ART & CULTURE

“Less is a Bore”: Sự hồi sinh của kiến trúc hậu hiện đại

Aug 07, 2021 | By Trang Ps

Chủ nghĩa hậu hiện đại là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử kiến trúc, qua đó chứng minh sự sẵn sàng của các chuyên gia trong việc xác định kỷ nguyên mới xuất hiện dựa trên sự bác bỏ những phong trào trước đó.

Tòa nhà M2, Nhật Bản, 1991, thiết kế bởi Kengo Kuma.

Chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1960 đánh dấu việc rời bỏ chủ nghĩa hiện đại. Trường phái này chống lại sự tối giản hiện đại hay mang tính hình thức nhưng thiếu đa dạng của kiến trúc hiện đại, đặc biệt là phong cách mà Le Corbusier và Mies van der Rohe ủng hộ.

Chủ nghĩa hậu hiện đại hướng đến việc bảo vệ kiến trúc với những biểu tượng có thể truyền đạt các giá trị văn hóa. Nó chống lại sự tẻ nhạt và đồng nhất bằng cách ca ngợi sự khác biệt. Vì thế, các kiến trúc sư theo trường phái này thường cố gắng tạo ra các tòa nhà nhạy cảm với bối cảnh mà chúng tọa lạc.

Ordnance Pavilion, UK, 2018, do Studio Mutt thiết kế.

Kiến trúc sư kiêm nhà lý thuyết Robert Venturi giữ vai trò quan trọng trong lịch sử kiến trúc hậu hiện đại. Ông là một trong những tác giả đầu tiên viết về chủ nghĩa hậu hiện đại trong cuốn sách Complexity and Contradiction in Architecture (1966).

Trong bản tuyên ngôn “nhẹ nhàng” này, Venturi định nghĩa hậu hiện đại bao gồm những yếu tố “lai tạp hơn là thuần túy, mơ hồ thay vì rõ ràng, đa đạng thay vì đơn giản, không nhất quán và không đồng đều…” Thay cho các học thuyết cứng nhắc của chủ nghĩa hiện đại, Venturi đề xuất kết hợp các yếu tố lịch sử, những tài liệu không thông thường, sử dụng phân mảnh và điều chế trong khi tạo điểm nhấn chính cho mặt tiền. Nói cách khác, chủ nghĩa hậu hiện đại đại diện cho những cách suy nghĩ mới về các tòa nhà. Nếu Mies van der Rohe nói rằng “less is more” (ít hơn thì chất lượng hơn), Venturi đáp lại rằng “Less is a bore” (Ít hơn là một sự nhàm chán).

Duncan Hall, USA, 1996, thiết kế bởi John Outtam.

Cùng với Venturi, phong cách này cũng phát triển mạnh mẽ trong các công trình của Michael Graves, Charles Moore, Philip Johnson ở Hoa Kỳ và Aldo Rossi tại Ý từ những năm 1980 đến những năm 1990. Tòa nhà AT&T của Johnson mở cửa vào năm 1984 tại New York được biết đến như một tượng đài quan trọng của chủ nghĩa hậu hiện đại.

Ông đã xây dựng một tòa tháp được bao bọc bằng đá granit màu hồng và trên cùng giống như một chiếc vương miện. Dù trước đó, Johnson đã giúp thiết lập chủ nghĩa hiện đại ở Hoa Kỳ nhưng ông luôn hứng thú với những ý tưởng mới, vì thế, ông đã thử nghiệm kết hợp chủ nghĩa trang trí cổ điển, sử dụng các yếu tố lịch sử theo phong cách hậu hiện đại.

AT&T Building / Philip Johnson và John Burgee

Vào cuối những năm 1990, phong trào này đã chia thành nhiều xu hướng mới, bao gồm kiến trúc công nghệ cao, chủ nghĩa tân cổ điển và chủ nghĩa giải tỏa kết cấu. Nói dễ hiểu hơn, ngày nay, thuật ngữ hậu hiện đại là một thuật ngữ chung nhằm mục đích phê phán kiến trúc hiện đại và chống lại tư duy độc tài. Nhưng, trở thành hậu hiện đại không có nghĩa là trở thành một phần của thời đại mới, hay ám chỉ một phong cách cụ thể. Trường phái này không từ chối sự hiện diện của quá khứ và sự hiểu hiết về các điều kiện và công nghệ văn hóa mới hôm nay.

Les Orgues de FlandreChange do Martin Van Trek thiết kế.

PPG Place, USA, 1983, thiết kế bởi Philip Johnson và John Burgee

Cuốn sách Less is a Bore, đặt tên theo câu nói nổi tiếng của kiến trúc sư Robert Venturi, đã ca ngợi kiến trúc hậu hiện đại dưới mọi hình thức. Tác phẩm là một cuộc khảo sát toàn cầu về hơn 200 tòa nhà theo trường phái hậu hiện đại, do các kiến trúc sư lừng danh như Helmut Jahn, Kengo Kuma, Charles Moore thiết kế…

Less is a Bore coi trọng sự phức tạp đa dạng hơn sự đơn giản, và đặt tư duy bối cảnh cũng quan trọng không kém phần nội thất bên trong. Theo Hopkins, việc xuất bản cuốn sách này trùng với sự trở lại ngoạn mục của các thiết kế trang trí công phu và hình thức biểu đạt trong kiến trúc và thiết kế.

Kindergarten Wolfartsweier, Germany, 2002, thiết kế bởi Tomi Ungerer và Ayla Suzan Yöndel

Tuy nhiên, không giống với sự hồi sinh gần đây của nghĩa nghĩa tàn bạo, sự hồi sinh của chủ nghĩa hậu hiện đại vượt ra ngoài thẩm mỹ và trang trí đơn thuần, thể hiện tham vọng và thay đổi của thời đại.

State of Illinois Center, USA, 1985, do Helmut Jahn thiết kế.

Các kiến trúc sư và nhà thiết kế của trường phái này đang đi ra khỏi vùng an toàn của các phương thức biểu đạt thông thường, tập hợp những thủ pháp thiết kế và thẩm mỹ đã bị loại bỏ trước đây để sáng tạo cái mới mang dấu ấn táo bạo và có tương phản cao.


 
Back to top