ART & CULTURE

Trò chuyện Art Republik: Lakshmi Mohanbabu – Nữ nghệ sĩ Singapore đầu tiên trưng bày tác phẩm trên mặt trăng

Jun 27, 2020 | By Trang Ps

Lakshmi Mohanbabu là nữ nghệ sĩ có sức sáng tạo dồi dào với hàng trăm bức tranh được thể hiện trên nhiều chất liệu/phương tiện khác nhau, từ đó truyền tải yếu tố đa văn hóa. Cô cũng là nghệ sĩ Singapore đầu tiên có cơ hội trưng bày tác phẩm trên mặt trăng.

“2022 sẽ là một năm đặc biệt đối với tôi. Đó là khi ngước lên bầu trời, tôi hạnh phúc nhận ra rằng một tác phẩm nghệ thuật của bản thân có một cuộc đời trên đó.”

Lakshmi Mohanbabu là nghệ sĩ, nhà thiết kế thời trang & trang sức người Singapore lớn lên tại Kabul Afghanistan từ cuối thập niên 70 đến những năm 80. Cô tốt nghiệp Đại học Manipal với bằng kiến trúc, Cao đẳng Thiết kế Thời trang hàng đầu của New Dehli và Học viện Công nghệ Thời trang Quốc gia (NIFT).

Sức sáng tạo dồi dào của Lakshmi khiến cô xuất bản nhiều tác phẩm độc đáo với những bức tranh trên nhiều chất liệu/phương tiện khác nhau như bút mực, bút chì, than, acrylic, màu nước… Cô vừa thành thạo nghệ thuật vừa am hiểu kiến trúc, trang sức và thiết kế, từ đó giúp nữ nghệ sĩ kết hợp hoàn hảo các yếu tố giao thoa văn hóa vào tác phẩm.

LUXUO và Art Republik vừa có cuộc trò chuyện thân mật và sâu sắc với Lakshmi Mohanbabu để hiểu hơn về con đường thực hành sáng tạo của nữ nghệ sĩ tài năng này.

Sinh ra ở Kabul, Afghanistan và sau đó học ngành kiến trúc tại Ấn Độ, vậy Lakshmi đến Singapore trong thời gian nào?

Tôi sinh ra ở Ấn Độ. Cha tôi làm việc cho Liên Hợp Quốc ở Afghanistan, nơi tôi lớn lên. Sau khi nhận bằng kiến trúc ở Ấn Độ, làm trợ lý giáo sư tại NIFT (Delhi), tôi chuyển đến Singapore vào năm 2001 để sống cùng chồng mình.

Bắt đầu sự nghiệp với những bức chân dung và sau đó là nghệ thuật trừu tượng và hình học, đâu là nguồn cảm hứng cho sự tiến hóa này?

Là một kiến trúc sư và nhà thiết kế thời trang, tôi thường bị ám ảnh và cuốn hút bởi những kết cấu biểu tượng và hình học. Tôi thường kết hợp hai hình thức này lại với nhau. Tôi bắt đầu thực hiện sê-ri “Interactions” (Tương tác) vào năm 1992. Trong nhiều năm qua, tôi đã thêm các lớp nghĩa mới cho nó. Hiện tại, sê-ri có tổng cộng 20 bức tranh và tiếp tục nhiều hơn.

Sê-ri “expressions” mang ý nghĩa biểu trưng/ẩn dụ có cùng khái niệm cơ bản như sê-ri “Interactions”. Chúng đồng thời thể hiện tính hai mặt (về bản chất) hay tính biểu hiện.

Tôi làm việc với hai sê-ri này cùng lúc. Tôi yêu thích thử thách thể hiện ý tưởng giống nhau trên những loại hình khác nhau.

Được biết, Lakshmi luôn tìm kiếm những kỹ thuật, chất liệu, hỗ trợ mới trong nghệ thuật. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

Tôi tìm kiếm ý tưởng và ý nghĩa trong nhiều lĩnh vực khác nhau và thường thực hiện những nghiên cứu sâu rộng trước khi bắt đầu sáng tác. Quy trình này dẫn đến phương cách mà tôi muốn xử lý vấn đề. Tôi cho phép ý tưởng và khuynh hướng chỉ dẫn cho phương tiện và kết cấu của bức tranh. Tôi đồng thời làm việc trên nhiều “concept” khác nhau, phát hiện cái nào đến sớm và những “concept” khác sẽ tiếp tục được khám phá vào những ngày kế tiếp.

Chẳng hạn, trong sê-ri “Interactions”, tôi bắt đầu với ý tưởng tạo ra một hình dạng đơn chia không gian thành hai nửa: hình dạng tích cực xác định không gian tiêu cực không tồn tại, từ đó phản ánh thông điệp về tính đối ngẫu và bản chất tự do, phụ thuộc lẫn nhau của nó. Tôi tìm kiếm những biểu tượng được sử dụng bởi những người thuộc các nền văn hóa khác nhau và ý nghĩa của chúng như: Ying & Yang, Mandala, Dromenon và Gammadion. Tôi thêm nhiều lớp nghĩa khi tôi làm việc trên khung của toàn bộ sê-ri. Tôi cảm thấy sáng tác bằng acrylic trên toan là lý tưởng để tạo màu sắc chính xác, có chiều sâu và phối cảnh trong sê-ri này.

Sê-ri ”Interactions” là một bước ngoặt lớn đối với chị. Vậy “concept” đằng sau sê-ri này là gì? Hình lập phương biểu tượng cho vũ trụ trong bạn như thế nào?

