ART & CULTURE

Nhìn vào nghệ thuật thu nhỏ (miniature art) ở một khía cạnh không dễ thương

Jul 24, 2021 | By Xu

Nếu bạn là fan của thể loại phim kinh dị, hẳn bạn đã từng biết đến cái cảm giác rờn rợn khi tập trung nhìn vào các mô hình thu nhỏ có độ phức tạp cao và cực kỳ tỉ mỉ, chẳng hạn như nhà búp bê miniature art.

Một trong 7 ngôi nhà búp bê phức tạp và ngoạn mục nhất của lịch sử nghệ thuật thế giới (theo Artsy). Ngôi nhà búp bê này thuộc sở hữu của Sara Rothe – một nhà sưu tầm nghệ thuật sống ở thế kỷ XVIII (1699 – 1751), miền bắc Hà Lan. Bà được biết đến là chủ sở hữu của hai ngôi nhà búp bê đang trưng bày trong bảo tàng Frans Hals và Gemeentemuseum Den Haag. Nguồn: artsy.net

Từ bộ phim kinh dị siêu nhiên của Mỹ, Di Truyền (Hereditary), bộ phim đầu tay do Ari Aster viết kịch bản và đạo diễn năm 2018; hay Vật Sắc (Sharp Objects), phim kinh dị tâm lý của Mỹ, dựa trên tiểu thuyết đầu tay cùng tên của nhà văn Gillian Flynn, công chiếu trên HBO vào tháng 7/2018. Và loạt phim The Miniaturist, đạo diễn bởi Guillem Morales, chuyển thể từ tiểu thuyết đầu tay cùng tên của nữ tác giả/diễn viên người Anh tên Jessie Burton, phát sóng lần đầu vào tháng 12/2017 trên BBC One.

Hay gần đây là bộ phim truyền hình lãng mạn gothic của đạo diễn Mike Flanagan, The Haunting of Bly Manor, phát hành trên Netflix vào tháng 10/2020. Như một phần tiếp theo của một bộ phim truyền hình tâm lý kinh dị The Haunting of Hill House, phát hành trực tuyến năm 2018. Đạo diễn của loạt phim từng hé mở về tầm quan trọng của ngôi nhà búp bê, và mối liên hệ của nó với những hồn ma ẩn giấu, như một “hệ thống theo dõi và kiểm soát” xuyên suốt câu chuyện, tương tự như “bản đồ của Marauder” trong Harry Potter.

Vậy vì sao một “bản sao thu nhỏ”, hay cụ thể là ngôi nhà búp bê, lại trở thành chủ đề kinh dị được khai thác thường xuyên?

Một phân cảnh trong phim “The Haunting of Bly Manor”. Nguồn: Bustle.com

Trước hết, ta biết rằng chúng tất nhiên không bắt nguồn từ những món đồ chơi mini của tuổi thơ, hay được truyền cảm hứng bởi các video về “ẩm thực thu nhỏ” trên Tik Tok. Thuật ngữ “miniature” thực ra không hề mới lạ và chắc chắn không dành riêng cho phim kinh dị.

Thể loại nghệ thuật “miniature” đã có một lịch sử lâu đời và phục vụ nhiều mục đích khác nhau từ truyền bá tôn giáo, sưu tầm nghệ thuật, thương mại hoặc giáo dục. Mặc dù có nhiều ý nghĩa tồn tại tích cực, nhưng đôi khi miniature cũng chứa đựng những thông điệp tăm tối và ớn lạnh, thậm chí dẫn đến một sự phản tưởng đè nặng tâm lý, như cách mà các bộ phim kinh dị tác động đến người xem.

Để lý giải về chủ đề kinh dị và ám ảnh này, có thể nhìn qua lăng kính của lý thuyết nữ quyền (feminist theory), phân tâm học và nội dung trong cuốn sách “The Weird and the Eerie” của nhà văn/nhà lý luận văn hoá/nhà phê bình âm nhạc người Anh, Mark Fisher (1968 – 2017), người còn được biết đến với bút danh blog: K-punk.

Lăng kính nữ quyền

Trước tiên, hãy bắt đầu bằng cách thảo luận về “giới tính” của miniature, bởi vì thực tế, các món đồ thu nhỏ thường trông có vẻ vô hại và dễ thương, được yêu thích bởi trẻ con và những cô gái, và vì thế bị coi là “nữ tính”.

