Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Chánh niệm trong thực hành nghệ thuật: Khó dựa trên khuôn mẫu cố định nào

May 31, 2021 | By Trang Ps

…Như quy luật vô thường, mọi sự khởi lên, tồn tại trong một thời gian và biến mất; hiểu một cách sâu sắc hơn, thì vạn vật đều liên tục thay đổi trong từng sát-na, từ đó mà ta nhận thức được tính tạm thời của tất cả. Khi thấu triệt điều này, sáng tác nghệ thuật song hành chánh niệm khó có thể dựa trên một khuôn mẫu cố định nào…

Một tác phẩm sơn mài của họa sĩ Hiền Nguyễn

Tôi còn nhớ cách đây ít lâu, trong cuộc trò chuyện với họa sĩ Hoàng Thanh Vĩnh Phong về series “Chân dung nệm” mà anh sắp sửa trưng bày tại Hà Nội, anh có nói đến kỳ vọng sẽ dẫn đến thất vọng. Trong giai đoạn người nghệ sĩ suy nghĩ về tác phẩm thì mọi thứ nom thật hoàn hảo và tuyệt vời, nhưng khi thực hành thì không như vậy. Chẳng hạn, thoạt đầu, anh muốn vẽ một cái nệm trắng tinh khôi để ám chỉ điều gì đó thật “sạch sẽ” và đẹp đẽ, thế nhưng, trong quá trình vẽ lại xảy ra vấn đề hư hại màu sắc và bong tróc. Nhưng thay vì tiếc nuối, nghệ sĩ bèn mài lại, một cách tự nhiên, ý tưởng lại được lái theo hướng khác, và kết quả cuối cùng rất ấn tượng.

Vị đạo sư Tây Tạng Trungpa Rinpoche từng dạy học trò của mình rằng đừng bị dẫn dắt theo những lập trình sẵn có trong tâm thức mà đơn thuần đối diện trực tiếp với những gì đang xảy ra. Bằng thái độ rộng mở, và thấy mọi việc như nó đang là, bất cứ điều ấy là gì thì ngay lập tức, đó chính là chánh niệm. Cũng như Phong, khi mong muốn ban đầu không xảy ra như ý, thì thay vì tiếc nuối, anh đã chấp nhận thực tại của tấm nệm để triển khai ý tưởng mới tốt nhất có thể. Bởi nếu cứ bám chấp và vật lộn sáng tác theo mô thức rập khuôn thì có lẽ mọi thứ sẽ trở nên nặng nề biết bao. Bằng sự thả lỏng, người nghệ sĩ cho phép tâm trí mình vượt ra ngoài phạm vi chật hẹp để chào đón nhân duyên mới bất ngờ.

Chánh niệm trong thực hành nghệ thuật: Khó dựa trên khuôn mẫu cố định nào

Đêm lam, Màu Gouache trên lụa, 80 cm – 80 cm, Họa sĩ Tạ Duy.

Quá trình sáng tác nào cũng thường có hai giai đoạn hình thành tác phẩm, một là việc hình thành tác phẩm trong tâm thức, tức là tưởng tượng của tác giả về tác phẩm sắp sửa làm, và thứ hai là tác phẩm thực tế. Giai đoạn một có thể ví như “mộng tưởng” của người họa sĩ về điều sắp xảy ra. Dù anh ta là người có khả năng điều khiển và biến “mộng tưởng” ấy thành sự thật, tuy nhiên, không ai biết chắc được rằng mọi sự sẽ xảy đến hoàn toàn chính xác như vậy.

Thực hành nghệ thuật đi cùng chánh niệm là gác bỏ mộng tưởng ấy sang một bên để thấy thực tại như nó đang là. Khi đó, tự bên trong ta sẽ hình thành cái thấy sâu sắc vượt qua khái niệm của lý trí để chạm đến cái mới. Như quy luật vô thường trong cuộc sống có nói, mọi sự khởi lên, tồn tại trong một thời gian và biến mất; còn hiểu một cách sâu sắc hơn, thì vạn vật đều liên tục thay đổi trong từng sát-na, từ đó mà ta nhận thức được tính tạm thời của tất cả. Khi thấu triệt điều này, sáng tác nghệ thuật song hành chánh niệm khó có thể dựa trên một khuôn mẫu cố định nào.

Bình Bông Vàng, Sơn dầu trên vải, họa sĩ Lê Hào.

Một điểm chung cho tất cả nghệ sĩ là yêu chuộng sự sáng tạo. Bởi thế, nếu cứng nhắc bám theo một quy chuẩn nhất định trong tâm thức, thì làm sao người nghệ sĩ có thể cảm nhận và quan sát những gì đang xảy ra lúc vẽ để bước vào một thực tại trong sáng và tươi mới. Khi chấp vào “mộng tưởng” về một tác phẩm sẽ là, họ sẽ chỉ càng thấy phiền não thêm khi tác phẩm không như ý muốn. Điều đó khiến tôi liên tưởng đến việc một người đang ở trong một cánh đồng hoa mà tâm tưởng thì cứ mơ mộng về một cánh đồng hoa nào khác thật xa xôi. Thứ cần thiết ngay lúc này là làm sao để họ có thể tận hưởng cánh đồng hoa trong thực tại và cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp nhiệm màu hiện diện này.

