Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Joan Mitchell: “Vẽ tranh là quá trình đánh mất bản ngã”

Dec 10, 2020 | By Trang Ps

Joan Mitchell là nữ họa sĩ nổi tiếng thuộc trường phái biểu hiện trừu tượng. Ở châu Âu, người ta mô tả bà là “sauvage” (hoang dã), vì tính bộc trực, luôn nói những gì mình nghĩ. Bà cũng “khét tiếng” không kém tại New York, nơi bà thường tranh luận về triết học và tính thẩm mỹ của nghệ thuật trừu tượng từ các gian hàng tại Cedar Bar, câu lạc bộ dành cho nam sinh mà Willem de Kooning và Jackson Pollock thường lui tới.

Photo by David Turnley/Corbis/VCG via Getty Images.

Trong sự nghiệp kéo dài hơn 4 thập kỷ, Joan Mitchell (1925 – 1992) không ít lần trả lời phỏng vấn một cách thẳng thắn, thông qua đó, chúng ta thấu hiểu phần nào lý do các tác phẩm của người hoạ sĩ này luôn ẩn chứa tính biểu cảm sâu sắc. Cũng qua những cuộc trò chuyện, Joan Mitchell đã tiết lộ quá trình sáng tạo đột phá của mình: điều khiến bà quay trở lại xưởng vẽ bất chấp chứng nghiện rượu và trầm cảm, cách trui rèn bản năng và những ảnh hưởng sâu sắc đến các sáng tác.

Dưới đây là những bài học truyền cảm hứng mà Joan Mitchell từng chia sẻ trước công chúng.

Hãy để cảm giác là người chỉ đường cho bạn

Bracket

Joan Mitchell Bracket, 1989 San Francisco Museum of Modern Art (SFMOMA)

Vào năm 1986, Nochlin – một nữ học giả nghệ thuật đặt câu hỏi cho Mitchell: “Làm sao để bắt đầu vẽ một bức tranh?” Sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, nữ họa sĩ trả lời: “Chà… Tôi sẽ quay lại với cảm giác của mình.”

Cũng giống như một số nghệ sĩ biểu hiện trừu tượng hàng đầu khác, Mitchell đã tạo ra các tác phẩm được kích thích bởi những cảm giác sâu kín từ ký ức và tiềm thức cá nhân. Trong một cuộc phỏng vấn với Michaud vào năm 1986,  bà chia sẻ:  “Tôi muốn vẽ cảm giác của một không gian. Đó có thể là một không gian kín, một không gian rộng lớn, hay một vật thể…”

Thật vậy, nữ họa sĩ đã tìm cách thể hiện khía cạnh tâm lý của nhiều môi trường, đối tượng và trải nghiệm khác nhau bằng màu sắc riêng của bà – sắc màu của sự “đau đớn”. Trong cùng cuộc phỏng vấn trên, nghệ sĩ đã thảo luận về một loạt bức tranh mà bà thực hiện vào cuối những năm 1960, sau thời gian gián đoạn hoạt động nghệ thuật. Các bức tranh nổi bật với vòng tròn bao gồm những nét vẽ đầy năng lượng: màu vàng, tím đậm hay nâu. Những bông hướng dương tàn nhưng gợi cảm giác vô cùng mãnh liệt. “Chúng trông tuyệt vời khi vừa bung nở, nhưng cũng thật xúc động khi tàn úa đi.” Những cảm xúc này đã khiến nữ họa sĩ trở lại xưởng vẽ và hình thành tác phẩm mới.

Mitchell đặt cảm xúc vào tranh nhưng luôn hướng đến ý nghĩa cuộc sống. “Đó chính là cảm giác của sự tồn tại, hội họa là một phương tiện để cảm thấy mình đang sống.” – Bà đã chia sẻ như vậy.

Khi bạn bế tắc, hãy hướng về thiên nhiên

UNTITLED (BLUE MICHIGAN)

Joan Mitchell UNTITLED (BLUE MICHIGAN), 1961 Cheim & Read

Michaud bắt đầu cuộc phỏng vấn vào năm 1986 với một câu hỏi quan trọng: “Điều gì truyền cảm hứng cho bà trong hội họa?” Mitchell đăm chiêu trả lời: “Qua cửa sổ, tôi nhìn thấy hai cây linh sam trong công viên, bầu trời xám xịt và cơn mưa đổ xuống tuyệt đẹp, lúc ấy hướng vào tâm mình, tôi thấy niềm hạnh phúc khôn tả. Trải nghiệm ấy liên quan mật thiết đến sự sống. Khi nhìn thấy những cây thông, tôi cảm thấy mình có thể vẽ.”

Trong suốt cuộc đời bà, thiên nhiên và những cảm xúc luôn khuấy động và trở thành nền tảng cho những bức tranh trừu tượng. Nhà phê bình Irving Sandler đã viết: “Cảm xúc phải có sự tham chiếu từ bên ngoài. Và thiên nhiên chính là nguồn cung cấp cảm xúc cho các tác phẩm của bà ấy.”

Trong một lần Sandler ghé thăm xưởng vẽ ở Manhattan của họa sĩ, ông nhìn thấy bà đang sáng tác hai bức tranh. Sandler miêu tả: “Đó là cảnh quan mang tính hồi tưởng. Nhưng hình ảnh đại diện đã được biến đổi trong trí tưởng tượng bằng những cảm xúc lấy từ cây cầu và bãi biển.” Thật vậy, Mitchell luôn giữ một kho lưu trữ khung cảnh và thảm thực vật trong tâm trí mình.

“Đóng khung” trải nghiệm khiến bạn rung động

Parasol

Joan Mitchell Parasol, 1977 Sotheby’s

Bà trả lời Michaud: “Tôi đang gặp và trò chuyện với bạn. Nhưng hình ảnh về bạn trong đầu tôi là bạn đang ở trên bầu trời, vì theo cách đó, tôi sẽ nhớ đến bạn. Nhưng tôi không thấy bạn di chuyển xung quanh, đặt máy ghi âm hay ăn trưa. Điều này giống như một bức tranh vậy. Nó không chỉ là mảnh ghép của cuộc sống, nó là một hình ảnh thực, rất thực.”

Đánh mất bản ngã

“Lý do tôi vẽ là vì tôi không còn tồn tại nữa. Tôi liên kết quá trình vẽ với quá trình đánh mất bản ngã.” –Mitchell trả lời.

Trong khi, các tác phẩm của bà bắt nguồn từ những cảm xúc và ký ức thân thiết nhưng việc sáng tạo gần như bản năng. Bà quan niệm: “Vẽ tranh là một cách quên đi chính mình.” Trong nhiều cuộc phỏng vấn, bà ví điều này giống như đạp xe đạp mà không cần hai tay.  Đó là một trạng thái vô thức. Nó không xảy ra thường xuyên nhưng một khi xảy ra thì quá tuyệt hảo.

Untitled

Joan Mitchell Untitled, ca. 1953 Hollis Taggart

(artsy)


 
Back to top