ART & CULTURE

Di sản lồng đèn 100 tuổi của gia tộc Lư ở Chiết Giang

Sep 26, 2023 | By Xu

“Trung Hoa đệ Nhất đại đường đăng” – Bộ lồng đèn kết hạt pha lê xa hoa, mỹ lệ bên trong “Tử Cấm Thành dân gian” của gia tộc Lư

Được mệnh danh là “Tử Cấm Thành dân gian”, một dinh thự xa hoa kín đáo ẩn mình, che giấu sự lộng hành, bất chấp kỷ cương của một gia tộc quyền thế suốt hàng trăm năm, Đông Dương Lư trạch – 东阳卢宅 (tạm dịch: Dinh thự họ Lư ở Đông Dương), ngày nay được biết đến là di tích văn hóa trọng điểm cấp quốc gia của Trung Hoa (từ năm 1988).

Cách rất xa về phía Đông Nam của kinh đô, Đông Dương là một thành phố cấp huyện thuộc địa cấp thị Kim Hoa, ở tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc. Đông Dương Lư trạch là một phức hợp nhà cổ quy mô lớn ở địa phương, gọi tắt là Lư trạch hay Lư trạch cổ thôn, có tổng diện tích hơn 25.000 mét vuông. Tổ tiên của gia tộc Lư đã định cư ở Đông Dương từ thời Nam Tống (1127 – 1279), đến năm Vĩnh Lạc thứ 19 (141) dưới triều Minh (Minh Thành Tổ), sau khi Lư Duệ – 卢睿 (1389 – 1462) trở thành tiến sỹ, gia tộc này ngày càng hưng thịnh và dinh thự họ Lư bắt đầu được xây dựng.

Toàn thôn Lư trạch lấy đền thờ tổ làm trung tâm, bao quanh bởi ba trục nhà chính theo hình lưỡi liềm, gồm Túc Ung đường (肃雍堂), Thụ Đức đường (树德堂) và Phục Kinh đường (复荆堂).

Theo thông tin từ một bài viết trên trang web của Liên đoàn Khoa học Xã hội Chiết Giang, Lư trạch còn nổi tiếng với một cách nói hoa ngôn như “Bắc có Tử Cấm Thành, Đông có Lư trạch”, không chỉ bởi sự nguy nga tráng lệ, mà bố cục không gian của Đông Dương Lư trạch cũng được cho là mô phỏng hệt như Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Kiến trúc sư Hồng Thiết Thành (洪铁城) đã chỉ ra trong cuốn “Kinh điển Lư trạch” (经典卢宅) rằng quần thể nhà cổ họ Lư có 16 công trình kiến trúc đẹp nhất cả nước, và tính chất quy hoạch của nơi này là “một trong những ví dụ khoa học, hợp lý và hoàn hảo nhất” trong lịch sử kiến trúc Trung Quốc. Vì khuôn viên quá rộng lớn nên có tới 9 cây cầu nối các ngôi nhà khác nhau bên trong và bên ngoài Lư trạch. Túc Ung đường nằm trên trục chính của Lư trạch, có tổng cộng 9 dãy nhà [1] và 125 gian phòng; trong đó 4 dãy đầu tiên được xây dựng dưới thời Cảnh Thái (1449 – 1457) của vua Minh Đại Tông và được dùng làm nơi tế lễ, cầu phúc, họp mặt, đón khách và giải trí; 5 dãy còn lại được xây dựng vào thời Khang Hy (1661 – 1722) và Ung Chính (1722 – 1735) của nhà Thanh, là không gian sinh hoạt chung của các thành viên trong gia đình. Phía Đông và Tây của Túc Ung đường có mấy thư phòng, dùng làm nơi học tập của con cháu trong tộc.

Năm 2005, Quỹ Di sản Văn hóa Thế giới tại New York đã công bố danh sách 100 địa điểm văn hóa hàng đầu thế giới đang gặp nguy hiểm, và Đông Dương Lư trạch là một trong số đó. Năm 2011, thành phố Đông Dương đã chi 4 tỷ nhân dân tệ để khôi phục lại Lư trạch ngay tại vị trí ban đầu. Uy thế của quần thể nhà cổ hàng trăm năm tuổi, nơi chứng kiến lịch sử thăng trầm của một gia đình quan chức thời nhà Minh và nhà Thanh, đã dần được tái sinh. Tính đến thời điểm của bài viết đó (tháng 1 năm 2022), dự án khôi phục Lư trạch cổ thôn vẫn đang được tiến hành.

