Triết lý “Khoảng trống” trong thực hành điêu khắc của bậc thầy Anish Kapoor
Thực hành điêu khắc của nghệ sĩ nổi tiếng Anish Kapoor thu hút những ai cởi mở với khuynh hướng tiếp cận siêu hình, nắm bắt và tưởng tượng những thực tại có thể xảy ra bên ngoài những giác quan.
Vào năm 2017, Anish Kapoor mang đến Descension – một cuộc sắp đặt xoáy sâu vào nhận thức và giác quan người xem cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một hồ nước đen cho ảo giác vô tận với xoáy mạnh như trong cơn bão tố kinh hoàng. Công trình lắp đặt có đường kính 26 foot (khoảng 8 mét), thể hiện mối quan tâm mạnh mẽ của nghệ sĩ đối với thế giới vật chất.
Xoáy nước được xử lý bằng thuốc nhuộm màu đen có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, tạo ra một lỗ hổng ngỡ tưởng vô tận, nơi mà du khách được mời xem xét một cách cẩn trọng. Tại đây, Anish muốn nói đến việc giác quan của con người có giới hạn và chúng có thể đánh lừa chúng ta. Theo cách này, nghệ sĩ quan tâm đến những gì loài người không biết hơn những gì họ biết, cũng như hiểu sự giới hạn của nhận thức con người.
Triết lý “Khoảng trống” trong thực hành điêu khắc của bậc thầy Anish Kapoor
Là một nhà điêu khắc người Anh, sinh ra ở BomBay (Ấn Độ), Kapoor đã sống và làm việc tại thủ đô London từ những năm 1970. Ông học tại Cao đẳng Nghệ thuật Hornsey, tiếp đó là Trường Nghệ thuật và Thiết kế Chelsea. Là nghệ sĩ điêu khắc ảnh hưởng bậc nhất trong thế hệ của mình, ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm điêu khắc công cộng, cả về quy mô hình thức lẫn nội dung, với nguồn cảm hứng cộng hưởng bởi thế giới cổ đại từ Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã đến thời hiện tại.
Với Kapoor, quy mô là một công cụ. Quy mô không chỉ riêng vấn đề kích thước mà là nội dung, tức không phải mức độ lớn của một tác phẩm mà là ý nghĩa của nó.
Chẳng hạn như tác phẩm điêu khắc mang tên Cloud Gate ở Công viên Millennium, Chicago, cao 10 mét tham vọng, một cuộc chơi ánh sáng hòa trộn tất cả các phản chiếu của thành phố Chicago cả ngày lẫn đêm. Ở tác phẩm này, ông xem xét hai khái niệm gương và thấu kính, cho phép con người nhìn ở các quy mô khác nhau, từ lớn đến nhỏ. Tác phẩm điêu khắc ở trong một cuộc đối thoại với các tòa nhà, xuất hiện gần ngay người xem, thay đổi nhận thức của họ về thế giới. Đường chân trời giờ đây có thể ngay trước mắt họ, những tòa nhà sau đại lộ Michigan hiển hiện trong tác phẩm điêu khắc hoành tráng.
Suy cho cùng, Cloud Gate là một tấm gương khổng lồ, hình dạng cong của nó cung cấp những góc nhìn khác nhau, phản ánh cách Kapoor xây dựng hình ảnh Chicago riêng của ông, từ đó khuyến khích cách nhìn và tưởng tượng tự do của con người về đối tượng.
Ở tác phẩm này và nhiều tác phẩm khác của Kapoor, trải nghiệm thị giác tựa như tấm gương phản chiếu triết lý Yin và Yang ( Âm – dương), trong đó hình khối vững chắc toát lên tính nam trong khi ánh sáng bắt được từ bên trong gợi tính nữ.
