Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Richard Streitmatter-Tran: Người nghệ sĩ cần biết kể chuyện

Jul 14, 2019 | By Trang Ps

Richard Streitmatter-Tran, nhà sáng lập Địa project, nơi là cầu nối giữa các nghệ sĩ quốc tế trong khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam. Anh hiện đồng thời cũng có tác phẩm tham gia nhiều cuộc triển lãm tại thị trường quốc tế như Đức, Ấn Độ, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… 

Richard bên tác phẩm The Orang’s Last Stand.

Nằm ở khu biệt thự Nam Phú, Quận 7, Địa project có hơn những thứ mà bạn tưởng tượng về studio của một người nghệ sĩ: những bức tranh treo tường, các bàn làm việc, các tác phẩm điêu khắc, khoảng  5, 6 cây đàn ghita, dụng cụ vẽ và sơn ở khắp mọi nơi…

Không gian nghệ thuật đặc biệt chứa tất cả những gì mà người nghệ sĩ cần trong một ngày để vừa nghiên cứu, làm việc, giải trí, gặp gỡ này… được sáng lập bởi Richard Streitmatter-Tran, một người Mỹ gốc Việt. Ở năm thứ 5 mở cửa, Địa là một trong những studio làm tốt vai trò kết nối thế giới sáng tạo của các nghệ sĩ Á đông và thế giới tại Việt Nam.

Địa project studio của nghệ sĩ Richard Streitmatter-Tran.

Anh đã gắn bó với nghệ thuật khoảng 17 năm, cơ duyên nào đã đưa anh đến lĩnh vực này?

Nếu phải giải thích, đấy là một câu chuyện dài. Vì tôi không cho rằng mình sinh ra để trở thành một nghệ sĩ.

Tôi sinh năm 1972 ở Biên Hòa và được một gia đình người Mỹ nhận nuôi hồi mới 8 tháng tuổi. Gia đình nhận nuôi tôi thuộc tầng lớp lao động bình dân ở Mỹ, nên đến năm 17 tuổi, tôi bắt buộc phải lựa chọn vào quân đội và phải cố gắng dành dụm tiền để 3 năm sau, tôi có thể trang trải việc học của mình.

Richard bên tác phẩm A Material History of Man and Animal.

Sau khi tham gia trường dạy nghề, tôi được chuyển thẳng lên University of California, Berkeley. Gia đình không đặt gánh nặng hay áp lực gì lên sự nghiệp của tôi, và tôi chọn lựa mọi thứ gần như theo bản năng. Ở thời điểm đó, tôi vẫn chưa biết mình muốn gì, nhưng lòng tôi thì mong sự nghiệp sau này của bản thân sẽ tạo được ảnh hưởng đối với cộng đồng. Vì thế tôi đã chọn ngành Human rights law (luật nhân quyền), và chuẩn bị để trở thành luật sư thực thụ.

Những thanh niên Mỹ ở độ tuổi 20 thường trải qua những giai đoạn khó khăn về mặt tâm lý và mối quan hệ, tôi cũng vậy. Tôi đã quyết định bỏ học luật và đi tìm một phương án khác, tôi muốn học cái gì đó liên quan đến nghệ thuật. Tôi trở thành sinh viên trường Massachusetts College of Art and Design cũng theo bản năng chứ không vì ai hối thúc.

Triển lãm The Reconstruction tại Bangkok University Gallery, tháng 04/2018.

Còn về tấm bằng web designer?

Vào giai đoạn internet bắt đầu bùng nổ tôi đã học để trở thành một web designer. Có thời điểm, tôi nghĩ rằng: “Ồ, tôi có thể kiếm rất nhiều tiền từ web designer vì nó sẽ trở thành công việc của tương lai”. Tốt nghiệp, tôi có hai bằng về nghệ thuật và design.