Sianne Ngai (1971) – nhà lý luận văn hóa/phê bình văn học và học giả nữ quyền người Mỹ, đã giải thích khái niệm “nữ tính” này trong bài tiểu luận “The Cuteness of the Avant-Garde” (2005) của bà. Ngai nhấn mạnh rằng sự dễ thương gắn liền với sự nhỏ bé, dịu dàng và dễ uốn nắn, do đó đã gợi lên những liên tưởng tiêu cực như sự bất lực và yếu đuối.

“Trò chơi trong nhà búp bê biến những yếu tố bình thường của cuộc sống hàng ngày thành một câu chuyện tưởng tượng mà một đứa trẻ có thể tùy chỉnh và điều khiển” – Susan Scheftel

Như để gạt bỏ định kiến này, Frances Glessner Lee (1878 – 1962) – một nghệ sỹ, một nhà tội phạm học, và là nữ đội trưởng cảnh sát đầu tiên ở Mỹ, đã thách thức quan điểm áp đặt về “sự dễ thương” của miniature art, khi bà tạo ra những mô hình hiện trường vụ án thu nhỏ nhưng có độ chính xác đến từng chi tiết, giúp các điều tra viên khám phá những điểm bí ẩn của vụ án, dựa trên góc nhìn toàn cảnh và tiểu tiết mà ở tỷ lệ thực tế khó phát hiện được.

Được biết đến với tên gọi “Parsonage Parlor Diorama” (Tạm dịch: Mô phỏng phòng khách nhà giáo sĩ), đây là mô hình dựng lại hiện trường nhằm phân tích về cái chết bí ẩn của một bé gái, được xem là một “báo cáo” cho vụ án mà Frances Glessner Lee đang theo dõi. Mô hình hoàn thiện vào thứ sáu, ngày 23/8/1946. Nguồn ảnh: Wikimedia.org

Vào tháng 10/2017, phòng trưng bày Renwick của bảo tàng nghệ thuật Smithsonian (Mỹ) đã tổ chức triển lãm “Murder Is Her Hobby: Frances Glessner Lee and The Nutshell Studies of Unexplained Death” (lần đầu tiên kể từ năm 1966) để trưng bày các tác phẩm miniature art của nhà khoa học pháp y Frances Glessner Lee.

Tác phẩm của bà, hay còn gọi là “nutshell” (phân cảnh/mô hình thu nhỏ hiện trường vụ án), thường mô tả các trường hợp giết người, tự tử hoặc những cái chết bí ẩn chưa giải quyết được. Mỗi chi tiết tỉ mỉ chuẩn xác của Lee bao gồm những chiếc tất tí hon đan bằng tay, những chữ cái nhỏ xíu được viết bằng cọ vẽ nét, và các ổ khoá/then cài cho các cửa sổ và cửa ra vào với tỷ lệ thu nhỏ tương ứng phiên bản thật.

Tác phẩm “Parsonage Parlor Diorama” (1946), thực hiện bởi Frances Glessner Lee, là sản phẩm phục vụ công việc “nghiên cứu sơ lược về cái chết không rõ nguyên nhân” của bà. Thuộc BST của trường Y Harvard, đại học Harvard, Cambridge, MA. Nguồn ảnh: Smithsonian American Art Museum / Artspace.com

Trong khi chế tạo các món đồ miniature thường được coi là một nghề thủ công gắn liền với cái gọi là “việc đàn bà” và cộp mác “dễ thương”, nữ cảnh sát Lee đã sớm lật đổ quan điểm này bằng cách tạo ra bản sao thu nhỏ của những tội ác khủng khiếp, mà từ đó đồng thời đã cách mạng hóa một lĩnh vực do nam giới thống trị. Ngày nay, những mô hình thu nhỏ minh họa án mạng vẫn được sử dụng để đào tạo phá án, vì chúng giúp các điều tra viên dễ dàng nhìn thấy một cục diện toàn cảnh.

Frances Glessner Lee đang làm việc với các chi tiết thu nhỏ mô phỏng vụ án, ảnh chụp vào khoảng đầu những năm 1940. Image courtesy Glessner House Museum, Chicago, IL via Smithsonian American Art Museum. Nguồn ảnh: Artspace.com

Khía cạnh giới tính của miniature art cũng thể hiện rõ ràng trong nhà búp bê (doll house), hơn nữa lột tả một cách ghê rợn trực tiếp hoặc ẩn dụ gián tiếp qua các bộ phim kinh dị.

