Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Nhà điêu khắc Thái Nhật Minh: Khám phá tính tương thuộc giữa không-thời gian và sự cân bằng

Oct 01, 2020 | By Trang Ps

Luôn là một cảm nhận thú vị và “dễ thương” trước tiên khi ngắm nhìn hình dáng tác phẩm điêu khắc của anh Thái Nhật Minh, và đó cũng là lối vào độc đáo cho những ý niệm sâu sắc ẩn chứa bên trong. Tinh giản hình thể chưa đủ, sáng tạo của anh là một khối ẩn dụ mang tính tương thuộc giữa không – thời gian và sự cân bằng.

Điêu khắc Thái Nhật Minh nhìn bề ngoài mang vẻ tinh giản nhưng tinh thần hiện tại lại là một khối nội tâm lúc bí ẩn, phức tạp lúc khúc chiết, rõ ràng. Quá trình hình thành phong cách này đã đi qua những dấu ấn quan trọng nào, thưa anh?

Tôi yêu thích điêu khắc từ nhỏ. Hồi bé, chủ đề khám phá của tôi là câu chuyện thần thoại và các vị anh hùng, niềm đam mê đó đưa tôi đến với khoa điêu khắc – Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào năm 2004.

Tôi bắt đầu các sáng tác điêu khắc đầu tiên của mình ở đây với chủ đề đa dạng nhưng tập trung hơn cả vẫn là con người và thiên nhiên. Giai đoạn này, tôi tìm kiếm các hình thức biểu đạt nhiều hơn nhưng đã chọn lựa cho mình sự giản lược về hình thể.

Chỉ đến bộ sưu tập “Những con chim” (2011-2013), tôi mới chú ý đến tinh thần bên trong mỗi tác phẩm. Và cũng phải nhấn mạnh rằng, khi bắt đầu điêu khắc mỗi con chim, tôi không chú ý nhiều đến hình thể của nó mà chính là tâm trạng của tôi được chuyển thành khối – một khối tâm trạng. Hình thể con chim chỉ là hình thể vay mượn để bày tỏ một tâm trạng buồn trong một không gian giới hạn khi nghĩ về những khoảng không gian rộng lớn.

Nếu như “Những con chim” mang tính tự sự với câu chuyện cá nhân thì “Chinh Phu – Chinh Phụ” (2014-2016) thấm đẫm suy tư về một dân tộc đã trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh tự vệ, cùng đó là những câu chuyện về li biệt, mất mát, đau thương và nỗi xót xa cho thân phận con người. Câu chuyện không chỉ mang tính thời điểm mà có sự trải dài theo thời gian từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, rồi không gian là câu chuyện của một con người, gia đình, dân tộc đến thân phận chung của mỗi người lính khi họ bị đặt lên những ngọn lao, mũi tên, hòn đạn…

“Chinh Phu – Chinh Phụ” (2014-2016)

Bên cạnh đó, tác phẩm “Những con mèo” 2013 và “Những cánh chim” 2014 trong dự án Điêu khắc New Form cho tôi những khám phá quan trọng về không gian. Đối với “Những con mèo” , tôi dùng điêu khắc để kết nối các không gian của trần – tường – sàn trong nội thất và với “Những cánh chim”, tôi dùng những cánh cửa sổ trong không gian của Manzi – Hà Nội để đặt các điêu khắc có tính phản chiếu nhằm kết nối không gian bên trong và bên ngoài, giữa không gian thực và ảo, giữa sự giới hạn và vô hạn của không gian.

Hiện tại có lẽ là một bước ngoặt nữa khi tôi tiếp tục khám phá những giới hạn của tự do và những khoảng không gian trong tâm tưởng thông qua những tác phẩm có đôi cánh nặng trữu ưu tư.

Vậy thì, tóm gọn trong 3 danh/tính từ nào thì có thể làm bật lên được phong cách điêu khắc của anh?

Đầu tiên là không gian: Tôi khám phá các chiều kích không gian giữa thực tại và trong suy nghĩ. Chúng luôn luôn là đối tượng mà tôi muốn biểu đạt thông qua các tác phẩm của mình.

Thứ hai là thời gian: Tôi muốn những tác phẩm của mình không chỉ biểu đạt cái thực tại, mà còn gợi lên ký ức quá khứ, lịch sử và bề dày văn hóa. Do đó, tính thời gian để lại trên bề mặt tác phẩm luôn được tôi chú tâm.

Cuối cùng là cân bằng: Phần lớn tác phẩm của tôi có bố cục đăng đối và cân bằng, nhằm mang tới trạng thái tĩnh và lắng đọng nhất cho người xem.

Một mình, 2015.

Tôi thường chú trọng đến các ý chính, vì thế, những chi tiết rườm rà thường được lược bỏ. Hơn nữa, cảm xúc luôn được đề cao và tinh thần từ đó toát ra từ bên trong tác phẩm. Với tôi, hình thể càng đơn giản, tính khái quát của tác phẩm càng cao.

Duy mỹ và triết lý ẩn, anh ưu tiên lựa chọn như thế nào?