Tuy nhiên, tôi yêu thích thiết kế nhưng thực sự, tôi chưa bao giờ là người thiết kế giỏi. Tôi ghét làm việc ở môi trường agency. Tôi quan sát thấy bạn bè mình ở đó, ngồi dán mắt vào chiếc máy vi tính hàng chục giờ mỗi tuần và in ra hàng trăm đống giấy tờ để rồi cuối cùng vứt đi. Tôi rất muốn làm nghệ thuật, dù người ta bảo rằng: “Anh sẽ không kiếm được nhiều tiền từ đó đâu”. Nhưng đến thời điểm này thì tôi đã biết mình cần làm gì nên khó bị mâu thuẫn như trước (cười).

Điều gì khiến anh quyết định quay về quê hương?

Tốt nghiệp đại học, tôi cũng ở độ tuổi 28, 29. Nhà trường có tổ chức chuyến đi đến các quốc gia khác để học hỏi về nghệ thuật, và tôi đã chọn Việt Nam vào năm 2000. Thực sự lạ nhưng lần quay về ấy, tôi cảm nhận rằng mình có thể sống ở đây với tất cả những nguồn năng lượng mà mình có. Bạn biết đó, chúng ta đi qua nhiều vùng đất khác nhau nhưng không có mấy nơi bạn có thể thốt lên rằng “ồ, tôi có thể sống ở đây!” như vậy.

Chúng ta đi qua nhiều vùng đất khác nhau nhưng không có mấy nơi bạn có thể thốt lên rằng “ồ, tôi có thể sống ở đây!” như vậy.

Tôi đã sống ở Việt Nam khoảng 6 tháng để chuẩn bị cho việc quay trở lại lần tiếp theo vào năm 2003, khi tôi quyết định dành thời gian tại đây và phát triển sự nghiệp của mình như một nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Tác phẩm “Cổng địa ngục”.

Xây dựng sự nghiệp tại Việt Nam, anh đã gặp những khó khăn gì và xoay xở nó như thế nào?

Thực sự rất khó khăn (cười). Nhưng tôi biết điều quan trọng đối với một người, cụ thể là nghệ sĩ, khi sống ở một vùng đất mới là họ tìm thấy bộ lạc của mình, hoặc họ phải là người kết nối những người khác để tạo thành một bộ lạc đoàn kết và có tính hợp tác. Rất may, nhờ suy nghĩ này mà tôi đã thành công và tìm kiếm được rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực mà mình theo đuổi.

Tôi nghĩ điều mình đã thực sự làm đúng khi quyết định sống ở Việt Nam là đi tìm những mối quan hệ từ những ngày đầu tiên. Hầu hết những mối quan hệ tôi có được, đều ở Đông Nam Á vì đây là khu vực tôi hoạt động. Tôi kết giao với các nghệ sĩ sống tại Sài gòn, thành lập nhóm nghệ sĩ và đi tìm kiếm những cơ hội khác tại Thái Lan, Singapore để gặp gỡ những người nghệ sĩ khác. Những thành viên đầu tiên trong nhóm là Ly Hoàng Ly, Bùi Công Khánh, Ngô Thái Uyên, Nguyễn Phạm Trung Hậu…

Triển lãm Jakarta Contemporary Ceramics Biennale vào 12/2016.

Ở thời điểm đó, rất nhiều cơ hội về contemporary art (nghệ thuật đương đại), hoặc triển lãm hội họa và sắp đặt của nghệ sĩ nước ngoài tại Hà Nội, nhưng Sài Gòn có vẻ đến sau hơn. Tại Saigon, tôi có một số người bạn là nghệ sĩ Việt Kiều, nổi bật trong số đó là Dinh Q. Lê. Cùng nhau, chúng tôi tạo ra những buổi triển lãm nghệ thuật trong thời kì đó.

Việc mở rộng mối quan hệ dựa trên tinh thần “chia sẻ để được chia sẻ”, tôi giới thiệu nghệ sĩ này với kiến trúc sư kia, và cứ thế, các mối quan hệ hoạt động dựa trên tính cộng sinh. Điều này một phần sinh ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng là lúc tôi học hỏi và chắt lọc được vô vàn kiến thức quý giá.

