Không gian sống

k59 atelier: “Công trình cũng như con người, chúng cần sự quan tâm và vun vén”

Aug 10, 2022 | By Trang Ps

Với studio quy mô gia đình, nhưng k59 atelier đã tạo ra những công trình đóng vai trò “cầu nối” và “nơi nương náu” thuận hòa giữa con người với thiên nhiên. Cuộc trò chuyện lần này giữa LUXUO và bộ đôi KTS Phan Lâm Nhật Nam và Trần Cẩm Linh giúp chúng ta có thêm những chiêm nghiệm thú vị về kiến trúc nhà ở bền vững trong đa dạng mối tương quan.

Trước khi bắt tay xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào, bộ đôi KTS Phan Lâm Nhật Nam và Trần Cẩm Linh đến từ k59 atelier đều luôn đặt câu hỏi: Làm thế nào để những thế hệ khác nhau có thể cùng chung sống hòa thuận? Liệu chúng ta có thể thích nghi với thời tiết, khí hậu nơi sinh sống và từ bỏ lối sống khép kín với điều hòa? Kiến trúc có khả năng giáo dục và thay đổi tư duy của trẻ em? Tại sao phải phát quang, chặt hạ cây xanh để lập khu đô thị mới? Chúng ta có hể sống hòa bình với thiên nhiên?

Họ đã thực hiện nhiều dự án khác nhau, từ tư nhân đến phi lợi nhuận. Tất cả các dự án đều bắt đầu từ việc khảo sát hiện trạng, đánh giá ưu nhược điểm của khu đất và khám phá ra đặc điểm riêng của từng khu vực. Phong cách kiến ​​trúc được hình thành từ nhu cầu của chúng ta, đặc điểm của khu đất, chứ không phải từ quan điểm thẩm mỹ cá nhân. Nhật Nam và Cẩm Linh cảm thấy thú vị khi chứng kiến tòa nhà tương tác với không gian xung quanh cũng như quan sát các hoạt động thực tế và những thay đổi của người cư ngụ trong môi trường sống mới.

Trong thời gian vừa qua, k59 atelier đã thực hiện những thiết kế kiến trúc (như Nhà Bình Dương) tạo ra các cuộc đối thoại thông minh giữa con người – con người, con người – thiên nhiên. Đội ngũ đã đưa ra các giải pháp – ý tưởng cụ thể như thế nào để tiếp cận các cuộc đối thoại này? 

Với mỗi dự án mới, điều đầu tiên chúng tôi tiếp cận, có lẽ là cố gắng thu thập thông tin của người sử dụng càng đầy đủ càng tốt, và tốt hơn là có thời gian quan sát họ sống để hiểu hơn thói quen sinh hoạt hằng ngày, điều đó giúp chúng tôi hình dung rõ hơn những gì phải làm để thiết kế của mình có thể tiệm cận đến nhu cầu sử dụng .

Còn với cảnh quan thiên nhiên xung quanh, chúng tôi luôn cố gắng thu thập, ghi chép và đo đạc lại cụ thể các yếu tố quan trọng (địa hình, sông rạch, loại đất cũng như cây xanh hiện hữu), và k59 atelier sẽ sử dụng chúng làm đầu bài cho việc thiết kế kiến trúc. Cụ thể trong dự án Nhà Bình Dương, chúng tôi sử dụng khoảng trống ở giữa những cây si và cây sanh hiện hữu để bố trí không gian sử dụng, điều khó khăn nhất chính là vừa phải đảm bảo diện tích sử dụng đồng thời hạn chế tối đa đến việc đốn hạ cây.

Nhà Bình Dương.

Ngày nay, yếu tố khoảng lặng/khoảng thở có lẽ rất cần được chú trọng do yếu tố đô thị hóa tăng cao. Ý tưởng khoảng thở kiến trúc này được studio tiếp cận như thế nào? 

Chúng tôi quan sát thấy hiên nhà là không gian linh hoạt đáp ứng rất nhiều chức năng khác nhau: chức năng che mưa, che nắng, chức năng chuyển tiếp nhiệt độ từ trong ra ngoài. Các khoảng mở giúp không gian bên trong công trình trở nên dễ “thở” hơn và thông thoáng hơn, tạo sự thoải mái cho người sử dụng.

Trong cuộc sống hiện đại cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản ở Việt Nam, người dân quan tâm về việc tối đa hóa diện tích sử dụng, sử dụng điều hòa nhân tạo và dần quên đi các yếu tố này .Tuy nhiên, các khu vực hiên và các khoảng mở, sân trong sẽ trở nên hữu dụng và quan trọng với con người ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở Việt Nam về lâu dài.

Với mỗi dự án ở Việt Nam, chúng tôi đều muốn áp dụng điều đó. Ở nhà ở trong đô thị, chúng tôi hướng đến các khoảng thông tầng. Ở nhà ở nông thôn và vùng biên đô thị, chúng tôi hướng đến việc sử dụng hiên và các khoảng sân trong, khoảng mở. Tùy theo quy mô, tính chất dự án, mà chúng tôi sẽ dùng một hay liên kết các yếu tố lại với nhau.

