Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Lập Phương & Triết lý tinh giản tối đa trong thực hành điêu khắc

Jul 27, 2020 | By Trang Ps

Thông qua những câu chuyện về cảm xúc và suy niệm, nữ nghệ sĩ điêu khắc Lập Phương đồng thời chia sẻ triết lý tinh giản tối đa trong quá trình thực hành sáng tạo của bản thân. Hiện, triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Âm Dương” của chị đang diễn ra tại InterContinental Hanoi Landmark72. 

Con đường thực hành nghệ thuật của Lập Phương có thể tóm gọn thông qua những bước ngoặt cụ thể nào?

Đầu tiên là giai đoạn thực hành tại xưởng. Đây là quãng thời gian định hình phong cách sáng tác của tôi. Tôi hiểu về chất liệu và chủ động trong kỹ thuật thực hiện, từ đây nhận ra giá trị của việc làm thủ công, vẻ đẹp của chế tác và rèn luyện ý chí.

Thứ hai có lẽ là cơ hội trở thành nghệ sĩ trong Lựa chọn của Grapevine, triển lãm quy tụ 6 nghệ sĩ nội địa triển vọng, được giám tuyển chặt chẽ bởi Brian, Natasha, Trần Lương. Tôi phối hợp cùng nhóm hậu cần và giám tuyển, biết cách thức chuẩn bị cho một triển lãm từ khâu đóng gói, vận chuyển, trưng bày, định giá tác phẩm, art book, art tour…

Thứ ba là hoàn thành tác phẩm Vũ tại Flamingo Đại Lải, đánh dấu sự chuyển biến tác phẩm vào không gian công cộng. Tôi phải bước ra khỏi vùng an toàn, chủ động tính toán từ kích thước, kết cấu, thi công, vận chuyển, lắp ráp… và hoàn toàn chịu trách nhiệm cho nó. Tác phẩm có kích thước lớn: cao 6 mét dài 20 mét nặng hơn 6 tấn được thực hiện trong gần 2 tháng cùng kiến trúc sư và nhóm thợ lành nghề. Đó không còn là câu chuyện cá nhân nữa mà là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố: cảnh quan, kiến trúc, tác động môi trường, tâm lý,… Vũ đã thuộc về cõi Thời – Không của chính nó và không còn thuộc về tôi nữa. Phủ định mình cũng giúp tôi nhẹ nhõm bước tiếp.

Thứ tư là Kohler Bold art – triển lãm nghệ thuật Châu Á Thái Bình Dương do hãng Kohler tổ chức với chủ đề: đa văn hóa. Tôi ý thức được mình trong tương quan nghệ thuật 13 nước khu vực. Cơ hội tìm hiểu sâu về lịch sử phát triển các thương hiệu thiết kế, cách thức sản xuất, vận hành và thẩm mỹ, đồng thời tôi thấy rõ mối quan hệ liên ngành: thiết kế, nội thất và điêu khắc.

Thứ năm là kết hôn và sinh con: thời điểm nhạy cảm với tất cả mọi người, nhất là nữ nghệ sĩ. Tôi đã chuẩn bị tâm thế cho thời điểm này nhưng trải nghiệm vẫn vượt quá hình dung.  Đời sống hiện thực chen vào thử thách và phản biện lý tưởng nghệ thuật của tôi, khiến tôi có sự thay đổi lớn về cảm xúc và thực hành. Đôi khi, tôi ghét bỏ chính các tác phẩm của mình.

Tiếng nói và phong cách của chị được thể hiện như thế nào thông qua việc lựa chọn chất liệu và tạo hình?

3 năm đầu, tôi hoàn toàn tạo hình trên thép tấm. Thời điểm đó, Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm điêu khắc kim loại, chủ yếu dạng khối chắc, nặng như cách mọi người vẫn nghĩ về nó. Tôi chọn thép tấm vì tính linh hoạt trong tạo hình và tạo cấu trúc, hơn nữa, lại sẵn tìm. Các mảng thép được dùng như mảng hình, hợp thành các khối mở để lộ ra độ dày mỏng của tấm. Đặc điểm của chất liệu hoàn toàn tương thích với những gì tôi cần biểu đạt lúc đó: lý trí, sắc sảo mà cũng đủ mong manh, gợi cảm.

