Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trịnh là ai mà còn trần gian thế?

Apr 01, 2021 | By Trang Ps

Kể từ khi rời xa cõi tạm, ngày mất của người nghệ sĩ tài hoa vẫn được nhiều thế hệ yêu nhạc Trịnh ghi nhớ và hội tụ cùng nhau, để trầm ngâm về tình yêu và thân phận con người, cùng lắng nghe lời ca tiếng nhạc của ông để cõi lòng cất lên tiếng hát.

Chân dung tự họa Chất liệu : Acrylic trên bìa Tác giả : Trịnh Công Sơn *Tranh thuộc BST của DC Gallery & Luxury Decor (Hà Nội)

Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”.

20 năm tưởng nhớ – Trịnh là ai mà còn trần gian thế?

Một bức chân dung tự họa cuối cùng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (2000)

Trong suốt 20 năm qua, từ những ngày cuối tháng 3 đến hết tháng 4 hàng năm, gia đình và những người yêu nhạc Trịnh vẫn đều đặn tổ chức các chương trình âm nhạc và sự kiện triển lãm nhằm tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Năm 2020 vừa qua, dù bị ngăn trở bởi đại dịch Covid-19, các hoạt động hoài niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn được thực hiện, để những con người còn lãng du trên chốn trần ai này có thể kết nối và xoa dịu cùng nhau. Nổi bật trong số đó là triển lãm tranh với chủ đề Lời Thiên Thu Gọi, được hoạ sĩ Lê Sa Long thực hiện bằng công nghệ VR 360 (qua sự cố vấn của đại diện gia đình nhạc sĩ).

Năm nay, dựa trên tình hình dịch bệnh vẫn đang cần kiểm soát chặt chẽ, người hâm mộ có thể theo dõi livestream chương trình âm nhạc hoài niệm với sự tham gia của nhiều ca sĩ hát Trịnh Ca nổi tiếng, diễn ra tại nhà 47C Phạm Ngọc Thạch (Q.3, TP HCM) – nơi cư ngụ của cố nhạc sĩ lúc sinh thời.

20 năm là một mốc thời gian khẳng định giá trị di sản của nhạc Trịnh trong lòng người hâm mộ, cũng như đối với nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Để tôn vinh và tưởng nhớ, gia đình cố nhạc sĩ đã phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài nước tổ chức chuỗi chương trình 20 Năm Nhớ Trịnh Công Sơn kéo dài trong suốt cả năm 2021.

Chân dùng tự họa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 25 tuổi (1964)

Tại Hà Nội, Tuần Lễ Văn Hoá Nhớ Trịnh Công Sơn do không gian văn hoá Phòng Trà Trịnh Ca (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức, sẽ kéo dài từ 27/3 – 3/4 với nhiều hoạt động tưởng niệm như: trưng bày tranh vẽ chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do hoạ sĩ Tùng Sơn thực hiện, trưng bày tác phẩm thư pháp mang cảm hứng về Trịnh của Nguyễn Thanh Tùng, và không thể thiếu là chương trình âm nhạc hằng đêm 20 Năm Nhớ Trịnh Công Sơn. Ngoài ra, chương trình đấu giá các tác phẩm tranh và thư pháp sẽ diễn ra trong đêm nhạc hoài niệm đặc biệt 1/4/2021 để gây quỹ Vòng Tay Trịnh, nhằm hỗ trợ học phí cho các em nhỏ tại Cô Nhi Viện Bùi Chu (tỉnh Nam Định)

Vào đêm 1/4, tại vườn tượng An Hội (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) diễn ra chương trình âm nhạc Có Một Ngày Như Thế do ca sĩ Ánh Tuyết tổ chức với sự tham gia của nhiều thế hệ ca sĩ ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn. Đến ngày 17/4 năm nay, đêm nhạc Hãy Yêu Nhau Đi do nữ ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái của cố nhạc sĩ) phối hợp tổ chức với tỉnh Quảng Trị sẽ diễn ra tại công viên Fidel Castro (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).

Tự hoạ
Tranh sơn dầu
Tác giả: Trịnh Công Sơn

Tại Sài Gòn, suốt mười mấy năm qua, đêm nhạc Thao Thức Cùng Trịnh vào đúng tối 1/4 và kéo dài đến rạng sáng 2/4 vẫn được người hâm mộ Trịnh Công Sơn trên khắp cả nước tổ chức tại nghĩa trang Gò Dưa (Q.Thủ Đức, TP.HCM), vốn là nơi yên nghỉ cuối cùng của vị nhạc sĩ. Khi những ngọn nến được thắp lên, hòa trong không khí sâu lắng, giữa hoa và nhạc, những thân phận khác biệt “lại gần với nhau” và lắng nghe tình ca của Trịnh.

Những ngày này, nhiều không gian thưởng thức cafe và nhạc Trịnh cũng tổ chức sự kiện tưởng niệm mang âm hưởng riêng, như đêm nhạc chủ đề Có Một Ngày Như Thế thực hiện bởi ban văn nghệ Hội Quán Hội Ngộ (28/3) và Tôi Nay Ở Trọ Trần Gian (30/3) tổ chức tại phòng trà Dalat House, hay đêm nhạc Khói Trời Mênh Mông của Quán Văn (1/4). Không chỉ được quan tâm bởi những người va chạm với cuộc đời “cát bụi” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, ngay cả những bạn trẻ trót say mê dòng nhạc đại chúng vượt thời gian này cũng có thể trải lòng với người nghệ sĩ, người tự nhận mình “chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”.

Tự hoạ
Tranh màu nước & bút sắt
Tác giả: Trịnh Công Sơn

Nhiều người nghe nhạc Trịnh, viết về Trịnh, nói về Trịnh và làm nghệ thuật về Trịnh, nhưng chỉ xoay quanh Trịnh Công Sơn ở vai trò nhạc sĩ và những câu chuyện về hồng nhan tri kỷ đã làm da diết hơn cái chất tự tình trong âm nhạc của ông. Vì thế, dù đã trải qua rất nhiều năm, bạn bè thân hữu và gia đình vẫn không ngừng thương nhớ về người nghệ sĩ, và lần lượt mở ra những bí mật về cuộc đời và cống hiến nghệ thuật của ông.

Mới đây, phim điện ảnh “Em và Trịnh” đã chính thức đóng máy, người hâm mộ sẽ bắt đầu đếm ngược từng ngày cho đến lúc công chiếu (dự kiến vào dịp Giáng Sinh 2021) để tìm kiếm “một cõi đi về” trong sự lửng lờ giữa cõi thực và cõi mơ của người nghệ sỹ “hát rong qua nhiều thế hệ”, không chỉ bằng âm nhạc mà còn thông qua ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật thứ bảy.

Cũng vào khoảng thời gian này cách đây 10 năm, hoạ sĩ Đình Cường – một người bạn thân thiết của ông, đã gửi đến chuyên mục Tuổi Trẻ Cuối Tuần của báo Tuổi Trẻ một bài viết, nhằm bày tỏ và chia sẻ về những bức hoạ chưa từng công bố của Trịnh Công Sơn. Hoạ sĩ Đình Cường cũng gợi lại một lời phát biểu về nghệ thuật của người bạn họ Trịnh trong buổi triển lãm cuối cùng của ông (kết hợp với hoạ sĩ Bửu Chi và Đình Cường, 20/8 – 3/9/2000) tại Gallery Tự Do (Sài Gòn), rằng:

“Nghệ thuật đích thực là một thứ thông điệp còn lại ở sau cùng, khi mọi hình thức tồn tại khác đã mất đi”.

(Tổng hợp)


 
Back to top