BUSINESS OF LUXURY

3 “ông trùm” ráo riết mua lại các thương hiệu cao cấp: Họ là ai?

Oct 30, 2019 | By Trang Ps

Hai ông trùm xa xỉ giàu nhất châu Âu, và một tỷ phú người Nam Phi, đang trong cuộc chiến để thâu tóm những nhãn hàng xa xỉ hàng đầu thế giới. Top 1% người giàu này đang đầu tư vào lĩnh vực có thể khiến tập đoàn của họ chiếm thế mạnh trên thị trường.

Tiffany & Co.

Vừa qua, LVMH đã đưa ra lời đề nghị mua lại công ty trang sức nổi tiếng Tiffany & Co. của Mỹ hiện có vốn hóa thị trường 11,9 tỷ USD. Nếu thỏa thuận này được thông qua, nó đồng nghĩa với việc đây là một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của tập đoàn.

Theo đó, Tỷ phú – chủ tịch LVMH Bernard Arnault có tham vọng mua lại Tiffany & Co. với giá 14,5 tỷ USD (11 tỷ bảng Anh). Tầm nhìn của ông, có thể được dự đoán, là hợp nhấp ngành hàng xa xỉ nghiêng về thế hệ “giàu có thứ hai” của Trung Quốc, còn được gọi dưới cái tên “Fuerdai” (Phú nhị đại).

Chân dung Bernard Arnault

Thâu tóm thương hiệu, mở rộng thị trường sang Trung Quốc

Theo các chuyên gia của Tập đoàn tư vấn Boston, ngành hàng xa xỉ trị giá 795 tỷ bảng Anh, có khả năng tăng trưởng 4% – 5% mỗi năm cho đến ít nhất năm 2025. Lần đầu tiên, tầng lớp giàu có ở Trung Quốc khiến Mỹ trở nên lu mờ khi trở thành động lực chính của thị trường này, chiếm đến 1/3 tổng chi tiêu trên toàn cầu. Đến năm 2025, con số này dự kiến sẽ tăng lên 40%, biến Trung Hoa trở thành miếng bánh thị trường vô cùng hấp dẫn.

Tham vọng thâu tóm Tiffany & Co. đánh dấu thương vụ mua lại lớn nhất của tập đoàn LVMH cho đến nay

Thương hiệu Tiffany & Co. được thành lập vào năm 1837 bởi nhà kim hoàn lừng danh Charles Lewis Tiffany. Hãng đã chứng kiến sự tăng trưởng doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong khi ở thị trường Mỹ cũng đang có dấu hiệu tái khôi phục. Đầu tháng nay, Giám đốc điều hành Alessandro Bogliolo cho biết công ty đã chuyển một phần lớn những món đồ đắt tiền bao gồm dây chuyền kim cương trị giá hơn 1 triệu USD đến Trung Quốc đại lục. Hãng luôn theo dõi khách hàng của mình, nơi mà họ đang mua sắm.

Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc vừa qua không cho phép công dân của họ du lịch tới Hoa Kỳ vì các vụ bắn súng, nạn cướp và trộm cắp diễn ra thường xuyên. Mạng lưới truyền hình nhà nước Trung Hoa liên tục đưa tin các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ đã có hành động quấy rối du khách Trung Quốc. Điều này dẫn đến việc, doanh số bán hàng của Tiffany & Co. cho khách du lịch Trung Quốc đến Mỹ đã sụt giảm 25%, báo hiệu xu hướng không thể tồi tệ hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ căng thẳng.

Tham vọng thâu tóm Tiffany & Co. đánh dấu thương vụ mua lại lớn nhất của tập đoàn LVMH cho đến nay, đưa nhà kim hoàn 182 năm tuổi trở thành đơn vị trang sức phát triển ổn định, bên cạnh các thương hiệu xa xỉ khác bao gồm Moët & Chandon, Marc Jacobs, Celine, Givenchy và Dom Pérignon.

Arnault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LVMH, là người giàu thứ 3 thế giới với số tài sản ước tính 97 tỷ USD, theo Bloomberg. Ông ta đã nhanh chóng mở rộng phạm vi thị trường xa xỉ của tập đoàn trong thời gian điều hành 4 thập kỷ qua, từ việc mua lại công ty kim hoàn Repossi của Ý, dịch vụ đường sắt Orient Express như một phần của thỏa thuận khách sạn cao cấp trị giá 3,2 tỷ USD.

Richemont buys Italian jeweler Buccellati

Richemont gần đây đã thâu tóm thành công công ty trang sức Buccellati

Những đối thủ của ông và LVMH cũng đang ráo riết tìm kiếm và mua lại các thương hiệu có tiềm năng ăn nên làm ra tại thị trường Trung Quốc. Richemont, nhãn hàng xa xỉ được thành lập bởi tỷ phú Nam Phi Johann Rupert, gần đây đã thâu tóm thành công công ty trang sức Buccellati từ tập đoàn đầu tư Gantai của Trung Hoa.

Tỷ phú Nam Phi Johann Rupert

Trong khi đó, tập đoàn Kering dưới sự cầm trịch của tỷ phú François Pinault và gia đình (với  40% cổ phần), cũng đang ra sức tìm cách mua lại các thương hiệu xa xỉ đình đám, để thêm vào danh mục đầu tư của mình (đã bao gồm Gucci, Balenciaga và Alexander McQueen…)

Tỷ phú François Pinault

Jean-Marc Duplaix, Giám đốc tài chính của Kering, cho biết tổng chi tiêu của khách hàng tại Trung Quốc đã giúp công ty đạt mức kỷ lục năm 2018, với doanh thu tăng 29% lên 13,7 tỷ euro (11,8 tỷ bảng Anh). Quý thứ tư vẫn diễn ra cực kỳ suôn sẻ với doanh số bán hàng tăng trưởng cao.


 
Back to top