ART & CULTURE

Hoan ca trong tĩnh tại cùng hội họa Đoàn Quỳnh Như

Aug 07, 2022 | By Trang Ps

Thơ mộng đủ để khiến thô ráp hóa thi vị, uyển chuyển chủ đủ để khiến những xung đột mạnh mẽ như trở nên múa nhảy và hoan ca. Đó là những gì mà ta có thể cảm nhận trong triển lãm “Khiêu vũ tới trập trùng” của họa sĩ Đoàn Quỳnh Như. 

Đoàn Quỳnh Như là một thi – họa sĩ. Chị có thể sáng tác thơ trước khi vẽ tranh nhưng ai biết tranh có thể xuất hiện trong tâm tưởng chị trước thơ? Thi và họa vì thế mà hòa vào làm một. Thi như bầu trời mênh mang luôn biến đổi, họa như ngân thành những âm vang. Nói đến đó cũng có nghĩa rằng trong họa của Như có nhạc. Vì thế mới có tên gọi “Khiêu vũ tới trập trùng”. Chẳng biết loạt tranh đến từ một nguồn cảm hứng nhất định nào bởi trong tâm hồn của Đoàn Quỳnh Như luôn có sẵn những xúc cảm của những lĩnh vực nghệ thuật ấy.

Hoan ca trong tĩnh tại

Tính uyển chuyển và dịch chuyển liên tục trong tâm hồn, mà Như dùng với cụm từ “tuýp người dễ mẫn cảm”, đã khiến cho hội họa của chị đầy thăng hoa và giàu tính gợi. Như có cách xử lý chất liệu khôn khéo, để bằng cách nào đó người ta không nghĩ rằng bức này chỉ đơn thuần là màu nước hay bức này chỉ đơn thuần là acrylic. Bởi trong acrylic, người ta vẫn thấy tính mềm mại của màu nước. Và để trong màu nước, người ta vẫn thấy chất cá tính mạnh mẽ của acrylic. Hơn thế nữa, những nét cọ ngân nga theo điệu nhạc tâm hồn khiến những bức tranh acrylic đạt chiều sâu như chiều sâu của hội họa sơn mài. Đó là một quá trình xử lý chất liệu như không còn sự xử lý, hàm ý tất cả diễn ra một cách tự nhiên và bản năng.

Cái đẹp của một bức tranh ngày nay nằm ở chỗ có thể “đánh lừa thị giác”. Nghe có vẻ cao siêu, nhưng điều đó hàm ý rằng người nghệ sĩ không còn chỉ đơn thuần trau chuốt cho hình tượng màu sắc trên tranh sao cho đẹp, sao cho kỹ thuật khoa học, mà là có thể tạo ra những chiều không gian nổi – chìm, nông – sâu cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Tranh của Như có bề nổi và bề chìm như cách ta từ trên một chiếc dù lượn nhìn xuống mảnh đất nhấp nhô gồ ghề hòa vào dòng sông hiền hòa uốn lượn bên dưới. Tranh của Như đạt tính nông và sâu qua việc chơi cấp độ màu, từ đây tính sáng và tối, buồn và vui, hạnh phúc và khổ đau, hoan ca và xung đột cũng được bộc lộ một cách thuần khiết và tự nhiên nhất.

Đôi khi, xem tranh của Như mà tôi mường tượng rằng đôi bàn tay và tâm hồn cô ấy như thánh thót theo một bản nhạc nào đó, tất cả được thể hiện qua sự múa nhảy của màu, tính rung động của hình,… khiến người xem như lạc vào một khoảng lặng xa xăm và dường như bất tận. Tôi mỉm cười chân thành với nữ họa sĩ: “Xem tranh chị, em không thể nghĩ được điều gì. Chỉ biết đó là một cảm giác rất tĩnh tại sau tất cả mọi ngược – xuôi, đến – đi, thăng – trầm, vốn là bản chất cuộc sống!”


 
Back to top