả Gucci.Song khái niệm “Sến mà Sang” này quả thực rất mơ hồ. Đã Sến thì không thể Đẹp và không thể Sang. Vì ngoài sự thái quá trong chi tiết trang phục, Sến còn là sự thiếu hài hòa trong tổng thể, vừa rườm rà thừa thãi vừa không hợp thời hợp cảnh. Trên hết là tố chất người mặc, nếu mọi chi tiết đều thiếu hòa hợp nhưng tố chất đủ mạnh đủ duyên thì trang phục sẽ hoàn toàn không sến, chứ không thể vừa Sến vừa Duyên hay Sang được, có chăng thì cũng phải để Sến kiểu này trong ngoặc kép.

Gucci Xuân Hè 2016 RTW | Harper's Bazaar Việt Nam

Gucci Xuân Hè 2016

Trường hợp của Dolce&Gabbana và các nhà thiết kế “Sến” mà Sang (nếu khái niệm này được công nhận) cũng vậy , trang phục phụ kiện của các nhà này thường “mấp mé Sến” vì cầu kỳ, màu mè, rối rắm, tưởng Sến đấy mà nếu khéo léo phối hợp sẽ Không sến. Bạn chỉ có thể Sến nếu tham lam đắp cả cây các món na ná nhau từ đầu đến chân.

5. Vậy nếu không Đẹp không Sang, hẳn ta không nên Sến chăng? Hay có khi nào tố chất và sự hồn nhiên không cố ý làm ta trở nên Sến duyên dáng hay Sến khôn ngoan?

Thử tưởng tượng một thế giới thời trang chỉn chu mực thước không có ai mặc sến, chắc như thế sẽ vô cùng nhàm chán. Nếu quanh ta chỉ toàn các fashionista sành điệu lịch sự tinh tế đi ra đi vào, thế giới ấy liệu  có thực và có truyền cảm hứng? Một khi Sến là lỗi lầm dễ được tha thứ, có lẽ thỉnh thoảng bạn và tôi nên ngoại lệ cho mình được Sến, trong một tiệc chủ đề hay một bữa trà chiều với bạn gái thân chẳng hạn. Để có dịp nhận ra rằng muốn tránh bị Sến đã khó, cố tình làm cho mình Sến lại càng khó hơn.

Nếu không thư giãn thả lỏng mà cứ khăng khăng tuân thủ các luật chơi của Mốt, bạn không thể Sến, càng không thể Sến hồn nhiên. Và hãy tin tôi đi, bạn có muốn Sến cũng không thể nào Sến được nếu không yêu, không biết yêu và không thể yêu mình tha thiết. Vì chỉ khi chiều theo nhu cầu và ý thích bản thân, bạn mới đủ dũng cảm, hay nói đúng hơn là đủ “liều” để chi cho những pha lê hạt đá lấp lánh, những ren nhung lụa điệu đà bóng mượt, và váy vóc màu mè sặc sỡ, để được điệu đàng, được “Sến” mà Đẹp, Sang, Duyên chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

Nếu không thư giãn thả lỏng mà cứ khăng khăng tuân thủ các luật chơi của Mốt, bạn không thể Sến, càng không thể Sến hồn nhiên.

Fall-Winter 1987 Haute Couture Christian Lacroix | Flickr

Một thiết kế của Christian Lacroix

6. Cuối cùng tôi muốn kể một câu chuyện (có vẻ) không liên quan, vào một ngày đã xa. Hôm ấy danh ca Lê Dung, tóc xõa bum bê, dáng thấp đậm xuất hiện trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội trong chiếc áo dài trắng thẳng cứng, thêu một con công thô kệch. Cả khán phòng lặng đi trước vẻ đỏm dáng sên sến của Nghệ sĩ nhân dân, nhiều người không nén nổi tiếng thở dài: “sao nàng ăn mặc thế nhỉ?”. Nhưng ngay khi ca khúc Đêm Đông cất lên da diết, tất cả lại lặng đi lần nữa. Không ai còn để ý đến chiếc áo dài và con công màu rất chói, và cả gương mặt son phấn hơi đậm của Lê Dung. Giọng hát đẹp của ngưởi nghệ sĩ, bầu không khí tình tứ bao quanh nàng đã làm át đi hình ảnh “sến hộp” của chiếc áo dài không bay.

Sau này tôi mới hiểu rằng chính vẻ đẹp tiềm ẩn và giá trị bên trong mỗi người, kể cả những cảm xúc vị kỷ đề cao ước muốn bản thân, đã làm nên sự phù phiếm tuyệt đỉnh trong thời trang và cuộc sống. Khi ấy trang phục của ta có sến cỡ nào đi nữa cũng không quá quan trọng. Chính Hiệp sĩ thời trang Yves Saint Laurent từng thổ lộ: “Qua nhiều năm tháng tôi mới nhận ra được vẻ đẹp của một chiếc váy đầm chính là ở người phụ nữ mặc chiếc váy đầm ấy.”

Nếu không thể mặc Sến hồn nhiên mỗi ngày, hay lâu lâu “tự dưng muốn Sến”, hãy thử một lần tận hưởng những cảm xúc đặc biệt trong một bộ cánh rất Sến, để được thấy mình đang Sến; để trở nên rộng lượng với bản thân và mọi người, trong một thế giới thời trang phong phú thú vị, luôn không hoàn hảo và luôn có nhiều ngoại lệ.

Bài: Lã Hoa


 
Back to top