BUSINESS OF LUXURY

Chopard vướng cáo buộc ăn cắp ý tưởng từ Tiffany

May 21, 2022 | By Bảo Châu

Không trùng thiết kế cũng chẳng giống về thông điệp. Lý do gì khiến Chopard rơi vào danh sách đen của Tiffany cũng như cả ngành thiết kế giao diện ở đại lục?

chopard vướng cáo buộc ăn cắp ý tưởng từ tiffany

Ảnh: Chopard.

Ngày 13/5, trên nền tảng WeChat, Chopard cho ra mắt chiến dịch mới cùng đại sứ Dương Tử mang tên “Still making a choice?” [Tạm dịch: Vẫn đang lựa chọn sao?]. Giao diện khá đơn giản: Khi click vào tấm ảnh của nữ diễn viên, hình ảnh phụ kiện kim cương của Chopard sẽ hiện ra trong 3 khung hình mà bạn có thể thao tác lướt qua lại.

Vấn đề nảy sinh khi cấu trúc này giống y hệt giao diện đã được Tiffany sử dụng ngày 31/03. Cũng trên nền tảng WeChat, bài viết của Tiffany mang tựa đề “Chơi đùa cùng phong cách avant-garde và theo đuổi nhịp điệu của Rosé” với hình ảnh thành viên BLACKPINK mang  trang sức của thương hiệu.

Tiffany cho rằng Chopard đã “sử dụng hình ảnh trái phép và chiếm đoạt thiết kế cấu trúc tương tác.”

tiffany cáo buộc chopard ăn cắp giao diện người dùng

Ảnh: Jing Daily

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Truyền thông JZCreative, bằng việc sử dụng cùng một giao diện tương tác, Chopard đã vi phạm quyền lợi bản quyền của khách hàng và đi ngược cam kết thủ công độc đáo của ngành xa xỉ. Vì vậy, thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ cao cấp hiện đã nằm trong danh sách đen của ngành Thiết kế tương tác (Interaction Design – IxD).

Sự việc có vẻ cỏn con, và sẽ chẳng ảnh hưởng mấy đến thương hiệu Chopard nhưng lại thể hiện một xu hướng đáng mừng tại Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung: Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. JZCreative cho rằng, bên cạnh việc xử lý và ngăn chặn hàng giả trên thị trường, việc giải quyết các vấn đề đạo nhái trên Internet cũng rất quan trọng.

Tương tự với nguyên vật liệu, chất lượng và số lượng, bản quyền sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến giá trị của mặt hàng và của cả thương hiệu. Patek Philippe có chứng nhận sở hữu trí tuệ cho mẫu đồng hồ đeo tay vạn niên đầu tiên trên thế giới, không những thể hiện tay nghề, di sản lâu đời mà còn là bảo chứng cho tính độc quyền và sự tiên phong của thương hiệu.

Hay gần đây nhất, dáng túi Birkin kinh điển của Hermès xuất hiện trên metaverse dưới dạng NFT mang tên Metabirkins mà không hề được thương hiệu cho phép. Nhà mốt Pháp đã khởi kiện chủ nhân của bộ NFT, tuyên bố anh đã “cố ý gây hiểu lầm rằng Metabirkins đã được Hermès ủy quyền, tài trợ hoặc phê duyệt, trong khi thực tế không phải vậy.”

JZCreative trước đó cũng tiết lộ một đoạn mã độc quyền của BMW đã được sử dụng trên trang WeChat của Gucci. Năm 2020, thương hiệu xa xỉ đến từ Ý cũng dính lùm xùm sao chép bộ hình từ năm 2016 của một nhiếp ảnh gia gốc Việt để quảng bá cho dòng mỹ phẩm mới ra mắt lúc bấy giờ.

gucci beauty đạo nhái nhiếp ảnh gia gốc Việt

Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Hứa Như Xuân trên bìa album Love Me/Love Me Not của HONNE (trái) và hình ảnh trong chiến dịch của Gucci Beauty (phải). Hiện thương hiệu đã gỡ bỏ những tấm ảnh này trên mạng xã hội Instagram.

Từ câu chuyện của Chopard và Tifanny, cũng như hàng loạt những vấn đề tương tự, có thể thấy quyền sở hữu trí tuệ là một gạch đầu dòng mới trong checklist của thương hiệu trước khi muốn tung sản phẩm ra thị trường. Trong thời đại số cùng sự xuất hiện của metaverse, thế giới rộng mở đa chiều, ai cũng nhạy cảm, bảo bọc hơn với đứa con tinh thần của mình.

Tham khảo: Jing Daily


 
Back to top