Về mặt văn hoá, từ đầu thế kỷ XX ở phương Tây, nhà búp bê đã được chế tác với mục tiêu hướng đến các bé gái như một món đồ chơi đáng thèm muốn, hoặc phục vụ sở thích sưu tầm của nhiều người trưởng thành.

Về mặt lịch sử, những mô hình nhà thu nhỏ đã được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ của Ai Cập, có niên đại gần 5000 năm trước và được tạo ra với mục đích tôn giáo. Ở Châu Âu, những ngôi nhà búp bê phục vụ trang trí nội thất (còn gọi là baby house), đã có mặt từ thế kỷ XVI và sản xuất hàng loạt từ sau cuộc Cách Mạng Công Nghiệp ở thế kỷ XVIII.

Một phụ nữ đang nhìn ngắm ngôi nhà búp bê đầy đủ tiện nghi và được làm thủ công trong thế kỷ XVIII, kích thước 6 x 6 ft (khoảng 183 x 183 cm), trước khi ngôi nhà được bán đấu giá tại Sotheby’s, ngày 4/5/1956. Photo by Fox Photos/Getty Images

 

Nhà búp bê của Queen Mary (hay Mary xứ Teck), khoảng 1921-1924, via YouTube. Queen Mary (1867 – 1953) là Vương Hậu của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và các Lãnh thổ hải ngoại của Anh (6/5/1910 – 20/1/1936). 

Nhà tâm lý học Susan Scheftel đã viết về giá trị phân tâm học mà “những món đồ chơi dành cho bé gái” này bao hàm trong nó, rằng trẻ em có thể tạo ra những câu chuyện phản ánh nhiều về cuộc sống và tiềm thức của chúng trong một không gian an toàn.

Trong bài viết của mình, tựa “Welcome to the Dollhouse: The Therapeutic Power of Miniature Worlds” (tạm dịch: Chào mừng đến với Nhà Búp Bê: sức mạnh trị liệu của Thế Giới Thu Nhỏ), Scheftel giải thích: “trò chơi trong nhà búp bê biến những yếu tố bình thường của cuộc sống hàng ngày thành một câu chuyện tưởng tượng mà một đứa trẻ có thể tùy chỉnh và điều khiển

Như trong bộ phim Vật Sắc (Sharp Objects), ngôi nhà búp bê tượng trưng cho nỗi ám ảnh về quyền kiểm soát mà người mẹ Adora Crellin đã truyền lại cho cô con gái trưởng thành Camille Preaker và cô con gái 14 tuổi Amma Crellin của mình. Ký ức đau thương của Amma đã hình thành nên con người cô và để đáp trả, cô đã tái tạo lại môi trường đó thông qua ngôi nhà búp bê của mình và khiến nó trở nên “ma quái” hơn nữa.

Một góc hành lang nhà búp bê trong phim Sharp Objects. Nguồn: Vulture.com

Trong bài tiểu luận về “sự dễ thương” của Sianne Ngai, bà viết rằng: “Do đó, chúng ta có thể bắt đầu thấy rằng sự dễ thương có thể kích thích cảm giác xấu xí hoặc hung dữ như thế nào, cũng như sự dịu dàng hoặc tình mẫu tử vốn được mong đợi. Vì tính thụ động và dễ bị tổn thương quá mức, các chủ đề dễ thương thường được đưa ra nhằm mục đích kích thích ham muốn bạo lực của người dùng, vì khao khát quyền làm chủ và quyền kiểm soát cũng nhiều như mong muốn được âu yếm, yêu thương của anh ấy hoặc cô ấy“.

“Đại dịch đau khổ về tinh thần, thứ đang ảnh hưởng đến thời đại của chúng ta sẽ không được hiểu một cách đúng đắn, hoặc được chữa lành, nếu chỉ được xem là một vấn đề riêng tư của những cá nhân bị tổn thương” – Mark Fisher

Bản chất “dễ thương” của miniature trong phim Vật Sắc khiến nó có vẻ không đáng sợ, do đó, dễ gây sốc và tạo sự kinh hoàng một cách hiệu quả khi ngôi nhà búp bê xinh xắn lại tiết lộ một sự thật đáng sợ.

