Nghệ thuật

Nghệ nhân Pháp Lam Huế – anh Đỗ Hữu Triết: Người phục dựng nếp vàng son

May 27, 2021 | By Xu

Cách đây 7 năm, có một cặp đèn lớn xuất hiện tại Công viên Tứ Tượng (Huế) dịp Festival. Với đường kính 2.2m, cao 5m, hai trụ đèn màu xanh mang dáng hình chiếc lọng cung đình Huế thu hút sự chú ý của khách thập phương, đồng thời đánh dấu sự trở lại của kỹ nghệ đã bị thất truyền suốt 200 năm qua tại Việt Nam: Pháp Lam.

Pháp Lam, về cơ bản, là một kỹ nghệ vẽ trên nền men màu có xuất xứ từ Pháp và các quốc gia phương Tây nói chung, mà theo học giả Vương Hồng Sển, từng được Trung Quốc gọi là Quỷ Quốc Diêu (quỷ quốc: nước quỷ, diêu: đồ gốm).

Vì sao Pháp Lam lại có xuất xứ từ châu Âu trong khi châu Á vốn có thế mạnh về gốm sứ? Lý giải điều này, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết, cũng là người đã chế tác nên cặp đèn Pháp Lam tại công viên Tứ Tượng, cho biết vào thời điểm đó, người châu Âu chưa đưa nhiệt độ lò nung lên cao được như người Trung Quốc, mà nhiệt độ thấp lại chính là bí quyết để sinh ra dòng thủy tinh và Pháp Lam.

Lò sưởi Cảnh Thái lam 4 chân, đỉnh nắp hình ly long thời Thanh Khang Hy (Ảnh: Sina). Nguồn: dkn.tv

Bình hai tai, đồng tráng men hoa văn khổng tước thế kỷ XVI nhà Minh (Ảnh: Sina). Nguồn: dkn.tv

Sau đó, khi con đường tơ lụa hình thành giữa Đông Tây, người châu Âu đem Pháp Lam sang cho người Trung Quốc và Nhật Bản, đồng thời cũng học được những kỹ thuật đun nấu cao của người châu Á.

Những nghệ nhân Việt Nam đã tạo ra dòng Pháp Lam riêng với cách tư duy và văn hóa bản địa, không hề giống với Pháp Lam nào của Trung Quốc.

Đối với người Trung Hoa, vốn đã rất thành thạo về kỹ thuật gốm sứ, việc được học thêm kỹ nghệ Pháp Lam cũng giống như “hổ mọc thêm cánh”, để phát triển nên dòng Pháp Lam Ô Học rất nổi tiếng. Nhật Bản lại vang danh với Thấu Minh Pháp Lam đẹp và tinh xảo không đâu sánh bằng.

Một bức tranh pháp lam Núi Phú Sĩ ra đời từ thế kỷ thứ 19, tác phẩm tham dự Hội chợ triển lãm Thế giới 1893 của Namikawa Sousuke, một trong những nghệ nhân pháp lam nổi tiếng nhất Nhật Bản. Nguồn: nhk.or.jp

Anh Triết cắt nghĩa, “minh” là sáng, “thấu” là xuyên thấu, “Thấu Minh” có nghĩa là ánh sáng đi qua cái lớp men Pháp Lam tạo nên vẻ trong veo như ngọc. Tại Việt Nam, các vua triều Nguyễn nhận biết được vẻ đẹp và độ quý của Pháp Lam, đã cử một đội nghệ nhân sang Trung Quốc để học nghề. Từ kỹ thuật thô sơ được người Trung Quốc dạy, những nghệ nhân Việt Nam đã tạo ra dòng Pháp Lam riêng với cách tư duy và văn hóa bản địa, không hề giống với Pháp Lam nào của Trung Quốc.

Xét về độ tinh xảo, Pháp Lam của người Việt vẫn chưa thể sánh cùng Pháp Lam Trung Quốc hay Nhật Bản, nhưng lại có tính mỹ thuật đương đại cao, điều đã được ông Phan Đăng Trí, một họa sỹ thế hệ trước nhìn nhận và khẳng định.