Một cuộc đối thoại khiến anh không ngừng tự vấn chính mình và từ đó đưa ra quyết định mang tính thay đổi lớn?

Khi còn là sinh viên trường mỹ thuật, tôi đã từng có một cuộc trò chuyện ngắn với vị giáo sư mà tôi rất ngưỡng mộ. Những bài giảng của ông thật sự thách thức và yêu cầu tôi phải nỗ lực hết mình. Sau khi học kỳ kết thúc, tôi tình nguyện tham gia nhóm nghiên cứu của ông, tập trung vào nghệ thuật máy tính (computer based art). Vào cuối hè, ông ấy mời tôi đến văn phòng của mình và như bao sinh viên trẻ tuổi khác, tôi mong đợi ở vị giáo sư đó những lời khen ngợi, cho bao nỗ lực mà tôi đã bỏ ra trong những tháng qua. Nhưng ngược lại, ông ấy chia sẻ những lời khuyên và phê bình.

Ông ấy bảo tôi là một sinh viên chăm chỉ nhưng có lẽ, lĩnh vực này không dành cho tôi. Thật sự, khi nghe những lời nói đó, tôi đau lòng và bối rối. Nó buộc tôi phải nhìn sâu vào năng khiếu và xem xét lại toàn bộ kế hoạch của cuộc đời mình. Cuối cùng, lời khuyên ấy đã khiến tôi rời xa lĩnh vực máy tính, để tôi có cơ hội nhìn vào chính mình. May mắn thay, chính “hành trình giác ngộ” đó đã giúp tôi phát hiện năng khiếu của bản thân là nghệ thuật trình diễn (performance art).

Đôi khi, cuộc sống ném vào ta những va chạm, thử thách, buộc ta phải nhìn vào sâu chính tâm hồn mình, để nhận ra mình là ai, và phản ứng với những dữ kiện đó nhằm mục đích đưa ra quyết định đúng đắn.

Triển lãm Material Turn tại Hàn Quốc vào tháng 06/2013.

Tác phẩm trình diễn cuối cùng của tôi đã được thực hiện tại Bangkok vào năm 2008 trong khi giờ đây, tôi tập tủng vào nghệ thuật dựa trên chất liệu (chế tác đồ vật). Chúng ta luôn thay đổi và phát triển, dù bạn có muốn hay không, điều đó không bao giờ có thể tránh khỏi. Cuộc trò chuyện chân thành và cởi mở với người khác và chính mình thực sự la nguồn động lực quan trọng cho sự lột xác của tôi.

Điêu khắc Lao Tzu Dreams of the Large Hadron Collider (LHC).

Xuyên suốt quá trình sáng tạo, anh có hình thành triết lý hay trường phái nghệ thuật cụ thể nào?

Xuyên suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật, tôi không hình thành một triết lý cụ thể nào, một bản tuyên ngôn nào hay thậm chí là trường phái tư tưởng. Chúng luôn thay đổi theo thời gian và dựa trên nguồn cảm hứng của tôi. Những gì xảy ra trong quá khứ góp phần gọt giũa hiện tại và làm nền móng cho “cuộc bay” trong tương lai. Có thể nói rằng, bao hàm những trải nghiệm đó, đã đi sâu vào bối cảnh của tác phẩm.

Khi còn là sinh viên và những ngày đầu trong sự nghiệp sáng tạo, tôi luôn tin rằng tất cả nghệ thuật nhất thiết phải tập trung vào chính trị, xã hội, và đó là kết quả của việc tập trung vào tổ chức/giảng viên mà tôi đã từng học. Tôi tin rằng nghệ sĩ và tác phẩm của họ phải lên tiếng về các vấn đề hiện tại mà thế giới phải đối mặt, và những thực hành của tôi thì thường có mức độ ảnh hưởng ít đến cá nhân mình. Tôi có thể sáng tác nghệ thuật nói về chiến tranh hoặc biến đổi khí hậu, với tư cách là một người ủng hộ những tình huống nhất định, nhưng hiếm khi đặt câu hỏi bằng cách nào những điều này ảnh hưởng đến tôi theo hướng cá nhân và trực tiếp.