Liên tưởng vô thức

Không giống như hầu hết các nhiếp ảnh gia đi khắp nơi khám phá thế giới, Lori Nix tự xây dựng các chủ thể của cô ấy, tạo ra những khoảnh khắc phức tạp, xáo trộn với tỷ lệ nhỏ. Từ những bức ảnh chụp thư viện bỏ hoang, rêu phủ đầy các bức tường và những kệ sách mục nát. Đến một toa tàu điện ngầm của thành phố New York, đã bị hoen gỉ và bị cát bụi xâm lấn, nằm chơ vơ đâu đó trên sa mạc với đường chân trời Manhattan ở phía xa.

Khi nhìn vào những tác phẩm của Lori Nix, mọi người thường gán ngay khái niệm “ngày tận thế”

Nix tạo ra một thế giới khác lạ dẫn dắt người xem tưởng tượng hậu quả khắc nghiệt của thiên tai và nhân tai. Nhìn vào những mô hình nhỏ bé rồi liên tưởng đến một thực tế lớn lao, ta hiểu được điều gì đã xảy ra ở trong đó và ngoài kia.

“Mall” (2010),  thuộc series The City của cặp đôi nghệ sỹ Lori Nix và Kathleen Gerber. Nguồn: Lorinix.net

Sinh ra ở Norton (Kansas), Lori Nix tốt nghiệp Master of Fine Art về nhiếp ảnh ở đại học Ohio (1993), sau đó tiếp tục theo học nhiếp ảnh, gốm sứ và lịch sử nghệ thuật tại đại học Truman State, ở Kirksville, Missouri.

Buổi trình diễn lớn đầu tiên của cô là ở Chicago, nơi cô tình cờ tham gia một cuộc triển lãm của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ – Richard Misrach, ở bảo tàng Nghệ Thuật Đương Đại. Misrach được biết đến nhiều nhất với những bức ảnh hoành tráng về tác động của con người đối với cảnh quan nước Mỹ. Và Nix cũng muốn làm điều đó, theo cách riêng của mình.

“Beauty shop”, 2010, một tác phẩm miniature thuộc series The City của Lori Nix đang được “dựng bối cảnh”. Nguồn: Lorinix.net

Khi nhìn vào những tác phẩm của Lori Nix, mọi người thường gán ngay khái niệm “ngày tận thế”, nhưng với Nix, cô gọi là hậu nhân loại (post-mankind)

Loạt tác phẩm đầu tiên của Lori Nix, “Accidentally Kansas”, được cô bắt đầu vào năm 1997, tái hiện lại những trận bão tuyết, lốc xoáy, sự phá hoại của côn trùng và những thảm họa nặng nề khác. Trong “Flood”, ngôi nhà nổi vô hồn trong một đại dương đầy bùn và rác. Trong “Uranium Extraction Plant”, một nhà máy trên đỉnh một vách đá cao phát sáng với thứ ánh sáng xanh lam đáng lo ngại, có và có những chú nai đang uống thứ nước neon màu xanh lá cây.

“Insect infestation”, thuộc series Accidentally Kansas của cặp đôi nghệ sỹ Lori Nix và Kathleen Gerber. Nguồn: Lorinix.net

Trong “Ice Storm”, hai con nai đứng bên một hồ nước đóng băng; bên dưới là một chiếc ô tô ngập nước với đèn pha chiếu sáng. Đây cũng là bức ảnh đánh dấu nỗ lực chung đầu tiên của Nix và người cộng tác lâu năm, đồng thời là bạn gái của cô, Kathleen Gerber. Gerber cũng là một nghệ sỹ, chuyên điêu khắc, thổi thuỷ tinh, giả cổ và mạ vàng. Cô là người đã cùng Nix trải qua hơn “hai thập niên tận thế” kể từ khi hai người gặp nhau năm 1996 và bắt đầu hợp tác vài năm sau đó.

“Ice Storm”, thuộc series Accidentally Kansas của cặp đôi nghệ sỹ Lori Nix và Kathleen Gerber. Nguồn: Lorinix.net

Trong “Treehouse”, một bầy chó tụ tập bên một gốc cây lớn. Một cái thang bị kéo lên và bên trong tán lá, ánh sáng phát ra từ một cái gì đó trong giống như một ngôi nhà trên cây. Và Nix đã để cho câu chuyện kết thúc mở. Người xem tự quyết định tình huống cũng như giải pháp.