Một trân bảo trong sưu tập đồ thấu minh pháp lang (shipouyaki, hay Thất Bửu Thiêu – 七宝燒) từng trưng bày trong Nhật Bản lâu ở Bruxelles (Bỉ). Nguồn: Anhsontranduc.wordpress

Một trân bảo trong sưu tập đồ thấu minh pháp lang (shipouyaki, hay Thất Bửu Thiêu – 七宝燒) từng trưng bày trong Nhật Bản lâu ở Bruxelles (Bỉ). Nguồn: Anhsontranduc.wordpress

Sau phát hiện của ông Trí, giới nghiên cứu mới nhìn nhận lại lịch sử của Pháp Lam, và giới kỹ thuật bắt đầu tham gia vào quá trình phục dựng kỹ thuật thất truyền này. Trong số đó, duy chỉ có anh Đỗ Hữu Triết là vẫn kiên tâm níu lòng lại với nghề sau 25 năm ròng rã nghiên cứu và miệt mài thử nghiệm.

Kỹ nghệ thất truyền

Nép mình bên một góc của con đường cổ Chi Lăng tại thành phố Huế, xưởng của anh Triết cũng là nơi sinh sống, làm việc và bày bán các vật phẩm Pháp Lam, với 7 họa sỹ và thợ làm nghề. Tuy nhiên, cũng theo anh chia sẻ, chỉ có anh mới có thể duy trì mọi công đoạn sản xuất Pháp Lam để cho ra thành phẩm chuyên nghiệp, vì bản chất Pháp Lam là sự hợp thành của rất nhiều kỹ nghệ cùng một lúc, mà nếu chỉ có năng khiếu hoặc tay nghề khéo léo cũng chưa chắc đã đủ.

Lư trầm. Chất liệu: Pháp lam. Ảnh: Lưu Ly. Chụp tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Nguồn: Wikipedia

Nhìn thoáng qua, Pháp Lam cũng giống như những món đồ men hay sứ nghệ thuật khác, với lớp men bóng sinh động được nghệ nhân họa lại thành những bức tranh rực rỡ. Song nếu nhìn kỹ hơn, giữa các lớp men màu sắc là đường viền kim loại rất mỏng, và vật cốt bên trong sản phẩm là kim loại như sắt, đồng hay bạc.

Chính vì thế, để tạo ra một sản phẩm Pháp Lam, nghệ nhân buộc phải có kiến thức và kỹ năng tổng quan về nhiều nghề khác biệt: từ chế tác kim loại – làm việc như một thợ kim hoàn hoặc người thợ cơ khí; sau đó là nung đốt trong lò – giống nghề làm thủy tinh; và vẽ họa tiết men – công việc của hội họa. Nhưng có được men để vẽ, đó lại là nghề của hóa Silicat.

Khay Pháp Lam triều Đồng Khánh (1885 – 1889)

Một người có thể nắm được phần này nhưng lại không nắm được phần kia. Nghề này thất truyền là vì vậy. Tới thời điểm bây giờ, tôi vẫn trăn trở làm sao cho thế hệ sau có được một người nắm được tổng quát của nghề, để nó không mai một lần nữa,” anh Triết nói.

Anh Triết bắt đầu làm quen với Pháp Lam từ năm 1996, sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý, Đại học Tổng hợp Khoa học Huế và trở về công tác tại Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. Được tiếp xúc với các mẫu trang trí của dòng Pháp Lam ở Đại nội, lăng tẩm vua triều Nguyễn, anh Triết bị cuốn hút bởi hình vẽ trang trí bắt mắt, và quyết tâm khôi phục công nghệ làm Pháp Lam đã thất truyền.

Pháp Lam được sử dụng phổ biến trong các đền đài và lăng tẩm ở Huế

Phải mất gần 10 năm nghiên cứu, anh mới đưa ra luận án thạc sĩ với đề tài “Phục dựng Pháp Lam Huế”, và mở xưởng phục chế để cho ra đời những tác phẩm Pháp Lam đầu tiên. Xưởng bên đường Chi Lăng của anh mỗi ngày vẫn đón những du khách thập phương và khá nhiều khách Pháp, những người có nhiều hoài niệm về Đông Dương một thời.

