Nghệ thuật

Tựa lên thuở vàng son

Sep 28, 2023 | By Art Republik

Thương nhớ Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ và hoài vọng một hành trình mới của gối tựa Cung đình Huế.

Mệ Trí Huệ và tác giả bài viết La Quốc Bảo

Sau khi cố nghệ nhân gối tựa Cung đình Huế – Công Tôn Nữ Trí Huệ cưỡi hạc về trời, tưởng chừng từ đây nghề làm gối tựa Cung đình Huế chỉ còn là lịch sử. May thay, trước khi tạ thế, Mệ Trí Huệ đã kịp trao truyền kỹ thuật và tâm nguyện giữ nghề cho hai người, là con dâu Lê Thị Liền và con gái ruột Bùi Thị Ngọc Điểm. Một hành trình mới cho chiếc gối tựa Cung đình Huế bắt đầu từ đây.

Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ bên chiếc gối tựa Cung đình Huế

Trước khi bắt đầu câu chuyện, tôi nghĩ cũng nên nói một chút về cơ duyên cho phép tôi đồng hành cùng Mệ. Đó là một chiều đông tháng 11 năm 2022, tôi may mắn được chở đến gặp vị chắt nội của hoàng đế Minh Mạng – Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ ở làng xã Hương Toàn phía xa ngoại thành Huế. Như bao Công Tôn Nữ khác, Mệ Trí Huệ thuở xuân thì cũng được gửi vào Đại Nội cho học thêu thùa may vá (từ lúc 13 tuổi), nhờ được một người thầy xưa khi từng làm ở Bộ Lễ trong triều có nghề may gối, cơ duyên của Mệ bắt đầu từ đây. Gọi là “gối Cung đình” vì thuở xưa, chúng xuất hiện nhiều trong cung và các phủ đệ, tư dinh. Đây không đơn thuần là một vật tựa tay, mà còn là một vật phẩm thủ công mỹ nghệ đòi hỏi nhiều kỹ thuật độc đáo không lưu truyền rộng rãi trong tầng lớp bình dân. Khi đó, dù đã bước qua cái tuổi đại thọ 100, nhưng Mệ vẫn tỉ mẩn ngày đêm, không quản nghèo khó mà say mê cái sứ mệnh cao cả là giữ gìn nghề may chiếc gối tựa triều Nguyễn – đã bao lần suýt thất truyền giữa dòng lịch sử hỗn loạn.

Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ và con dâu Lê Thị Liền, năm 2019. Nguồn ảnh: Nhật Linh

Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ và con dâu Lê Thị Liền. Nguồn ảnh: Journeys in Hue

Hôm đó, tôi khoe Mệ tấm áo Nhật Bình vừa hoàn thiện, may bằng chất liệu lụa “tái hiện kiểu xưa” trong dự án “Hoa Quan Lệ Phục” cùng anh Nguyễn Phùng Minh Luân, sẵn dịp bày tỏ hy vọng được kết hợp cùng gối của Mệ để dự án thêm phong phú. Mệ vui lắm, bà móm mém nở nụ cười tươi suốt gần 3 tiếng trò chuyện, không ngừng cầm tay cảm ơn tôi – một chi tiết mà tôi vẫn nhớ mãi tới hôm nay mỗi khi có ai nhắc về bà. Vậy là, bắt đầu hợp tác cùng Mệ, cô Liền – người con dâu đang sống chung và săn sóc, và người cháu dâu tên Thủy, thông qua sự hỗ trợ từ Journeys in Hue, mãi cho tới khi Mệ viễn du tiên cảnh vào tháng 3 năm 2023 – chỉ vài ngày sau khi tôi tới thăm Mệ lần cuối cùng.

Một vài trong số những chiếc gối tựa Cung đình Huế cuối cùng của Mệ Trí Huệ

Nhưng cũng trong chuyến ra Huế vào tháng 3 đó, một cơ duyên cho tôi được tiếp xúc cặp gối xưa 4 lá trong biệt phủ của Giáo sư Thái Kim Lan (nay là Bảo tàng Gốm cổ sông Hương), mà theo cô, đó là quà mà Thầy ở chùa Thiên Mụ gửi tặng gia đình cô cách đây nhiều thập kỷ. Sau khi gia đình thu xếp ổn thỏa tang sự cho Mệ Trí Huệ thì trớ trêu thay, công việc làm gối bị chững lại, vì công chúng vẫn tưởng rằng nghề này từ đây không còn ai kế nghiệp. Nhưng thực ra, cả cô Liền và cô Điểm xưa nay vẫn ngày đêm hỗ trợ Mệ và hoàn toàn đủ khả năng giữ nghề đúng như di nguyện bà gửi lại.

