ART & LIFE

Bộ tứ Đông Dương bên trời Âu (Kỳ 2): Họa sỹ Lê Phổ

Jun 13, 2021 | By Art Republik

Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu, bốn họa sỹ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương đã thành danh ở Pháp. Đó là một hành trình của quá nhiều khó khăn và cay đắng. 

Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu, bốn họa sỹ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ trường Mỹ Thuật Đông Dương và là những học trò xuất sắc nhất của trường. Mai Thứ được Lê Phổ coi là người vẽ giỏi nhất khóa I (1925-1930). Lê Phổ là học trò “cưng” của giáo sư Tardieu, thường tháp tùng ông sang Pháp. Vũ Cao Đàm đỗ thủ khoa điêu khắc khóa II (1926-1931). Và Lê Thị Lựu, thủ khoa hội họa khóa III (1927-1932).

Mỗi người có một cá tính và con đường riêng, nhưng đều giữ được nguồn gốc văn hóa Việt; cũng là nhờ quan điểm giảng dạy của các giáo sư trường Mỹ thuật Đông Dương, khác với quan niệm dạy vẽ của người Anh ở Ấn Độ: hoàn toàn hướng học sinh về mỹ thuật Tây phương, chối bỏ nguồn gốc văn minh Ấn Độ.

Về giáo sư Victor Tardieu, họa sỹ Lê Phổ kể: “Ông Tardieu là một ông thầy tuyệt vời đối với học trò: ông giúp đỡ chúng tôi về mọi mặt. Phải nói rằng thời đó, ngay một số người Pháp cũng ganh tị với chúng tôi, kể cả những người Pháp dạy ở trường Mỹ Thuật Hà Nội. Chúng tôi làm việc nhiều, và mỗi cuộc triển lãm tranh chúng tôi bán được gần một nửa, hơn cả những người Pháp đã được giải thưởng hội họa Đông Dương và cũng triển lãm tranh ngay tại Hà Nội. (…) Khi dạy chúng tôi, ông Tardieu không muốn chúng tôi mô phỏng hội họa Tây phương, mà phải giữ vững truyền thống của mình, rồi từ truyền thống ấy, tạo ra một cái gì khác

Hoài Cố Hương (hay còn gọi là Nostalgie) là một bức tranh nổi tiếng của họa sỹ Lê Phổ, được sáng tác vào năm 1938. Nguồn: .pinterest.fr

Trích bài viết nghiên cứu của tác giả Thuỵ Khuê về bộ tứ Đông Dương (đã đăng trên ấn phẩm Art Republik Việt Nam issue 2), các bài viết sẽ lần lượt khái quát về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của 4 danh hoạ đời đầu của trường Mỹ Thuật Đông Dương.

Hoạ sỹ Lê Phổ

Họa sỹ Lê Phổ sinh ngày 2.8.1907 tại Hà Đông. Cha là Lê Hoan, Kinh lược sứ Bắc Kỳ đã tham dự vào việc truy lùng Hoàng Hoa Thám, nhưng Lê Phổ không biết rõ về cha, người đã qua đời khi ông còn nhỏ. Lê Phổ đỗ khóa I, trường Mỹ Thuật Đông Dương (1925-1930). Là học trò xuất sắc, ông được Victor Tardieu cử làm phụ tá đi dự triển lãm quốc tế Paris năm 1931 và thay mặt ông năm 1937 (giáo sư Tardieu qua đời ngày 12.6.1937).

Ảnh trái: hoạ sỹ Lê Phổ (góc trái) cùng hai anh trai, hai chị dâu và các con của họ, năm 1931, tại Sài Gòn. Một thời gian ngắn trước khi ông thực hiện chuyến đi đến Paris lần đầu tiên (Nguồn: Style-Republik.com) / Ảnh phải: hoạ sỹ Lê Phổ bên tác phẩm của mình, khoảng năm 1960 (Photo courtesy Findlay Galleries)

Năm 1932, Lê Phổ được học bổng sang Pháp tu nghiệp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, từ đó ông đi Âu châu, sang Ý, tiếp xúc với hội họa Phục Hưng, triển lãm tranh tại Roma. Năm sau, Lê Phổ trở về Hà Nội làm giáo sư trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1934, ông sang Trung Quốc tìm hiểu hội họa Tống Minh. Năm 1935 ông được mời vào Huế, vẽ chân dung Hoàng đế Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương và trang trí nội cung. Năm 1937, giáo sư Tardieu từ trần, sau triển lãm quốc tế tại Paris, Lê Phổ ở lại Pháp. Năm 1939, ông tự nguyện đầu quân đánh Đức cùng với Mai Thứ, Phạm Duy Khiêm và Bửu Hội. Cuối năm 1939, giải ngũ, cùng Mai Thứ xuống Nice triển lãm tranh.

