Nghệ thuật / Nghệ sĩ

“Miền đất vàng Đông Dương”, tập sách tranh khắc gỗ của họa sĩ Emmanuel Defert

Feb 09, 2022 | By Art Republik

Một ấn phẩm tranh khắc gỗ của nghệ sĩ Emmanuel Defert, xuất bản năm 1925, ghi lại chặng đường rong ruổi suốt 20 năm của Defert tại Đông Dương, gây được tiếng vang lớn trong giới nghệ thuật Pháp thời bấy giờ.

“Chersonèse d’Or Indochine” (Miền đất vàng Đông Dương) là một ấn phẩm tranh khắc gỗ của nghệ sĩ Emmanuel Defert (1878 – 1972), xuất bản năm 1925. Đây là tập sách tranh ghi lại chặng đường rong ruổi suốt 20 năm của Defert tại Đông Dương, gây được tiếng vang lớn trong giới nghệ thuật Pháp thời bấy giờ. Ấn phẩm đặc biệt này đã được in ấn tại Hà Nội và ra mắt bạn đọc trong dịp Tết Nguyên Đán 2022.

Bìa ấn phẩm tranh khắc gỗ “Chersonèse d’Or Indochine” của Emmanuel Defert phiên bản tiếng Pháp, xuất bản tại Hà Nội năm 1925. (Ảnh Sơn Ca sưu tầm từ dữ liệu thư viện Jean Jaurès thành phố Nevers).

Emmanuel Defert là cộng tác viên quen thuộc của tạp chí “Les Pages Indochinoises” (tạp chí văn học và nghệ thuật Đông Dương và Viễn Đông), một tạp chí văn học nghệ thuật đặc sắc được sáng lập bởi René Crayssac năm 1912.

René Crayssac (1883 – 1940) là nhà báo, nhà văn và nhà thơ, có nhiều đóng góp tích cực cho nền báo chí thời kì thuộc địa. “Les Pages Indochinoises” ban đầu khi ra mắt có tiêu đề phụ là Tạp chí Văn học và Nghệ thuật. Sau thời gian bị gián đoạn bởi chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914 – 1918), tạp chí xuất hiện trở lại vào năm 1923 trong phiên bản mới với phụ đề Tạp chí văn học và nghệ thuật Đông Dương và Viễn Đông.

“Les Pages Indochinoises”, được in tại Hà Nội, xuất bản 65 số trong 6 năm, chuyên đăng tải những sáng tác thi ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, điểm tin văn chương và nghệ thuật. Cộng tác viên của tạp chí đa số là người Pháp, thi thoảng có sự tham gia của các tác giả Việt Nam nhưng không nhiều. Trên tạp chí xuất hiện thường xuyên một cái tên rất Việt Nam: Mặt Giăng. Tuy nhiên, đó lại là bút danh của René Crayssac, người đã góp một bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp vào năm 1926.

Mỗi ấn bản của tạp chí này thường kèm theo một phụ bản, đa số là tranh khắc gỗ, trong đó có các tác phẩm của Emmanuel Defert. Việc minh họa và thiết kế mỹ thuật cho tạp chí do các họa sĩ Nam Sơn, Alix de Fautereau (Alix Aymé), Jos-Henri Ponchin, Marcel Bernasose… đảm nhiệm. Tập sách tranh “Chersonèse d’Or Indochine” được xuất bản năm 1925 là các tác phẩm độc lập khỏi những bức tranh minh họa trong tạp chí “Les Pages Indochinoises”.

Bìa “Les Pages Indochinoises”, tạp chí văn học và nghệ thuật Đông Dương và Viễn Đông. (Ảnh Sơn Ca sưu tầm từ dữ liệu thư viện Jean Jaurès thành phố Nevers).

Họa sĩ Emmanuel Defert (1878 – 1972) (Ảnh Sơn Ca sưu tầm từ dữ liệu của thư viện Jean Jaurès thành phố Nevers).

Emmanuel Defert sinh tại tỉnh Nevers thuộc miền Trung nước Pháp. Ông cùng lúc vừa học luật vừa học mỹ thuật tại Paris. Thường xuyên lui tới xưởng của các thợ tranh khắc gỗ và khắc axit  bậc thầy, ông bắt đầu học nghệ thuật khắc gỗ. Về sau ông không ngừng học hỏi và theo học người thầy khắc gỗ vùng Berry tên là Bernard Naudin tại Học viện Colarossi ở phố Grande-Chaumière, Paris. Ông sang Đông Dương vào năm 1905 để làm viên chức.

