Art Republik Review: Triển lãm “Nguyên Thoái”
Lạc bước vào không gian triển lãm “Nguyên Thoái”, giới mộ điệu có dịp ngụp lặn trong thế giới hội họa phá cách và vượt thoát khỏi tấm toan chật hẹp để phản ánh thông điệp về môi trường.
Là sự kết hợp hoàn hảo giữa giáo dục và thẩm mỹ, những tác phẩm hội họa trong triển lãm “Organic Devolution – Nguyên thoái” lần này không chỉ khiến tâm hồn chan chứa xúc cảm mà còn làm sống dậy trong ta tình yêu thiên nhiên, từ đó thức tỉnh loài người về thực trạng môi trường hiện nay và dự báo sẽ là dấu chấm hết nếu mỗi cá nhân không chung tay gìn giữ hành tinh chung.
Cuộc trưng bày vì tình yêu và lòng trắc ẩn trước vẻ đẹp thiên nhiên
Cuộc trưng bày lần này cũng là cuộc hội tụ của những cái tên nổi bật trong làng mỹ thuật Việt Nam như họa sĩ Nguyễn Thùy Hương, Phạm Văn Đức, Võ Thị Thu Sương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Lý Ngọc Hải và một họa sĩ Ireland – Ciarna Hackett. Tính đồng điệu giữa 6 con người là niềm đam mê nghệ thuật song hành tình yêu, lòng trắc ẩn trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Trái tim người nghệ sĩ có thể khóc (vì rung động) trước giọt sương mai đọng trên bông hoa xinh đẹp nhưng cũng có thể rơi lệ trước một con cá phải chết vì nuốt phải nilon.
Gặp gỡ họa sĩ kiêm giảng viên Đại học Mỹ thuật Nguyễn Thùy Hương, tôi có dịp nghe cô chia sẻ về mối lương duyên của những người họa sĩ: “Chúng tôi xót xa khi chứng kiến thiên nhiên ngày một kiệt quệ trước hành xử thiếu suy ngẫm của con người. Đó cũng là sợi dây kết nối cho mối duyên đặc biệt này. Mỗi họa sĩ gần như chỉ có đúng một tháng để chuẩn bị cho triển lãm nhóm Nguyên Thoái.”
Lúc đang suy tư chiêm ngưỡng bức họa “Thiên nhiên 2” với sắc đỏ sặc sỡ trên nền xanh thẫm của mây trời và cây lá, nữ họa sĩ mới kể: “Với chất liệu sơn dầu trên bố, nhiều người chợt nhìn tác phẩm này mà cứ có cảm tưởng như đang sờ vào thảm nhung mịn màng và ấm áp.” Có lẽ, thiên nhiên cũng vậy, ta đến với thiên nhiên trước tiên bằng thị giác nhưng vẻ đẹp đó đã ngấm ngầm chạm vào khứu giác, xúc giác và nhiều hơn thế nữa.
Có lẽ, thiên nhiên cũng vậy, ta đến với thiên nhiên trước tiên bằng thị giác nhưng vẻ đẹp đó đã ngấm ngầm chạm vào khứu giác, xúc giác và nhiều hơn thế nữa.
Kế cạnh những bức họa của Nguyễn Thùy Hương là những tác phẩm “Nai” và “Những phần còn lại” của Lý Ngọc Hải trong chất liệu sơn mài. Hội họa của Lý Ngọc Hải khiến con người ta cảm thấy vừa cả phần đầy đủ vừa cả phần mất mát, vừa có mong manh vừa có dự cảm chẳng lành, nhưng toát lên trong đó vẻ đẹp của thiên nhiên qua gam màu sống động và gợi cảm. Tất cả được đặt cạnh nhau để nhấn mạnh sự tương phản. Giống như trên hành tinh này, có những khu rừng bảo tồn, và có những khu rừng bị hủy hoại. Có những loài động vật đang sống trong sự sợ hãi trước thú vui săn bắn của con người (được thể hiện qua bức tranh “Nai”) và có những mất mát được thể hiện qua “Những phần còn lại”.
Thẩm mỹ và giáo dục của Ciarna Hackett được thể hiện qua loạt tranh cỡ nhỏ trong chất liệu tổng hợp trên giấy. Được sắp đặt trên một dải bức tường riêng, Ciarna hút hồn giới thưởng lãm bởi gam sắc sặc sỡ, đóng vai trò như linh hồn của tác phẩm. Trong đó, bức tranh “Amazon – Lá phổi của trái đất” khiến tôi chú ý và ấn tượng hơn cả bởi con mắt chứa đựng linh hồn trong vòng tròn (trái đất) đầy sắc màu rực rỡ.
Ciarna nhấn mạnh vào tính đa dạng và màu mỡ của Mẹ thiên nhiên, tô vẽ cái đẹp và cái tròn đầy để cảm hóa lòng trắc ẩn trong mỗi người.
Đối diện là loạt tác phẩm của Liêu Nguyễn Hướng Dương, và lần đầu tiên trong 10 năm qua, người thưởng lãm không còn thấy hoa đào là tâm điểm trên tranh Liêu Nguyễn. Bước ngoặt này đánh dấu sự can đảm và táo bạo, bứt phá khỏi lối mòn một thập niên trên con đường sáng tác của nam họa sĩ.
Thông thường, khi một họa sĩ chuyển hướng, sẽ có một bộ phận đánh giá về cái dở trước. Nhưng không, ở “Nguyên Thoái” lần này, cái tài của Liêu Nguyễn đã thực sự thuyết phục những người yêu nghệ thuật khó tính nhất. Màu sắc cân bằng và đôi chút nổi loạn, những bức họa biểu hiện chủ đạo này khiến người thưởng lãm khó mà rời đi ngay tức khắc, nếu không muốn nói là đem lòng yêu từ cái nhìn đầu tiên.
Thẩm mỹ trong tranh của Phạm Văn Đức và Võ Thị Thu Sương đậm dấu ấn cá nhân và đặc biệt, không men theo lối mòn nào. Họ có quan niệm sáng tác riêng biệt và độc đáo. Tôi tìm thấy trong “Bản Nguyên” của Phạm Văn Đức tính dễ bị tổn thương và khát khao tình yêu còn “Những đứa trẻ” của Võ Thị Thu Sương mang đến những suy tưởng về tính chưa thành hình nhưng đã biết như thế nào là niềm vui, nỗi buồn và nỗi đau.
Hiện triển lãm vẫn diễn ra đến hết ngày 29/7 tại phòng trưng bày Hội Mỹ thuật Tp. HCM 218a Pasteur, Phường 12, Quận 3, Tp. HCM.