Triển lãm Departures tại Hồng Kông diễn ra vào 05/2017.

Theo thời gian, tôi bắt đầu tránh xa phương pháp này và bắt đầu tập trung vào các kỹ năng riêng cho mình. Tôi là một trong những nghệ sĩ tốt nghiệp trường nghệ thuật mà không thể vẽ hay điêu khắc. Khoảng 12 năm trước, khi đã là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, tôi trở lại những kiến thức cơ bản và bắt đầu tự học vẽ. Cách tiếp cân này mở rộng biên giới khả năng của tôi, và giúp tôi hoàn thành tác phẩm bằng đôi tay của chính mình.

Và trong những lúc cần sự trợ giúp, tôi sẽ sử dụng nó như cơ hội để quan sát, có được kỹ năng mới cho bản thân trong tương lai. Rõ ràng, điều này sẽ làm chậm quá trình luyện tập của tôi nhưng việc học sâu và chậm cũng tạo ra cảm giác vô cùng thỏa mãn. Tôi học từ việc thực hành. Sự nghiệp của tôi bắt đầu với ý niệm trước tiên, sau đó tìm kiếm hình dạng (form), và ngày nay, tôi thường làm việc với chất liệu sau đó gán ghép chúng với những ý niệm.

Đối với tôi, để thành công trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại, bạn cần hiểu nghệ thuật đương đại là sự tổng hòa của những ý tưởng mới.

Chế tác các tác phẩm nghệ thuật bằng tay là niềm yêu thích của anh.

Một triển lãm mang tính bước ngoặt đối với anh?

Đây thực sự là một câu hỏi khó!

Xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của mình, tôi trải qua rất nhiều triển lãm. Tôi cũng hạnh phúc và thất vọng, vì lý do này hay lý do khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ  “Material Turn” ở Art Space Hue, Hàn Quốc vào năm 2013 là một triển lãm quan trọng. Nó không trưng bày những tác phẩm tốt nhất mà tôi từng chế tạo, nhưng sự kiện đó đóng vai trò mấu chốt từ nghệ thuật phi vật liệu đến vật liệu trong quá trình sáng tạo của tôi.

Trong triển lãm này, tôi đã chuyển từ trình diễn và thực hành dựa trên nền tảng xã hội sang sở thích chế tạo đồ vật, do đó tập trung chủ yếu vào vật liệu và kỹ thuật. Tôi cũng quan tâm đến khoa học và nghệ thuật cũng như mối quan hệ giữa chúng. Ngay từ đầu của hướng đi này, các kỹ năng của tôi rất nghiệp dư, nhưng nó giống như một bước nhảy vọt của niềm tin, hay như việc bỏ qua mọi bốc đồng công việc hiện tại để can đảm theo đuổi ước mơ của mình.

Tôi nghĩ vào cuối ngày, một khán giả hoặc du khách nào đó ghé xem tác phẩm nghệ thuật của tôi và đưa ra ý kiến riêng của họ. Nếu tác phẩm ấy khiến họ đăm chiêu hoặc truyền cảm hứng  cho niềm tin hay quá trình suy nghĩ của riêng họ, có thể nói rằng công việc của tôi có ảnh hưởng, hy vọng theo hướng tích cực. Hoặc nhìn theo góc độ khác, tôi sẽ nỗ lực hết mình vào một tác phẩm và để các nghệ sĩ khác thấy được cam kết cống hiến của tôi, từ đó khuyến khích họ tiếp tục vượt qua khó khăn và rất có thể, vào một ngày lặng lẽ nào đó, họ cũng thay đổi và phát triển lên từ những cuộc đấu tranh cá nhân.

