Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Về tinh thần của Wassily Kandinsky trong nghệ thuật

Jul 01, 2022 | By Ton Binh

Kandinsky phá vỡ giới hạn của sự quan sát khách quan để gắn âm thanh vào màu sắc, nghệ thuật của ông lột bỏ hoàn toàn cái tả thực, tự bản thân đối tượng đã có ý nghĩa, không liên quan tới bất cứ thứ gì nằm ngoài tấm toan.

Several Circles, 1926.

Wassily Kandinsky (1866 – 1944) là một họa sĩ và nhà lý luận nghệ thuật người Nga. Ông được coi là cây đại thụ trong làng nghệ thuật khi là người khởi xướng vĩ đại cho hội họa trừu tượng năm 1910, là bước đệm cho Trường phái biểu hiện và Nghệ thuật trừu tượng. Trước khi cống hiến hết mình cho nghệ thuật, ông từng theo đuổi ngành luật tại Đại học Moscow.

Bằng cảm hứng trữ tình có được từ những “sự thiết yếu bên trong”, ông cho ra đời cuốn “Về tinh thần trong nghệ thuật” – kết tinh của người nghệ sĩ tự do và văn phong sáng rõ của người từng học luật. Kandinsky có tầm nhìn vĩ đại và lối tiếp cận tân tiến với những đường kẻ, hình dạng và màu sắc, nghệ thuật của ông ảnh hưởng sâu sắc tới kiến trúc hiện đại. Đến nay, người ta vẫn bàn mãi về tinh thần của Wassily Kandinsky trong nghệ thuật kiến trúc.

Squares with Concentric Circles, 1913.

Trước khi những lập thuyết của Wassily Kandinsky trong “Về tinh thần trong nghệ thuật” được phổ biến, các lý thuyết mỹ học được hình thành dựa trên quan sát các đối tượng của thế giới hữu hình. Lúc bấy giờ, hội họa là dùng ngòi bút vẽ lại thứ chúng ta thấy, tái hiện lại thế giới bên ngoài bằng sự kết hợp của phối cảnh và ánh sáng.

Thế nhưng, với Kandinsky, ta đang bỏ qua bản chất của hiện tượng, hay chính là “sự thiết yếu bên trong”. Là người lập thuyết và là người thực hành lý thuyết, Kandinsky đã làm rõ ràng mối quan hệ giữa tác phẩm và đôi mắt, cảm thụ nghệ thuật không phải qua những lập luận xơ cứng, mà qua việc giải phóng hội họa khỏi cái hữu hình, khỏi cái nguyên sơ bản chất của hiện tượng.

Untitled, bức tranh trừu tượng màu nước đầu tiên của Kandinsky, 1910.

Năm 1910, Wassily Kandinsky hoàn thành bức tranh màu nước trừu tượng đầu tiên của ông. Có thể nói, ông đã triển khai một cách bài bản nghệ thuật phi khách thể dựa trên những lý luận nền tảng của chính ông và chính thức mở ra một cuộc cách mạng cho hội họa. Sự biến đổi trong mỹ quan của Wassily Kandinsky là cả một quá trình dài, và quả thực, nghệ thuật muốn rời bỏ các hình thức tự nhiên và để tiếng nói của thế giới tiềm thức thống trị phải đi từng bước một.

Trong hai năm từ 1906 đến 1908, Kandinsky bắt đầu tìm hiểu về Học thuyết thần trí (Theosophy) khi dành thời gian đi khắp Châu Âu. Ông nghiên cứu về những bí ẩn ngoài vũ trụ, mối quan hệ giữa vũ trụ, con người và thần linh với cái đích là tìm ra gốc rễ của thần thánh, con người và thế giới. Ông muốn khắc họa lại cái nguyên bản nhất của ý thức trước khi lý tính kịp chi phối chuyển động đôi tay. Kandinsky vốn đã ấp ủ về một loại hình hội họa vượt ra khỏi những hình ảnh khách quan từ lâu, ông đã bắt đầu ghi chép các ý tưởng của mình từ 1901 trước khi cho chúng vào “Về tinh thần trong nghệ thuật”.

Composition VI, 1913.

Kandinsky cảm nhận nghệ thuật qua ấn tượng của riêng ông và cảm giác về màu sắc không qua khía cạnh vật lý, ông nhận ra để thấu hiểu được nghệ thuật, phải thâm nhập vào sâu cái thực tại bên trong, và làm được điều này là nhờ trực giác sáng tạo. Như nhà triết học Henri Bergson từng nói “Chân lý có thể nắm bắt chỉ thông qua trực giác nghệ thuật”, có nghĩa rằng nghệ thuật là gạt bỏ những vị lợi, tiện dụng cùng các nguyên tắc của xã hội để không gì còn ngăn cản ta đối mặt với thực tại.