Tại đây, được André Romanet mời sang Alger triển lãm – Romanet là người Pháp mở cửa hàng bán tranh đầu tiên ở Avenue de Matignon (Paris), ông đã sang Alger (vì thành phố này chưa bị Đức chiếm) nơi có nhiều người mua tranh. Mai Thứ và Lê Phổ mở cuộc triển lãm lớn rất thành công tại Alger năm 1941, ở lại Alger 6 tháng, gặp Foujita, Marquet, Mainsieux… và những họa sỹ khác cùng làm việc với Romanet. Cùng thời gian đó, chính phủ Nhật (liên minh với Đức) tiếp quản miền Nam, gọi Foujita về Nhật lãnh nhiệm vụ sang Việt Nam điều khiển trường Mỹ thuật Gia Định.

“Thiếu nữ choàng khăn” trở lại sàn đấu giá Sotheby’s: Danh họa Lê Phổ sắp sửa có tranh triệu đô mới?

Năm 1942, Lê Phổ trở về Nice với Mai Thứ, gặp Lê Thị Lựu và Ngô Thế Tân, từ Paris xuống, ở cùng nhau một thời gian trước khi Lê Thị Lựu theo chồng đi châu Phi. Tại Nice, Lê Phổ gặp hai danh họa Matisse và Bonnard, sau này tranh ông có ít nhiều ảnh hưởng Bonnard. Năm 1942, ông triển lãm tranh ở Casablanca, 1943, ở Buenos Aires, rồi trở về Paris, triển lãm ở Galerie Jolly- Hessel cùng Mai Thứ.

Năm 1945, ông có triển lãm chung với Vũ Cao Đàm và Mai Thứ tại galerie Roux-Hentschel. Năm 1945, ông cư ngụ ở số 41 đường Blomet, nhà bác sỹ Trần Hữu Tước. Năm 1946, bác sỹ Tước theo Hồ Chí Minh về VN, bán lại căn hộ cho Lê Thị Lựu.

Mẫu tử (Lê Phổ), khoảng thập niên 1940, mực và gouache trên lụa bồi giấy ép, 61cm x 46,5cm / Maternity, 1940s, ink and gouache on silk mounted on paper laid on cardboard, 61cm x 46,5cm

Tháng 6-1947, Lê Phổ kết hôn với Paulelle Vaux, phóng viên báo Time và báo Life tại Pháp, sinh hai con trai là Lê Kim, nhiếp ảnh và Lê Tân, họa hình. Ông dọn nhà về số 235 Bis đường Vaugirard, quận15 Paris, và ở đến cuối đời.

Từ 1950 đến 1954: Lê Phổ làm Cố vấn mỹ thuật cho Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Pháp, dưới chính quyền Bảo Đại.

Bức tranh Le Concert (tạm dịch: Buổi biểu diễn) của hoạ siỹ Lê Phổ, có kích thước 60 x 50 cm, vẽ vào năm 1938. Nguồn: jeanfrancoishubert.com

Bức “La Toilette” của Lê Phổ. Theo nhà đấu giá Chiristie’s, tác phẩm được họa sỹ tặng cho bác sỹ Tinh Doan ở Pháp, sau đó thuộc về một bộ sưu tập cá nhân ở Anh. Nguồn: Mạnh Hải/flickr.com

Từ năm 1956, triển lãm ở nhiều nơi, đặc biệt cùng Foujita (1957-1958) ở Lyon, Avignon, Nice và Bordeaux. 1960, triển lãm ở San Francisco. Năm 1963, triển lãm ở Caracas và triển lãm quốc tế Mỹ thuật tại Sài Gòn (gửi 5 bức, sau bị mất cả). Nhận giải Hội Họa Việt Nam.