Trong việc tạo ra các công trình thân thiện với con người và môi trường, không biết có vật liệu nào được k59 atelier ưa chuộng? Và vật liệu với địa lý kiến trúc/con người có mối quan hệ mật thiết như thế nào? 

Chúng tôi không có một vật liệu ưa thích một cách cụ thể, vì bất kì một vật liệu nào cũng có điểm hay và điểm dở, điều chúng tôi quan tâm chính là vẻ nguyên bản của nó (gỗ không PU, sắt không sơn hay gạch không tô, bê tông không trát) và cố gắng tìm ra chất liệu thích hợp nhất cho mỗi dự án.

Ở mỗi vùng có một loại vật liệu phổ biến hoặc đặc trưng, có nhiều loại vật liệu rất thú vị nhưng vì lý do nào đó, nó không còn được sản xuất nữa. Liệu chúng ta có thể sử dụng lại và cải tiến nó hay không? Chúng tôi thích việc tái sử dụng những đồ vật hoặc vật liệu còn tốt, vì sao chúng ta phải bỏ nó đi, khi nó vẫn đóng góp một vai trò nào đó trong cuộc sống của con người?

Điều gì mà Nam và Linh kỵ nhất trong quá trình thực hiện một công trình kiến trúc?

Điều chúng tôi ái ngại nhất chính là việc khách hàng yêu cầu chúng tôi thiết kế nhà cho họ giống với những công trình chúng tôi đã làm. Với mỗi dự án sẽ có đối tượng sử dụng khác nhau cùng vị trí xây dựng có đặc điểm tự nhiên đặc trưng, việc áp dụng cùng một mô hình, cùng một kiểu kiến trúc là không  phù hợp và cứng nhắc. Chúng tôi bắt buộc phải từ chối nếu chủ đầu tư vẫn kiên quyết với quan điểm của họ.

Để tạo nên sự đối lưu không khí tốt ở một nhà ở chật hẹp chốn đô thị, k59 atelier có công trình nào đã thực hiện để ví dụ cụ thể cho vấn đề này? 

Với nhà ở chật hẹp, k59 atelier của chúng tôi là một ví dụ.  Xưởng k59 nằm trong một con hẻm với 4 xuyệt, khu đất nằm ken đặc giữa các ngôi nhà lân cận xung quanh. Chúng tôi cố gắng tạo ra nhiều khoảng hở ra bên ngoài cũng như nhiều khoảng rỗng bên trong để gió có thể đi xuyên qua công trình. Nhà ở đô thị với diện tích đất chật hẹp, chúng ta phải nâng tầng và lưu thông theo chiều đứng. Cầu thang cùng các khoảng thông tầng cũng giúp người với người có thể thấy nhau và gặp gỡ nhau nhiều hơn.

k59 home& atelier.

Trong quá trình thiết kế kiến trúc, studio có được ảnh hưởng bởi một triết lý/tôn giáo nào đó không?

Chúng ta là người Á Đông và chịu ảnh hưởng của truyền thống ông bà tổ tiên cùng đa dạng các hệ tôn giáo. Chúng tôi cũng quan tâm đến các không gian thờ phượng và gia đình nhiều thế hệ: điều đó giúp chúng ta rất khác biệt với phương Tây. Ông bà ở cùng con cháu, chăm sóc con cháu. Vì thế, không gian thờ phượng  và không gian ở của ông bà là không gian rất được quan tâm trong nhà ở Việt Nam

Việt Nam có một số phong cách kiến trúc đặc trưng như Indochine, kiến trúc vùng miền riêng như kiến trúc Nam Bộ, Bắc Bộ…. Tất cả được studio ứng dụng như thế nào? Theo anh chị, chúng ta phải ứng dụng kiến trúc hiện tại (trong góc nhìn di sản kiến trúc) ra sao để có thể học hỏi từ nền tảng kiến trúc mà cha ông để lại?

Con người trước – phong tục xưa hay những nét văn hóa truyền thống  của mỗi vùng miền là thứ chúng tôi yêu thích tìm hiểu. Tìm về cái xưa giúp chúng tôi hiểu hơn về sự phát triển của hiện tại, mỗi sự mất đi, sinh thêm hay thay thế đều có những lý do riêng của nó. Và chúng tôi luôn cố gắng suy nghĩ làm thế nào để trung hòa giữa hai yếu tố đó, làm thế nào vẫn giữ các nét văn hóa truyền thống mà vẫn thích nghi được với cuộc sống hiện đại.

Chúng ta phải quan sát, học tập những di sản của người xưa để lại, các công trình di sản có tuổi đời hàng trăm năm, trải qua đa dạng các thiên tai, khí hậu khắc nghiệt. Việc học hỏi từ nền tảng kiến trúc cha ông giúp chúng tôi ứng dụng rất nhiều trong các dự án của mình với một niềm tin tuyệt đối.

Vậy rốt cuộc, theo Nam và Linh, điều gì tạo nên linh hồn cho kiến trúc?

Theo chúng tôi nghĩ và quan sát những công trình sau một thời gian sử dụng, người sở hữu và chăm sóc công trình sẽ tạo nên linh hồn cho kiến trúc. Công trình cũng như con người, chúng cần sự quan tâm và vun vén.

Ảnh: NVCC


 
Back to top