Sự nguy nga, bề thế của Lư trạch đã hình thành khá rõ dưới thời nhà Thanh (1616 – 1912), triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc, nhưng ở thời cách nay khoảng 200 năm (trước khi phương Tây xâm nhập và xâu xé Trung Hoa), xã hội phong kiến vẫn còn giữ hệ thống phân cấp chặt chẽ, vì thế sự phô trương cư trạch (dù rất cẩn trọng) của họ Lư là bất hợp pháp và vi phạm đạo quân thần. Dù vậy, Đông Dương Lư trạch dường như vẫn không bị triều đình phát hiện, nguyên nhân có lẽ là do vị trí cách xa kinh đô, thế lực gia tộc Lư ở địa phương không dễ cho người ngoài tiếp cận, cộng thêm toàn bộ khuôn viên có thiết kế kín đáo, chẳng hạn như hầu hết đều dụng màu đen/màu tối đơn giản và áp dụng nhiều cách khác để tránh tội “vượt cấp”, cùng với gia pháp nghiêm khắc của gia tộc đã giữ cho không ai dám tiết lộ bí mật tày đình này.

Ngoài nghệ thuật kiến trúc, một trong những điều gây choáng ngợp của “Tử Cấm Thành dân gian” là bộ đèn treo khổng lồ, mệnh danh là “Trung Hoa đệ Nhất đại đường đăng” (中华第一大堂灯). Với tổng chiều cao 4,05 mét và đường kính 2,1 mét, “Bộ đèn tiền sảnh đầu tiên ở Trung Hoa” này được chế tác vào năm 1918, có trọng lượng đến 127,5 kg, sử dụng khoảng 450.000 hạt pha lê và đã được ghi vào Sách Kỷ lục Thế giới Guinness (năm 1999).

Theo một bài blog viết về Đông Dương Lư trạch cho trang Zhihu: Phong tục treo đèn ở Đông Dương đã có lịch sử lâu đời và phát triển vào thời Trinh Quán (626 – 649) của vua Đường Thái Tông (Lý Thế Dân). Ban đầu, những chiếc đèn có hình dáng đơn giản, chủ yếu là hình vuông và tròn. Vào thời kiến lập của nhà Tống, những chiếc đèn có kỹ nghệ phức tạp đã xuất hiện, được gọi là “sa đăng”, tức đèn lồng bằng lụa mỏng. Khi Vĩnh Lạc đế (Minh Thành Tổ – Chu Đệ) dời đô đến Bắc Bình (Bắc Kinh) vào đầu thế kỷ XV, một lượng lớn thợ thủ công người Đông Dương đã được triệu đến kinh đô để làm sa đăng cho hoàng cung, vì vậy thời bấy giờ đèn lồng Đông Dương còn được gọi là “cung đăng” (đèn cung đình). Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, kỹ nghệ đèn lồng truyền thống của Đông Dương phát triển vượt bậc, giá đèn được điêu khắc tinh xảo và áo đèn có kiểu dáng ngày một phong phú. Vì vậy, nhà họ Lư được cho là không chỉ sở hữu bộ đèn hạt pha lê quý giá sánh ngang hoàng triều, mà còn là nơi tụ họp của những chiếc đèn tuyệt tác bậc nhất Đông Dương.

Ngoài bộ đèn khổng lồ này, Lư trạch còn có hơn 300 chiếc đèn cung đình, chiếc lớn có thể cao hơn 1 trượng (khoảng 3,3 m), chiếc nhỏ nhất chỉ cao hơn 1 thốn (3,3 cm), được làm bằng đa dạng chất liệu từ gỗ, tre, lụa, men màu, da cừu, sừng linh dương và lụa nhiều màu sắc.