Trong quá trình tìm hiểu từ trước, tôi rút ra rằng chiếc gối tựa Cung đình Huế thực sự cũng không có một khuôn khổ khắt khe, chuẩn mực như y trang, mỗi người thợ lại có một dấu ấn mang tính cá nhân đặc trưng, hoặc tùy theo yêu cầu của gia chủ đặt làm, và Mệ Trí Huệ cũng vậy. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để hậu bối tạo ra dòng gối mới, dấu ấn mới, tôi đã giới thiệu và xin cô Kim Lan cho phép dẫn cô Liền, chị Thủy đến tiếp xúc và nghiên cứu hiện vật trực tiếp. Đó là một cặp gối 4 lá độn rơm, ngoài bọc lụa vân trang nhã, được may thủ công, vuông vức. Sau một thời gian sử dụng thuở xưa, những cạnh gối đã khép lại ngay ngắn một đường. Được sự động viên từ nhiều phía, cô Liền và chị Thủy đã mày mò học dáng gối mới. Bởi lẽ, tuy cùng một kỹ thuật nhưng chất liệu ngày xưa lại khác xa ngày nay, nên vẫn phải cân chỉnh từng chút. Thế là sau 4 tuần, mẫu thử đầu tiên đã hoàn thiện một cách xuất sắc. Nhắc lại, cô Liền vẫn cười nói rằng: chắc là có Mệ trên cao phù hộ.

Đáng tiếc làm sao, trước khi Mệ trở bệnh, tôi đã hứa sẽ làm một chiếc gối thêu kiểu Huế thật đẹp để dành riêng cho Mệ “trổ tài”. Nhưng rồi tin dữ đến, chiếc gối chỉ mới dang dở hình thêu “Song Phụng chầu thọ” mặt trên, và mọi việc phải chững lại một thời gian. Thế nhưng, khi thấy mẫu gối mới đã ổn định, tôi lóe lên suy nghĩ: hãy hoàn thiện tác phẩm bằng dáng gối mới này! Vậy là, một ngày giữa tháng 8, chiếc gối thành hình, đẹp đẽ và tỉ mỉ làm tôi xúc động cực kỳ, bởi đây tác phẩm đầu tiên hoàn toàn do cô Liền thực hiện, với một hình dáng mới chưa từng xuất hiện trong số rất nhiều những chiếc gối gắn liền với danh tiếng “Gối tựa Mệ Trí Huệ”. Một chiếc gối sử dụng đoạn bạch sắc thêu “Đoàn Phụng chầu thọ” bằng kim tuyến tinh xảo. Hai mặt bên cuồn cuộn đồ án “Tam sơn thủy ba” – tức núi cao sóng trào, được trích xuất hoa văn từ một bộ Long bào triều Nguyễn cuối thế kỷ 19, xung quanh đính các hạt kim sa mạ vàng lấp lánh, tựa hồ được cắt ra từ một tấm áo thực sự vậy.

Toàn bộ đồ án thêu được thực hiện trong vòng một tháng bởi những nghệ nhân Huế lành nghề, trên nền lụa vân cũng dệt “Song Phụng chầu thọ” nhuộm màu cafe – một chút mới lạ của đương đại mà tôi muốn mang vào tác phẩm. Hiện tại, chiếc gối đã được “tiến kinh” và trang trọng trưng bày trong Không gian Văn hóa Đa:mê trên đường Chu Văn An, tại thành phố Huế. Chiếc gối chính là một chứng tích cho sự chuyển tiếp giữa quá khứ dĩ vãng và hiện tại đầy hy vọng của một di sản nghệ thuật triều Nguyễn.

Cô Lê Thị Liền và cô Bùi Thị Ngọc Điểm cùng nhau thực hiện một workshop tại Huế, giữa tháng 9 năm 2023

Gia đình Mệ Trí Huệ cùng tác giả bài viết La Quốc Bảo

Tôi thấy thương Mệ, thương những nghệ nhân lầm lũi cho một đam mê cháy bỏng, mặc cho mọi khó khăn về cái ăn cái mặc bủa vây. Như một người chị đã ví rằng, ở Nhật Bản có một từ rất hay để chỉ những cá nhân như bà, đó là Shokunin (職人) – không chỉ thuần tuý là “nghệ nhân” mà còn là “sự cống hiến cả cuộc đời” để đạt đến khát vọng “bảo tồn” di sản nghệ thuật đó. Tuy Mệ đã khuất bóng hoàng hôn, nhưng may thay hành trình này đã có truyền nhân tiếp bước. Ngoài góp chút sức nhỏ quảng bá cho chiếc gối tựa, tôi vẫn hy vọng những tổ chức bảo vệ di sản sẽ đến với gia đình kịp lúc, để hoàn thành tâm nguyện cả đời này của Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ đối với chiếc gối nhỏ bé – nhưng đang là nơi “nương tựa” của một khoảng trời vàng son dĩ vãng.

 

Thực hiện: La Quốc Bảo


 
Back to top