Làm nghệ thuật cũng giống như thực hành thiền vậy. Nhà giáo dục nghệ thuật Đỗ Kỳ Huy từng chia sẻ với tôi rằng ông không quan trọng học trò vẽ cái gì, xấu đẹp ra sao, nhưng họ phải biết vì sao mình vẽ cái đó và tinh thần phải luôn định trong công việc của mình. Như khi người lái xe, họ chỉ tập trung vào việc lái xe, không nghĩ ngợi gì về quá khứ hay tương lai. Bởi nếu cứ sống trong những “mộng tưởng” ấy thì sớm muộn gì họ cũng gặp tai nạn. Cũng như vậy, nếu thiếu sự tỉnh giác trong lúc vẽ, người nghệ sĩ cũng có thể gặp phải “tai nạn” dù nhỏ hay lớn trên tấm toan của mình.

Bức họa Như Huyễn của họa sĩ Nguyễn Chí Long

Trong một sự kiện về chánh niệm, một người tham gia chia sẻ với tôi về trải nghiệm pha trà của anh ấy vào mỗi buổi sáng. Anh nói rằng khi tâm thức anh đang có mặt với ở đây và bây giờ, thì nước trà hôm ấy bỗng trở nên thanh trong hơn. Nhưng khi thiếu đi sự tỉnh giác, tâm tưởng bị phiền nhiễu, thì lúc rót nước sôi vào ấm thì cũng dễ để nước bị tràn ra bên ngoài và nước trà ngày hôm ấy bỗng nhạt nhẽo đi nhiều phần. Tôi bèn nghĩ pha trà cũng giống như pha màu, nếu tâm trí người nghệ sĩ lỗi nhịp với thực tại thì hiển nhiên, anh sẽ không thể quan sát việc phối màu như thế đã đủ sắc độ hay chưa. Khi công đoạn pha màu thiếu đi chánh niệm, thì công đoạn vẽ tranh hẳn sẽ chịu sự tác động tiêu cực từ đó. Và quan trọng hơn thế nữa, không những tác phẩm khi hoàn thành thiếu sự trau chuốt trọn vẹn mà người nghệ sĩ cũng dễ dàng lâm vào phiền não trước sự chểnh mảng ấy của mình.

Khi xưa, Đức Phật dạy rằng quan sát hơi thở là một phương tiện để định tâm, rồi từ đấy, hãy trở về quan sát tất cả để thấy rõ sự sống của chính mình. Cũng như vậy, khi người nghệ sĩ đưa nét cọ và đồng thời quan sát tính đậm – nhạt, sâu – nông, mịn – thô, nặng – nhẹ của nó cũng như thấy những diễn biến cảm xúc trong tâm, hẳn nhiên lúc ấy, họ sẽ trở nên tỉnh táo, dễ chịu và dần dần hình thành thái độ rộng mở với bản thân và tác phẩm.

Trong lúc vẽ, ta cứ đơn thuần quan sát tất thảy điều đó, không đánh giá tốt xấu, hãy tiếp cận quá trình sáng tạo với thái độ tò mò và chấp nhận, thì lúc ấy chánh niệm đã được thực hiện thật trọn vẹn.

Chánh niệm thúc đẩy trực giác

Irene Chou, Infinity landscape, 1988

Khi mặt hồ xao động, thật khó để ta có thể nhìn rõ xuống đáy hồ. Sự xao động của mặt hồ ấy cũng giống như những suy nghĩ vô lượng trong ta, chúng dấy lên như những con sóng bất tận ngoài đại dương. Nếu tâm thức cứ bị phiền nhiễu như vậy, ta sẽ khó lòng đi sâu vào bên trong mình và kết nối với trực giác.

Ta cần biết mỗi giác quan của con người cần một trường năng lượng thích hợp để tồn tại. Thị giác cần trường ánh sáng để nhìn, thính giác cần trường không khí cho âm thanh lan truyền, và trực giác thuộc về trường tâm linh, với khả năng xuyên thấu và vượt không gian. Một họa sĩ biết chánh niệm, tâm bắt đầu sáng tỏ, yên tĩnh (hay còn gọi là định tĩnh), đây cũng là giai đoạn trực giác bắt đầu xuất hiện. Sự định tĩnh của tâm đến đâu, trực giác mở ra đến đấy. Khi trực giác được khai mở một phần hay nhiều phần, người nghệ sĩ có khả năng nhìn thấy những tươi mới và sáng tạo trong tác phẩm của mình, trực giác sẽ chỉ cho họ biết nên làm gì và không nên làm gì. Lúc này, nét cọ của họ sẽ được dẫn dắt bởi một sức mạnh tiềm ẩn lớn hơn phần ý thức nông cạn, để đi sâu vào vùng chưa biết (unknown area).

Trí tuệ trực giác cũng cho phép ta trực nhận mọi đối tượng hoàn toàn như nó đang là trong thực tại, nhờ đó mà ta có thể vượt qua những ảo giác và nhận thức sai lầm về hiện thực. Cũng như vậy, khi vẽ mà thực hành chánh niệm, người nghệ sĩ sẽ thoát ra khỏi những lệch lạc và giới hạn của định kiến và khái niệm sẵn có.

Lúc này, tự bên trong họ sẽ buông bỏ những tham luyến một cách tự nhiên, để định tâm trọn vẹn và trong sáng trong quá trình sáng tạo.


 
Back to top