Thực tế, bộ đèn tiền sảnh (lobby light) nguyên bản của nhà họ Lư trước đây được treo tại Túc Ung đường, có gọi tên đầy đủ là “Bảo Cái tác lạc liên tam tụ thất thái tuệ dương giác đăng” (宝盖索络联三聚七彩穗羊角灯); tạm gọi tắt là “Bảo Cái dương giác đăng” hay “Dương giác lưu ly đăng”, với Bảo Cái (hay Tràng Phan Bảo Cái) được xem là pháp bảo trong Phật giáo, và dương giác tượng trưng cho loại phiền não có thể hủy hoại Phật tính. Dương giác đăng, hay đèn sừng linh dương, với chao đèn được chế tác từ sừng thật của linh dương (hoặc dê, cừu), bằng cách nong khối sừng (có lẽ đã thất truyền hay chỉ là giả thuyết) [2], hoặc ghép từ từng lát sừng mỏng [3] – những thủ nghệ phi thường đòi hỏi trí tuệ cao, tính tỉ mỉ, sự nhẫn nại của người nghệ nhân Trung Hoa. Do thủ công phức tạp và giá thành cao nên thời xa xưa, loại lồng đèn này hầu như chỉ được sử dụng trong cung điện hoàng gia và dinh thự quý tộc. Người ta tin rằng các thứ đồ làm từ sừng động vật có tác dụng xua đuổi tà ma, vì vậy nên các quan chức Trung Hoa thời phong kiến coi dương giác đăng là một biểu tượng của địa vị.

Sự lộng lẫy tráng lệ của “Bảo Cái tác lạc liên tam tụ thất thái tuệ dương giác đăng” ở “Tử Cấm Thành dân gian” đã khiến tâm trí của không ít người ngược thời đại lạc về Nguyên Tiêu dạ yến ở Vinh Quốc phủ trong Hồng Lâu Mộng – một trong tứ đại danh tác của Trung Hoa, được Tào Tuyết Cần sáng tác trong khoảng thời gian giữa thế kỉ XVIII của triều đại nhà Thanh. Hệt như “Liên tam tụ ngũ pha lê thái tuệ đăng” (联三聚五玻璃彩穗灯) trong Nguyên Tiêu dạ yến ở Vinh Quốc phủ [4] đã được Đông Dương Lư trạch “thắp sáng” rực rỡ ngoài đời thật.

Theo chia sẻ của tài khoản Di sản quân (遗产君) trên weibo (tháng 5 năm 2023), bộ đèn hạt pha lê hiện treo ở Thụ Đức đường của Lư trạch là có tổng chiều cao là 4,3 mét và đường kính 2,75 mét (kích thước chênh lệch này có thể là một trong số những thay đổi sau khi phục chế, hoặc sai sót trong quá trình lan truyền thông tin). “Bảo Cái dương giác đăng” ban đầu của nhà họ Lư đã bị phá hủy trong Cách mạng Văn hóa, chỉ còn lại chiếc đèn da cừu (dương bì đăng – 羊皮灯), khung sườn của lồng đèn dây tóc (hay liệu ty đăng – 料丝灯) [5] và sáu khung càng sắt. Bộ đèn hoàn chỉnh hiện nay ở Lư trạch Thụ Đức đường là phiên bản phục chế do nhân viên của Sở Bảo tồn Văn hóa Lư trạch tổ chức thực hiện, tuy nhiên đây cũng là một phiên bản rất tinh xảo, nhằm mục đích trưng bày cho du khách và thường xuyên được bật sáng vào một số ngày cụ thể [6]. Có năm thợ thủ công lành nghề chịu trách nhiệm phục chế bộ đèn này, phải mất bảy tháng để khôi phục các chi tiết bao gồm đèn da cừu, đèn liệu ty, đèn kết hạt lớn, 24 chụp đèn lưu ly, 6 chụp đèn kết hạt nhỏ và các dải rèm hạt.