Sau gần 20 năm gắn bó với Đông Dương, Emmanuel Defert đã trải qua nhiều vùng miền và nắm bắt được hồn cốt của xứ thuộc địa. Vào năm 1925, ông đã chọn tên “Chersonèse d’Or Indochine” cho cuốn sách tranh của mình. “Chersonèse d’Or” là tên mà nhà bác học Hy Lạp cổ đại Claudius Ptolemaeus đã dùng trong cuốn “Địa lý học” để chỉ một miền đất mấp mé giữa truyền thuyết và thực tế, chênh vênh giữa hiển lộ và hư ảo, đánh dấu biên giới giữa những vùng đất đã biết và những nơi chưa biết đến. Emmanuel Defert, một họa sĩ Pháp, đã tìm thấy miền đất vàng tưởng chỉ là truyền thuyết trong thư tịch cổ ấy trong chính mảnh đất Đông Dương.

“Miền đất vàng Đông Dương” của họa sĩ Emmanuel Defert phiên bản tiếng Việt, dịch giả Nguyễn Bình Phương, thư viện Nguyễn Văn Hưởng xuất bản tại Hà Nội năm 2022. Ảnh do dịch giả cung cấp.

“Miền đất vàng Đông Dương” của họa sĩ Emmanuel Defert phiên bản tiếng Việt, dịch giả Nguyễn Bình Phương, thư viện Nguyễn Văn Hưởng xuất bản tại Hà Nội năm 2022. Ảnh do dịch giả cung cấp.

Sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa, phong tục tập quán, đời sống tình cảm và tâm linh người bản địa đã giúp người nghệ sĩ này  khắc họa cô đọng những nét đặc trưng của xứ Đông Dương xinh đẹp và kì bí qua các tác phẩm tranh khắc gỗ của mình. Với sự quan sát tinh tế cùng kỹ thuật điêu luyện, ông đã cho ra đời những tác phẩm độc nhất vô nhị. Sự rung động mỹ cảm, vừa tinh tế vừa phong phú của người nghệ sĩ đặt vào trong những bức tranh ấy là kết quả của nhiều năm tích lũy bền bỉ trong công việc, của sự thâm nhập thực tế và những chia sẻ đồng cảm với người bản địa. Đề tài của những tác phẩm tranh khắc gỗ này trải dài trong nhiều lĩnh vực như: tín ngưỡng, văn hóa, đời sống, văn học, kiến trúc…

Đặc biệt, Emmanuel Defert đã chắt lọc văn thơ của các tác giả người Pháp có nhiều gắn bó với Đông Dương để làm đẹp thêm các bức tranh của mình. Bên cạnh đó, ông cũng trích dịch thơ trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Sự hòa quyện vẻ đẹp của hình ảnh và ngôn từ đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, vừa đăng đối vừa huyền ảo.

Tranh khắc gỗ của Emmanuel Defert trong “Miền đất vàng Đông Dương” phiên bản tiếng Pháp, xuất bản tại Hà Nội năm 1925. (Ảnh Sơn Ca sưu tầm từ dữ liệu của thư viện Jean Jaurès thành phố Nevers).

Tranh khắc gỗ của Emmanuel Defert trong “Miền đất vàng Đông Dương” phiên bản tiếng Pháp, xuất bản tại Hà Nội năm 1925. (Ảnh Sơn Ca sưu tầm từ dữ liệu của thư viện Jean Jaurès thành phố Nevers).

Khởi đầu tập tranh là hình ảnh làng quê đang chìm trong lặng yên sâu thẳm. Tiếp đó là ánh rạng đông bừng lên sức sống của một ngày mới. Rồi hình ảnh ngôi làng yên tĩnh, đền đài và phế tích tĩnh mịch, các vị Phật đang mỉm cười, các vị La Hán mỗi người một biểu cảm khác nhau, các nhà sư với trí huệ thượng thừa, một ngôi đền được bao quanh bởi hoa sen, hình ảnh các mái nhà nhấp nhô của phố cổ Hà Nội, các thợ thủ công trong 36 phố nghề đang làm ván khắc, những người thợ đang xây dựng tuyến đường sắt bắt sang Vân Nam (Trung Quốc), cảnh bến thuyền và ngư dân kéo lưới, những người chèo thuyền độc mộc, cậu bé trên lưng trâu đủng đỉnh, bà mẹ bế cậu ấm đầu lòng, những người gồng gánh bán buôn, những đồ vàng mã, những mặt nạ tuồng, các điệu múa nghi lễ, lối mòn trong rừng rậm…

Cuối tập tranh là hình ảnh một nấm mồ trong quang cảnh chiều tối. Tác phẩm như một ẩn dụ về sự khởi đầu và kết thúc của đời người với ánh rạng đông và khi chiều tắt nắng.

