ART & CULTURE

Công Dân Trái Đất: Một triển lãm nghệ thuật về môi trường độc đáo của 6 nghệ sĩ tài năng

Dec 01, 2020 | By Trang Ps

Diễn ra từ ngày 27/11 đến ngày 29/11 vừa qua tại Hà Nội, triển lãm dự án Công Dân Trái Đất đã đưa tín đồ nghệ thuật bước vào không gian nghệ thuật, văn hóa và giáo dục thú vị với 6 tác phẩm độc đáo của các nghệ sĩ Nguyễn Linh Chi (với phần thiết kế âm thanh của Nhung Nguyễn), Lê Giang, Phạm Thu Hằng, Trần Thảo Miên và Nguyễn Đức Phương.

Triển lãm góp phần mang đến những lối tiếp cận khác nhau về môi trường trong mối liên hệ với lịch sử, tâm linh, đô thị hoá, viễn cảnh hậu nhân loại và vấn đề hậu thuộc địa.

Tác phẩm Những người vắng mặt là những hình ảnh tĩnh từ những đoạn phim ngắn, khán giả phải quét mã QR để xem.

Phạm Thu Hằng mang đến hình ảnh động và sắp đặt mang tên “Những người vắng mặt” (2020). Năm nay, Hằng phải trải qua một số vấn đề sức khỏe cá nhân nghiêm trọng, cô đã dành nhiều thời gian để suy ngẫm về bản thân và chính dự án. Nhìn lại những thước phim kéo dài hàng giờ liền từ những chuyến đi trước của mình, hình ảnh và âm thanh của những khuôn mặt và không gian đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của cô dường như vẫn còn đọng lại một cách đầy uể oải và chậm rãi. Nó khiến Hằng cảm thấy tội lỗi và lo lắng về việc có nên tiếp tục sử dụng những hình ảnh này để trích xuất ngày càng nhiều câu chuyện từ chúng hay không. Tác phẩm thể hiện những chất vấn hiện sinh khác về nghệ thuật khác như thành công trong nghệ thuật là thế nào khi mà cá nhân cô cho rằng việc thực hiện tác phẩm này là một thất bại thảm hại.

Một chi tiết của Hồ

Trong khi đó, Chi L. Nguyễn đã kết hợp cùng nghệ sĩ âm thanh Nguyễn Nhung để tạo nên tác phẩm “Hồ”. Mạng lưới mặt nước đặc trưng của Hà Nội không chỉ là những không gian tự nhiên tạo cảnh quan giữa bê tông cốt thép, mà trên hết, chúng đóng vai trò quan trọng về địa lý, môi trường, kinh tế, lịch sử và văn hoá. Tuy nhiên, những hồ và ao này đang nhanh chóng biến mất hoặc xuống cấp do nhiều nguyên nhân bao gồm rác thải, đô thị hóa và tư nhân hóa không gian công cộng.

Nghịch lý thay, trong quá trình nghiên cứu, Chi phát hiện ra rằng phần lớn “rác thải tâm linh” từ các nghi lễ hàng ngày ở thành phố, bao gồm bát hương, bàn thờ cũ, tro hóa vàng đã góp phần gây ô nhiễm nhiều hồ ở Hà Nội. Mối quan tâm từ lâu của cô đối với những câu chuyện và tri thức dân gian, cũng như cách mà truyền thống đôi khi dạy chúng ta về cách sống hòa hợp với thiên nhiên hơn là khoa học hiện đại, đã đưa cô tới việc khám phá kỹ thuật làm tranh gương từ một nghệ nhân lâu đời cũng như sự diễn giải lại các biểu tượng Phật giáo.

người cắm hoa của Lê Giang.