“Bảo Cái dương giác đăng” của Đông Dương Lư trạch là một bộ đèn chùm phủ tán lục giác, với 6 càng sắt làm khung đỡ chính, tán đèn gồm viền, rèm và tua kết hạt pha lê. Vẫn theo Di sản quân (遗产君) trên weibo, viền trên tán đèn được trang trí bằng hạt pha lê kết thành hoa văn và lồng ghép hình dơi, ngay tại mỗi góc lục giác là hạt pha lê kết hình bướm, tán rũ rèm hạt với phần lưới rèm kết hạt màu đen trên nền hạt trắng, lần lượt từng cặp Hán tự ghép thành 3 câu thành ngữ Trung Quốc: 惠風和畅。鸟语花香。春满人間  – Huệ phong hòa sướng. Điểu ngữ hoa hương. Xuân mãn nhân gian (tạm dịch: Gió lành êm dịu. Chim hót hoa thơm. Mùa xuân tràn khắp thế gian).

Bên dưới tán đèn chia làm ba phần:

– Chính giữa của bộ đèn treo 3 chiếc lồng đèn lớn, từ trên xuống gồm lồng đèn da cừu lục giác (hoặc da dê), lồng đèn dây tóc bát giác (dây tóc đan chéo hai chiều) và một lồng đèn tròn lớn với 3 trản/bát đèn. Sau phục chế, chiếc lồng đèn tròn này đổi thành lồng đèn đa giác đa diện, khung đèn kết hạt pha lê và áo đèn bằng lụa hoặc giấy.

– Vây quanh và treo ở mỗi mặt lục giác là 4 chiếc đèn lưu ly bầu dục màu đỏ (trước kia là 3 chiếc với chao đèn dương giác), mỗi chiếc lại được trang trí xung quanh bằng các dây hạt và tua hạt, nối dài đến cuối là 1 chiếc lồng đèn giỏ hoa kết bằng hạt pha lê màu.

– Đính ở mỗi góc lục giác của bộ đèn là một dải rèm hạt mỏng, trang trí bằng các phiến hạt kết hoa văn xen kẽ bốn biểu tượng của cầm, kỳ, thi, họa cùng một hình hồ điệp hoặc biên bức (hay có thể là hình liên hoa). Tuy nhiên, nếu như trước đây, dải rèm này xen kẽ từ trên xuống là 5 biểu tượng cổ cầm – bàn cờ – bướm hoặc dơi (hoặc hoa sen) – cuộn sách – bức tranh, thì ở phiên bản phục chế gần đây, dải rèm này thả xuống 6 biểu tượng, trong đó, theo sau cuộn sách (thư quyển) là một biểu tượng hình khối chữ nhất nhưng không rõ đại diện cho điều gì.

Bộ đèn di sản hơn 100 năm tuổi của Đông Dương Lư trạch chỉ được treo vào năm nhuận. Năm 2023 là năm nhuận âm lịch (theo lịch dương thì không phải), vì thế, vào ngày 8 tháng 1 âm lịch năm 2023 (nhằm ngày 29 tháng 1 dương lịch), cùng với hơn 200 chiếc đèn cung đình khác, “Bảo Cái tác lạc liên tam tụ thất thái tuệ dương giác đăng” đã được treo cao để quan khách thập phương đến chiêm ngưỡng, nhân dịp lễ hội mùa xuân ở thành phố Đông Dương, Chiết Giang, Trung Quốc.

Chú thích

[1] 有九进: hữu cửu tấn, trong đó, 进 phiên âm Hán Việt là tấn/tiến, một trong các nghĩa là đời/lớp (dùng trong “tiên tiến”), hoặc tiến lên, tiền bước (dùng trong “cấp tiến”), và một nghĩa khác là dãy/sân trong nhà, ở ngữ cảnh này, tạm dịch là “dãy nhà”.

