Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Nghệ sĩ Chinh Ba: Mang hơi thở nghệ thuật sống giữa lòng Hội An

Jan 20, 2021 | By Trang Ps

Là nghệ sĩ trình diễn thơ độc lập, Chinh Ba cũng là nhà sáng lập không gian CAB Hoian với 3 chức năng: CAB Studio cho hoạt động nhảy múa, trình diễn, CAB Lab cho hoạt động nghệ thuật trẻ em, CAB Residency cho hoạt động lưu trú nghệ thuật nhằm bảo vệ di sản nghệ thuật khu vực miền trung. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi xoay quanh chiến lược và kế hoạch phát triển của Chinh tại không gian này.

Mối nhân duyên nào đã khiến anh thành lập nên CAB Hoian vậy?

Tôi từng là biên tập viên truyền hình, trong một lần làm phóng sự du lịch từ miền bắc đến miền nam, tôi có duyên ghé thăm Hội An và cảm giác một sức hút mạnh mẽ. Tôi trở về công ty, nộp đơn xin nghỉ và chỉ gói gọn sau 4 ngày, tôi đã có mặt tại Hội An. Tôi nghĩ nơi đây có thể trở thành một đô thị nghệ thuật thu nhỏ như đồi Montmartre, với tiềm năng tập hợp nhiều nghệ sĩ lưu trú và sáng tác. Giai đoạn đó rơi vào cuối năm 2016, khi đã có nhiều nghệ sĩ trở về nhưng số lượng làm việc lại không nhiều. Vì thành phố di sản có thế mạnh nghỉ dưỡng du lịch nhiều hơn, khác với Sài Gòn và Hà Nội, nơi guồng quay công việc rõ ràng với đầy đủ đội ngũ hỗ trợ phát triển nghệ thuật. Trong khi đó tại Hội An, những nhân tố cá nhân, tổ chức đến các hoạt động chuyên về nghệ thuật lại thiếu vắng và khó khăn.

Để biến Hội An trở thành một điểm đến như vậy, tôi nghĩ phải xây dựng môi trường và hệ sinh thái nhỏ trước hết. Tôi mất khoảng 2 năm đầu sống ở Hội An để có dịp tìm hiểu mọi thứ, sau đó, tôi viết dự án hệ sinh thái CAB và may mắn xin được tài trợ. Cũng trong thời điểm này, Lune Production về Hội An và tổ chức vở múa Palao. Biên đạo múa Ngô Thanh Phương và nghệ sĩ âm nhạc Nguyễn Nhất Lý mời tôi tham gia biểu diễn. Đó cũng là cơ hội để công chúng biết đến tôi nhiều hơn, và là một bước đệm tốt giúp tôi vững tài chính trước khi CAB Hoian ra đời.

Những ngày đầu khi CAB Hoian mới được thành lập và bây giờ đã có sự thay đổi phát triển như thế nào, thưa anh?

CAB là không gian văn hóa nghệ thuật tập trung vào sự giao lưu và trao đổi nghệ sĩ cũng như đưa văn hóa Hội An đi ra bên ngoài. Trong hệ sinh thái về trao đổi bắt buộc phải có nơi lưu trú và môi trường cơ bản để nghệ sĩ lưu trú có thể sáng tác. Hoặc, khi họ đến đây giới thiệu tác phẩm thì phải có nhà tổ chức và nhà phân phối các thực hành của họ. Thoạt đầu, CAB Hoian nép mình trong một tòa nhà nhỏ mà ấm cúng ở phố Bà Triệu, với sàn tập và đẩy đủ công cụ để nghệ sĩ đến và thực hành. Chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động nghệ thuật thu hút các em nhỏ, mời nghệ sĩ múa về biểu diễn, trình diễn âm nhạc về và làm workshop cho địa phương, để người dân làm quen với những hoạt động sáng tạo nghệ thuật ấy.

Khi CAB Hoian ra đời, tôi muốn tập trung vào việc trao đổi văn hóa, và quyết chọn yếu tố đầu tiên của khu vực miền trung là tuồng để thực hiện chương trình biểu diễn Into Tuồng. Lý do để chọn tuồng là vì nó bắt nguồn từ miền trung và phát triển ở khu vực này từ thế kỷ 15 đến bây giờ. Cung đình Huế thậm chí từng mở trường dạy tuồng và hát bội. Đó là hình thức sân khấu duy nhất ở khu vực miền trung từ thế kỷ 16 đến 19, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa tâm linh người dân. Vào năm 2019, chúng tôi đã tổ chức hai đợt Into Tuồng khá ấn tượng và sẽ trở lại vào năm 2021 này.