Tôi không tạo chất hay phủ bóng bề mặt thép mà luôn ý thức giữ mặt phẳng vốn có của nó, làm sạch để thấy rõ chất thép nguyên thủy bên trong, chú trọng vào hình thể, cấu trúc. Tạo hình của tôi thường tinh giản, cốt nắm lấy mạch chuyển động của cảm giác. Chúng thường được gợi ý từ vốn cổ như đền đài, pháp khí, hoặc đến từ tiềm thức. Trên một tổng thể giản lược đôi khi điểm xuyết chi tiết sắc nét theo lối chấm phá của các bài thơ cổ phương Đông.

Tác phẩm của tôi hiếm khi có tên, gồm 3 sê-ri, tương ứng với 3 giai đoạn trong nghệ thuật.

– Cánh: căng đầy tự do và khát vọng tuổi trẻ.

– Cung: sắc nhọn và có khoảng rỗng lớn thể hiện sự tổn thương, hoài nghi, tự dưỡng.

– Tam giác: cấu trúc đan cài của các module hình cơ bản tạo thành khối mở vận động liên tục (dạng thức triquetra), tương tác với không gian.

Những ẩn ức tâm lý con người: giằng xé, cô độc, vẻ đẹp của những mất mát, tan rã dễ thu hút tôi. Tôi thấy mình chìm trôi trong các thái cực sáng – tối, đổi mới – hủ lậu, hiện đại – truyền thống, giá trị thực – giả tạo. Sự dằn vặt đấu tranh ấy đôi khi đẩy đến bi kịch. Cấu trúc đối xứng biểu hiện khối mâu thuẫn nội tại ẩn trong trạng thái cân bằng, nghiêm cẩn.

Mỗi tác phẩm ra đời có một thân phận khác nhau và mang khuôn mặt người: kiêu hãnh, khổ hạnh, đau thương. Chúng diễn đạt ham muốn khám phá đến tận cùng nội tâm của chính tôi và những người xung quanh, niềm khát khao hòa nhập giữa người với người & người với tự nhiên.

Tác phẩm không phải là thứ minh họa cho cảm xúc của tôi, nó là sự hiện diện toàn thể năng lượng và thẩm mỹ của tôi.

Trước khi một tác phẩm hình thành, tư duy và suy niệm của chị diễn ra theo chiều hướng đặc biệt nào?

Trước đây, tôi rèn hình và kỹ thuật nên làm rất nhiều phác thảo, chủ yếu bằng cách gập giấy hoặc cắt bìa cứng vì chúng cũng ở dạng tấm. Lúc này, hình đi trước ý. Về sau, tôi tưởng tượng trong đầu, tự thoại, rồi bắt tay vẽ hình, làm phác thảo. Lúc này, ý dẫn hình. Đôi lúc, tôi vẽ vu vơ trong vô thức.

Bất cứ điều gì xảy ra xung quanh đều có thể tác động đến tôi: một bài thơ, một lời khuyên, một bi kịch, một tín hiệu, sự chuyển mùa,… Những góc tối còn phong kín, nỗi sợ hãi, mất mát, các thế lực,  thường dễ ám ảnh tôi hơn điều tươi sáng. Chúng trôi nổi như những mảnh vỡ trong tiềm thức. Tôi thường ghi nhanh lại các từ khóa ấy, chúng quan trọng như dấu mốc tư tưởng hoặc mốc triển lãm. Lượng từ khóa đó giờ nhiều đến nỗi tôi thực hiện đến cuối đời cũng không hết.

Tâm trí tôi hoàn toàn đắm chìm vào các từ khóa đó, vươn xúc tu ra thu thập và sàng lọc các tín hiệu liên quan. Trong tôi lúc này chia tách thành nhiều tôi, xúc cảm, lý trí cùng đàm thoại. Rồi đến một lúc, tất cả cũng hiện diện và được xâu chuỗi thành câu chuyện. Hơn tất thảy, trí tưởng tượng và thẩm mỹ mới là thứ quyết định sau cùng. Từ đây, bàn tay sẽ tạo ra hình hài, cấu trúc tác phẩm.

Đôi khi tạo hình vượt ra khỏi ý nghĩ trong đầu, biến đổi và dẫn dắt. Lúc ấy lại một quá trình phản biện, bổ trợ giữa tư duy vô hình và tác phẩm hữu hình để điều chỉnh phác thảo. Sau phác thảo là bước chọn làm trên chất liệu gì thì thể hiện rõ được nội dung, có khả thi không, gồm kỹ thuật gì,… Cứ vậy, tôi bắt tay vào làm và điều chỉnh.