“Người cắm hoa” là một bộ 13 tác phẩm vẽ chì trên giấy. Với sự quan sát tỉ mỉ của mình, Lê Giang nhận thấy người cắm hoa có rất nhiều cách để tạo dáng cho hoa, nhằm tạo hiệu ứng thị giác trong trang trí: tuốt lá, uốn cuống, uốn nếp hoặc đảo cánh hoa, kết hợp vật liệu (gỗ, kim loại) để làm định hình bông hoa,… Những động tác cắm hoa, tuy đầy nâng niu, nhưng lại bộc lộ sự tàn bạo âm thầm của ham muốn chiếm hữu và tước đoạt thiên nhiên của con người. Loạt tranh vẽ muốn khắc họa sự tương phản giữa sự tính bạo lực và thẩm mỹ đầy chất thơ của nghệ thuật cắm hoa.

Holobiont của Trần Thảo Miên

Holobiont của Trần Thảo Miên

Holobiont của Trần Thảo Miên là một tập hợp của vật chủ và nhiều loài khác sống trong hoặc xung quanh nó, chúng cùng nhau tạo thành một đơn vị sinh thái. Các loài Holobiont được nghiên cứu bao gồm rạn san hô, đất và con người.

 

Tiếp tục hoài niệm về những tàn tích còn sót lại từ thế giới tiền hiện đại của chúng ta, ý tưởng cho “Đồng nguyên” của Nguyễn Đức Phương đến từ hình ảnh ngôi làng, chùa làng và con đường. Ba biểu tượng này đã từng là những hình ảnh đặc trưng của một làng quê đặc nét truyền thống của miền Bắc Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa, cấu trúc làng đã thay đổi hoàn toàn. Sử dụng đất và bụi đô thị được thu gom, Phương đã tạo nên một mảnh vẽ hình ảnh ngôi chùa cổ đang dần biến mất. Anh nhận thấy mỗi một tầng địa chất đều phản ánh một hệ sinh thái, văn hoá vô cùng đặc sắc và phong phú. Tác phẩm được đặt bên trong một bức tranh tường lịch sử khác trên mái vòm của trường đại học. Đối với Phương, hình ảnh ngôi chùa này là một ẩn dụ cho sự hòa hợp và niềm tin rằng các giá trị khác nhau có thể tồn tại cùng nhau để trở thành một thể thống nhất.

Bức tranh trên tường giảng đường Đại học Đông Dương cũ là tác phẩm mỹ thuật hiện đại lớn nhất Việt Nam, được Victor Tardieu thực hiện cùng các cộng sự trong khoảng từ 1921 đến 1927

Đây là dự án nghệ thuật đương đại mang nghệ thuật vào không gian công cộng mang tính lịch sử, đánh dấu lần đầu tiên không gian này được mở cửa cho người dân vào xem toàn bộ công trình kiến trúc, hiện là trường đại học Tổng hợp nhưng trước đó là trường Université Indochinoise, viện đại học công lập ở Liên bang Đông Dương do chính quyền đô hộ Pháp thành lập vào năm 1907. Viện đại học này đào tạo người dân ba nước Đông Dương và cả các nước châu Á khác. Ngôi trường nổi tiếng với tác phẩm của họa sĩ người pháp Victor Tardieu, hiệu trưởng đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương (École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine) tại giảng đường cũ của trường (hiện là phòng Ngụy Như Kon tum).

Bức tranh trên tường giảng đường Đại học Đông Dương cũ là tác phẩm mỹ thuật hiện đại lớn nhất Việt Nam, được Victor Tardieu thực hiện cùng các cộng sự trong khoảng từ 1921 đến 1927, với diện tích 77 m², tái hiện khung cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20, chứa 200 nhân vật. Có nguồn tin nêu tên gọi không chính thức cho tác phẩm này là bức “Bà đầm xòe”. Tên gốc chính thức của tác phẩm, khi được giao nhiệm vụ thực hiện ban đầu là La France Apportant à sa Colonie les Bienfaits de la Civilisation (Nước Pháp Mang cho Thuộc địa các Lợi ích của nền Văn minh), và khi được trưng bày là La Métropole, hay đầy đủ La Métropole: la science dispense au peuple d’Annam ses bienfaits (Đô thị: Khoa học cung cấp cho người dân An Nam những lợi ích của nó).


 
Back to top