Từ 1964, Lê Phổ cùng Vũ Cao Đàm cộng tác với Galerie Wally Findlay, nhà buôn tranh lớn ở Mỹ, ông đi Mỹ mỗi năm, trưng bày tranh ở ba nơi: New York, Palm Beach và Chicago. Lê Phổ thường xuyên triển lãm tranh tại Salon d’Automne và Salon des Indépendants, ở Paris, cùng Mai Thứ.

Họa sỹ Lê Phổ từ trần tại Paris vào ngày 12- 12-2001.

Thêm một bức chân dung tự họa của Lê Phổ vượt ngưỡng 1 triệu USD

Tháng 4/2017, bức “La Family” của Lê Phổ lập kỷ lục khi được nhà Sotheby’s Hong Kong bán với giá 1,2 triệu USD (hơn 27 tỷ VND). Nguồn: Vov.vn

Được đi Trung Quốc, Ý và sống tại Pháp, họa sỹ Lê Phổ giao hưởng hai nền hội họa Đông Tây, tạo thành thế giới hội họa của riêng mình. Thời kỳ đầu, 1934-1937, ông vẽ tranh lụa theo lối trường ốc như Nguyễn Phan Chánh, ảnh hưởng Trung Quốc, vẽ thẳng trên lụa, nên chỉ dùng vài màu nâu, đen, từng mảng đồng màu đồng sắc, có đường viền, vẽ người phụ nữ Việt trong bối cảnh đầu thế kỷ XX, xã hội thấm nhuần đạo đức Khổng Mạnh.

Sau khi sang Ý, tiếp xúc với nghệ thuật Phục Hưng, và từ khi Vũ Cao Đàm tìm ra cách bồi lụa trên giấy, tranh lụa của bốn họa sỹ Việt Nam tại Pháp – khác hẳn tranh lụa Nguyễn Phan Chánh, vẽ thẳng trên lụa theo lối xưa – đã bước sang giai đoạn mới, có thể tung hoành với nhiều màu sắc.

Tác phẩm “Les dahlias”, 1979, sơn dầu trên vải, đã được triển lãm vào tháng 2/2019 bởi Findlay Galleries, New York. Photo courtesy of Findlay Galleries

Khoảng 1943, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm chuyển sang vẽ tranh sơn dầu. Từ đây, bút pháp ông bước sang một thời kỳ khác. Thời kỳ sơn dầu của ông bắt đầu khoảng 1943 và hoàn chỉnh khoảng 1950: Bút pháp hiện đại, trẻ trung, mầu sắc tươi thắm, tràn đầy ánh sáng. Ông vẽ nhiều hoa và người phụ nữ trong tranh ông phai dần nét rõ ràng chính xác trong hội họa cổ điển, trở nên mơ hồ, như trong tranh ấn tượng. Phụ nữ và hoa của Lê Phổ giống như những “bóng thiếu nữ trong hoa” bước ra từ tiểu thuyết Marcel Proust, nhưng mang dáng dấp phụ nữ Hà thành trong chiếc áo dài Lemur Cát Tường đã được hư ảo hóa.

Tác phẩm “L’Étude” (The Study), sơn dầu trên canvas, 65 x 81 cm, vẽ vào khoảng năm 1970. Nguồn: Christies.com

Càng về sau, từ năm 1960, tranh Lê Phổ càng tươi thắm, ông không ngại dùng những màu sắc chói chang Dã thú (Fauvisme), màu vàng Bonnard… Hành trình từ tranh lụa sang sơn dầu, từ cổ điển phục hưng xuyên qua ấn tượng và linh cảm (nabis) với quan niệm tranh chỉ cần hai chiều: màu sắc và ánh sáng là hai yếu tố chính, màu vàng và màu xanh trở thành chủ yếu trong tranh ông, vì vậy mà tôi gọi là thiều quang Lê Phổ. Nhìn tác phẩm của ông, ta như có thêm một nồng độ mới cho ánh mắt, do ánh sáng trong tranh đem lại.

Tác phẩm “Au Bord de l’Eau” (tạm dịch: Ở Mép Nước), sơn dầu trên canvas, 130.1 x 162.6 cm. Nguồn: Christies.com


 
Back to top