Tuyên bố đó đi ngược lại chủ nghĩa duy lý cổ điển và sự sùng bái kiến thức lúc bấy giờ, khi tri thức là công cụ cho tính duy lý và chừng mực, nhưng nó cũng đặt ra một giới hạn về độ chính xác cho việc quan sát tự nhiên. Cùng với Bergon, Kandinsky gạt sang một bên lối hình dung đối tượng vật chất đầy căn bản và dễ nhận ra của mắt thường, ông tự hỏi liệu mình có thể đi xa hơn khỏi lớp vỏ diện mạo của bức tranh. Ông đã “sáng mắt ra”, cho rằng nghệ thuật cần cho thấy “cái tinh thần”, đồng nghĩa với việc phải “hủy giải vật chất”.

Composition VIII, 1923.

Vậy nhưng, khi đã giải phóng vật thể khỏi hình dáng bên ngoài, làm thế nào để vẽ ra âm sắc vô hình của vật thể hay cách ta cảm nhận về nó? Kandinsky vốn có cảm nhận rất nhạy bén khi ông có thể cảm nhận bằng cả hai giác quan cùng lúc, trạng thái này được gọi là hiện tượng cảm giác kết hợp (synesthesia). Ông muốn tranh của mình phải giống như âm nhạc, phải lay động trong ông như phép ẩn dụ kỳ thú, phải trực tiếp tìm vào bên trong nội tâm con người để biểu hiện những rung cảm tâm hồn.

Kandinsky cho rằng màu sắc hay hình khối đều có thể gây cảm xúc. Có màu thô và nhớp nháp, có màu lại mượt mà chỉn chu, hồng maddler trông nhẹ nhàng, xanh lá cobalt lại mạnh mẽ khô khan; các hình khối mang thuần tính trừu tượng nhưng lại gợi những giá trị tinh thần khác nhau. Ông phá vỡ giới hạn của sự quan sát khách quan để gắn âm thanh vào màu sắc, nghệ thuật của ông lột bỏ hoàn toàn cái tả thực, tự bản thân đối tượng đã có ý nghĩa, không liên quan tới bất cứ thứ gì nằm ngoài tấm toan.

Phong cách Bauhaus từ nghệ thuật đến kiến trúc

Với hội họa trừu tượng, Wassily Kandinsky đã khám phá ra cho thời đại một ngôn ngữ biểu hiện nghệ thuật mới và quan niệm nghệ thuật này đã ảnh hưởng trực tiếp lên thiết kế kiến trúc hiện đại. Phong cách của Kandinsky đã góp phần làm lan rộng trường phái Bauhaus, có nguồn gốc từ Học viện thiết kế Bauhaus của Đức. Được thành lập bởi Walter Gropius, ngôi trường đã biến thành phong trào nghệ thuật hiện đại mang tên chính mình với lối tiếp cận kiến trúc và thiết kế độc đáo.

Học viên Bauhaus đã đặt nền móng cho những kiến trúc xây dựng mang hơi thở hiện đại, đề cao tính công năng và ít trang trí, tập trung vào các hình thức cân đối và hình dạng trừu tượng. Quan điểm vẻ đẹp và công năng luôn song hành với nhau của trường phái Bauhaus đã xóa bỏ đi tất cả cái rườm rà, đồng bóng và lòe loẹt của thiết kế công trình Đức trước kia, mà thay vào đó là những thiết kế đơn giản với hình khối, không họa tiết thừa thãi, mang lại cảm giác dễ chịu và “sạch sẽ”.

Kiến trúc của trường phái Bauhaus là tiêu biểu cho một ngôn ngữ kiến trúc tân kỳ, là sự phát huy đầy sáng tạo của những tư tưởng mang tính cách khởi trong hội họa. Với tinh thần tạo ra một cách đọc kiến trúc rõ ràng, tránh được sự mờ nghĩa, kiến trúc theo phong cách Bauhaus tôn vinh tính đơn giản và cởi mở, giải phóng con người khỏi sự gò bó.

Các nghệ sĩ Bauhaus đã tìm thấy thiên hướng thẩm mỹ của họ qua việc cách tân khía cạnh hình thức của một tác phẩm qua cuộc hôn phối giữa màu sắc và hình khối, mà cụ thể theo thuyết mỹ học của Wassily Kandinsky, không gì quan trọng hơn là chất lượng thể hiện của nó. Điều mà Wassily Kandinsky luôn cảnh báo, người nghệ sĩ đừng nên tìm kiếm sự cứu rỗi trong hình thức, bởi hình thức chỉ là cái biểu hiện của nội dung và hoàn toàn phụ thuộc vào cái tinh thần nội tại bên trong.

Linkingpaste


 
Back to top