Gần đây nhất là sự kiện nghệ thuật đương đại CABCON 2020 quy tụ hơn 20 nghệ sĩ và 50 tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực thực hành khác nhau như mỹ thuật, nhiếp ảnh, trình diễn, múa, phim, video art, thị giác,… Đây là một trong những sự kiện kéo dài và đông nghệ sĩ nhất miền Trung năm 2020.

Tiêu chí đầu tiên luôn là tạo chương trình kích thích sự tò mò về nghệ thuật và tạo thói quen đi thưởng thức nghệ thuật. Trong quá trình này, tôi phải cân bằng giữa gu thẩm mỹ cá nhân và giáo dục người khác. Chẳng hạn, năm ngoái, CAB Hoian chọn chiếu một bộ phim khá khó tiếp cận của Mzung nhưng bù lại, ngay sau đó lại có tiết mục múa ba-lê nhẹ nhàng dễ đi vào lòng công chúng. Thành ra, hai tiết mục ấy truyền cảm hứng cho nhau và cùng nâng tầm nhau. Vì thị trường còn mới nên đôi khi bản thân phải giảm “tone” xuống, quyết tâm nhẫn nại và từ từ phát triển.

Hình thành và phát triển CAB Hoian ở một đô thị di sản nhỏ như ở Hội An hẳn sẽ gặp khá nhiều khó khăn vì mục đích chính của nó gần như là bảo tồn?

Phát triển nghệ thuật đương đại ở một đô thị di sản hẳn sẽ khó khăn hơn vì nền tảng của nó rất truyền thống. Hơn nữa, nơi đây chủ yếu phục vụ du lịch, vì vậy mà việc đầu tư cho những bộ môn nghệ thuật thực hành và thể nghiệm khác cực kỳ khó.

Nhưng nếu ở trong một tâm thế linh hoạt đón nhận thì mọi thứ đều có thể. Bắc Kinh, Đài Loan hay Thượng Hải đều là những thành phố cổ, và sát bên chúng ta có Campuchia, các hoạt động về nghệ thuật vô cùng sôi nổi. Hay như, nếu bước vào một bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Thái Lan, bạn sẽ mê mẩn không muốn bước ra. Vấn đề là khai thác như thế nào và khi tập trung vào việc khai thác, con người sẽ tìm hiểu cách làm.

Khi đưa nghệ sĩ về CAB, chúng tôi để họ và các thực hành của họ tiếp cận với công chúng để công chúng có thói quen tiếp cận những bộ môn nghệ thuật như vậy, một điều mà trước đây hiếm khi làm được. Một may mắn nữa là Hội An đang tạo ra những chính sách mở cho các hoạt động sáng tạo. Chẳng hạn, trong Liên hoan phim Đức thuộc sự kiện CABCON vừa qua, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch đã tận tình hỗ trợ nhân lực và rạp chiếu phim Hội An.

Như vậy, vấn đề là nghệ sĩ có cảm thấy Hội An là môi trường tiềm năng để đến và sáng tác hay không. Nếu họ chưa thấy đây là môi trường tiềm năng, thì CAB Hoian đang đóng vai trò tạo ra sự tiềm năng ấy.

Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy những mô hình như CAB Hoian hoạt động và phát triển là các cuộc hợp tác, mà phần hỗ trợ thiết yếu liên quan đến tài chính. Anh có nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Và khó khăn ở đâu?

Nghệ thuật tạo ra nhiều giá trị, thay vì chỉ chăm chăm dừng lại ở giá trị tiền bạc. 9 Blocks (đơn vị hợp tác với chúng tôi) hiểu rõ điều đó khi họ đầu tư vào nghệ thuật. Họ hiểu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, họ muốn trả lại xã hội một không gian thở, một không gian cảm nhận và thưởng thức cái đẹp. Có những công ty, tập đoàn chọn theo hướng trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường, về an sinh xã hội,… ở Việt Nam và trên toàn thế giới, nhiều đơn vị đang chuyển hướng sang nghệ thuật. Và tôi thực sự đánh giá cao lựa chọn này.

Nói về khó khăn, tôi nghĩ là khó khăn với người khác chứ không phải ở mình. Khi trình bày một dự án, đó là khó khăn của người nghe để đưa ra lựa chọn vì họ vẫn chưa quen với việc đầu tư vào nghệ thuật. Và nếu chọn người hợp tác cùng, tôi bắt buộc phải chọn người sống hoặc có khả năng sống ở khu vực này. Tôi muốn tập trung vào công việc nghệ sĩ và giám tuyển, và cần những người khác thực hiện phần việc còn lại.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị ngày hôm nay nhé!


 
Back to top