Khi trở về Ấn vào năm 1979, nơi nhà điêu khắc bắt gặp có những khu bảo tồn nhỏ dọc đường và những đống bột được bán làm mỹ phẩm và nghi lễ ở lối vào ngôi đền, ông cảm thấy những sắc tố màu sáng gợi lên một cách tiếp cận khác về hình dạng và màu sắc. Ông quyết định làm một series đầu tiên mang tên 1000 Names được thực hiện từ năm 1979 – 1980. Ông chia sẻ rằng 1000 Names, một trong những điều ông cố gắng làm là đạt đến một thứ gì đó như thể chưa được tạo ra, như thể tự thể hiện, như thể ở đó bởi chính ý chí của nó,…
Ông quan tâm đến cách các vật thể phát ra ánh sáng, chúng là một nguồn sáng. 1000 Names gợi ý rằng các vật thể là một phần của tổng thể lớn hơn nhiều. Các vật thể dường như đang chui ra khỏi mặt đất hoặc bức tường, ngụ ý rằng có một thứ gì đó dưới bề mặt, giống như tảng băng nhô ra khỏi tiềm thức. Tiêu đề 1000 Names cũng liên quan đến vị thần Vishnu trong đạo Hindu, điều đó cho thấy niềm tin của Kapoor vào bản chất chưa được giải đáp của tác phẩm nghệ thuật. Và rằng một tác phẩm có thể mang vô số nghĩa khác nhau tùy thuộc vào mối quan hệ giữa người xem và đối tượng.
Thật thế, mối quan hệ với người xem là trọng yếu trong tác phẩm của ông. Ông nói rằng, chúng ta có hai thuộc tính nổi bật, 1 là tin tưởng, 2 là liên hệ. Nghệ thuật thu hút nhu cầu tin tưởng, và nghệ thuật tuyệt mang chúng ta đến trong một mối quan hệ gần gũi.
Màu đỏ là một trongn những gam sắc nổi bật nhất được Kapoor tái khám phá thường xuyên. Màu đỏ bộc lộ nội hàm sâu sắc, gợi những liên tưởng ám ảnh trong ông và công chúng yêu nghệ thuật. Không chỉ dừng lại ở đó, màu sắc trong tác phẩm điêu khắc của ông không mang tính biểu lộ đặc tính bên ngoài mà là phẩm chất bên trong.
Vào năm 2002 tại Tate Modern, London, ông đã xây dựng một công trình khổng lồ mang tên Marsyas, được cấu tạo bởi lớp da PVC trải dài 150 mét trong không gian rộng lớn của hội trường Turbine, nó lớn đến mức mà không thể nhìn thấy hoàn toàn từ bất cứ góc độ nào. Gần đây, tác phẩm Leviathan của ông đã lấp đầy tòa nhà Grand Palais cho phép người xem đi bên trong cấu trúc đồ sộ, bao bọc bằng ánh sáng đỏ rực của màng PVC khổng lồ. Cả hai đều là hoành tráng về mặt kích thước, vừa kỳ công phức tạp về kỹ thuật.
Ông cho rằng nghệ thuật không chỉ đơn giản thể hiện tính cá nhân riêng lẻ mà còn là “bình chứa tập thể”.
Nhiều tác phẩm của Kapoor đề cập đến ý nghĩa “khoảng trống”, cũng là chủ đề trọng tâm xuyên suốt hành trình sáng tác của ông. Một ví dụ là tác phẩm Descent into Limbo, nơi mà khoảng trống đen tuyền vừa quyến rũ vừa đáng sợ, kêu gọi con người quay về bên trong giữa biến động cuộc sống đồng thời khích lệ trí tưởng tượng người xem.
Với Kapoor, khoảng trống là một không gian tâm thức, một không gian chưa được giải quyết triệt để và liên tục biến đổi. Trong một thế giới “thừa mứa” vật chất hôm nay, cách tiếp cận triết lý này cho thấy Kapoor mong muốn chúng ta hãy ngắm nghía và đắm chìm vào khoảng không trống rỗng ấy. Điều đó mang đến khái niệm vẻ đẹp trong “hư vô”, phóng khoáng, bất tận, từ đó tạo cảm giác nhẹ bẫng và thanh thản.
Từ quan điểm này, thực hành điêu khắc của Kapoor thu hút những ai cởi mở với khuynh hướng tiếp cận siêu hình, nắm bắt và tưởng tượng những thực tại có thể xảy ra bên ngoài những giác quan.