Có một mối tương quan nhất định giữa tất cả các lĩnh vực như khoa học, triết học và nghệ thuật. Một suy nghĩ và hướng đi trong lĩnh vực này đều có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực khác. Chúng không tồn tại cô lập. Tính vô cùng và sự phụ thuộc, mối tương quan và tương tác là những khái niệm đặc trưng trong các tác phẩm của tôi. Để hiểu môi trường xung quanh và vũ trụ, chúng ta đã tạo ra nhiều nền tảng cơ bản và phương pháp phân tích; con số, hình dạng cơ bản như dấu chấm, tam giác, hình vuông, hình tròn… là phương tiện để khám phá nghệ thuật, khoa học, tôn giáo và cuộc sống.

Tính vô cùng và sự phụ thuộc, mối tương quan và tương tác là những khái niệm đặc trưng trong các tác phẩm của tôi.

Mỗi người trong chúng ta đều có ký hiệu riêng để thể hiện nhận thức, suy nghĩ và diễn giải của mình. Sê-ri “Interactions” dựa trên khái niệm “Infinity” (Vô hạn) về mặt số lượng, thời gian, không gian, chu kỳ sống và sự phụ thuộc lẫn nhau của các mặt đối lập để tạo ra một thế giới quan tích hợp vượt qua mọi tôn giáo, văn hóa và lục địa.

Trong bối cảnh ngày nay, du lịch, khám phá, tương tác, giao tiếp và kiến thức đã đạt đến một tầm cao mới; thế giới ngày càng phấn đấu hướng tới những khả năng vô hạn trong khi trải qua những vòng đời, chúng ta cố gắng định lượng ý nghĩa của nó bằng cách phân biệt và tích hợp các tính toán về lợi ích và rủi ro… Các biểu tượng được tạo ra trong sê-ri này là lời giải thích cho những khái niệm (concept) này. Những ý tưởng ấy xuất hiện trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống từ nguyên tử, thiên hà, vũ trụ,trái đất, mặt trời, mặt trăng, chu kỳ cuộc sống đến vòng tròn tương tác của chúng ta với bạn bè, gia đình và cộng đồng.

Các mô hình giao thoa văn hóa của mandala cũng được tìm thấy trong bánh xe tôn giáo từ Hindu, Phật giáo, Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo… Mandala là thuật ngữ của Phật giáo Kim Cương thừa, nghĩa là sự hợp nhất của từ bi và trí tuệ. Mandala chính là vũ trụ, bao gồm  vòng bên ngoài và phần trung tâm tinh túy. Mandala như thể là toàn bộ vũ trụ tràn ngập tình thương yêu với tâm điểm là trí tuệ, tâm từ bi cần phải được hiện thực hóa qua các hoạt động của tình yêu thương đích thực.

Tôi đã tạo khối lập phương trong sê-ri “Interactions” như biểu tượng thống nhất dựa trên diễn giải trên. Khối màu cam tượng trưng cho lửa sống, năng lượng, sự tiến bộ và các mũi tên biểu thị cho sự thăng thiên của thiên thể, và 24 mũi tên biểu thị cho sự thăng thiên đến thiên thể và sự chuyển động của thời gian trong chu kỳ 24 giờ ngày – đêm của chúng ta. Nó dựa trên sự tồn tại phụ thuộc lẫn nhau, chẳng hạn, Infinity (Vô hạn) đại diện bởi dòng liên tục duy nhất bắt đầu và kết thúc tại cùng một thời điểm cho thấy ý tưởng về vòng đời tiếp tục và vô hạn.

Được biết, chị là một trong những nghệ sĩ quốc tế được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (European Space Agency) lựa chọn. Tổ chức nhằm hướng đến điều gì và tại sao 2022 là một năm đặc biệt với chị?

Phòng trưng bày Moon Gallery đang nhắm đến một tác phẩm nghệ thuật mang tính hợp tác quốc tế và một phòng trưng bày ý tưởng đáng để đưa lên mặt trăng.

Tôi cảm thấy mắn khi được chọn vào dự án này với niềm hy vọng rằng vào năm 2022, một tác phẩm nghệ thuật của tôi sẽ tồn tại trên bầu trời.

Khi bắt đầu sê-ri “Interactions”, tôi muốn nó tương tác theo các cách khác nhau. Lần đầu tiên, nó được trưng bày tại phòng tranh tư nhân lớn nhất Singapore, bảo tàng nghệ thuật và thiết kế, và sau đó là hoạt hình mosaic trên màn hình lớn nhất thế giới và tiếp đến là một tác phẩm điêu khắc nhỏ bé (khoảng 1cm) được đặt tại một nơi cố định trên mặt trăng. Tôi muốn nó là thứ gì đó đặc biệt: một thứ bạn có thể chạm, cảm nhận và mặc lên, một thứ bạn có thể đeo như trang sức…

 

Chị có thể chia sẻ về người cố vấn truyền cảm hứng cho sự nghiệp của mình?

Đối với tôi, cuộc sống là người cố vấn tuyệt vời đã đưa tôi đi qua con đường hoàn toàn không có kế hoạch. Mọi nơi tôi đến, người tôi gặp, những thứ tôi trải nghiệm đều có thể ảnh hưởng đến lựa chọn và kết quả của tôi. Con đường là ngẫu nhiên. Tôi đã lên kế hoạch làm kiến trúc sư, vậy mà sau đó, tôi lại trở thành nhà thiết kế thời trang và là một nghệ sĩ. Một vòng xoắn trong cuộc đời tôi đều ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo và cách tiếp cận của tôi với nghệ thuật.

Cám ơn Lakshmi về những chia sẻ thú vị!


 
Back to top