Đôi khi, tác phẩm của tôi chỉ là một phần của triển lãm nhóm, và như một người nghệ sĩ, tôi phát triển khái niệm giám tuyển như triển lãm cá nhân của mình. Cách tôi nghĩ về vai trò của bản thân trong mỗi kịch bản là khác nhau. Khi tác phẩm của tôi là một phần của khái niệm giám tuyển, tôi cố gắng xem tác phẩm của mình đóng góp cho ý tưởng đó như thế nào nhưng ít kiểm soát hơn về nhận thức của triển lãm nói chung. Tuy nhiên, khi phát triển khung khái niệm, tôi phải đảm bảo nó mạch lạc, nếu không, các tác phẩm nghệ thuật và mối quan hệ của chúng với triển lãm ấy sẽ trở nên khó hiểu.

Một chất liệu ám ảnh với anh?

Một chất liệu mà tôi không bao giờ thấy chán là đất sét nước. Tôi thích các tác phẩm điêu khắc bằng đất sét, thông thường trộn với các chất liệu khác. Là một nhà điêu khắc, tôi tập trung vào hình mẫu và định dạng hình thức. Tôi không thường nung các tác phẩm đất sét như một nghệ nhân gốm. Trong suốt sự nghiệp sáng tạo của mình, tôi cũng đã tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc từ vật liệu phi truyền thống như ngôi chùa Phật giáo làm từ 6 tấn đường đến các hộp sọ kích thước thạt từ bánh tráng.

Nghệ thuật không có biên giới. Phải chăng đó là lý do vì sao anh thường tổ chức triển lãm quốc tế? Anh có thể chia sẻ những hợp tác hiện tại để củng cố tài năng và con đường sáng tạo của mình?

Điều đó hoàn toàn đúng rằng hầu hết các tác phẩm của tôi đều được triển lãm quốc tế, nhưng điều đó cũng phản ánh một điều rằng chúng ta chỉ có một số lượng không gian triển lãm và phòng trưng bày đương đại tương đối nhỏ so với các quốc gia khác. Và tất nhiên, nghệ sĩ nào cũng mong muốn có cơ hội thể hiện tác phẩm của mình với càng nhiều khán giả càng tốt. Trong vài năm qua, tôi có cơ hội làm việc với Vin Gallery tại Sài Gòn và đây là một trải nghiệm thật sự tuyệt vời.

Phần lớn các triển lãm của tôi đều được các tổ chức hỗ trợ, tuy nhiên kinh nghiệm phòng trưng bày của tôi vẫn còn nhiều hạn chế. Vào năm 2017, tôi có triển lãm đầu tiên với de Sarthe Gallery tại Hồng Kông, và đây cũng là phòng trưng bày quốc tế đầu tiên đại diện cho tôi, sau 15 năm hoạt động chuyên nghiệp mà không có phòng trưng bày. Sau đó, tôi bắt đầu làm việc với Shyevin Sng. Sau vài cuộc trò chuyện thân mật, cô ấy đã giới thiệu tác phẩm của tôi với nhiều nhà sưu tập khác nhau. Ngoài ra, tôi cũng điều hành Dia Projects từ năm 2010 và hỗ trợ các nghệ sĩ Việt Nam trong thời gian dài.

Chúng tôi hy vọng sẽ phát triển môi trường sáng tạo cho tập thể nghệ sĩ Việt. Trong lĩnh vực này, thật quan trọng để học hỏi lẫn nhau và đó cũng là bản chất nghệ thuật nội tại.

Theo anh, điều gì làm nên một người nghệ sĩ?

Nói một cách đơn giản, có cái đầu tò mò và khát khao thể hiện nó.

 

Bài: TRANG PS
  • Nghệ sĩ Richard Streitmatter-Tran sở hữu nhiều triển lãm nghệ thuật khác nhau (solo hoặc theo nhóm) tại Việt Nam, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức… Anh từng là cố vấn cho chương trình Para/Site Curatorial tại Hồng Kông và the San Art Artist Residency tại Tp. Hồ Chí Minh. Từ năm 2006 đến năm 2015, anh là giảng viên cấp cao tại Đại học RMIT và là nghệ sĩ cư trú tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại NTC (CCA) tại Singapore năm 2017. 


 
Back to top