Liệu có đứa trẻ nào bị mắc kẹt trên cây? Nếu bạn là một người sợ chó, bạn có tìm thấy giải pháp cho mình trong tình huống này – khi đó “đứa trẻ đang bị mắc kẹt trong nỗi sợ hãi” chính là bạn. Bạn sẽ gào khóc trong vô vọng hay gấp những chiếc máy bay giấy để cầu cứu? Nhưng nếu bạn là người sinh trưởng ở nông thôn, và yêu động vật, có lẽ đó là đàn thú cưng của bạn, và chúng thật đáng yêu.

“Treehouse”,  thuộc series Lost của cặp đôi nghệ sỹ Lori Nix và Kathleen Gerber. Nguồn: Lorinix.net

Đối mặt với “Kỳ lạ và Ghê rợn”

The Weird and the Eerie” (Kỳ lạ và Ghê rợn), được cho là hoàn thành vào cuối 2016 hoặc đầu 2017. Bởi Mark Fisher đã treo cổ tự sát ngay trước khi quyển sách được xuất bản, vào ngày 13/1/2017.

Quyển sách cuối cùng này của ông khám phá các khái niệm chính thống về “Điều kỳ lạ” và “Điều ghê rợn” thông qua các tác phẩm nghệ thuật khác nhau, xác định các khái niệm như các phương thức tường thuật cấp tiến, hoặc khoảnh khắc của “cú sốc siêu việt” có tác dụng làm trung tâm chủ thể con người, và diễn tả một hiện thực xã hội phản tự nhiên khi vạch trần những thế lực độc đoán định hình nó.

Năm 2019, một bài viết trên Newstatesman.com đặt tiêu đề rằng “Mark Fisher là nhà lãnh đạo trí tuệ của một thế hệ”

Cuốn sách cũng bao gồm các thảo luận về các nguồn khoa học viễn tưởng và kinh dị, như tác phẩm của nhà văn HP Lovecraft [*]; và tác phẩm nổi tiếng nhất của của nữ tiểu thuyết gia Joan Lindsay, “Chuyến dã ngoại tại Hanging Rock” (1967), thuộc thể loại kinh dị gothic; và còn các tác phẩm của bậc thầy tiểu thuyết viễn tưởng, Philip K.Dick.

Ngoài ra, “The Weird and the Eerie” còn đề cập đến bộ phim thể nghiệm mang tên Inland Empire (2006) do David Lync viết kịch bản và đạo diễn, hay Under the Skin (2013) của đạo diễn Jonathan Glazer’s. Và không thể không nhắc đến âm nhạc, như ban nhạc hậu punk của Vương Quốc Anh, The Fall và nhạc sĩ ambient, Brian Eno.

“No one is bored, everything is boring” – Mark Fisher

Đối với Fisher, “sự kỳ lạ” là do sự xuất hiện của “thứ không thuộc về” – một cái gì đó không nên có mặt hoặc không thể tồn tại. Ở phương diện khác, “sự thú vị” được tạo ra khi thiếu mất bất thường thứ gì đó, chẳng hạn như “cảnh quan trống rỗng thiếu vắng con người”

Bìa sách “The Weird and the Eerie”, tiếng Ý, xuất bản ngày 30/8/2018, nhà xuất bản Minimum Fax. Nguồn: Amazon.com

Khi áp dụng những phân tích của nhà văn Fisher vào các tác phẩm miniature art, cho thấy miniature là một “biểu tượng nghịch lý” hoàn hảo – chúng khiến người xem/nghệ sỹ quan sát và kiểm soát toàn bộ bối cảnh một cách dễ dàng, nhưng đồng thời làm nổi bật sự liên tưởng rằng cuộc sống của chúng ta có phải cũng đang bị chi phối và định hình bởi cái-gì-đó không xác định.

Sự mâu thuẫn này khiến chúng ta phải đối mặt với một sự thật vừa “kỳ lạ vừa ghê rợn”, và do đó khiến chúng ta muốn lảng tránh. Chẳng hạn như nỗi sợ chó cố hữu hay ám ảnh tận thế khi nhìn vào tác phẩm của Lori Nix và Kathleen Gerber.