Đương nhiên với tôi, duy mỹ là một tiêu chí không kém phần quan trọng. Nhưng, tôi luôn hướng đến việc đằng sau mỗi tác phẩm điêu khắc là một câu chuyện. Quá trình làm việc của tôi là quá trình sâu chuỗi, khám phá, tìm hiểu, bổ sung, lược bỏ, chất vấn…để câu chuyện đó lớn lên và có thể kết thúc. Quá trình xây dựng tác phẩm này song hành với sự hoàn thiện của ý tưởng.

Tôi thiết nghĩ việc khám phá ra ngôn ngữ và hình thể tương xứng nhất với cảm xúc và ý tưởng mình muốn thể hiện mới là điều quan trọng nhất.

Ngoảnh lại, nhôm đúc trên đá.

Với anh, chất liệu sử dụng trong điêu khắc có đóng vai trò phần “hồn” cho tác phẩm?

Thoạt đầu, mỗi lúc tôi lại thử nghiệm và sử dụng một chất liệu khác nhau, rất tùy hứng, tôi gần như không nhận thấy tính quan trọng của chất liệu.

Sau đó là quá trình tôi bắt đầu làm việc dài hơi hơn với từng chất liệu, bắt đầu bằng nhôm đúc rồi gỗ, giấy, đá , sắt, gốm đến đồng,… Mỗi chất liệu đi cùng tôi một khoảng thời gian vài ba năm để làm việc, khám phá và kiếm tìm các khả năng biểu đạt. Từ đó, tôi phát hiện mỗi chất liệu đều sở hữu ngôn ngữ và tiếng nói riêng. Sự hiểu biết sâu về từng chất liệu cho ta nhiều lựa chọn trong việc biểu đạt các ý tưởng sáng tác sao cho rõ ràng và hiệu quả nhất.

Sự đổi mới và thay đổi chất liệu trong quá trình sáng tác cũng là cách để tôi thay đổi thói quen, nhận thức và tạo cảm hứng mới. Hiện tại, với tôi, mọi vật chất đều có thể trở thành chất liệu của điêu khắc, vấn đề ở chỗ mình đối xử với chúng như thế nào và đã thực sự hiểu chúng hay chưa.

Vẫy vùng.

 

Một hình khối ám ảnh anh trong nhiều năm?

Hình cầu là hình thể ám ảnh tôi trong nhiều năm, bắt đầu từ một bức ảnh về những người tù đập đá ở Côn Đảo ở một bảo tàng lịch sử. Đôi chân của họ phải lê một sợi xích với hai “quả cầu” sắt rất lớn (mục đích để họ không thể chạy mà chỉ có thể di chuyển đầy khó nhọc). Hình ảnh này khiến tôi nhiều suy nghĩ nhiều về sự tự do. Những tác phẩm con chim đầu tiên của tôi cũng sử dụng nhiều hình thể này và những hình thể gần với hình cầu có tính biểu thị về trọng lực cũng được tôi sử dụng.

Hiện tại cũng vậy, đối với tôi, hình cầu ôm ấp nhiều ý niệm về sự tự do.

Là một con người có nhiều suy tư như vậy, hẳn là cảm hứng sáng tác của Thái Nhật Minh phải dồi dào và thú vị lắm!

Đối với tôi, cảm hứng có thể đến từ bất cứ đâu, có chủ ý hoặc hoàn toàn ngẫu nhiên, nhiều hơn cả vẫn là: ký ức tuổi thơ, thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, những điều đọc được, trông thấy và đang xẩy ra… chúng được kết nối lại với nhau thông qua những hồi tưởng ký ức và tưởng tượng tương lai.

Nhưng khi hình thành một ý tưởng thì cảm hứng chỉ là chất xúc tác còn nhận thức mới là điều quan trọng nhất. Tôi luôn phải tìm rất nhiều tài liệu xung quanh một vấn đề cần suy nghĩ, để xây dựng ý tưởng thông suốt, đầy đủ và hoàn thiện.

Tìm trong ký ức, 2016.

Hẳn là khi hoàn thiện một tác phẩm, anh phải thật hạnh phúc?

Điều tâm đắc nhất khi hoàn thành một tác phẩm là không còn băn khoăn gì nữa.

Tuy nhiên, trong khi thực hiên thì muôn vàn cảm xúc xảy đến: có thể ý tưởng này hay đấy, rất thích, triển khai gấp thôi, nóng ruột lắm rồi, rất hào hứng, lên hình xong, sao không như mình nghĩ, chán nản!

Hoặc đôi khi, lên ý tưởng xong, bản thân thấy ổn rồi, xúc động lắm, nhưng qua hôm sau xem lại, thấy không thích nữa, tự nhủ phải sửa, sửa đi sửa lại vẫn thấy chưa ổn, tôi bỏ đi và có khi một năm sau quay lại mới biết cần phải thay đổi những gì.

Cũng có những tác phẩm phác thảo không mấy ấn tượng nhưng khi lên thực tế lại rất ổn và đến khi hoàn thiện càng ổn hơn. Thực tế thì các tác phẩm và ý tưởng dở dang luôn tràn ngập trong xưởng của một nhà điêu khắc như tôi.

Cám ơn anh vì những chia sẻ thật sâu sắc và thú vị nhé!


 
Back to top