[2] Theo bài viết trên Sohu vào năm 2022, tác giả Lưu Tâm Vũ (Liu Xinwu) – một trong những nhà văn sớm đề xướng làn sóng văn học Trung Quốc hậu Mao, từng thuật lại chi tiết cách làm lồng đèn dương giác, theo lời kể của một cụ già (người địa phương gọi ông là Băng gia) ở hẻm nhỏ chuyên làm lồng đèn sừng cừu, thuộc phố xiên Lý Quảng Kiều (李广桥) – từng tồn tại ở bờ Nam hồ Hậu Hải và lân cận quận Tây Thành của Bắc Kinh, trong thời gian nhà văn làm việc và sinh sống tại đó. Tác giả cho biết: Trước hết chọn lấy một chiếc sừng tốt và cắt thành hình trụ rỗng, sau đó nấu nó cùng củ cải thái sợi nhỏ, cho đến khi phần sừng hình trụ này trở nên mềm dẻo, người ta dùng một cái khuôn để nong rộng chiếc sừng hình trụ rỗng này, việc nấu cho mềm dẻo và nong sừng lặp đi lặp lại cho đến khi khối sừng hình trụ rỗng trở thành dạng quả chùy, hoặc hình bầu dục (như quả táo tàu) có vỏ mỏng, trong và không có đường ráp/nối. Một trong ba giả thuyết làm chao đèn dương giác mà tác giả Lưu Tâm Vũ thuật lại trong bài viết, cá nhân ông tin tưởng giả thuyết căng/nong khối sừng này nhất. Tuy nhiên, trong khi phương pháp làm chao đèn “hình quả táo tàu” bằng cách ghép từ từng lát sừng mỏng, không những được chứng thực mà còn được tái hiện và kế thừa, giả thuyết mà Băng gia ở  Lý Quảng Kiều kể với nhà văn Lưu Tâm Vũ, bị cho là giả thuyết tưởng tượng.

[3] Phương pháp làm chao đèn dương giác bằng cách ghép từng lát sừng mỏng: douyin/李意纯

[4] Tào Tuyết Cần, “Ninh Quốc phủ trừ tịch tế tông từ – Vinh Quốc phủ nguyên tiêu khai dạ yến ” (宁国府除夕祭宗祠 荣国府元宵开夜宴), Hồng Lâu Mộng, hồi 53. Hồng Lâu Mộng, tên gốc là Thạch Đầu Ký (石頭記), là một tiểu thuyết chương hồi, gồm 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết, 40 hồi sau do Cao Ngạc (髙鶚) viết tiếp, biên soạn thành sách, đổi tên và trở thành một trong “tứ đại kỳ thư” của văn học cổ điển Trung Hoa như người đời nay ca ngợi.

[5] 料丝灯: liệu ty đăng (hoặc liêu tơ đăng). Hay 料丝花灯: liệu ty hoa đăng, dịch nghĩa là lồng đèn dây tóc. Trong đó, “liệu ty” tức “dây tóc”, còn được biết đến là “sợi đốt” (tháng 1 năm 1879, Thomas Edison được ghi nhận là nhà phát minh chế tạo bóng đèn điện sợi đốt đầu tiên). Theo baike.baidu, lồng đèn dây tóc của Trung Quốc sử dụng dây tóc được làm bằng cách đun sôi mã não, thạch anh tím và các nguyên liệu khác bằng bột nhão rồi kéo thành sợi. Dây tóc trông như tơ thủy minh và mảnh như sợi tóc, gọi là liệu ty (料丝). Theo CCTV, để làm lồng đèn dây tóc, nghệ nhân bôi keo lên mặt sau các mảnh/bộ phận đã được chạm khắc/điêu khắc của lồng đèn, sau đó xếp và dán các dây tóc theo một chiều (hoặc đan chéo hai chiều) lên các mặt sau đó. Tựu trung, kỹ nghệ làm lồng đèn dây tóc (hiện gần như thất truyền) dựa trên lồng đèn giấy cắt (hoặc khắc giấy) cổ truyền và kết hợp với công nghệ dây tóc thời bấy giờ (không liên quan đến nguồn điện, có lẽ dùng với mục đích thẩm mỹ và hạn chế cháy là chủ yếu).

[6] Theo tác giả bài blog viết về Đông Dương Lư trạch trên trang Zhihu, hướng dẫn viên du lịch của người này cho biết rằng “Trung Hoa đệ Nhất đại đường đăng” sẽ được thắp sáng vào đầu năm 2024, nhân Lễ hội Đèn lồng (Lễ hội Thượng Nguyên, hay Tết Nguyên tiêu) được tổ chức thường niên vào ngày rằm tháng giêng âm lịch của Trung Quốc.

Nguồn: 遗产君/weibo, 览古阅今/Zhihu, Góc Trung Quốc – Văn hóa Nghệ Thuật và Lịch Sử, zh.wikipedia.org/东阳卢宅, zjskw.gov.cn (Liên đoàn Khoa học Xã hội Chiết Giang), mt.sohu


 
Back to top