Chị nhắc nhiều đến sự tinh giản trong thực hành sáng tạo. Vậy có thể hiểu quá trình tinh giản tối đa này rõ hơn như thế nào?

Nó là khái niệm thuộc về tinh thần trước, tinh thần ấy chi phối thực hành. Bạn coi cái gì là tinh hoa, tinh tế, bạn sẽ quyết định “giản” như thế nào. Nếu làm ngược lại – tức “giản” trước, sẽ dễ rơi vào giản đơn, hời hợt, hình thức.

Tinh thần của nghệ sĩ thể hiện trong tất thảy: các mối quan hệ, năng lực, tư tưởng, thẩm mỹ.. mà tác phẩm là hiện diện sáng rõ nhất.

Là nghệ sĩ tạo hình, tôi nghĩ cứ quay về hình và bố cục hình cho vững vàng trước tiên. Trong tác phẩm của mình, tôi thường chú ý đến tổng thể hình lớn, mạch chuyển động chung và tỉ lệ, sao cho hình thể và cấu trúc đã diễn đạt được câu chuyện, chỉ điểm xuyết chi tiết khi cần nhấn mạnh. Tôi cũng trân trọng vẻ đẹp tự thân của bề mặt vật chất, hạn chế biến dạng nó.

Tối giản nhiều lý trí, Tinh giản thì tự nhiên mang tâm thức Đông phương hơn, tôi nghĩ vậy. Vài nghệ sĩ tuyên ngôn mình làm tối giản, ngay lúc này họ đã đi ngược lại tinh thần của chính nó. Tinh thần ấy sẽ tự hiển lộ, kiệm lời. Có như vậy mới thể hiện được tối đa cảm xúc bên trong và gợi nhiều liên tưởng cho người tiếp nhận.

Hãy thật thà với chính mình, tự vấn điều gì là cốt lõi trong đời sống và trong nghệ thuật. Vậy là đủ.

Chị có thể chia sẻ về dự án sắp tới của mình?

Diễn ra trong tháng 7 này là triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi tại InterContinental Hanoi Landmark72 mang tên “Âm Dương”.

Tôi tiếp tục thử nghiệm các chất liệu khác nhau và mong muốn kết nối liên ngành. Nỗ lực của tôi là đưa các tác phẩm điêu khắc kim loại của Lê Công Thành ra không gian lớn. Ông là điêu khắc gia Việt Nam mà tôi quan tâm nhất. Đây cũng là sự tri ân của thế hệ chúng tôi dành cho thế hệ nghệ sĩ đi trước.

Cám ơn chị vì những chia sẻ chân thành và sâu sắc!


Về Art Republik Next Gen 2020

Là một dự án mới mẻ trong giai đoạn cách ly và hậu cách ly, Art Republik Next Gen 2020 có ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng sáng tạo. Thông qua góc nhìn và nhận định của đội ngũ giám khảo dày dạn kinh nghiệm, Art Republik đã tìm kiếm thành công 19 gương mặt trẻ tài năng (trong tổng số 30 hồ sơ được lựa chọn và 70 hồ sơ gửi về) với những tác phẩm phản ánh suy nghĩ thực tế chứ không đơn thuần dừng lại ở chức năng duy mỹ, trong đó nổi bật rõ sự hội nhập với trào lưu nghệ thuật thế giới và bản sắc Việt.

+ Đọc thêm về dự án và danh sách tại: https://bit.ly/32w8TZV

Về Art Republik Vietnam:

Trong những năm gần đây, thị trường nghệ thuật Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mới mẻ, có thể kể đến việc các nghệ sĩ đang tìm cho chính mình những con đường mới với nhiều sáng tạo ra đời, hoặc thị trường nghệ thuật của chúng ta đang đứng trước bước ngoặt cách tân quan trọng..

Do đó, chúng tôi cảm thấy thời điểm này chính là cơ hội để ấn phẩm Mag/Book song ngữ Art Republik Vietnam ra đời để đóng vai trò cầu nối giữa người yêu nghệ thuật và nghệ sĩ, nhà sưu tầm tại Việt Nam, Đông Nam Á hay xa hơn thế nữa.

+ Đọc thêm về ấn phẩm số 1: Một diễn ngôn mới: https://bit.ly/39aieI8

+ Đặt mua ấn phẩm Art Republik: bit.ly/35bgI6N


 
Back to top