Fisher viết rằng cả hai điều “kỳ lạ và ghê rợn” đều có chung mối bận tâm về “sự khác thường”. Ông định nghĩa “khác thường” là “thứ nằm ngoài tri giác, nhận thức và kinh nghiệm khuôn mẫu”.

Trích từ “Capitalist Realism: Is there no alternative?” – Chủ nghĩa hiện thực tư bản: Không có sự thay thế? (2009) của Mark Fisher, trên bức tường tại Goldsmiths University, London. Nguồn: Thenation.com

Các phân cảnh đặc tả miniature trong phim Di Truyền (Hereditary) cũng phục vụ một mục đích tương tự, thể hiện một sự nằm ngoài khả năng kiểm soát của các thành viên gia đình Graham đối với số phận của họ.

Trong phim, nhân vật chính Annie Graham là một nghệ nhân tạo ra các nhân vật thu nhỏ và nhà búp bê. “Sự khác thường” xảy ra khi người xem nhận ra có một thế lực thần bí (với những hiện tượng không nên tồn tại trong thực tế) đang ám ảnh gia đình Graham trong chính ngôi nhà của họ.

Đó chính là cách mà “biểu tượng nghịch lý” miniature được xem như một loại đạo cụ có tính ẩn dụ hoàn hảo cho các tình huống trong phim kinh dị. Vì các nhân vật, giống như những con búp bê trong một ngôi nhà nhỏ, đang bị thao túng bởi một thứ gì đó có quyền lực to lớn không thể đoán trước.

Ari Aster, đạo diễn của bộ phim Di Truyền, nói với Variety.com rằng nội dung phim “đề cập đến những nỗi sợ hãi không thực sự có giải pháp khắc phục. Bạn làm gì với nỗi sợ hãi cái chết? Bạn sẽ làm gì với mối ngờ vực rằng bạn không “thực sự biết” những người thân thiết với bạn nhất? Bạn làm gì với nỗi ám ảnh bị bỏ rơi?

Nói cách khác, bộ phim xoáy sâu vào những nỗi sợ hãi nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Các cảnh quay mô hình thu nhỏ xuất hiện trong phim đóng vai trò đại diện cho tư duy của Annie Graham và khả năng kiểm soát tinh thần của cô ấy đối với hành động của mình.

Một cảnh quay trong phim Di Truyền (Hereditary) của đạo diễn Ari Aster. Image via Variety.com

Từ các lăng kính thuộc bản ngã đến liên tưởng vô thức, từ trí tưởng tượng đến sự ám ảnh tiềm ẩn, từ đối mặt đến lảng tránh, rồi thức tỉnh, rốt cuộc nhận ra rằng sự kiểm soát, tính định kiến, cảm giác kỳ lạ và ghê rợn…chỉ là “ảo ảnh”, là hiệu ứng nghịch lý mà các vật thể thu nhỏ gây ra.

Miniature mặc dù rất dễ thương, nhưng đôi khi vẫn gây cảm giác khó chịu, bởi vì khi nhìn vào, chúng ta dễ phản tỉnh hoặc ảo hoá rằng có lẽ mình cũng chỉ là những con búp bê trong một ngôi nhà búp bê, một con rối của một màn trình diễn, một số phận định sẵn trên một trái đất bé nhỏ giữa vũ trụ bao la, bí ẩn và xa xôi ngoài kia (hoặc ở đây-trong này, nợi chứa đựng trí tuệ chưa được khám phá hết của con người), nơi có thể đang tồn tại những thế lực siêu nhiên vô hình với sức mạnh không tưởng tượng nổi.

Chú thích

[*] H.P.Lovecraft: Howard Phillips Lovecraft (1890 – 1937), một nhà văn Mỹ đạt nhiều thành công trong lĩnh vực truyện kinh dị giả tưởng, nhưng đó là sau khi ông qua đời trong nghèo khổ. Trước đó, các tác phẩm của ông gần như vô danh và chỉ được đăng trên các tạp chí giả tưởng.

Nguồn:

Artspace.com, Newsweek.com, Lorinix.net, Digitalspy.com, Ucl.ac.uk, En.wikipedia.org

Thực hiện: Xu


 
Back to top