Tranh khắc gỗ của Emmanuel Defert trong “Miền đất vàng Đông Dương” phiên bản tiếng Pháp, xuất bản tại Hà Nội năm 1925. (Ảnh Sơn Ca sưu tầm từ dữ liệu của thư viện Jean Jaurès thành phố Nevers).

Nếu cuốn sách dừng lại ở hình ảnh nấm mồ thì thật buồn bã. May thay đó chỉ là tiếng thở dài khe khẽ, giây phút lắng đọng để chiêm nghiệm trước khi khép lại, bởi trang cuối cùng là hình ảnh chữ “Thọ” được khắc tinh xảo với màu sắc tươi tắn, thể hiện một ước mong vĩnh cửu. Chữ “Thọ” như một triện son đóng vào trang sách cuộc đời và chữ La Tinh đi kèm là biểu tượng đặc trưng Á Đông như một nét ý nhị mà tác giả muốn gửi gắm. Đó là sự giao thoa văn hóa giữa các nền văn minh xa lạ. Đó còn là ước mong cho sự hòa hợp giữa các dân tộc được đơm hoa kết trái, ước mong cho những di tích cổ xưa mãi trường tồn và những điều tốt đẹp sẽ hồi sinh.

Cuốn sách “Miền đất vàng Đông Dương” cũng là minh chứng cho sự hợp tác giữa nghệ sĩ Pháp và thợ thủ công An Nam, giữa sự chính xác và cảm hứng nghệ sĩ với sự khéo tay và lành nghề của người thợ. Bên cạnh đó, sự ra đời của ấn phẩm mỹ thuật sang trọng và tinh tế này còn là dấu ấn về sự tiến bộ ngạc nhiên trong ngành in ấn Đông Dương. Người nghệ sĩ bậc thầy về tranh khắc gỗ đã tìm tòi và sử dụng phần chính là các nguyên liệu bản địa, trao cho các thợ thủ công bản xứ cùng làm và trân trọng ghi tên họ trong cuốn sách. Ông Lê Văn Phúc, một chủ nhà in tại Hà Nội đã đảm nhiệm việc in ấn.

Tạp chí Viễn Á dùng tranh của Emmanuel Defert trong tập sách “Miền đất vàng Đông Dương” để minh họa trang bìa. (Ảnh Sơn Ca sưu tầm từ dữ liệu của thư viện Jean Jaurès thành phố Nevers).

“Miền đất vàng Đông Dương” của họa sĩ Emmanuel Defert qua báo chí Pháp đương thời. Ảnh do dịch giả cung cấp.

Ấn phẩm “Miền đất vàng Đông Dương” ra mắt 200 bản trong lần xuất bản đầu tiên, được giới mỹ thuật nói riêng và công chúng nói chung đón nhận. Báo “Les Annales Coloniales” ra ngày 21/5/1926 đã nhận xét: “Những bức tranh khắc gỗ này thể hiện sự khéo léo hiếm có và tài nghệ tột đỉnh trong nghệ thuật khắc gỗ”.

Trân trọng một tác phẩm để lại nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, thư viện Nguyễn Văn Hưởng đã tổ chức dịch thuật, khảo cứu và phục dựng lại ấn phẩm mỹ thuật này. “Miền đất vàng Đông Dương” gần 100 năm trước được xuất bản tại Hà Nội trong phiên bản tiếng Pháp, nay đã đến tay bạn đọc trong phiên bản tiếng Việt, do dịch giả Nguyễn Bình Phương chuyển ngữ và khảo cứu. Mong rằng những rung cảm mỹ thuật sẽ làm dịu đi những nỗi muộn phiền và mang lại nhiều năng lượng tích cực trong cuộc sống.

 

Bài: Hạ Thị Toàn


 
Back to top