Từ triều Nguyễn, Pháp Lam đã được ứng dụng trên các đồ vật hoàng gia như hộp mứt, hộp trang sức, nhưng đa phần mọi người khi nghĩ về Pháp Lam vẫn thiên về hướng trang trí chứ không xét đến khả năng ứng dụng hàng ngày

Đồ Pháp Lam của anh đa dạng và cũng đa công dụng: từ thuần trang trí như tranh cho đến các vật dụng trong nhà như bình cắm hoa, hộp đựng cho đến trang sức như vòng cổ hay hoa tai. Là người duy nhất nắm vững kỹ nghệ Pháp Lam tính ở thời điểm hiện tại, hầu hết công việc phục chế Pháp Lam tại đại nội đều do anh cùng đội ngũ thực hiện. Bên cạnh đó, anh còn thực hiện nhiều đơn đặt hàng Pháp Lam khác mà gần đây nhất là phiên bản Pháp Lam giới hạn John Walker & Sons X.R 21.

Giữ nếp vàng son

Ban đầu, tôi nghĩ rằng việc thực hiện hộp đựng này đơn giản vì tôi đã từng làm qua nhiều sản phẩm như vậy, nhưng bắt tay vào làm mới phát sinh nhiều yếu tố bất ngờ, giải quyết được thì mới thành công. Giải quyết thành công thì sẽ nâng tầm tay nghề lên một mức mới, cách suy nghĩ về kỹ nghệ cũng thế. Không phải riêng tôi mà các anh em cùng làm bắt buộc cũng phải nâng cấp lên,” anh Triết chia sẻ.

Và thành công của anh Triết đã được kết tinh lại trong 3 chiếc hộp đựng Pháp Lam mang hình phượng hoàng tinh xảo, mà theo anh Triết, chỉ khác nhau trong cảm xúc thực hiện. “Có lúc làm ra sản phẩm nhìn cổ kính, có lúc làm ra sản phẩm cũng như vậy nhưng nhìn lại tươi trẻ. Cảm xúc đó phụ thuộc vào yếu tố con người, người nghệ sỹ thực hiện. Yếu tố thứ hai là kỹ thuật, gọi là hỏa biến. Nghĩa là trong độ nung đốt của sản phẩm không thể chính xác 100% được, khi thiếu, khi dư. Dư quá thì nó hỏng, thiếu quá nó cũng hỏng. Mà thiếu đến một mức độ cho phép, những sản phẩm đó sẽ khác nhau. Nên cùng 3 chiếc hộp với màu sắc và bản vẽ thống nhất, nhưng tôi nói khác nhau thì khác nhau là vậy.

Chính vì thế, ba tác phẩm duy nhất được làm từ cốt kim loại bạc quý với hình ảnh phượng hoàng quyện tường vân thay lời chúc an lành phú quý, song hành cùng chất vị thượng lưu của John Walker & Sons X.R 21 có thể được xem như những vật báu hiếm hoi tôn vinh sự giao hòa rực rỡ của nghệ thuật chế tác Đông Tây, là thành quả của hơn 25 năm nghiên cứu và phục chế kỹ nghệ Pháp Lam đã thất truyền, đồng thời mở ra hướng đi mang tính ứng dụng hơn cho nghệ thuật Pháp Lam trong tương lai.

Trên thực tế, từ triều Nguyễn, Pháp Lam đã được ứng dụng trên các đồ vật hoàng gia như hộp mứt, hộp trang sức, nhưng đa phần mọi người khi nghĩ về Pháp Lam vẫn thiên về hướng trang trí chứ không xét đến khả năng ứng dụng hàng ngày.

Khi được hỏi về trở ngại của việc phát triển Pháp Lam tại Việt Nam, anh Triết cho biết: “Khó khăn thì nhiều vì điều kiện về phát triển cũng còn phụ thuộc nhiều. Thứ nhất là yếu tố con người, máy móc, thiết bị. Người Trung Hoa đã phát triển từ cách đây mấy thế kỷ rồi, bây giờ người Việt mất đi và phải làm lại từ đầu. Làm lại từ đầu đã khó. Để cho khách hàng biết đến lại là câu chuyện khó, dài hơi hơn nữa.

Trong cũ có mới, trong mới có cũ. Pháp Lam của anh Đỗ Hữu Triết có thể vẫn còn một chặng đường rất dài và chông gai để đến với đa số người dùng Việt, nhưng đâu đó, vẫn có những tín hiệu đáng mừng rằng nghề Pháp Lam vẫn được nhiều người tôn trọng và gìn giữ, như lưu lại một nét đẹp vàng son của thuở xưa.

Thực hiện: Hải Yến


 
Back to top